Ngày nay, di sản tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, trong đó có sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN).

Những ngày tháng Năm lịch sử, các chiến sĩ tàu Cảnh sát biển 4036 (CSB) thuộc Hải đội 112, Hải đoàn 11, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 và Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 1 đang miệt mài hợp luyện phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, thi đua lập thành tích chào mừng sinh nhật Bác.

Trước đó, trong đợt cao điểm phòng chống IUU với trọng tâm là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tàu CSB 4036 thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và đã có những việc làm mang nhiều ý nghĩa thiết thực giúp đỡ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Khởi, tàu CSB 4036, chia sẻ: “Thấm nhuần lời dạy của Bác về tình quân dân, “quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi giúp đỡ lẫn nhau”, tôi và các chiến sĩ trên tàu CSB 4036 luôn nhận thức rõ trách nhiệm, tâm huyết cống hiến cho đơn vị, vì truyền thống của lực lượng CSB. Nắm chắc nhiệm vụ, xử lý các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển”.

Trong mỗi chuyến hải trình công tác cùng lực lượng CSB, chúng tôi đều nhận thấy mỗi cán bộ chiến sĩ trong toàn lực lượng luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, vì chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Tàu Cảnh sát biển 4036 thuộc Hải đội 112, Hải đoàn 11, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy CSB Việt Nam, phân tích: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển đảo trong tình hình mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nói chung, lực lượng CSB nói riêng phải tiến hành đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp, trong đó, quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức, biên chế tinh, gọn, mạnh là vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết hiện nay.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chia sẻ: Trong hệ thống di sản tư tưởng quý báu mà Bác Hồ để lại cho nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ thế giới, tư tưởng về quân đội và xây dựng QĐNDVN chiếm một vị trí trọng yếu, là nội dung cốt lõi trong tư tưởng quân sự của Người, có vai trò đặc biệt quan trọng chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QĐNDVN anh hùng. 

Đã hơn 50 năm Bác đi xa, nhưng tư tưởng đó của Người không chỉ được thực tiễn lịch sử khẳng định, mà giá trị và ý nghĩa hiện tại vẫn còn vẹn nguyên, mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết chỉ thị ngay trước lều cỏ trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh: TTXVN

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ sáng lập, tổ chức ra Quân đội, mà còn có nhiều công lao to lớn trong việc giáo dục, rèn luyện, xây dựng Quân đội ta phát triển vững mạnh về mọi mặt. Từ thực tiễn xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó tư tưởng về xây dựng tổ chức, biên chế Quân đội tinh, gọn, mạnh đến nay vẫn còn nguyên giá trị, rất toàn diện và sâu sắc.

Về tiêu chí tổ chức, biên chế Quân đội tinh, gọn, mạnh, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết và quan trọng nhất là bộ máy gọn nhẹ, không cồng kềnh; trong bộ máy ấy có ít bộ phận, hạn chế tối đa tầng nấc trung gian, cán bộ và chiến sĩ “ít nhưng tinh”, đủ sức hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng Quân đội cách mạng, đặc biệt khi bàn đến những nội dung cụ thể về xây dựng “Quân đội tinh nhuệ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những kết luận rất quan trọng, Người luôn nhất quán với quan điểm phát triển lực lượng theo hướng “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Trong nhiều đợt chỉnh huấn, chỉnh quân, Người đã chỉ thị các cơ quan, đơn vị phải ra sức học tập, rèn luyện để đạt tới trình độ “tinh binh, tinh cán”.

Những quan điểm của Người là tiền đề lý luận - thực tiễn rất quan trọng để Đảng, Nhà nước ta vận dụng vào xây dựng “Quân đội tinh nhuệ”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới. Ngoài những đặc tính “ít mà tốt”, “tinh binh, tinh cán”, “gọn nhẹ, cơ động nhanh, tính chính xác cao”…, tính hiệu quả của bộ máy quân sự còn thể hiện ở khả năng tương tác, phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ phận chức năng sao cho nhịp nhàng, ăn khớp, đồng bộ để vừa có sự phân định chức trách, nhiệm vụ rõ ràng, không bị chồng lấn, vừa có sự gắn kết, ăn ý và phát triển bền vững, hiệu quả, thiết thực giữa các bộ phận ấy.

Sáng 19/12/2022, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ năm, nhiệm kỳ 2020-2025.

Với phương pháp tư duy khoa học, cách mạng, đặc biệt là sự tôn trọng con người, từng công việc của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người không làm tròn nhiệm vụ là hỏng cả”. “Tinh, gọn” tức là không có người thừa, người thiếu trong bộ máy đó; “đồng bộ” tức là hoạt động của một người, một bộ phận sẽ tác động đến sự vận hành chung của cả một bộ máy, làm cho bộ máy hoạt động thông suốt; “hiệu quả” tức là ít người mà làm được nhiều việc, chi phí ít sức người mà hiệu qua thu về thắng to, có lời, có lãi - đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức, biên chế bộ máy tinh, gọn, mạnh.

Về yêu cầu chấn chỉnh tổ chức, biên chế, sắp xếp lại Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, với sự quan sát tinh tế, nhanh nhạy, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra các biểu hiện “lệch chuẩn”, đi ngược lại tiêu chí xây dựng bộ máy tinh, gọn đã xác định. Vì thế, vào tháng Tám năm 1951, thời điểm mà bộ máy của Quân đội còn nhỏ, gọn, cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “thực hành chủ trương chấn chỉnh tổ chức biên chế để giảm bớt đóng góp của nhân dân và bổ sung thêm lực lượng cho công việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất”.

Năm 1952, nói chuyện với cán bộ ngành Quân nhu, Người đã đưa ra khái niệm “tinh giản bộ máy”. Người khẳng định rõ sự cần thiết và ý nghĩa của việc tinh, gọn biên chế, nêu rõ yêu cầu phải tinh giản bộ máy trong cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng trong các đơn vị Quân đội. Như vậy, vấn đề “tinh giản biên chế” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra như một yêu cầu bức thiết và phải có biện pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu ấy. Đây không chỉ là công việc “cắt bỏ cơ học” những người dôi dư mà là sự cần thiết phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Người đánh giá cao tác dụng của công tác “giản biên” không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn ở góc độ văn hóa và đạo đức khi nó thôi thúc đội ngũ cán bộ phải phấn đấu vươn lên, tự tu dưỡng vượt qua chính mình để hoàn thiện bản thân về mọi mặt, phải nâng mình lên cho xứng tầm yêu cầu nhiệm vụ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của tổ chức, của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh cho các đoàn viên thanh niên quân đội tại lễ báo công dâng Bác trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về giải pháp để xây dựng tổ chức, thực hiện “tinh giản biên chế” theo hướng gọn, mạnh, thực hiện phương châm “muốn lúa tốt phải diệt cỏ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích việc nâng cao tính tích cực của nhân tố con người và tìm biện pháp triệt tiêu nguyên nhân làm nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Đó là đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao ý chí quyết tâm sửa đổi lối làm việc của đội ngũ cán bộ các cấp.

Người dạy rằng, để có một bộ máy thực sự tinh, gọn, mạnh, công tác tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và Quân đội phải đổi mới nội dung, hình thức, làm cho cán bộ, chiến sĩ ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò và ý nghĩa của “người đầy tớ trung thành của nhân dân” và bổn phận, trách nhiệm phải hoàn thành tốt “phận sự” của mình.

Người chỉ rõ: Khi cán bộ, chiến sĩ có đạo đức cách mạng, có kỷ luật lao động tự giác nghiêm minh, có phương pháp làm việc khoa học, thì một người có thể làm công việc của hai người, một ngày có thể hoàn thành công việc của hai ngày, tức là tính hiệu quả của bộ máy sẽ được nâng lên, ích lợi từ sự phấn đấu của đội ngũ cán bộ được khẳng định. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng sự cồng kềnh của bộ máy nhà nước có thể là do một bộ phận cán bộ công chức làm việc luộm thuộm, “thiếu óc tổ chức, thiếu tính chính quy”.

Để bộ máy được tổ chức khoa học và nguồn nhân lực được sử dụng hiệu quả, nhất thiết phải bắt đầu từ việc làm tinh gọn bộ máy. Ở đó, nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải được quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải giám sát và kiểm tra chặt chẽ. Đặc biệt, người lãnh đạo phải biết “dụng nhân như dụng mộc”, tức là biết loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, hư hỏng, giống như người thợ lành nghề biết loại bỏ gỗ mục, biết đặt từng con người vào đúng vị trí, phù hợp với sở trường, sở đoản; biết kết hợp các loại cán bộ để họ có thể bổ trợ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; nhờ đó, bộ máy gọn nhẹ và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương với các sỹ quan chỉ huy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bộ máy “phình to” chủ yếu là do một số cán bộ có chức, có quyền đã tìm mọi cách “đem người tư làm việc công”. Căn bệnh tư túng, bè phái, địa phương chủ nghĩa cũng gây khó khăn cho công tác cán bộ vì cán bộ chỉ chăm chú đến lợi ích của địa phương mình lên trên hết. Tùy hoàn cảnh mà họ muốn giữ lại cán bộ của địa phương mình hoặc không chịu tinh giản biên chế ở đơn vị mình, gây cản trở cho sự điều tiết cán bộ trong toàn hệ thống.

Nếu không ngăn chặn, đẩy lùi những căn bệnh này trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo thì bộ máy sẽ ngày càng “phình to” mà không mạnh. Sử dụng đội ngũ trí thức làm công tác tư vấn về những vấn đề mà họ am tường cũng là một công việc được Người đặc biệt quan tâm. Nhờ chủ trương đúng đắn này mà Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tuy gọn nhẹ mà làm được rất nhiều việc hiệu quả.

Phát huy vai trò của cơ quan thanh tra Chính phủ, Người cho rằng cơ quan thanh tra là bộ phận không thể thiếu trong bộ máy Chính phủ, nhiệm vụ của thanh tra không chỉ là chống tham ô, lãng phí mà còn chống quan liêu - căn bệnh làm cho bộ máy trở nên cồng kềnh, yếu kém, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Ban Thanh tra quy chế đặc biệt là “tiên hành, hậu thuyết”, tức là có quyền đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi rồi báo cáo Hội đồng Chính phủ sau.

Người còn yêu cầu lãnh đạo các cấp tuyệt đối không được thao túng công tác thanh tra mà phải hợp tác để cán bộ thanh tra hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình. Nhờ đó, những căn bệnh cố hữu của Nhà nước được ngăn chặn. Như vậy, khi nước ta vẫn trong giai đoạn phải bổ sung và phát triển về cán bộ, khi đội ngũ cán bộ vẫn còn ít về số lượng và chất lượng chưa tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy nguy cơ “phình đại” của bộ máy quan liêu. Tiên lượng rõ cái thừa khi đang còn thiếu, cái xấu khi đang còn tốt, tìm ra cách thức ngăn chặn những căn bệnh còn trong giai đoạn manh nha…

Trung tướng Bùi Quốc Oai khẳng định: Qua đó, đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng, sự nhạy cảm chính trị, tính quyết đoán trong công tác tổ chức và tấm lòng vì dân, vì nước của Người. Nhìn chung, nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức, biên chế tinh, gọn, mạnh không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đây cũng là cơ sở lý luận quan trọng để xây dựng Quân đội nhân dân nói chung, CSBVN nói riêng tinh, gọn, mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Trong tình hình hiện nay, Đảng ta dự báo: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vấn đề “Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột”.

Quán triệt phương châm: Bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, bằng sức mạnh tổng hợp của cả tư tưởng, tinh thần và vật chất. Do đó, cần thiết phải phát huy các giá trị của di sản tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân mà nòng cốt là QĐNDVN, qua đó nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Hiện nay, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Trong tình hình đó, chúng ta cần vận dụng sáng tạo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về tăng cường, củng cố quốc phòng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó cần thực hiện một số nội dung trọng yếu, đó là: Tăng cường, củng cố quốc phòng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước.

Tăng cường, củng cố quốc phòng phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng là nguyên tắc bất di, bất dịch của cách mạng Việt Nam. Trong tình hình mới, sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội và sự nghiệp củng cố quốc phòng là nguyên tắc được hiến định trong Hiến pháp. Đồng thời, là bài học kinh nghiệm được thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam khẳng định. Sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng được thực hiện bằng phương thức tổ chức sự lãnh đạo chặt chẽ, khoa học, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các gian trưng bày tại triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.

Theo Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Cục Chính trị QĐNDVN, Đại hội XIII của Đảng ta tiếp tục xác định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND và Công an nhân dân là nòng cốt”; “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với QĐND, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cấp, ngành, địa phương, đoàn thể phải hết sức coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí quyết tâm đấu tranh vì độc lập dân tộc và CNXH; nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, địa phương đều phải có ý thức đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, góp phần củng cố quốc phòng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống.

Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục giáo dục tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về củng cố quốc phòng là vấn đề cần thiết, quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng thời, đấu tranh chống lại những luận điệu phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp tăng cường củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường, củng cố quốc phòng phải theo hướng tích cực, chủ động, toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại. Dựng nước đi đôi với giữ nước là một truyền thống quan trọng và là quy luật tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Mính vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới. Người chỉ rõ: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng”; “Vấn đề củng cố quốc phòng rất là quan trọng, chớ không phải hòa bình rồi là không cần củng cố quốc phòng”.

Vì thế, yêu cầu có tính nguyên tắc của sự nghiệp cách mạng ở nước ta là xây dựng phải gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân phải không ngừng được tăng cường, phát triển ngay trong quá trình xây dựng đất nước.

Luôn ý thức được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”. Như vậy, sức mạnh giữ nước vô địch chính là sức mạnh của toàn dân, cả quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa chứ không đơn thuần là sức mạnh quân sự, sức mạnh của các lực lượng vũ trang.

Xuất phát từ vị trí, vai trò của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Toàn thể nhân dân, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng và nghề nghiệp, đều phải giữ gìn trật tự và ra sức ủng hộ chính quyền nhân dân, thật thà hợp tác với QĐND”; “Quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt”. Chỉ có dựa trên nền tảng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thì sự kết hợp giữa quân đội với công an mới tạo được thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân rộng lớn.

Cùng với công tác giáo dục, tuyên truyền và tổ chức nhân dân tham gia có hiệu quả vào các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sự đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong tăng cường, củng cố quốc phòng.

Người nhấn mạnh: Đoàn kết là để “diệt lũ ác ma”, để “đấu tranh giành lại thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”, để xây dựng xã hội mới tốt đẹp; “Các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ muôn người như một, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Chú trọng giúp đỡ đồng bào vùng cao và làm tốt công tác an ninh trật tự, củng cố quốc phòng”. Đoàn kết không phải là kêu gọi, hô hào chung chung, mà phải có mục tiêu, nội dung cụ thể, phải hướng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng trong mỗi giai đoạn. Đoàn kết để xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, từng bước hiện đại.

 Chiến sỹ hải quân canh gác cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa.

Nhà nước Việt Nam củng cố nền quốc phòng toàn dân không để đe dọa hoặc làm phương hại đến an ninh của bất cứ quốc gia nào. Đây là sự khác biệt lớn giữa nền quốc phòng Việt Nam với nền quốc phòng của một số quốc gia khác trên thế giới. Theo đó, xây dựng lực lượng quốc phòng là xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị và các tổ chức khác trong đời sống xã hội; xây dựng các cộng đồng dân cư; xây dựng QĐND, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng.

Xây dựng tiềm lực quốc phòng dựa trên nền tảng tổng hợp của các tiềm lực cơ bản như tiềm lực chính trị - tinh thần; tiềm lực kinh tế; tiềm lực khoa học công nghệ; tiềm lực quân sự. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc.

Nền quốc phòng Việt Nam củng cố theo hướng ngày càng hiện đại, nhưng kiên quyết phản đối các hoạt động chạy đua vũ trang; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các quốc gia khác trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế...

Đại tá, PGS. TS. Dương Quang Hiển, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng cho rằng, cần tăng cường, củng cố quốc phòng phải gắn chặt chẽ với kinh tế, an ninh, đối ngoại và các lĩnh vực khác. Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thiết lập đến nay, quốc phòng, an ninh và đối ngoại luôn được kết hợp chặt chẽ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”. Để có điều kiện huy động cho nhiệm vụ quốc phòng thì “cần phát triển sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp; phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, từng bước nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân”.

Màn trình diễn của Su-30 tại lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội phải tham gia xây dựng kinh tế để góp phần phát triển kinh tế, giảm bớt một phần đóng góp của nhân dân. Đồng thời, Người yêu cầu phải “đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học và kỹ thuật một cách có trọng điểm, có từng bước vững chắc, nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng”.

Cùng với đó là không ngừng phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của nhân dân, bởi: “So sánh với địch về vật chất và trang bị, cái gì ta cũng kém. Thế mà chúng ta dám quyết kháng chiến và nhất định thắng lợi. Đó là do tinh thần của nhân dân ta rất anh dũng, có lòng yêu nước nồng nàn, đoàn kết chặt chẽ, lòng căm thù của dân ta rất sâu sắc”. Vì thế, chúng ta phải “nâng cao trình độ chính trị và tinh thần của nhân dân đoàn kết phấn đấu giữ gìn hòa bình và thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ”.

Đảng ta luôn xác định kết hợp quốc phòng, an ninh và đối ngoại là một nội dung trong phương hướng, nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quốc phòng và an ninh bảo đảm cho đất nước giữ được môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế, tạo điều kiện mở rộng hội nhập quốc tế, thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại. Thực hiện tốt quan hệ đối ngoại sẽ góp phần giữ vững môi trường hòa bình, khai thác các nguồn lực quốc tế để tăng cường quốc phòng, an ninh; tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân...

Theo đó, tăng cường củng cố quốc phòng phải đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhằm khai thác những yếu tố tích cực, hạn chế những nhân tố tiêu cực, góp phần to lớn vào việc bảo vệ chủ quyền và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Hoạt động đối ngoại cần mở rộng quan hệ song phương, đa phương với các nước và vùng lãnh thổ, các trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực, góp phần làm thất bại âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, khắc phục những khó khăn về vốn, công nghệ, kỹ thuật, giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 550 (Quân đoàn 4) tìm hiểu và đọc sách tại thư viện đơn vị hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023.

Cũng theo Đại tá, PGS. TS. Dương Quang Hiển, cần tăng cường, củng cố quốc phòng có trọng tâm, trọng điểm và kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tăng cường củng cố quốc phòng toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, tập trung nhất là sức mạnh của lực lượng vũ trang mà trước hết ở khả năng duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển năng lực chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng thường trực.

Mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”.

Tăng cường, củng cố quốc phòng của Việt Nam mang tính chất: “hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược”.

Do đó, tăng cường, củng cố quốc phòng toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm phải đi liền với kiểm tra, giám sát chặt chẽ, để không ngừng củng cố và xây dựng “một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại”. Tăng cường sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước trong kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; thanh tra các lĩnh vực, nhiệm vụ, công tác trọng yếu; phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, lãng phí.

Đoàn đại biểu Quân uỷ Trung ương - Bộ Quốc phòng thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tăng cường sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với hợp tác quốc tế về quân sự, quốc phòng, công tác quản lý biên giới, hải phận, không phận; quản lý bí mật quốc gia; quản lý xây dựng lực lượng vũ trang; quản lý xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng...

Tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên để biểu dương, khen thưởng những việc làm đúng, làm tốt, phát hiện những việc làm sai, những nơi làm chưa tốt để uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời. Tăng cường, thực hiện có nền nếp chế độ sơ kết, tổng kết, phát hiện những vấn đề nảy sinh, tìm tòi những con đường, biện pháp tối ưu để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

19/05/2023 05:17