Trong không khí hân hoan chào mừng 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), chúng tôi tìm gặp những nhân chứng lịch sử đặc biệt. Người thì nhận nhiệm vụ “về” trước ngày 10/10, người thì có mặt đúng ngày rực rỡ cờ hoa…

Thời khắc thiêng liêng trở về tiếp quản trái tim của đất nước luôn sống động trong ký ức của họ.

Trong căn phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn 20 m2 tại phố Nguyễn Viết Xuân (Thanh Xuân, Hà Nội), Đại tá, Dương Niết trang trọng dành nhiều góc để trưng bày những kỷ vật về một thời chiến đấu cùng dân tộc.

Tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi, cả cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Dương Niết trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sau này ông còn tham gia chiến dịch Tây Nam năm 1979. Với Đại tá Dương Niết, năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của ông càng thêm ý nghĩa khi được cùng đồng đội ở Tiểu đoàn Bình Ca trở về làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô năm 1954.

Đại tá Dương Niết hào hứng kể: Đại đoàn 308 vinh dự được Bác Hồ giao nhiệm vụ vào tiếp quản Thủ đô. Theo thoả thuận của hai bên, 35 tổ của Tiểu đoàn Bình Ca được phân công vào trước vài ngày, phụ trách 35 điểm mà Pháp đang chiếm giữ. Khi ấy, dù rất vui sướng vì Hà Nội được giải phóng, nhưng vì quân Pháp vẫn chưa rút hết, lại nhận nhiệm vụ ngay “sát sườn” địch, nên anh em vẫn dặn nhau nêu cao tinh thần cảnh giác, nhất định phải bảo vệ Nhân dân và tài sản của dân, không cho địch phá hoại, cũng như không để chúng cưỡng bức dân di cư.

“Tự hào lắm, khi được là một trong 214 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn nhận nhiệm vụ đặc biệt này. Chúng tôi khi ấy cũng mới chỉ mười chín, đôi mươi, còn rất trẻ. Tổ của tôi phụ trách bảo vệ Sở Cảnh sát Bắc Việt (trụ sở Công an TP Hà Nội bây giờ). Các tổ còn lại phụ trách nhiều vị trí quan trọng khác như: Phủ Toàn quyền, Tòa Thị chính, Tòa án tối cao, Nhà máy điện, Nhà máy nước, Nhà máy đèn Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, Nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai…”, Đại tá Dương Niết nhớ lại.

Cuộc chiến ngăn chặn âm mưu trao trả một Hà Nội hoang tàn, đổ nát của địch tuy không có tiếng súng, nhưng vô cùng căng thẳng, phức tạp. Địch muốn phá, còn Chính phủ ta muốn giữ lại tất cả cho Nhân dân, đấu tranh phải tránh nổ súng.

Đại tá Dương Niết kể, sau khi hành quân về tới phía Bắc cầu Đuống, khung cảnh của những cánh đồng rau xanh mơn mởn và tình cảm của người dân khi thấy bộ đội về khiến các anh em trong Tiểu đội không ai kìm được nước mắt. Người dân mang gạo, mang rau hồ hởi tới biếu bộ đội, nhưng quy định khi ấy là tuyệt đối không được nhận quà, nên các anh phải từ chối.

 

Khi về tới Sở Cảnh sát Bắc Việt, thấy khẩu hiệu rất to được treo trên lan can tầng hai với dòng chữ: “Có đi vào Nam hay là ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ?” (đồng chí Lý Bá Sơ là giám đốc trại giam của ta), hiểu rõ đây là một thủ đoạn của địch hòng lôi kéo nhân dân di cư, tổ của ông Dương Niết đã ngay lập tức yêu cầu địch gỡ xuống.

Trong những đêm tổ Bình Ca nhận nhiệm vụ canh giữ tại nội thành, việc ăn uống của cán bộ, chiến sĩ do anh nuôi phụ trách, nhưng đồ ăn sẽ được quân Pháp chở xe đưa tới từng nơi. Tiếng là phối hợp để đảm bảo các bữa ăn cho chiến sĩ ta vào tiếp quản, nhưng việc vận chuyển đồ ăn của quân địch thường xuyên có các “sự cố”, khiến chưa ngày nào cả 35 tổ của Bình Ca được ăn đủ hai bữa mỗi ngày.

“Không biết có phải do “quên” hay không, mà tối ngày 8/10 và sáng 9/10, xe đồ ăn không ghé tới tổ chúng tôi”, Đại tá Dương Niết kể.

Theo lời ông, đêm hôm đó, dù rất đói, nhưng cả tổ vẫn động viên nhau cố gắng, tụ tập hát các bài ca Cách mạng, vừa để át đi sự mệt mỏi, vừa để “bắn tin” cho quân Pháp biết rằng, bộ đội ta vẫn khỏe mạnh, vẫn luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi phá hoại của chúng.

“Trên chiến trường có “tiếng hát át tiếng bom”, còn ở Thủ đô có “tiếng hát canh quân thù”, Đại tá Dương Niết mỉm cười, hóm hỉnh.

Đại tá Dương Niết cũng nhớ về câu chuyện với anh lính người Đức bị quân Pháp bắt làm tù binh. Người lính Đức này có đứng nói chuyện với bộ đội Việt Nam, nên bị quân Pháp đánh và cấm liên lạc. Nhưng đến đêm, anh ta vẫn lẻn xuống ném vào chỗ tổ Bình Ca vài bao thuốc lá. Có lẽ do hồi chiều đã nhìn thấy anh em nói chuyện, rồi cuốn thuốc lá Cẩm Thủy (Thanh Hóa) hút.

Nhớ về không khí phấn khởi, hào hùng của những ngày tháng 10 lịch sử, Đại tá Dương Niết có thoáng chút tiếc nuối: “Đêm 9/10/1954 là một đêm Hà Nội không ngủ, cổng chào từ khắp các cửa ngõ được dựng lên. Ngày 10/10, bộ đội chính quy về tiếp quản Thủ đô, khắp nơi rộn ràng tiếng cười, tiếng nhạc. Hàng trăm “dòng sông đỏ” của cờ, của hoa đổ về Hà Nội. Nhưng chúng tôi vẫn đang làm nhiệm vụ, nên tuyệt đối không được phép rời khỏi vị trí tiếp quản, không được xuống đường, chỉ có thể ngồi trong nhìn ra và vui chung với mọi người mà thôi”.

Cùng chung nhiệm vụ vào thành trước để gìn giữ và ngăn chặn âm mưu chống phá của địch, nhiệm vụ của Bí thư Chi đoàn học sinh kháng chiến trường Trưng Vương năm 1954 Nguyễn Thị Minh Hà cũng vô cùng đặc biệt. Trong ký ức của bà, ngày đón đoàn quân tiếp quản trở về cũng để lại nhiều tiếc nuối.

Bà kể: “Chúng tôi tổ chức đội thành hai nhóm. Một nhóm đứng phía ngoài, cầm cờ hoa chào mừng, nhóm còn lại được tản mát ra các hướng phía sau vừa canh gác, vừa kịp thời ứng phó các trường hợp xấu xảy ra. Nhìn người dân đón quân về vui vẻ, chúng tôi cũng muốn ra lắm, nhưng nhiệm vụ là bảo vệ phía trong, nên phải tuyệt đối nghe theo lệnh.

Không khí ngày ấy vui lắm. Chúng tôi toàn thanh niên, phấn khởi tới mức cứ rảnh là rủ nhau đi khắp các con đường của Hà Nội, chẳng thiết đến ăn uống. Háo hức chờ tới ngày quân ta kéo về tiếp quản. Ngày ấy còn trẻ, vô tư, chỉ cần được sống trong niềm vui của tự do, hòa bình, giải phóng là hạnh phúc lắm rồi”.

Trong chuyến đi đặc biệt tìm lại những nhân chứng lịch sử tham gia giải phóng Thủ đô, chúng tôi may mắn được gặp Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà, Trưởng ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930 - 1954). 78 năm kể từ ngày “xếp bút nghiên” gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, ký ức về ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Hà Nội vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già.

 

Ông kể: “Sáng 10/10/1954, trống giong cờ mở, ba đoàn quân tiến về tiếp quản Hà Nội. Cuộc hành quân lịch sử mang niềm vui giải phóng về với khắp con đường của Thủ đô. Hai bên đường, người dân không ai giấu nổi niềm hạnh phúc, thành từng đoàn mang theo khẩu hiệu, ảnh, cờ, hoa hân hoan mừng từng đoàn quân trở về.

Quân ta về đến đâu, làn sóng cờ đỏ hiện ra đến đó. Những khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Quân đội nhân dân Việt Nam muôn năm”... vang lên không ngớt. Nhiều nhạc sĩ không kìm được lòng mà mang đàn ra gảy, múa hát ngay giữa lòng đường.

Vui mừng, sung sướng được về lại với Thủ đô, giải phóng người dân khỏi sự kìm kẹp, nhưng anh em chúng tôi vẫn chưa được ghé thăm nhà, nhằm đảm bảo an toàn. Có chăng là gặp nhau, vẫy tay chào trên đường mà thôi”.

Ông Nguyễn Tiến Hà rưng rưng cảm xúc nhớ lại không khí của chiều ngày thu tháng 10 lịch sử tại sân Cột cờ Hà Nội. “Đúng 3 giờ chiều, Tiến quân ca của Việt Nam vang lên, lá cờ đỏ sao vàng sau 9 năm vắng bóng tung bay trước gió. Những tiếng còi trước đây dùng để báo động cũng rền vang, như một hồi kèn chiến thắng, báo cho Nhân dân biết Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã về Hà Nội, giải phóng Thủ đô. Người dân dù ở trong nhà hay ngoài đường khi ấy đều hướng trái tim mình về cột cờ Hà Nội để chào cờ, cùng vui niềm vui chiến thắng”, ông Hà kể.

Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội khi ấy là đồng chí Vương Thừa Vũ, cùng bác sĩ Trần Duy Hưng đứng chủ lễ chào cờ. Hai người con ưu tú của Thủ đô và dân tộc đã cùng Đại đoàn 308, thay mặt quân đội và Nhân dân nghiêm trang đứng chào lá cờ Tổ quốc. Ai có mặt ở đó cũng xúc động, nhất là những người lính năm xưa đã ra đi từ mảnh đất này, với lời hứa hẹn ngày trở về.

Trên gương mặt chằng chịt những nếp nhăn, đôi mắt của người lính, người thầy giáo già đã bước qua tuổi chín mươi sáu bỗng nhòe đi. Ông Hà xúc động: “Vui mừng vì được trở về, nhưng tôi lại thấy thương thật nhiều những đồng đội của mình đã hy sinh, không kịp vui niềm vui chiến thắng, không được chứng kiến khoảnh khắc ý nghĩa này. Chúng tôi ai cũng nhớ Hà Nội lắm, tuy phải xa nhân dân nhưng trái tim lúc nào cũng hướng về nơi này”.

Trước đó, cuối năm 1948, nhà giáo Nguyễn Tiến Hà được điều về vùng địch tạm chiếm là nội thành Hà Nội với chức danh giáo sư dạy học. Nhưng thực chất, ông đã khéo léo vận động, bồi dưỡng học sinh, nhân sĩ, trí thức đi theo kháng chiến. Bí danh Nguyễn Tiến Hà thực chất là gọi chênh lệch của lời thề “Nguyện tiến về Hà Nội”.

Năm 1950, ông không may bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau gần 3 năm sống trong nhà tù thực dân, ông đã tìm cách liên lạc với các đơn vị và tiếp tục hoạt động cách mạng. Những ngày đầu tiếp quản, ông Hà được Mặt trận Quân sự Hà Nội giao phụ trách trại hàng binh Âu, Phi, vì từng có thời gian bị địch bắt và biết ngoại ngữ.

Tại đây, ông đã vận dụng kinh nghiệm sẵn có, giải thích cho những người lính này hiểu về cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam, kháng chiến là để bảo vệ Tổ quốc và các chính sách nhân đạo của nước ta. Trong số những người được giác ngộ khi ấy có một vị bác sĩ người Ý, sau khi ra hàng đã tình nguyện đi khám bệnh cho nhân dân xung quanh mà không lấy tiền.

Ngày trở về tiếp quản Thủ đô năm đó, mãi là dấu son trong những trang vàng của lịch sử cách mạng nước ta, thể hiện tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của toàn thể đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh cho dân tộc.

Đó cũng là ngày trở về với cội nguồn, với vùng đất linh thiêng, trái tim thương yêu của cả nước.

Bài, ảnh, video: Phương Mai - Lê Phú

Trình bày: Thuần Như

10/10/2023 04:57