Trước lúc hy sinh ngày 14/3/1988, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đá Gạc Ma đã hô vang lời thề giữ đảo “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”. Lời thề ấy luôn là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho những chiến sĩ Trường Sa hôm nay và mai sau.

Được các bác, các chú cùng thời với bố kể lại về cuộc sống và sự nghiệp chiến đấu, hy sinh cao cả của bố, chị Trần Thị Thủy (con gái duy nhất của liệt sĩ Trần Văn Phương) đã nuôi ý chí quyết tâm theo cuộc đời binh nghiệp.

Tưởng nhớ bố đã đi xa, Thượng úy Trần Thị Thủy, nhân viên Văn thư bảo mật Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân vẫn không thể nào quên ngày cha mình là liệt sĩ Trần Văn Phương cùng 63 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở vùng biển Gạc Ma trong sự kiện ngày 14/3/1988.

Mỗi lần đi công tác Trường Sa, chị Trần Thị Thủy luôn mang theo cuốn nhật ký của cha cùng hành trang người lính hải quân để đến với biển, đảo quê hương. Cuốn nhận ký là tài sản vô giá mà liệt sĩ Trần Văn Phương khi còn sống đã gửi vào đây bao kỷ niệm của cuộc đời quân ngũ.

Chiều 12/3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dâng hương tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.

Tháng 6/2022, thêm một lần nữa chị Thủy tiếp tục đến với Trường Sa. “Cuốn nhật ký rất quý giá đối với tôi, đặc biệt khi đi công tác ở Trường Sa, cuốn nhật ký lại theo hải trình ra nơi mà bố đã hy sinh. Đặc biệt, cuốn nhật ký có mặt ở vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao lại càng có ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng lúc nào bố cũng luôn luôn đi theo mình để động viên, an ủi mỗi khi tôi gặp khó khăn. Đó là một động lực để giúp tôi vượt qua được những cơn say sóng trong chuyến đi mà mình trải qua", Thượng úy Trần Thị Thủy ôn lại kỷ niệm.

Sinh ra và lớn lên ở vùng cát trắng Quảng Bình, sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Quảng Bình, chị Thủy vào Khánh Hòa với mong ước được nối nghiệp cha, góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tháng 3/2010, trên một chuyến tàu ra thăm huyện đảo Trường Sa, chị Thủy đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ với mong ước trở thành nữ quân nhân Hải quân. Và mong ước của chị đã thành hiện thực khi được Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Ninh tiếp nhận lá đơn. Sau chuyến đi đó, khi về đất liền, lá đơn của chị Thủy đã được cấp trên phê chuẩn.

Video Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển Gạc Ma (Video được phóng viên báo Tin tức thực hiện tháng 5/2022).

Đặc biệt, sau đó chị Thủy được biên chế về chính đơn vị mà bố mình đã từng công tác, đó là Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. "Nguyện vọng được tiếp bước theo con đường của bố đã hình thành trong tôi từ lúc tôi bắt đầu nhận thức được chuyện bố mình đã hy sinh vì biển, đảo Tổ quốc. Niềm tự hào về bố đã thôi thúc tôi viết đơn xin nhập ngũ và đã được thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân phê duyệt", chị Thủy kể lại.

Chị Thủy cho rằng, thanh xuân của bố cùng đồng đội đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên vùng biển thiêng liêng Gạc Ma để bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ tấc đất, sải biển của Việt Nam. Cho nên, là một thanh niên với sức trẻ thanh xuân phơi phới, mình cần cống hiến sức lực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Chị Thủy kể lại: Trong chuyến công tác đến với Trường Sa tháng 6/2022, có một bạn nhỏ ở Hà Nội đã gửi những con hạc giấy do chính tay bạn ấy gấp để gửi ra Trường Sa thả xuống biển tưởng nhớ các chú, các bác đã hy sinh trên vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao năm 1988.

“Tâm niệm của bạn ấy mong muốn được chính người nhà của liệt sĩ cầm giấy và đọc tên những liệt sĩ đã ngã xuống vì biển, đảo ở Trường Sa. Tôi cảm thấy rất xúc động. Cảm ơn bạn nhỏ có tấm lòng và sự hiểu biết sâu sắc, dành tình cảm cho những liệt sĩ đã ngã xuống ở vùng biển Gạc Ma”, chị Thủy nhớ lại.

“Mỗi lần tôi ra Trường Sa đều được tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển Gạc Ma. Chuyến công tác tháng 6/2022 vừa qua, ngồi trên xuồng để thả những bông hoa và hạc giấy gửi về cho bố cùng với đồng đội của bố, tôi cảm thấy tự hào", chị Thủy kể lại.

Cũng theo chị Thủy, mặc dù bố chị đã được đưa hài cốt về đất liền an táng, nhưng cảm giác được đến với Trường Sa giữa biển trời mênh mông, đặc biệt là ở vùng biển thiêng liêng đã nhuốm máu của bố và đồng đội của ông, bản thân chị Thủy cảm thấy rất vinh dự, tự hào.

Ẩn sau nỗi đau mất bố và nỗi buồn vô hạn mà gia đình chị đã trải qua, chị Thủy cũng rất kiêu hãnh, tự hào về bố mình cùng các đồng đội của ông đã không tiếc máu xương anh dũng hy sinh bảo vệ biển, đảo.

“Mỗi lần đến với Trường Sa, khi đi qua vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đứng bên mạn tàu tôi thường nói: Bố ơi! Con đã đến đây và đang đứng trên vùng biển mà bố cùng đồng đội đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Con luôn luôn tự hào về bố", chị Thủy xúc động kể lại.

35 năm trước, ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao ở Trường Sa của Việt Nam.

Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, phương tiện vũ khí hạn chế, không có bờ đất, công sự che thân, nhưng với tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng trên 3 con tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505 và lực lượng bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trước sự tấn công không cân sức, kẻ thù đã dùng sức mạnh quân sự áp đảo nhằm uy hiếp tinh thần nhưng các cán bộ, chiến sĩ của chúng ta rất gan dạ, kiên cường, dũng cảm, kiên quyết bám tàu, bám đảo để bảo vệ cờ, bảo vệ đảo. Sau khi uy hiếp nhưng không làm lay chuyển được tinh thần cán bộ chiến sĩ của ta, các tàu chiến của địch đã dùng súng, pháo bắn thẳng vào tàu của chúng ta, làm tàu HQ 604 bốc cháy và chìm rất nhanh.

Tại Gạc Ma, các cán bộ chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc, lấy thân mình quyết tâm giữ đảo. “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” - câu nói của Anh hùng liệt sỹ, Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đá Gạc Ma lúc ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma. 

Họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sự kiện lịch sử ở Gạc Ma đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ nét phẩm chất những chiến sĩ cách mạng kiên trung, những người con ưu tú của đất nước, sẵn sàng xả thân, không lùi bước, quyết lấy máu mình để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

64 người lính bảo vệ đá Gạc Ma đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu của các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời các thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ.

“Không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng”. Đó chính là lời mà những người cựu chiến binh Gạc Ma luôn tự nhắc nhở mình và đồng đội suốt nhiều năm qua.

Hình ảnh các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc ở Gạc Ma, vẽ thành “vòng tròn bất tử” mãi khắc ghi sử sách, viết nên bản anh hùng ca còn vang vọng mãi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha, nhắc nhớ con cháu phải quyết giữ vững từng tấc đất, lãnh thổ, hải giới mà ông cha đã không tiếc máu xương để bảo vệ.

35 năm đã trôi qua, bằng những hành động tri ân khác nhau các cựu chiến binh Gạc Ma cùng người thân, bạn bè luôn nhớ đến sự hy sinh của các anh. Giờ đây, mỗi chuyến tàu khi đến với Trường Sa đều thực hiện nghi thức thả hoa, để tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ vì nước vong thân, ngã xuống trong trận chiến ngày 14/3/1988.

Mùa Xuân năm 1975 đất nước hoàn toàn giải phóng, “Lời thề giữ biển”, khí phách anh hùng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn được cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam tô thắm.

64 liệt sĩ đã nằm lại ở Gạc Ma trong sự kiện Trường Sa 1988 đã kê cao thêm nền Tổ quốc giữa đại dương bao la, để biển, đảo Việt Nam ngày càng thêm xanh bất tử. Nhắc về sự kiện này, Chuẩn Đô đốc Lương Việt Hùng - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhấn mạnh: Quyết tâm bảo vệ Trường Sa - chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm cũng là quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trang sử bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa đã được viết không chỉ bằng mồ hôi, công sức mà bằng cả máu và nước mắt; bằng sự can trường, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.

Sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đã tạo nên khí phách Trường Sa: Đó là lòng yêu nước, trí tuệ con người Việt Nam; truyền thống nhân nghĩa, hữu nghị; mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc…

 

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Quân chủng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”.

Quân chủng Hải quân được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng nên phát triển nhanh về tổ chức biên chế, mạnh về vũ khí trang bị, tàu thuyền. Về lực lượng, từ 4 Vùng Hải quân phát triển thành 5 Vùng, đóng quân trên các địa bàn trọng điểm, cửa ngõ của đất nước. Từ 3 lực lượng chủ yếu phát triển thành 5 lực lượng, như: Tàu mặt nước, tàu ngầm; pháo binh - tên lửa trên bờ; không quân - hải quân; hải quân đánh bộ và đặc công hải quân; lực lượng phòng thủ đảo, đồng thời, thành lập thêm nhiều đơn vị mới. Cùng với phát triển lực lượng, Hải quân nhân dân Việt Nam cũng được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, thế hệ mới…

Sắt son lời thề giữ biển, ngày nay Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn bám tàu, bám biển, trụ vững nơi đảo xa, đó cũng là thể hiện ý chí làm chủ vùng biển. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có thể mất mát hy sinh, nhưng vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, bộ đội Hải quân luôn chiến đấu dũng cảm, kiên cường, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ vững chắc từng sải biển, từng tấc đảo của Tổ quốc.

Chiến sĩ hải quân canh gác bên cột mốc chủ quyền ở đảo Trường Sa.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân, đến với huyện đảo Trường Sa hôm nay, chúng ta sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt. Đảo đã phủ kín cây xanh. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo luôn quán triệt sâu sắc về vị trí chiến lược của Trường Sa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tranh thủ thời gian xây dựng đơn vị, nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống.  

Quân dân trên đảo Trường Sa luôn duy trì nghiêm túc các chế độ nền nếp chính quy, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho bộ đội và đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường”. Nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức đảng và đảng viên gắn với thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Khánh Hòa tích cực giúp đỡ nhân dân các xã, thị trấn trên huyện đảo Trường Sa ổn định và nâng cao đời sống người dân, thường xuyên quan tâm chăm sóc, giáo dục các cháu thiếu niên, nhi đồng - những chủ nhân tương lai của đất nước tạo nên sức sống mới trên quần đảo Trường Sa.

Bài: Thái Bình - Chí Bình
Ảnh, video: Viết Tôn - TTXVN
Trình bày: Thái Chí

14/03/2023 05:30