Với những thành tích đặc biệt trong phòng chống dịch COVID-19 vừa qua và những nỗ lực trong công việc, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp là đại diện duy nhất của ngành y tế được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020.

Chú thích ảnh
Ths.BS Nguyễn Trung Cấp thăm khám cho bệnh nhân nặng. 

Căng đầu với dịch bệnh mới

Hẹn mãi chúng tôi mới gặp Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, tân Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cũng chính là "tân" Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020, trong lịch công việc dày kín của một bác sĩ chủ chốt nơi tuyến đầu "chiến đấu" với dịch bệnh. Mãi, anh mới có thể sắp xếp gặp chúng tôi vào một ngày làm việc tại cơ sở 1 của Bệnh viện (ở đường Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội).

Với tác phong làm việc nghiêm túc, trong giờ khám, theo dõi bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu, BS. Nguyễn Trung Cấp vẫn miệt mài xem phác đồ điều trị cho các bệnh nhân nặng; xong việc anh mới thở phào, cởi áo blouse và cười hiền mời chúng tôi lên phòng làm việc.

Đã gặp và làm việc với anh nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy BS. Nguyễn Trung Cấp trong bộ trang phục chỉnh tề với chiếc sơ mi phẳng phiu và thắt cà vạt. Anh cũng dường như không mấy thoải mái, chỉ được một lúc lại khoác chiếc áo bloues vào như một thói quen.

Vẫn là nụ cười hiền lành quen thuộc, BS. Nguyễn Trung Cấp vốn ít nói và cũng khá kiệm lời khi nói về mình, nhất là khi nhắc tới việc anh là nhân viên y tế duy nhất trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm nay.

“Trong mùa dịch vừa rồi, tất cả các nhân viên y tế ở mọi vị trí, mọi vai trò đều rất xuất sắc, họ đã hy sinh rất nhiều. Tôi chỉ là một trong số đó. Bản thân tôi rất vinh dự nhưng cũng cảm thấy mình chỉ là người may mắn đại diện cho những nhân viên y tế xuất sắc đợt vừa rồi. Công việc thường ngày của tôi với nhiệm vụ của một bác sĩ truyền nhiễm là luôn vừa phải điều trị bệnh nhân, xử lý những ca bệnh nặng và phức tạp, vừa phải tham gia chống dịch. Như những đồng nghiệp khác, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và lần này là dịp may mắn được ghi nhận”, BS. Nguyễn Trung Cấp vui vẻ chia sẻ.

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã đạt được những thành tích đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua. Suốt 10 tháng qua, dù có những lúc dịch nóng lên rồi lại “giảm nhiệt” ngoài cộng đồng, nhưng công việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thì chưa lúc nào bớt căng thẳng. Ngoài các ca cộng đồng, ở đây còn liên tục tiếp nhận điều trị các ca bệnh nhập cảnh, các y bác sĩ chưa khi nào được "ngơi tay”.

Chú thích ảnh
Hình ảnh BS. Nguyễn Trung Cấp cắt tóc ngắn trong những ngày cao điểm chống dịch COVID-19. Ảnh: NV

Điểm lại những ngày tháng “chiến đấu” với một dịch bệnh hoàn toàn mới, BS. Nguyễn Trung Cấp cho biết: “Trong công tác điều trị người bệnh COVID-19, khó khăn lớn nhất là phải đương đầu với một bệnh lý mới, nhất là giai đoạn đầu khi chúng tôi mới tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên vào điều trị. Lúc này, hầu như trên thế giới chưa có nhiều hiểu biết chung về bệnh, mới chỉ có một số kinh nghiệm từ Vũ Hán (Trung Quốc), vì khi đó dịch chưa sang lan ra Châu Âu. Thậm chí, ở Vũ Hán khi ấy cũng chưa có nhiều kinh nghiệm điều trị. Các tài liệu đều bằng tiếng Trung Quốc. Những điều này khiến chúng tôi khá khó khăn khi tìm hiểu, nghiên cứu. Lúc này, các nghiên cứu về điều trị bệnh COVID-19 cũng chưa có và còn rất mới nên hầu hết các quan điểm điều trị, kỹ thuật, chiến lược đều căn cứ vào kiến thức sẵn có trên cơ sở nghiên cứu của những bệnh lý tương tự như: MERS-CoV, SARS, cúm... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải xây dựng chiến lược, phương án điều trị trên cơ sở hiểu biết về những bệnh lý tương tự khi áp dụng sang bệnh lý mới này. Tuy nhiên, không phải lúc nào các phương pháp cũng đúng, điều này đòi hỏi chúng tôi luôn phải sát sao với bệnh nhân, vừa điều trị vừa tìm ra vấn đề thực sự của bệnh nhân để điều trị cho đúng”.

Thời gian sau với số lượng bệnh nhân tăng lên, cùng những ca bệnh điều trị thành công, BS.Nguyễn Trung Cấp và các đồng nghiệp cũng đã dần có những kinh nghiệm, dần hiểu biết rõ hơn về COVID-19. Các nghiên cứu trên thế giới dần sáng tỏ về bệnh lý này và việc chẩn đoán điều trị cũng ngày một rõ ràng hơn.

Nghe thì tưởng chừng chẳng mấy khó khăn nhưng đã có những lúc BS. Nguyễn Trung Cấp cùng đồng nghiệp phải “căng đầu” với những ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, thậm chí cũng phải có những quyết định dũng cảm để mong hạn chế thấp nhất những rủi ro cho người bệnh.  

BS.Nguyễn Trung Cấp cho biết: “Khó khăn nhất với tôi là việc khi thay đổi chiến lược điều trị cho người bệnh. Có trường hợp bệnh nhân, nếu áp dụng theo kiến thức cũ của điều trị cúm, SARS thì bệnh nhân đó phải đặt ống nội khí quản, thậm chí có chỉ định chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, thực tế khi tôi thăm khám bệnh nhân, xem xét trực tiếp tình trạng bệnh nhân thì thấy hoàn toàn có thể can thiệp bằng hỗ trợ hô hấp không xâm nhập. Quyết định này đưa ra đòi hỏi mình phải phải dũng cảm, can đảm một chút, bởi nếu đối chiếu với sách vở, với bệnh lý tương tự như vậy thì làm cách này là chưa đúng; nhưng đối với trực tiếp trên cá thể bệnh nhân ấy, thì quyết định đó lại là đúng”.

Sau quyết định dũng cảm đó cùng với sự chăm sóc tích cực, kiên định với “chiến lược” điều trị mới, bệnh nhân này đã không cần phải thở máy, không cần phải chạy ECMO.

“Điều đó cũng mở ra kinh nghiệm cho giai đoạn sau này, nếu dịch bệnh lan rộng ở mức độ lớn hơn nhiều thì có thể thay đổi chiến lược điều trị, thay đổi được nhu cầu máy thở, thay đổi nhu cầu về ECMO, giúp việc điều trị bệnh phù hợp với điều kiện khó khăn của Việt Nam. Rất mừng, sau này các nghiên cứu, quan điểm khác trên thế giới cũng có nhiều tác giả ủng hộ quan điểm tương tự như của chúng tôi”, BS. Nguyễn Trung Cấp vẫn còn chút căng thẳng khi kể lại.

Bên cạnh công tác điều trị tại chỗ, một nhiệm vụ căng thẳng nữa mà BS. Nguyễn Trung Cấp cùng các đồng nghiệp trải qua, và chắc không bao giờ có thể quên, là tham gia tổ chức chuyến bay nhân đạo đưa hơn 219 công dân Việt Nam từ Guine Xích đạo về nước, trong đó có khoảng 100 người đã được xác định mắc COVID-19. Một chuyến bay vô cùng căng thẳng khi phải đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn, phòng tránh lây nhiễm khi trong không gian hẹp có nhiều bệnh nhân COVID-19.

“Điều khó khăn nhất với chúng tôi là trên máy bay, trong môi trường kín, nồng độ virus trong không khí rất đậm đặc. Để đảm bảo phòng dịch COVID-19 phải nâng các điều kiện lên mức an toàn sinh học cấp 3. Tuy nhiên, những thiết bị để đáp ứng không sẵn có, chúng tôi phải tự tìm kiếm, tự chế tạo cải tiến các phương tiện, trang thiết bị phòng hộ, các biện pháp đảm bảo an toàn, từ việc tính toán các yếu tố thông gió tự nhiên, các luồng thông gió đến cải tiến các trang thiết bị phòng hộ cho phù hợp”.

Chuyến bay này cũng đòi hỏi các bước chuẩn bị phải rất kỹ càng, là kết tinh những cố gắng từ trước dựa trên việc tổng hợp các kinh nghiệm, quan điểm, kiến thức đảm bảo chống lây nhiễm. Đây cũng là nhiệm vụ mà BS. Nguyễn Trung Cấp cùng đồng nghiệp chưa từng phải đối mặt bao giờ. Và may mắn, chuyến bay đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, không có ai trong phi hành đoàn, không có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm COVID-19.

“Lúc nhận được thông báo toàn bộ đoàn đi đón các công dân về nước, từ bác sĩ, phi hành đoàn tiếp viên khỏe mạnh, không ai bị lây nhiễm, chúng tôi rất vui, cảm thấy những nỗ lực của mình đã đạt được thành công và tự cảm thấy rất hài lòng”, anh cho biết.

Chú thích ảnh
  Ths.BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ những ngày chiến đấu với dịch COVID-19.

Bình tĩnh đối mặt trong mọi tình huống

Từ khi biết BS. Nguyễn Trung Cấp, chúng tôi luôn thấy ngưỡng mộ phong thái làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và bình tĩnh của anh.

Tôi vẫn còn nhớ khi Việt Nam có nhân viên y tế đầu tiên bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2, đó là một bác sĩ trong khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, điều này khiến nhiều người bắt đầu hoang mang. Tôi bốc máy gọi BS. Nguyễn Trung Cấp, khi ấy anh đang là Trưởng khoa Cấp cứu. Khác với tôi hình dung, anh vẫn bình tĩnh khẳng định: “Các y bác sĩ trong này vẫn ổn, chúng tôi vẫn đang làm hết sức mình để tích cực điều trị cho các bệnh nhân…”. Từng lời bác sĩ nói khi ấy như một liều thuốc làm không chỉ tôi mà mọi người đều yên lòng hơn.

BS. Nguyễn Trung Cấp nhớ lại thời điểm ấy: “Trong vụ dịch này, trên thế giới có rất nhiều người mắc bệnh, trong số đó có không ít nhân viên y tế. Khi đối mặt với dịch bệnh, chúng tôi đã xác định ngay mình nằm trong nguy cơ đó, và luôn luôn phải tìm cách vượt qua, cố gắng hết sức tuân thủ các quy định về bảo đảm phòng hộ an toàn; cùng với đó là luôn tìm cách cải tiến các biện pháp phòng hộ, đảm bảo siết chặt hơn nữa để bảo vệ chính mình và đồng nghiệp”.

Trong những ngày dịch COVID-19 “nóng” nhất, có lẽ không ai quên được hình ảnh một người bác sĩ giữa tâm dịch với nụ cười hiền, mái tóc đã cạo trọc, chân đi đôi dép tổ ong giản dị. Đó là hình ảnh BS. Nguyễn Trung Cấp được một đồng nghiệp chụp lại và chia sẻ, đã gây xúc động biết bao trong lúc tất cả đều đang hướng về và dành những tình cảm đặc biệt cho các y bác sĩ đang nỗ lực ngày đêm ở nơi “nóng” nhất của dịch bệnh.

“Lúc đó, chúng tôi đã phải nhiều ngày cách ly, ở lại bệnh viện chống dịch, tóc ai cũng đã dài ra rồi mà không biết làm cách nào để có thể đi cắt tóc cho gọn gàng. Vì thế chúng tôi bảo nhau cạo trọc, vừa nhanh, đơn giản, lại lâu phải cắt lại. Nghĩ thế chúng tôi đã nhờ người mua cho một chiếc tông đơ từ ngoài gửi vào và tự cắt tóc cho nhau”, anh hóm hỉnh kể lại.

BS. Nguyễn Trung Cấp cho biết, mình cũng có nhiều sở thích, nhưng vì áp lực công việc nên ít có thời gian thực hiện. Đặc biệt, anh cũng có đam mê với nhạc cụ kèn, anh đã tự trang bị một chiếc kèn và còn “cắp nách” theo vào bệnh viện trong những ngày chống dịch để có thể tập cho bớt căng thẳng. Nhưng việc điều trị bệnh nhân rất bận rộn và môi trường làm việc khiến anh cũng khó có lúc nào có không gian riêng tư để tập.

Theo anh, tâm lý của người bác sĩ khá quan trọng, điều cần thiết nhất là phải bình tĩnh đối mặt, từ đó tìm hướng điều trị cho người bệnh.

Đặc biệt, giai đoạn các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được cử vào Bệnh viện Trung ương Huế để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng với BS. Nguyễn Trung Cấp có lẽ là lúc anh cố gắng bình tĩnh nhất có thể.

“Khi đó, nhiều bệnh nhân rất nặng đã được chuyển từ Đà Nẵng ra Huế để điều trị. Các đồng nghiệp của tôi ở Huế cũng là những bác sĩ rất giỏi, họ đã cố gắng, làm rất tích cực, hết sức mình. Tuy nhiên cũng giống như chúng tôi trong giai đoạn đầu, khi gặp phải những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên, họ mới chỉ biết tạm thời mang những kiến thức từ các bệnh lý tương tự để áp sang điều trị bệnh nhân COVID-19 và thậm chí cũng vấp phải những trục trặc giống như chúng tôi đã từng trải qua. Giai đoạn này, là người có kinh nghiệm hơn, chúng tôi đã cố gắng truyền đạt lại những kinh nghiệm của mình để giúp đồng nghiệp vượt qua nhanh những bước loay hoay ban đầu”, anh chia sẻ.

Đặc biệt BS. Nguyễn Trung Cấp không thể nào quên những ngày mới vào Huế, chứng kiến nhiều bệnh nhân COVID-19 quá nặng và tử vong, anh vô cùng đau lòng, từng có lúc cảm thấy tuyệt vọng khi nhìn bệnh nhân lần lượt rơi vào tay tử thần.

“Suy sụp là cảm xúc chung của tất cả chúng tôi khi ấy, nhưng với tôi, khi đang trong vai trò vào hỗ trợ đồng nghiệp, tôi phải tự nhủ mình bắt buộc phải khác. Thay vì cũng buồn, suy sụp như tất cả mọi người thì mình lúc này còn phải là nguồn động viên, xốc lại tinh thần cho đồng nghiệp để tất cả cùng cố gắng để tập trung cứu chữa những bệnh nhân còn lại. Tôi nhận thức rõ vai trò của mình lúc đó là cần phải bình tĩnh, phải làm mọi người tự tin, thấy rằng bệnh lý này hoàn toàn có điều trị được và bệnh nhân có thể điều trị thành công, kể cả với những người có bệnh lý nền nặng”, BS. Nguyễn Trung Cấp nhớ lại.

Rất mừng là sau khi được BS. Nguyễn Trung Cấp cùng các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vào hỗ trợ, chỉ khoảng 1 tuần, tình hình điều trị tại đây ổn hơn, bệnh nhân không còn diễn biến nặng nữa và không còn ca tử vong. Sự bình tĩnh đối mặt, không lùi bước đã giúp anh cùng các đồng nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đợt dịch bệnh vừa qua, thêm nhiều kinh nghiệm điều trị bệnh nhân nặng và được mãn nguyện nhìn bệnh nhân của mình khỏi bệnh.

Với biết bao nỗ lực và cố gắng, thành quả lớn nhất với BS. Nguyễn Trung Cấp có lẽ là nhìn số lượng bệnh nhân ngày một ít đi, bệnh nhân ra viện khoẻ mạnh, và chính người bác sĩ có thêm năng lực để chiến đấu và chiến thắng bệnh dịch.

Với một bác sĩ chuyên ngành hồi sức, công việc không những vô cùng vất vả, gian khổ mà còn rất nghèo. Nếu với nhiều chuyên ngành khác, một bác sĩ có thể điều trị cho nhiều bệnh nhân một lúc, nhưng với chuyên ngành hồi sức, có khi 5 bác sĩ mới điều trị một bệnh nhân nặng hoặc rất nặng. Chưa kể thời gian theo dõi sát sao bệnh nhân liên tục, bác sĩ hồi sức không thể có thời gian làm thêm ngoài giờ.

“Tuy nhiên, mỗi người ở mỗi công việc đều có niềm vui riêng cho mình, khi chúng ta có được thành công trong công việc của mình thì đó chính là niềm vui, cũng như đối với tôi niềm vui là khi chữa khỏi cho người bệnh. Những niềm vui nho nhỏ hàng ngày cứ dày lên như vậy khiến tôi quên đi những áp lực, mệt mỏi. Thậm chí đã quá quen với áp lực nên giờ tự tôi cũng không còn cảm thấy stress nữa; công việc vất vả, chỉ cần có chút thời gian cho gia đình, hay chỉ cần được ngủ một giấc đầy thế đã là thoả mãn lắm”, vẫn nụ cười hiền ấy anh làm chúng tôi thấy xúc động vô cùng.

Là bác sĩ ngành hồi sức cấp cứu, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp đã có 25 năm làm việc năm trong ngành cấp cứu. Với chuyên ngành của mình, BS. Nguyễn Trung Cấp luôn phải đảm nhiệm công việc khám, cấp cứu, chẩn đoán điều trị những bệnh nhân nặng, có những diễn biến nguy kịch, phức tạp.
Từ 2006 đến nay, BS. Nguyễn Trung Cấp về  công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với nhiệm vụ là bác sĩ hồi sức cấp cứu trong chuyên ngành truyền nhiễm, một mặt phải đảm bảo việc cấp cứu chẩn đoán điều trị cho bệnh nhân nặng và phức tạp và đồng thời đảm bảo công tác chống dịch và điều trị những bệnh nhân truyền nhiễm.
Với những cống hiến xuất sắc trong ngành y, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, mới đây Ths.BS Nguyễn Trung Cấp cũng đã được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; và được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú với ghi nhận những thành tích trong phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua.

Bài, clip: Tạ Nguyên

Ảnh: Tạ Nguyên- Thảo Tú

Trình bày: Tạ Nguyên

 

10/10/2020 06:00