SEA Games 31 là một Đại hội thể thao khác biệt so với các kỳ Đại hội trước - trong tổng số 40 môn thể thao với 523 nội dung thi đấu được tổ chức ở Việt Nam có tới 25 môn Olympic, 12 môn ASIAD (Đại hội Thể thao châu Á) và 3 môn thể thao Đông Nam Á. Các con số ấn tượng như 1.341 vận động viên tham dự, 30 kỷ lục mới được xác lập, 2.970 tình nguyện viên phục vụ...

Những ngôi sao thể thao Việt Nam “xô đổ” 17 trong tổng số 30 kỷ lục được thiết lập của Đại hội. Trong đó, môn thi Olympic điền kinh, điểm sáng đáng chú ý nhất là việc thiết lập 2 kỷ lục Đại hội mới.

 

Nguyễn Thị Oanh xô đổ kỷ lục cũ 10 phút 0 giây 02 của chính mình ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật bằng thành tích 9 phút 52 giây 44. Lò Thị Hoàng cũng vượt qua kỷ lục 55m97 ở nội dung ném lao nữ đã tồn tại suốt 15 năm qua bằng kỷ lục mới 56m37 và giải tỏa cơn khát huy chương đã kéo dài nhiều năm ở nội dung này.

Đoàn Thể thao Thái Lan “trình làng” ngôi sao sáng nhất - là thần đồng chạy nước rút 16 tuổi Puripol Boonson. Anh giành 3 HCV ở các nội dung 100m nam, 200m nam và 4x100m tiếp sức, trong đó có 2 lần phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 200m.

 

Các VĐV nổi bật khác là VĐV chạy nước rút Joshua Robert Atkinson với 4 HCV, ngôi sao cầu lông Kunlavut Vitidsarn thắng nhà vô địch thế giới Loh Kean Yew (Singapore) trong trận chung kết đơn nam, ngôi sao quần vợt Luksika Kumkhum giành Huy chương Vàng (HCV) SEA Games thứ 2 ở nội dung đơn nữ, VĐV bơi lội Jenjira Srisaard giành 2 HCV trong các nội dung bơi bướm và tự do 50m nữ, và VĐV billards Wattana Puoborm giành HCV SEA Games đầu tiên ở tuổi 53 tuổi.

Mặc dù đoàn Thái Lan đứng thứ 2 với số HCV cách khá xa so với đoàn Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Thái Lan (SAT) Gongsak Yodmani vẫn khẳng định ông rất hài lòng với nỗ lực của các VĐV nước nhà.

Bơi lội Singapore gây ấn tượng với việc phá 4 kỷ lục SEA Games ở các nội dung 200m bướm nữ của Quah Jing Web, 50m tự do nam, 50m bơi bướm nam của Toeng Tzen Wei, kỷ lục nội dung 200m ếch nữ của Ang Maximillian Wei. Đất nước đảo quốc Sư tử đang cho thấy vị thế đứng đầu khu vực ở môn thi đấu này với 21 HCV trong các nội dung.

Trong khi đó, Indonesia tự hào về thành tích lịch sử của mình khi xuất sắc giành được HCV môn bóng rổ nam tại SEA Games 31.

 

 

Cùng với cử tạ Việt Nam, các đô cử Đông Nam Á như Vanessa Sarno Palomar (Philippines, hạng 71kg nữ), Rahmat Erwin Abbullah (Indonesia, hạng 73 kg nam), Surodchana Khambao (Thái Lan, hạng 49 kg nữ), Thanyathon Sukchareon (Thái Lan, hạng 45 kg nữ) cũng ra sức để phá tới 7 kỷ lục tổng cử ở môn cử tạ.

SEA Games 31 cũng cho thấy tín hiệu tích cực khi Timor Leste giành được 3 HCB và 2 HCĐ, góp mặt trong bảng tổng sắp huy chương SEA Games lần này. Hình ảnh 2 VĐV điền kinh Việt Nam là Nguyễn Văn Lai và Lê Văn Thao khi cùng ăn mừng với VĐV Felisberto De Deus của Timor Leste đã trở thành một trong những hình ảnh ấn tượng nhất tại Đại hội.

 

Trong bài viết tổng kết hành trình SEA Games 31 của đoàn thể thao nước nhà, tờ "New Straits Times" bày tỏ sự hứng khởi khi chứng kiến 584 VĐV Malaysia tranh tài tại SEA Games lần này sau hơn 2 năm ngừng thi đấu do dịch COVID-19.

Nhật báo uy tín này đưa ra nhận xét khách quan khi cho rằng ở góc độ tổ chức, nước chủ nhà Việt Nam đã tổ chức những màn so tài suôn sẻ và ít gặp vấn đề về trọng tài hay tranh cãi, điều từng xảy ra ở các kỳ SEA Games trước đây.

Tại Lễ bế mạc SEA Games 31, Ban tổ chức SEA Games 31 đã vinh danh 4 VĐV xuất sắc nhất của SEA Games 31, gồm: Nguyễn Thị Oanh (Việt Nam, 3 HCV), Joshua Robert Atkinson (Thái Lan, 4 HCV), Nguyễn Huy Hoàng (Việt Nam, 5 HCV), Jing Wen Quah (Singapore, 6 HCV). Những thành tích vượt bậc của các VĐV làm nên điểm nhấn của một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á thành công rực rỡ.

 

 

Đoàn Thể thao Việt Nam thiết lập kỷ lục mới về số HCV mà một đoàn thể thao có thể giành được ở một kỳ Đại hội ở SEA Games 31.

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, ông Trần Đức Phấn cho biết, thể thao Việt Nam vượt qua cột mốc 200 HCV ở một kỳ SEA Games. Giành tới 205 HCV - bỏ xa Thái Lan xếp thứ 2 với chỉ 98 HCV, thành tích này đã giúp Việt Nam vượt qua thành tích đoạt 194 HCV của Indonesia vào năm 1997 để trở thành đoàn thể thao giành nhiều HCV nhất ở một kỳ SEA Games. Với thành tích này, thể thao Việt Nam khẳng định vị thế trong khu vực sau nhiều lần góp mặt ở Top 3 đoàn thể thao mạnh nhất các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á gần đây.

Không chỉ ấn tượng về số lượng, rất nhiều tấm HCV mà các VĐV Việt Nam giành được đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn.

 

Những ngôi sao trong làng điền kinh và bơi lội tỏa sáng đúng lúc đem về những tấm huy chương danh giá cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

 

Hai môn thể thao cơ bản là bơi và điền kinh đã đem về tổng số 33 HCV, chiếm gần 20% trong tổng số HCV mà Đoàn Thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 31, cho thấy những nỗ lực rất lớn của các tuyển thủ trong phần thi đấu.

Qua phần thi đấu tại Đại hội, Đội tuyển Điền kinh quốc gia cho thấy, sự thành công đáng khen ngợi khi lần đầu tiên giành được HCV ở nội dung ném lao nam (Nguyễn Hoài Văn), marathon nam (Hoàng Nguyên Thanh). Ngoài ra, các gương mặt như Nguyễn Thị Oanh (3 HCV), Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Nguyễn Văn Lai (2 HCV), Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa nam), Phạm Thị Diễm (nhảy cao nữ), Bùi Thị Nguyên (100m rào nữ)… cũng đã đem tới những phần thi đấu giàu cảm xúc.

Các kình ngư đã gây bất ngờ lớn với việc đem về 11 tấm HCV (trong khi chỉ tiêu là giành 6 - 8 HCV) và Nguyễn Huy Hoàng trở thành biểu tượng mới trên "đường đua xanh" của bơi lội Việt Nam. Kình ngư người Quảng Bình là một trong những VĐV giành được nhiều HCV nhất tại SEA Games 31 với 5 HCV (trong đó có 4 HCV cá nhân, 1 HCV nội dung tiếp sức) và thiết lập kỷ lục mới ở nội dung 400m tự do nam.

 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động rất lớn tới quá trình chuẩn bị, làm gián đoạn quá trình tập huấn và làm mất nhiều cơ hội thi đấu cọ xát nâng cao trình độ, các kình ngư Việt Nam không chỉ vượt chỉ tiêu huy chương, còn kiến tạo thành tích mở ra hy vọng ở đấu trường lớn hơn. Đó là giành 2 suất tham dự Giải vô địch thế giới 2022 (400m tự do, 1.500m nam) trong số 4 tấm vé mà các kình ngư Đông Nam Á giành được từ các cuộc thi đấu tại SEA Games.

Hàng loạt các môn thể thao có mặt trong chương trình Olympic cũng đã đóng góp nhiều thành tích rất ấn tượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam trong các cuộc thi đấu tại SEA Games 31. Trong đó, tiêu biểu như 7 HCV ở môn bắn súng, 5 HCV ở môn thể dục dụng cụ, 3 HCV và 6 kỷ lục Đại hội môn cử tạ, 5 HCV ở môn đấu kiếm, 8 HCV canoe, 8 HCV rowing, HCV 2 môn phối hợp, HCV cá nhân nam bóng bàn, 3 HCV môn boxing, 2 HCV bóng ném, 4 HCV môn xe đạp, tấm HCV đơn nam môn quần vợt, 17 HCV ở môn Vật…

 

Cử tạ Việt Nam thi dấu thành công với việc lập 6 kỷ lục Đại hội và 3 HCV.

 

Thống kê cho thấy, đoàn thể thao Việt Nam giành được 116 HCV các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic Paris 2024, chiếm 56% tổng số HCV đã đạt được tại SEA Games 31. Cụ thể, môn điền kinh giành được nhiều nhất với 22 HCV, cân bằng kỷ lục của điền kinh Thái Lan. Ngoài ra, các môn nằm trong hệ thống của Olympic giành được HCV lần lượt là: Bơi (11), boxing (3), canoeing (8), xe đạp (4), đấu kiếm (5), bóng đá (2), thể dục dụng cụ (4), bóng ném (2), judo (9), bắn súng (7), bóng bàn (1), taekwondo (9), tennis (1), cử tạ (3), vật (17).

Đây là điều nằm trong dự báo của giới chuyên môn trước khi đại hội khởi tranh và khẳng định thế mạnh ở nhiều nội dung, môn thể thao Olympic của thể thao Việt Nam trong các cuộc thi đấu tại SEA Games 31.

 

Cũng từ các cuộc tranh tài, những gương mặt nhận được nhiều kỳ vọng như Vũ Thành An, Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm), Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng (TDDC), Hoàng Thị Duyên (cử tạ), Nguyễn Thị Tâm (boxing), Lường Thị Thảo/Đinh Thị Hải (rowing), Kiều Thị Ly (vật), Nguyễn Thị Thật, Đinh Thị Như Quỳnh (xe đạp), Lý Hoàng Nam (quần vợt)… cũng đã thi đấu thành công, khẳng định vị thế số 1 ở khu vực. Kinh nghiệm, bản lĩnh trong thi đấu của nhiều VĐV kỳ cựu đã tiếp lửa và hỗ trợ rất nhiều cho các tuyển thủ trẻ tự tin chinh phục những đỉnh cao thành tích mới trong tương lai.

Ở môn bóng bàn, Nguyễn Đức Tuân trở thành tâm điểm sự chú ý khi đem về tấm HCV nội dung đơn nam cho bóng bàn Việt Nam sau 19 năm chờ đợi. Kể từ sau khi Trần Tuấn Quỳnh đăng quang tại SEA Games 22, phải đến thời điểm này, mới có một tay vợt Việt Nam lên ngôi. Chiến thắng của tay vợt 25 tuổi người Hải Dương không chỉ giải tỏa cơn khát cho bóng bàn Việt Nam tại SEA Games, còn đánh dấu cột mốc lịch sử trong sự nghiệp ngay trong lần thứ 2 dự đại hội. Đồng thời, tấm HCV cũng từng bước thắp lên hy vọng cho bóng bàn Việt Nam sau nhiều năm bị lấn lướt bởi các tay vợt Singapore.

 

 

 

Lửa nhiệt tình thắp sáng từ những khán đài, lan tỏa tinh thần đoàn kết, yêu thể thao của con người Đông Nam Á.

Nhận xét ngay trước lễ bế mạc, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn khẳng định: SEA Games 31 gây ấn tượng mạnh từ những khán đài đầy ắp khán giả. Sự ủng hộ, cổ động rất lớn của người hâm mộ, nhân dân diễn ra ở khắp những nơi diễn ra các cuộc thi đấu. Tất cả các nhà thi đấu, sân vận động đều đầy ắp khán giả, có nhiều nơi quá tải. Với mong muốn mọi người dân đều có thể tới cổ vũ và dự khán, Ban tổ chức đã có văn bản đề nghị, khuyến khích các địa phương nơi diễn ra các môn thi đấu của SEA Games 31 không tổ chức bán vé để người dân được thưởng thức thể thao, cổ vũ trọn vẹn cho các vận động viên.

 

 

Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam châu Phi Mohammed Djouadj cho biết: Các trận đấu của môn vovinam tại Nhà thi đấu Sóc Sơn (Hà Nội) rất sôi động, hấp dẫn, đã thu hút được đông đảo khán giả đến xem, cổ vũ không chỉ cho các VĐV nước chủ nhà mà còn cho cả các đội khách. Khán đài luôn chật kín khán giả, một lượng lớn các phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí đã đến đưa tin về giải đấu. Điều này chứng tỏ môn vovinam đã có một chỗ đứng rất lớn trong lòng khán giả Việt Nam, một môn võ mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam và tinh thần thượng võ của người Việt Nam và đang trở thành một môn thể thao quốc tế, giống như các môn võ karate, taekwondo, judo.

Đối với môn thể thao “vua” - Bóng đá, người hâm mộ thể thao Việt Nam nói chung và bạn bè quốc tế nói riêng không còn lạ lẫm với hình ảnh “biển người” tới sân vận động cổ vũ cho các cầu thủ được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.

Không chỉ những trận đấu có đội tuyển U23 Việt Nam tham dự mà ngay cả bảng đấu không có sự xuất hiện của các chàng trai, cô gái áo đỏ như tại Sân vận động Thiên Trường (Nam Định) cũng không còn một chỗ trống. Sức “nóng” lan tỏa từ ngoài sân cho tới khán đài, từ khán đài xuống đến sân cỏ, tiếp thêm động lực to lớn cho các cầu thủ. Không ít đại diện đội bóng các nước đã biểu lộ cảm xúc khi được người yêu bóng đá nói chung và người hâm mộ Nam Định nói riêng cổ vũ, ủng hộ nhiệt thành, hết mình vì tinh thần thể thao trong sáng, cao thượng.

Trưởng đoàn bóng đá Thái Lan - bà Madam Pang đã chia sẻ trước truyền thông về cảm xúc của bà khi chứng kiến hàng nghìn CĐV Việt Nam đến sân trong trận U23 Thái Lan - U23 Indonesia: “Tôi ngạc nhiên và vui mừng khi thấy CĐV Việt Nam trên khán đài hôm nay. Tôi đã theo đuổi bóng đá suốt 16 năm và thật sự ấn tượng khi được sống trong bầu không khí như thế này. Nó mang lại sự thân thiện và mến khách của người dân Việt Nam. Tôi cảm ơn Việt Nam đã đăng cai giải đấu lần này”.

Không chỉ trong bóng đá, tất cả các nội dung tranh tài khác ở SEA Games lần này đều đầy ắp khán giả đến cổ vũ. Trên các sàn đấu khác như ở các môn bóng bàn (Hải Dương), bóng rổ (Thanh Trì, Hà Nội), cầu mây (Hoàng Mai, Hà Nội), boxing, kickBoxing (Bắc Ninh)... tiếng hò reo cổ vũ, hô hào động viên không ngớt. Quốc kỳ của Việt Nam và các nước bạn phủ kín sàn đấu góp phần tạo nên một bầu không khí một lễ hội thể thao thực sự.

 

Cổ động viên từ mọi miền tổ quốc hòa nhịp cùng SEA Games 31.

 

Ở môn billiards, sự ủng hộ từ người hâm mộ Việt Nam là điều mà huyền thoại Efren Reyes (Philippines) khó có thể quên. Ông nói: “Thật sự tôi cảm thấy rất hạnh phúc và cảm nhận được sự nồng nhiệt khi tới Việt Nam. Tôi nhận ra tình yêu của những người hâm mộ. Tôi cũng rất yêu quý họ. Tôi sẽ giữ mãi những ấn tượng này trong lòng và không bao giờ quên”.

Người dân đã “cháy” hết mình để khi Đại hội khép lại, mọi người trở lại cuộc sống thường ngày nhưng chắc chắn rằng, ấn tượng về một kỳ SEA Games ở Việt Nam sẽ mãi còn đọng lại.

Các phóng viên tác nghiệp tại SEA Games 31 cũng ngỡ ngàng bởi sự cuồng nhiệt của người hâm mộ Việt Nam. Nhóm phóng viên của tờ Thairath viết: “Sự lo lắng không còn nữa vì khi đến các nhà thi đấu khác nhau, chúng tôi chứng kiến rất nhiều người Việt Nam có mặt cổ vũ cho tất cả VĐV tham dự với sự nhiệt tình cao. Cho dù có các đội Việt Nam thi đấu hay không, người hâm mộ vẫn theo dõi cuộc thi và cổ vũ hết mình. Hình ảnh này có ở mọi môn thi đấu”.

Thành công của SEA Games 31 không thể không kể đến sự hỗ trợ nhiệt thành của gần 3.000 tình nguyện viên là học sinh, sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Các em đã tham gia vào công tác tình nguyện, tạo nhịp cầu kết nối, những đại sứ giúp lan tỏa giá trị tốt đẹp, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

 

 

Vượt qua đại dịch, nước chủ nhà Việt Nam đã có những chuẩn bị cực kỳ chu đáo để sự kiện thể thao lớn nhất khu vực diễn ra trong đoàn kết, công bằng, hữu nghị.

Bên cạnh công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành thể thao Việt Nam trong quá trình hướng tới SEA Games 31 là cùng các cấp chính quyền chung tay phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho HLV, VĐV.

Với những chủ trương, biện pháp rất hiệu quả của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành, các địa phương, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được khống chế, tạo điều kiện cho SEA Games 31 ấn định ngày khởi tranh, đánh dấu sự trở lại của Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Khác với những kỳ Đại hội trước, việc tổ chức SEA Games 31 không chỉ xoay quanh những công tác thường nhật như chuyên môn - kỹ thuật, lễ tân - khánh tiết, an ninh - trật tự... mà công tác đảm bảo an toàn, an ninh, phòng chống dịch cũng được đặt lên hàng đầu.

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 có sự góp phần làm nên thành công của các tình nguyện viên.

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Ban tổ chức SEA Games 31 với 9 tiểu ban trực thuộc đã tích cực phối hợp với Hà Nội cùng 11 tỉnh/thành lân cận lên kế hoạch chi tiết, ấn định thời gian, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa điểm nằm trong hệ thống tổ chức giải, đồng thời liên tục bám sát, trao đổi với các Bộ ngành liên quan, hoàn thiện chi tiết các tình huống, phương án đảm bảo tối đa trật tự, an ninh, an toàn phòng, chống dịch.

Hàng tuần, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL đều có những buổi họp giao ban với Ban tổ chức để rà soát tiến độ và mọi mặt của công tác chuẩn bị, cho ý kiến và giải pháp nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề còn tồn tại.

Toàn bộ cơ sở vật chất tổ chức cho Đại hội được nâng cấp, sửa chữa đảm bảo cho thi đấu. Ngành thể thao Việt Nam cũng "trình làng" 2 điểm thi đấu mới hoàn toàn gồm trường bắn tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội và Cụm sân đấu quần vợt tại Từ Sơn (Bắc Ninh). Đây đều là tổ hợp hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Với sự chuẩn bị chu đáo, các đoàn quốc tế đánh giá cao công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam. Trong đó, khu vực sân Mỹ Đình, trường bắn súng, cung thể thao dưới nước... đều nhận được những lời khen tích cực.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ VH,TT&DL) cho biết, trong những ngày qua, Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể với chất lượng chuyên môn cao nhất trên tinh thần công bằng, đoàn kết hữu nghị giữa nước chủ nhà với bạn bè trong khu vực. Công tác tổ chức các môn thi đấu được tổ chức bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe và do các trọng tài quốc tế điều hành.

Ban điều hành các môn đều có tổng giám sát, tổng trọng tài, họ đã làm theo đúng Luật thi đấu của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á và châu Á. Việc tập huấn trọng tài được thực hiện rất kỹ càng nên công tác trọng tài cũng diễn ra rất tốt, không xảy ra sự cố.

 

Các phóng viên nước ngoài và Việt Nam tác nghiệp tại SEA Games 31.

 

Các đoàn thể thao các nước chia sẻ, họ rất hài lòng về công tác tổ chức của Việt Nam. Họ đã được thi đấu hết mình và được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhiều trận đấu không có VĐV Việt Nam tham dự, nhưng vẫn có rất đông khán giả đến sân cổ vũ nhiệt tình, khiến các VĐV nước ngoài cảm thấy giống như được thi đấu trên sân nhà…

Sự thành công của SEA Games 31 còn có sự góp sức của công tác truyền thông lan tỏa những thông tin tích cực. Đánh giá về công tác truyền thông, bà Lê Thị Hoàng Yến cho biết SEA Games 31 có hơn 2.000 phóng viên đăng ký tác nghiệp, trong đó có khoảng 400 - 500 phóng viên nước ngoài và khoảng 50 hãng thông tấn.

Ban tổ chức có Trung tâm Báo chí Quốc tế và Trung tâm Truyền hình Quốc tế đặt tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi về điều kiện tác nghiệp tốt nhất cho các phóng viên trong nước và quốc tế, giúp họ truyền tải tin, bài, hình ảnh về nước một cách dễ dàng, thuận tiện nhất. Ban tổ chức cũng hỗ trợ các phóng viên nước ngoài phương tiện di chuyển đến các địa điểm thi đấu ở các địa phương.

 

 

Có mặt tại Lễ bế mạc, ông Chamroeum Vath, Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Campuchia chia sẻ: “Tôi và toàn bộ đoàn VĐV của Campuchia được tiếp đón rất chu đáo, nhiệt tình, điều kiện ăn, nghỉ ngơi, đi lại rất tốt và thời tiết rất mát mẻ, dễ chịu. Chúng tôi được thưởng thức nhiều món ngon và phở là món chúng tôi yêu thích vì hương vị rất riêng biệt. Kỳ SEA Games này cũng có nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị hơn đối với chúng tôi. Những trải nghiệm của tôi ở Hà Nội là vô cùng thú vị.

Chúng tôi học được một điều vô cùng quan trọng ở Việt Nam. Đó là nụ cười thân thiện, thường trực trên khuôn mặt của người dân ở những nơi chúng tôi đến, đặc biệt là nụ cười của người Hà Nội đã lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp trong tôi.”

Truyền thông Malaysia nhận định nước chủ nhà Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31 và kết thúc bằng lễ bế mạc ấn tượng, lung linh sắc màu.

 

 

 

Trang Inquirer Sports (Philippines) đã đăng bài phỏng vấn Trưởng đoàn thể thao Philippines - ông Ramon Fernandez, với những lời ca ngợi nỗ lực tổ chức SEA Games của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa kết thúc. Ông đã khen ngợi cơ sở vật chất và sự đón tiếp nồng hậu của nước chủ nhà dành cho đoàn thể thao của nước này. Ông Ramon Fernandez cho biết: “Chủ nhà SEA Games - đất nước Việt Nam - vô cùng nồng hậu và mến khách. Nơi ở của các VĐV, HLV và các nhân viên khác của đoàn Philippines rất thoải mái. Chúng tôi đã được đối xử tốt. Không có khiếu nại lớn nào cả. Nhìn chung, chúng tôi hài lòng với sự đối xử của chủ nhà Việt Nam và ủng hộ họ”.

Ông Fernandez cũng cho rằng, Việt Nam đã “nâng tầm SEA Games” thông qua công tác tổ chức: “Nước chủ nhà đã rất cởi mở, nỗ lực tạo ra một cuộc chơi công bằng, qua đó góp phần nâng tầm SEA Games. Các đoàn khác cũng phản hồi rằng họ có thể đưa nhiều VĐV ở các môn Olympic tới SEA Games và nhận được phản hồi tốt từ các bộ môn”.

Trong thời gian diễn ra SEA Games 31, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hưởng ứng sự kiện thể thao lớn của khu vực đã được các địa phương tổ chức. Trong đó, có các tour khuyến mại cho các VĐV, phóng viên nước ngoài được tổ chức để quảng bá đất nước, con người và du lịch Việt Nam.

Tại Hà Nội, trên cơ sở rà soát, đánh giá, tổng hợp số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Thành phố. Theo đó, 14 khách sạn 4 - 5 sao được bố trí phục vụ các đoàn đại biểu, đại diện các đoàn thể thao các nước, VĐV, phóng viên quốc tế tham dự SEA Games 31; 62 khách sạn 3 - 5 sao, khu căn hộ cao cấp, tương đương 7.355 phòng và gần 500 khách sạn 1 - 2 sao với trên 11.000 phòng được phục vụ khách du lịch tới Hà Nội trong dịp SEA Games 31.

 

Du lịch cũng đem đến những thành công cho sự kiện thể thao văn hóa lớn khi đã tạo dựng những sản phẩm dành riêng cho các đoàn thể thao quốc tế. Sở Du lịch đã tích cực chỉ đạo các đơn vị điểm đến, lưu trú, lữ hành xây dựng các sản phẩm du lịch mới và kích hoạt các sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ khách du lịch như: Tour xe đạp Hành trình dấu chân làng cổ Bát Tràng; Kích hoạt các sản phẩm du lịch đêm tại không gian phố đi bộ Sơn Tây, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; Tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long; Tour đêm khám phá Nhà tù Hỏa Lò; Hanoi City Tour bằng xe bus 2 tầng; Tour Khám phá văn hóa Đông Nam Á của Bảo tàng Dân tộc học. Bên cạnh đó, một số Công ty Lữ hành cũng đã xây dựng 28 tour, chương trình du lịch tiêu biểu tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng và thưởng thức ẩm thực độc đáo của Thủ đô Hà Nội và vùng phụ cận.

Sở Du lịch còn phối hợp với kênh truyền hình CNN Quốc tế xây dựng và phát sóng phim quảng cáo 30s về hình ảnh du lịch Hà Nội có lồng ghép logo SEA Games 31.

Nhờ công tác quảng bá và truyền thông như vậy, SEA Games 31 -  diễn ra khi Việt Nam vừa mở cửa du lịch đón du khách quốc tế, cũng thu hút nhiều khách du lịch cũng đã đến và cổ vũ cho các VĐV tại các sân vận động…

 

Lễ bế mạc như một đại nhạc hội mang dấu ấn văn hóa Việt Nam.

 

Công tác thông tin, truyền thông về các bộ môn thi đấu cũng như cập nhật lịch thi đấu, địa điểm thi kịp thời, cùng với đó, các địa phương cũng làm rất tốt công tác tuyên truyền, quảng bá nên khán giả tự nguyện đến sân rất đông, hầu như môn thi đấu nào cũng rất đông khán giả.
    
SEA Games 31 khép lại, điều còn đọng lại là nước chủ nhà Việt Nam đã truyền đi cảm hứng và lan tỏa tình đoàn kết, tinh thần thể thao mạnh mẽ tới người dân trong khu vực, đúng như chủ đề của SEA Games 31: Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn. Rồi nhiều năm sau, những ca từ trong bài hát chính thức của SEA Games 31- “Hãy tỏa sáng” (Let's shine) sẽ vẫn còn trong tâm thức nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, như ca khúc “Vì một thế giới ngày mai” của SEA Games 22 đã để lại. 

 

 

 

Bài: Lê Sơn, TTXVN
Ảnh: Lê Sơn, TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy

26/05/2022 07:39