Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tinh thần thời đại sâu sắc.
Trải qua gần 50 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) - Lá chắn thép bảo vệ cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần, ý chí “Trung thành, đoàn kết, anh dũng, sáng tạo, tự lực, quyết thắng”.
Những ngày cuối tháng 4/2023, dưới cái nắng đầu hè oi ả, nhiệt độ ngoài trời có lúc đến 37-38 độ C nhưng các chiến sĩ Quân đoàn 4 vẫn hăng say luyện tập trên thao trường. Những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt rắn rỏi của các chiến sĩ mới tập bắn súng AK bài 1 dưới cái nắng phương Nam chúng tôi càng thấm đẫm khẩu hiệu: "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu".
Sau giờ luyện tập, chiến sĩ Nguyễn Phương Anh, Đại đội 9, Tiểu đoàn 17, Lữ đoàn 550, Quân đoàn 4 cho biết: Lập thành tích chào mừng 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), phát huy truyền thống anh hùng của Binh đoàn Cửu Long, cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị luôn hăng say luyện tập với phương châm “Thi đua lập công, tô hồng truyền thống”.
Là đơn vị chủ lực cơ động chiến lược, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân đoàn 4 đã sát cánh cùng với quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Gần 50 năm qua, ký ức và những bài học kinh nghiệm về chiến thắng lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay được các cán bộ, chiến sĩ ngày nay phát huy trí tuệ.
Video: Lữ đoàn Phòng không 71, Quân đoàn 4 sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời TP Hồ Chí Minh
Thắng lợi to lớn, toàn diện trên hai miền Nam - Bắc năm 1972 và Hiệp định Pa-ri được ký kết (27/1/1973) đã tạo ra bước ngoặt căn bản cho cách mạng Việt Nam, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang giai đoạn mới, mang tính quyết định. Để cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nỗ lực chuẩn bị mọi mặt, nhất là tổ chức xây dựng các quân đoàn cơ động chiến lược. Trước bối cảnh đó, tiếp theo sự ra đời của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2, ngày 20/7/1974, trên chiến trường miền Đông “Gian lao mà anh dũng”, Quân đoàn 4 được thành lập, bao gồm các đơn vị đã có bề dày truyền thống chiến đấu trên các chiến trường.
Ngay trận đầu ra quân, tháng 1/1975, Quân đoàn đã làm nên chiến thắng Đường 14 - Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, uy hiếp trực tiếp hệ thống phòng thủ phía Bắc Sài Gòn. Đây là “đòn trinh sát chiến lược”, tạo cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chiến công nối tiếp chiến công, trong tháng 3/1975, Quân đoàn cùng với lực lượng vũ trang (LLVT) miền Đông Nam Bộ giải phóng Dầu Tiếng, Chơn Thành, Định Quán, Lâm Đồng… làm chủ hoàn toàn Đường 13, Đường 14 và Đường 20, mở rộng các hành lang cơ động và vận chuyển lớn lực lượng, vật chất vào chiến trường, chuẩn bị địa bàn tập kết lực lượng, tạo thế và lực cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Theo Thiếu tướng Trương Ngọc Hợi, Chính ủy Quân đoàn 4, trong thế phát triển như vũ bão, ngày 2/4/1975, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Quân đoàn triển khai lực lượng trên hai hướng: Đông và Tây Nam Sài Gòn. Sư đoàn 9 tạm thời tách khỏi đội hình Quân đoàn hoạt động trên hướng Tây Nam trong đội hình Đoàn 232 (Binh đoàn Tây Nam). Ngày 8/4/1975, Quân đoàn được giao nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc. Đây là tuyến phòng thủ liên hoàn kéo dài từ Phan Rang, Xuân Lộc đến Tây Ninh (Xuân Lộc nằm trên Quốc lộ 1, cách Sài Gòn 60 km về phía Đông Bắc), là khu vực phòng thủ kiên cố nhất được mệnh danh là “cánh cửa thép” của địch, nhằm ngăn chặn ta tiến công Biên Hòa, Sài Gòn theo Quốc lộ 1 và Đường 20. Sau thời gian khẩn trương làm công tác chuẩn bị, ngày 9/4/1975, Quân đoàn nổ súng mở màn chiến dịch, bằng nhiều trận đánh liên tiếp, giằng co, ác liệt, trên nhiều hướng. Địch tổ chức lực lượng chống trả điên cuồng (sử dụng cả bom CBU-55 có sức hủy diệt lớn để ngăn chặn), quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá, bởi chúng xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn.
Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 cho biết: Thời điểm đó, ta phát triển khó khăn, phải thay đổi cách đánh, tổ chức lực lượng kiềm chế, bao vây, nghi binh,… thực hiện chiến thuật vận động tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây và chốt chặn chiến dịch đánh địch phản kích, cắt đứt Quốc lộ 1 đoạn Xuân Lộc, Bàu Cá, Đường 20; ngăn chặn không cho địch tăng viện từ Biên Hòa, Bà Rịa lên. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, hơn nữa đã mất Dầu Giây, Xuân Lộc không còn thế phòng thủ, ngày 20/4/1975, địch buộc phải rút chạy khỏi Xuân Lộc. Các đơn vị của Quân đoàn cùng LLVT địa phương tổ chức truy kích diệt một bộ phận lớn quân địch, bắt sống tên đại tá tỉnh trưởng Long Khánh. Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc hoàn toàn giải phóng, “cánh cửa thép” ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn mở toang. Sau 12 ngày đêm tiến công, Quân đoàn cùng LLVT địa phương đập tan chiến tuyến phòng ngự kiên cố nhất của địch ở Đông Bắc, tạo thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực triển khai lực lượng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Quân đoàn cấp tốc điều chỉnh lực lượng, cùng LLVT địa phương áp sát chuẩn bị tiến công giải phóng Sài Gòn.
Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng bắt đầu tiến công lớn vào Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bằng nhiều trận đánh liên tục trong hành tiến, diễn ra gay go, quyết liệt, Quân đoàn 4 phối hợp với các lực lượng lần lượt giải phóng Trảng Bom, sân bay Biên Hòa, Tam Hiệp và tiến thẳng về Sài Gòn. Trên hướng Tây Nam, Sư đoàn 9 (lực lượng chủ yếu trong đội hình Đoàn 232) giải phóng thị xã Hậu Nghĩa, Long An, Bến Lức, các địa bàn thuộc quận 8, quận 10, quận 5, đánh chiếm Biệt khu Thủ Đô, bắt sống tướng Lâm Văn Phát - Tư lệnh Biệt khu.
Từ 26 đến 28/4, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược.
Đêm 28/4/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân của ta ở 5 hướng tiến công đồng loạt vào Sài Gòn, đồng thời chỉ thị cho các Quân khu 8 và 9 ở đồng bằng Nam Bộ phối hợp tiến công giải phóng đồng bằng Nam Bộ. 5 giờ sáng ngày 29/4/1975, các cánh quân của ta cùng đánh vào các căn cứ phòng ngự của địch để tiến vào nội thành Sài Gòn. Những khẩu hiệu động viên ngắn gọn và thiết thực như: “chậm trễ là có tội với lịch sử”; “thời cơ là mệnh lệnh” của Bộ Chính trị được nêu lên. Tất cả các đơn vị bừng bừng khí thế tiến công, quyết đánh chiếm các mục tiêu được phân công.
Sau 3 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân đội ta đã đánh chiếm được nhiều căn cứ, vị trí, đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các sư đoàn 5, 25, 22, 18, 7 của quân địch. Cả nước hướng về Sài Gòn - Gia Định. Toàn bộ lực lượng tiến công Sài Gòn đã sẵn sàng. Cán bộ, chiến sỹ sục sôi khí thế quyết thắng. Trên mũ, trên tay áo, trên báng súng, trên nòng pháo, trên thành xe đều ghi lời của Bác Hồ kính yêu: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.
Sáng sớm ngày 30/4/1975, từ khắp các hướng quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. Quân ta nhanh chóng chiếm được Bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh sư đoàn dù của địch làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. 10 giờ 45 phút cùng ngày, ta tiến đánh vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyến Sài Gòn - Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng!
Từ thủ đô Hà Nội đến những bản làng hẻo lánh, các hải đảo xa xôi đều vang tiếng reo mừng. Cả dân tộc vang khúc khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày nay, Đảng bộ, quân và dân Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực chung sức, đồng lòng vươn lên sau đại dịch COVID-19, tiếp tục xây dựng Thành phố thành nơi đáng sống, là đầu tàu, hình mẫu cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, những năm đầu thế kỷ XXI, từ thực tiễn đổi mới, vận dụng đường lối của Đảng, TP Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng cùng Trung ương chuyển dần cơ chế chính sách quản lý kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã có nhiều chính sách được cho phép thí điểm, mang tính đặc thù, cụ thể là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2000 về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định số 93/NĐ/2001/NĐ-CP của Chính phủ năm 2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020.
Năm 2017, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 21-KL/TW về thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh và Chính phủ ban hành Nghị định 48/2017/NĐ-CP quy định về một số cơ chế, chính sách, tài chính, ngân sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh. Cũng trong năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực.
Ngày 16/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền địa phương tại TP Hồ Chí Minh; trong đó quy định không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Tuy nhiên nhìn lại giai đoạn 2009 - 2016, TP Hồ Chí Minh cũng đã tiên phong thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, phường với kết quả là công việc triển khai nhanh chóng, bộ máy tinh gọn, giảm được tầng nấc, thời gian, quyền làm chủ của người dân được đảm bảo, phát huy và tiết kiệm ngân sách. Đây chính là những quyết sách quốc gia, dù chính thức hay thí điểm, đều có tính kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của Thành phố.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng, trên hành trình 48 năm xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước. Báo cáo chính trị của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng thể hiện giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố tăng bình quân 6,41%. Thành phố đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách Thành phố luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước. Thành phố là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần cả nước. Thành phố còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất cả nước, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước.
Đặc biệt, trong hai năm 2020 - 2021, khi dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, Thành phố từ lúng túng, bị động ban đầu đã chuyển sang linh động, quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và thực hiện tốt công tác chăm lo người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động bị mất việc làm do dịch bệnh… góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; chung tay cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương, đó là: Đến năm 2025, Thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.
Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu cho cả du khách và các nhà đầu tư quốc tế.
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/2022/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể đối với tiến trình vực dậy và tạo sức bật cho nền kinh tế, TP Hồ Chí Minh một lần nữa, tiên phong ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025, xem đây là thời cơ vàng để vực dậy nền kinh tế đầu tàu cả nước. Thành phố xác định rõ mục tiêu và lộ trình triển khai phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn phục hồi, khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có cơ hội tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Video: Lữ đoàn phòng không 77 - ‘Lá chắn thép’ bảo vệ bầu trời TP Hồ Chí Minh
Giai đoạn phát triển (2023-2025), tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của Thành phố: Trung tâm Kinh tế, Tài chính; Trung tâm thương mại - mua sắm; Trung tâm Dịch vụ Logistics; Trung tâm Du lịch; Trung tâm Đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; Trung tâm Dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục; Trung tâm Văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, Thành phố đề xuất những nhóm vấn đề lớn, quan trọng, thiết thực, cấp bách, có tính chất chiến lược lâu dài và kiến nghị Quốc hội phê duyệt, bao gồm: Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện dự án. Điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ngoài mức vốn thông báo của Thủ tướng tại Quyết định 1535 (142.557 tỷ đồng). Thông qua Đề án Phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế. Đề án trao cho thành phố Thủ Đức thẩm quyền tối đa để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao...
Gượng dậy sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh đã có bước hồi phục và khởi sắc, cho thấy sự nỗ lực, tiềm lực và sức sống mạnh mẽ của mình.
Thành tựu 48 năm qua và những trăn trở để phát triển trong tương lai của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ của các bộ, ngành.
Có thể khẳng định, trải qua 48 năm, từ một thành phố bộn bề khó khăn sau chiến tranh, TP Hồ Chí Minh đã vươn lên giữ vị thế đầu tàu kinh tế, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của đất nước, nơi hình thành và phát triển những phong trào yêu nước mang đậm ý nghĩa nhân văn về một thành phố nghĩa tình - thành phố "vì cả nước, cùng cả nước".
Bài: Thái Bình - Chí Bình
Ảnh, đồ họa, video: TTXVN - Viết Tôn
Trình bày: Thái Chí
30/04/2023 06:00