Như bao bạn bè cùng trang lứa ở vùng cao nguyên đá Hà Giang, Sùng Mí Phìn lớn lên đã thấm thía cái nghèo khi cuộc sống xung quanh chỉ có đá và đá. Tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú, Sùng Mí Phìn xách ba lô về xuôi học ngành sư phạm.  Ở độ tuổi của Phìn, nhiều bạn bè đã lập gia đình hoặc đi làm ăn xa để thoát cái nghèo.

Tốt nghiệp khoa Giáo dục Tiểu học (Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương), Sùng Mí Phìn trở về quê hương để làm thầy giáo. Nhưng sau hai tháng dạy trẻ, Sùng Mí Phìn nảy ý định làm du lịch khi thấy lượng khách người nước ngoài đến Hà Giang đông dần lên.

 

Sùng Mí Phìn chọn cách phát triển văn hóa dân tộc thông qua mô hình homestay.

Từ bỏ một công việc ổn định theo định hướng của gia đình là điều không hề dễ dàng. Sùng Mí Phìn nói: “Tôi vấp phải sự phản ứng dữ dội từ bố sau khi trình bày ý định đi học tiếng Anh để làm du lịch”.

Sùng Mí Phìn quyết định đến Sapa - nơi có nhiều người Mông thành thạo tiếng Anh - để học ngoại ngữ. Biết có sự phản ứng dữ dội từ bố nên sát ngày đi Phìn mới nói với gia đình về ý định này.

“Đến Sapa học tiếng Anh, tôi chỉ có 500.000 đồng được mẹ cho trước khi lên đường”, Sùng Mí Phìn kể.  

 

 

Qua Youtube, Sùng Mí Phìn tìm đến là một trung tâm dạy tiếng Anh cho người Mông có đam mê làm du lịch ở Sapa (Lào Cai). Sau khi nghe câu chuyện của Phìn, chủ trung tâm đã miễn khóa học tiếng Anh cho em, đồng thời, cùng Phìn chia sẻ cách làm du lịch cộng đồng. Không chỉ học tiếng Anh, Phìn vừa học vừa làm bồi bàn, dọn phòng… để học cách làm du lịch ở Sapa.  

“Tôi nghĩ, học không chỉ cho mình mà còn muốn phát triển văn hóa dân tộc thông qua mô hình homestay”, Phìn nói.

 

Clip Phùng Mí Phìn chia sẻ về việc làm homestay ngay ở quê nhà:

 

Trở về quê hương sau hai năm “tầm sư học đạo”, Sùng Mí Phìn mở homestay có tên “White Hmong homestay” trên chính ngôi nhà của mình. Sùng Mí Phìn cho biết: “Nhưng trong quá trình làm tôi nhận ra việc phát triển du lịch ở Hà Giang đang bị thương mại hóa và chưa thực sự chú trọng vào điều cốt lõi giữ gìn bản sắc văn hóa. Trong khi để du lịch của đồng bào thực sự bền vững, bản sắc văn hóa mới là điều quyết định và phải là đồng bào làm. “Chai To Homestay” đã ra đời như thế với mong muốn đưa người dân địa phương vào làm du lịch”.

 

Một cơ sở dịch vụ lưu trú thực sự kết nối giữa du khách và người bản địa mới đủ sức giữ chân du khách.

 

Khi được hỏi “Chai To là gì?”, Sùng Mí Phìn nói: “Chai To được viết ra từ “Ntsai Tos” trong tiếng Mông, có ý nghĩa là “chào đón”. Du lịch Hà Giang ngày càng phát triển và các homestay mọc lên nhiều. Du lịch đến nhanh chóng nhưng sự thích ứng của người Mông chưa đủ nhiều. Đa số các cơ sở du lịch đều là từ phương xa tới và họ không là người bản địa. Chai To Homestay là một cơ sở dịch vụ lưu trú để kết nối giữa du khách và người bản địa thực sự”.  

 

 

Để người dân trong bản làm du lịch hiệu quả và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, Sùng Mí Phìn đã mở lớp dạy tiếng Anh cho người dân trong bản.  

Sùng Mí Phìn nói: “Muốn gìn giữ, phát huy, quảng bá văn hóa của đồng bào dân tộc, đồng bào phải biết tiếng Kinh, tiếng Anh. Tôi muốn bà con dân bản giao lưu được với du khách. Bên cạnh dạy tiếng Anh, tôi dạy văn hóa cho đồng bào vào những thời điểm homestay vắng khách. Khi homestay đông khách, tôi mời bà con ra cùng làm du lịch. Người dân vừa được giao lưu, nói về văn hóa của mình thông qua các hoạt động một cách tự hào, vừa học hỏi được sự văn minh từ vùng miền khác. Hơn cả, họ có việc làm, có thu nhập, nhiều thanh niên ở lại bản làm du lịch”.

 

Những lớp tiếng Anh cho trẻ ra đời với mong muốn người dân bản sẽ sớm giao lưu được với du khách được người thanh niên dân tộc Mông thực hiện. Lớp học đôi lúc còn có giáo viên "thỉnh giảng" chính là những du khách.

 

Toàn bộ nhân viên tham gia vào hoạt động homestay của Sùng Mí Phìn là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã của 4 huyện vùng Cao nguyên đá và có sự kết nối với nhau. Nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ này được trích và sử dụng vào nhiều mục đích xã hội: Dạy học tiếng Anh cho các chủ homestay người bản địa và giúp đỡ cộng đồng giải quyết các vấn đề về du lịch.

Chai To Homestay là nơi ăn ngủ sinh hoạt trải nghiệm văn hóa và cuộc sống cùng người dân bản địa. Do vậy khi tham gia dịch vụ sinh hoạt cùng gia đình, du khách phải tuân thủ theo sinh hoạt của cộng đồng. Khi có hoạt động lễ hội văn hoá trong bản, du khách tham gia để đóng góp sinh hoạt chung trải nghiệm cùng bà các như một người Mông thực sự ở bản.

 

Clip Phùng Mí Phìn chia sẻ về việc mở lớp tiếng Anh cho người dân trong bản để làm du lịch:

Sùng Mí Phìn mô tả: “Du khách đến đây bắt đầu ngày mới và kết thúc một ngày như những người đồng bào thực sự. Từ sáng sớm, du khách gùi quẩy tấu lên nương cắt cỏ, hái rau, trồng ngô. Chiều đến se lanh, dệt vải và tối cùng nấu nướng và ăn các món ăn truyền thống, cùng nghe và thưởng thức những câu chuyện đời thường nhất như: Sự tích, ý nghĩa cây khèn Mông, ý nghĩa những bài hát, điệu khèn... Những học trò của tôi dạy văn hóa ở lớp học đều đến để tham gia biểu diễn văn nghệ, hát những bài hát của người Mông trắng”.  

Điều đáng nói, cách làm của Sùng Mí Phìn mang lại hiệu quả cao khi du khách viết nhật ký bày tỏ sự yêu mến và trân trọng với giá trị truyền thống của vùng cao nguyên đá Hà Giang. Du khách trở lại 2, 3 lần và còn giới thiệu thêm nhiều bạn bè. Đây chính là động lực để Phìn tiếp tục công việc này.  

 

 

Sùng Mí Phìn, sinh năm 1994 có dáng người nhỏ nhắn đã để lại ấn tượng trong tôi khi nói: “Tôi muốn gìn giữ những nét đẹp, bản sắc của dân tộc Mông thông qua phát triển du lịch trải nghiệm. Tôi muốn những thanh niên như chúng tôi ở lại vùng cao nguyên này để xây dựng quê hương, gìn giữ từng nếp nhà. Tôi mong những “bản đá trở thành hoa”, thành niềm tự hào của mỗi người đồng bào nơi đây”.  

Cách làm của Sùng Mí Phìn đã được các chuyên gia đánh giá cao và đạt giải Nhì tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo dành cho thanh niên nông thôn lần thứ 6 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

 

Những ngày tháng 9, Sùng Mí Phìn hân hoan khi được ra thủ đô tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến lần thứ 7.

 

Sùng Mí Phìn được học trở thành người thầy, nhưng với khát khao gìn giữ bản sắc văn hóa và tạo việc làm cho thanh niên vùng cao nguyên đá, em đã đến với một con đường khác. Trên con đường ấy, em vẫn không quên sứ mệnh người thầy của mình, khi trao truyền đi những kiến thức học hỏi được cho người dân để chính họ tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc và xây dựng vùng cao nguyên ngày càng đẹp giàu đẹp hơn.

 

Bài, clip: Lê Vân
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trình bày: Tuệ Thy

03/10/2023 07:14