Ngày 8/1/1942, cậu bé Stephen Hawking cất tiếng khóc chào đời, đúng vào ngày kỷ niệm 300 năm Galileo (nhà thiên văn học vĩ đại thế kỷ 16, cha đẻ của thuyết nhật tâm) qua đời, như thể số phận đã định sẵn cho ông con đường dấn thân vào vũ trụ sâu thẳm.
Stephen là con cả trong gia đình có 4 anh em, bố mẹ cậu đều là những người có trình độ giáo dục cao. Bà Isobel Hawking đã theo học trường Oxford từ thập niên 1930, khi rất hiếm phụ nữ được vào đại học, còn ông Frank Hawking cũng tốt nghiệp trường Oxford và là một nhà nghiên cứu y học đáng kính.
Một người bạn thân với gia đình Hawking kể lại, họ là một gia đình kỳ cục. Bữa tối thường diễn ra trong im lặng, mỗi thành viên ôm một quyển sách. Năm 1950, cha Hawking trở thành giám đốc Chi nhánh Ký sinh trùng học tại Viện nghiên cứu y khoa quốc gia Anh. Ông Frank muốn cậu cả Stephen theo con đường y khoa, nhưng ngay từ khi còn ít tuổi, cậu bé đã thể hiện niềm say mê với khoa học và bầu trời. Những tối mùa hè, cậu thường cùng mẹ và các em nằm dài trên khoảng sân sau nhà ngắm nhìn trời đêm đầy sao. "Stephen luôn có cảm xúc kinh ngạc rất mạnh mẽ. Tôi thấy những ngôi sao như kéo lấy nó" - bà Isobel từng hồi tưởng.
Thuở nhỏ, Hawking được các thầy giáo nhận xét là thông minh nhưng không phải là một học sinh nổi trội. Trong năm đầu tại trường St. Albans, cậu xếp thứ ba... từ dưới lên. Mặc dù vậy, từ bé cậu đã thích thú khám phá xem mọi vật xung quanh hoạt động ra sao. Stephen thường lén tháo rời đủ loại đồng hồ, đài radio, để rồi nhiều khi không lắp các bộ phận trở lại đúng vị trí để chúng có thể tiếp tục hoạt động. Cậu cũng thường dành thời gian cho những thú vui ngoài học tập như âm nhạc và đặc biệt mê chơi cờ bàn. Cậu bé cùng nhóm bạn tự sáng tạo ra những loại cờ bàn của riêng chúng, chế pháo hoa hay thiết kế các mô hình phi cơ, tàu thuyền. Khi còn đang ở tuổi "teen", Stephen thậm chí đã cùng vài người bạn tự chế tạo một chiếc máy tính từ những bộ phận phế thải để giải những phương trình toán học sơ khai.
Cậu sinh viên Stephen bước chân vào giảng đường Đại học Oxford ở ngay thành phố quê hương khi mới 17 tuổi. Stephen Hawking mê toán học, nhưng trường Oxford khi đó không đào tạo cử nhân toán, nên ông đành chọn khoa Vật lý, để rồi từ đó đi sâu vào nghiên cứu vũ trụ học và thuyết tương đối.
Ở trường, Stephen không quá hứng thú với việc học hành. Cậu dành mối quan tâm cho nhạc cổ điển, tiểu thuyết viễn tưởng và tham gia câu lạc bộ đua thuyền của trường. Sau này khi nhớ lại, Hawking từng ước tính ông chỉ dành 1.000 giờ học tập, nghiên cứu trong suốt 3 năm ở trường Oxford, tức là trung bình chỉ 1 tiếng mỗi ngày.
Trong kỳ thi tốt nghiệp đại học, kết quả của Stephen nằm ở ranh giới giữa tấm bằng hạng nhất và hạng nhì. Bị coi là một sinh viên khó chịu, ông nói với giám khảo buổi thi vấn đáp rằng nếu được trao bằng hạng nhất, ông sẽ sang Cambridge để học cao học, còn nếu chỉ nhận bằng hạng nhì, ông sẽ tiếp tục ở lại Oxford.
Giám khảo đã cho ông bằng hạng nhất. Đúng lời hứa, Stephen Hawking chuyển tới trường Cambridge và hoàn thành luận án tiến sĩ về vũ trụ học tại đây.
Trường Cambridge cũng chính là nơi ươm mối tình đầu của Stephen Hawking với Jane Wilde, sau này trở thành vợ ông. Nhưng khi hai người mới chớm yêu, bất hạnh đã ập xuống đầu cậu sinh viên trẻ 21 tuổi tràn đầy hoài bão.
Một ngày vào năm 1963, Stephen Hawking loạng choạng ngã đập đầu bất tỉnh trên sân trường Cambridge. Sau khi tiến hành các kiểm tra và xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán Hawking mắc bệnh ALS (Amyotrophic Lateral Sclerosis), căn bệnh đã biểu hiện triệu chứng từ hồi ở Oxford khi Hawking tự nhận thấy mình hay bước hụt, ngã hoặc nói nhịu nhưng cậu cố tình bỏ qua.
ALS, còn được biết đến với tên gọi Hội chứng Lou Gehrig, là một căn bệnh không thể cứu chữa, ảnh hưởng tới các tế bào thần kinh và làm cho cơ thể dần dần bị liệt hoàn toàn. Bệnh nhân không bị ảnh hưởng tới trí tuệ, cũng không đau đớn thể xác, nhưng chính sự tuyệt vọng chứng kiến thân xác mình trở thành vô dụng sẽ bẻ gãy ngay cả những ý chí mạnh mẽ nhất.
Nhưng khi tất cả mọi người dường như đều mất hy vọng, thì Stephen Hawking lại nuôi giấc mơ của riêng mình và tin rằng, chính căn bệnh tật nguyền đã giúp ông trở thành nhà khoa học xuất chúng sau này."Trước khi được chẩn đoán bệnh, tôi đã rất chán nản với cuộc sống, cứ như chằng có gì đáng làm".
Khi bất ngờ được bác sĩ thông báo sẽ không thể sống được cho tới lúc nhận bằng tiến sĩ, Hawking đã dốc toàn bộ năng lượng của mình cho học tập và nghiên cứu. "Những trông đợi của tôi đã giảm xuống 'zero' khi tôi 21 tuổi. Nhưng rồi mọi thứ kể từ đó cứ như là một món quà", Hawking trả lời phỏng vấn.
Cuộc đời ông sau này đúng như là một lời thách thức với số phận. Stephen Hawking gây kinh ngạc cho cả giới khoa học khi ông tiếp tục cống hiến trí tuệ và truyền lửa cho nhân loại trong hơn nửa thế kỷ nữa so với thời điểm đã được tiên lượng từ giã cuộc sống.
Từ những năm 1970, vận động của Stephen Hawking đã ngày càng khó khăn, chỉ những người thân mới có thể hiểu được ông đang muốn nói gì. Năm 1985, Stephen Hawking bị viêm phổi, và sau ca phẫu thuật mở khí quản, ông hoàn toàn không thể nói được nữa. Hawking chỉ có thể giao tiếp bằng cách nhướn lông mày để "đánh vần" khi người khác chỉ vào ký tự đúng ý ông trên bảng chữ cái.
Sau đó, giao tiếp của Stephen Hawking với thế giới bên ngoài phải nhờ tới một chiếc máy tính gắn với các cảm biến để nhận biết từng dao động trên má ông, rồi đi qua một thiết bị tạo giọng nói để phát ra âm. Với công nghệ này, mất 10 phút để Hawking có thể truyền đạt một câu nói đơn giản.
Nhưng mục tiêu khám phá bí ẩn vũ trụ đã dẫn lối cho trí tuệ siêu việt trong Stephen Hawking ngay cả khi ông bị tê liệt hầu như toàn thân, phải gắn mình vào xe lăn trong gần nửa thế kỷ.
Bước ngoặt lớn đầu tiên trong sự nghiệp nghiên cứu của Hawking là vào năm 1970, khi ông cùng nhà vật lý Roger Penrose áp dụng các công trình toán học về hố đen vào nghiên cứu vũ trụ và chỉ ra "một điểm kỳ dị không - thời gian" vào thời điểm vụ nổ Big Bang xảy ra.
Trong nhiều năm trước đó, các nhà khoa học khi nghiên cứu thuyết tương đối rộng của nhà bác học Einstein đã chú ý tới vấn đề về các điểm kỳ dị, nơi thời gian bị bẻ cong vô tận dưới tác động của lực hấp dẫn. Mặc dù vậy, họ không thể chắc chắn liệu những điểm kỳ dị đó có thực sự tồn tại hay không.
Stephen Hawking và Roger Penrose đã chứng minh với cộng đồng khoa học thế giới rằng những điểm kỳ dị này hình thành và tồn tại trong các hố đen. Hai ông sử dụng ý tưởng này áp dụng cho toàn vũ trụ, và chỉ ra rằng học thuyết của nhà bác học Einstein tiên đoán về một điểm kỳ dị duy nhất tồn tại trong quá khứ, điểm kỳ dị khởi nguồn của vũ trụ: vụ nổ Big Bang.
Video minh họa đơn giản nhất lý thuyết về hố đen của Stephen Hawking:
Năm 1974, Hawking nêu giả thuyết về một loại bức xạ phát ra từ hố đen - được gọi là "bức xạ Hawking" - sẽ khiến "hố đen" dần "bốc hơi" và cuối cùng sẽ biến mất.
Trong thập niên 1980, Hawking cũng là người đầu tiên làm rõ sự dao động của các nguyên tử và hạ nguyên tử, tức sự phân bố các vật chất siêu nhỏ, đã gây ra sự giãn nở của vũ trụ thời kỳ sơ khai sau vụ nổ Big Bang, làm gia tăng số lượng thiên hà và khiến vũ trụ ngày càng mở rộng.
Giống nhiều nhà vật lý khác, Hawking cũng tìm kiếm một lý thuyết của vạn vật có thể thống nhất lý thuyết hấp dẫn của Albert Einstein với vật lý lượng tử. Song điều ông thích thú nhất là chứng minh vũ trụ xuất hiện từ hư vô, một cách tự phát, không có sự can thiệp của một đấng sáng thế nào, thậm chí không cần một điều kiện ban đầu đặc thù nào.
Những cống hiến không mệt mỏi của Stephen Hawking đã khiến ông được chọn vào Hội Hoàng gia Anh, hội khoa học lâu đời và có uy tín lớn trên thế giới, khi mới 32 tuổi. 5 năm sau, ông trở thành Giáo sư toán Lucasian tại Đại học Cambridge, một chức vụ quan trọng ở Anh từng được nhà bác học Isaac Newton đảm nhiệm, và giữ vị trí này trong suốt 30 năm.
Năm 1988, Stephen Hawking gây chấn động thế giới khi ra mắt cuốn "Lược sử thời gian", trong đó ông làm sáng tỏ những bí mật của không gian, thời gian và hố đen vũ trụ. Cuốn sách trở thành hiện tượng xuất bản trên thế giới với 10 triệu bản bán ra, đưa Stephen Hawking trở thành một ngôi sao chói lọi trong ngành vũ trụ học và được đánh giá là nhà khoa học gây ảnh hưởng lớn nhất tới công chúng kể từ thời Albert Einstein.
Năm 2007, ở tuổi 65, Stephen Hawking trở thành người liệt tứ chi đầu tiên trải nghiệm một chuyến bay không trọng lực. Khi được hỏi tại sao lại dấn thân vào một chuyến bay rủi ro như vậy, ông nói: "Tôi muốn chứng tỏ rằng, con người không bị giới hạn bởi khuyết tật hình thể chừng nào họ không khuyết tật về tinh thần".
Trên chiếc xe lăn, Stephen Hawking đã đi khắp nơi trên thế giới để giảng dạy và truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Năm 2009, ông được Tổng thống Mỹ Barack Obama trao Huân chương Tự do Tổng thống - danh hiệu cao quý nhất ở Mỹ dành cho một cá nhân trong lĩnh vực dân sự.
Ông còn cùng cô con gái Lucy xuất bản một cuốn sách dành cho trẻ em với tên gọi "Chìa khóa bí mật vào vũ trụ của George". Cuốn sách này giải thích cách thức vận hành của hệ Mặt trời, các tiểu hành tinh và hố đen theo cách dễ hiểu nhất đối với các độc giả nhí.
Những năm cuối đời, Stephen Hawking đã đưa ra nhiều cảnh báo nghiêm trọng với nhân loại, ông kêu gọi loài người chạy khỏi Trái đất trong vòng 100 năm nữa để tránh nguy cơ vũ khí hạt nhân, thiên thạch tấn công, virus biến đổi gien và khí hậu nóng lên. Ông cũng cảnh báo sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ dẫn tới hủy diệt nhân loại.
Nổi tiếng nhờ nghị lực và trí tuệ, nhưng đời sống hôn nhân của Stephen Hawking lại không được trọn vẹn. Cuộc hôn nhân với người vợ đầu Jane Wilde, từng đồng cam cộng khổ trong những năm tháng bệnh tật, thiếu thốn, đã đổ vỡ sau 26 năm sau khi Hawking dan díu với nữ y tá chăm sóc mình.
Năm 1995, Stephen Hawking ly hôn vợ để tiến đến hôn nhân với cô y tá Elaine Mason. Nhưng 11 năm sau, hai người cũng chia tay sau những bê bối liên quan đến cáo buộc Elaine bạo hành Stephen. Kể từ đó, thiên tài tật nguyền bắt đầu khôi phục mối quan hệ gần gũi với 3 người con và hòa giải với vợ cũ.
Như một định mệnh, Hawking sinh ra gắn với ngày mất của Galileo và mất đi gắn với ngày sinh của Albert Einstein (14/3/1879). Trong tuyên bố sau cái chết của người cha hôm 14/3, ba người con của Stephen Hawking, gồm Lucy, Robert và Tim, nói: "Ông là nhà khoa học vĩ đại, một con người phi thường mà những đóng góp và di sản của ông sẽ còn sống trong nhiều năm nữa. Lòng quả cảm, sự kiên trì cùng với trí thông minh và óc hài hước của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều người trên khắp thế giới. Ông từng nói: 'Vũ trụ sẽ chẳng là gì nhiều nếu như không phải là ngôi nhà của những người mà chúng ta yêu thương'. Chúng tôi sẽ mãi mãi nhớ về ông".
Đoạt được nhiều giải thưởng, nhiều vinh dự lớn lao trong sự nghiệp của mình, nhưng Stephen Hawking lại chưa bao giờ giành được một giải Nobel. Dù vậy điều đó chẳng hề mảy may quan trọng, bởi câu chuyện cổ tích mà Hawking viết nên qua cuộc đời và nghị lực phi thường, ẩn sau thân hình vẹo vọ trên xe lăn của ông, đã lan tỏa biết bao cảm xúc tốt đẹp cho nhân loại.
Bài: Thu Hằng
Trình bày: Trần Thắng
15/03/2018 01:25