Xuất phát điểm là sinh viên ngành thiết kế thời trang, nhưng vì đam mê với hội họa, với nghề gốm truyền thống, chị Lê Thị Hiếu (39 tuổi, chủ cơ sở tranh gốm sứ Trung Hiếu) đã mạnh dạn về làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội để khởi nghiệp với nghề gốm khi trong tay chỉ là “con số 0”.
Không vốn liếng, không phải người gốc làng nghề, chưa có kinh nghiệm nhưng chị Lê Thị Hiếu vẫn quyết tâm đeo đuổi mục tiêu, học cho được nghề và làm nghề, sống bằng nghề. Vừa sử dụng đôi tay khéo léo để pha màu cho bức tranh đắp hoa sen, chị Hiếu vừa mãn nguyện chia sẻ: “Để có được những sản phẩm như ngày hôm nay, tôi đã phải liều lĩnh dấn thân, nỗ lực không ngừng nghỉ; đây cũng là kết quả khẳng định phụ nữ có thể làm được tất cả mọi việc, trên mọi lĩnh vực, và đều có cơ hội để thành công nếu biết kiên trì, học hỏi, sáng tạo”.
Để có được cơ sở gốm cho riêng mình, chị phải học hỏi rất nhiều từ chất liệu, những phương pháp làm nghề, kỹ thuật nung gốm, tráng men… quan sát, đúc kết từ nhiều thợ gốm, nghệ nhân trong làng nghề.
Trải qua những ngày “ăn chực nằm chờ” để học nghề, sau giai đoạn học hỏi, với rất nhiều nỗ lực, tâm huyết; thậm chí phải trả giá những mẻ gốm, bài men bị hỏng, rất nhiều thất bại, chị Hiếu đã có được những sản phẩm hoàn chỉnh như ngày hôm nay. Chị đã tự tin khởi nghiệp tại làng nghề Bát Tràng với thương hiệu gốm Trung Hiếu.
Các công đoạn từ đánh hồ, đổ ép phôi, vẽ, đắp cho đến các bài men phù hợp, nhiệt độ nung đều phải nghiên cứu rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng, tích lũy dần. Đến nay, cơ sở của chị đã được đã được đánh giá cao về chất lượng, kỹ thuật cũng như tính thẩm mỹ; đầu ra sản phẩm đạt chất lượng, đơn hàng ổn định. Nếu không đam mê tôi không thể làm được như hiện nay, rất khốc liệt và rất nhiều lần phải “chịu thua” rồi lại đứng dậy tiếp tục.
Dần dần khi sản phẩm đã đạt chuẩn, có đầu ra, có vốn, chị Hiếu lại tiếp tục thuê thêm thợ, đào tạo thợ, hướng thợ làm theo hướng phát triển sản phẩm. Thủ công không sản xuất hàng loạt, mỗi sản phẩm một đề tài khác nhau. Sản phẩm chính của cơ sở hiện nay là tranh ốp tường, tranh tứ quý bằng gốm, đồ trang trí sân vườn, nhà cửa, đặc biệt làm theo yêu cầu của khách hàng. Hiện các sản phẩm đã được ưa chuộng, có nhiều đơn hàng cả trong nước và nước ngoài. Các sản phẩm cũng được mang đi đến nhiều triển lãm, trình bày trong nhiều sự kiện, chương trình…
Tự nhận là một người phụ nữ cá tính, năng động, có niềm đam mê, chị Hiếu cho biết: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng phụ nữ không thể làm được những việc mà nhiều người cho rằng là “việc của đàn ông”; mình phải tự khẳng định mình có thể làm được tất cả, bằng đam mê và nỗ lực của bản thân. Là một người phụ nữ hiện đại, nhất thiết phải năng động, từ bỏ quan niệm cho rằng phải “chôn chân với bếp núc”, làm chủ được tài chính, giỏi giang trong mọi lĩnh vực; muốn như vậy tôi nghĩ phụ nữ phải luôn cố gắng hoàn thiện mình”.
Cũng vươn lên bằng nghị lực và mong muốn mang lại cuộc sống an toàn cho cộng đồng, chị Đỗ Thị Ngọc Trâm đã mạnh dạn khởi nghiệp với thương hiệu Công ty CP Oganic Green Nut (Nam Từ Liêm, Hà Nội), phát triển các dòng thực phẩm sạch, an toàn từ những hạt đỗ tương không biến đổi gen của Việt Nam.
Sau hơn 4 năm mạnh dạn khởi nghiệp, đến nay Công ty CP Oganic Green Nut đã chinh phục được người tiêu khắp cả nước thông qua phân phối sản phẩm các siêu thị, cửa hàng tiện ích ở nhiều tỉnh, thành phố. Hiện Công ty đã cho ra thị trường 5 sản phẩm chính là: Đậu phụ, đậu lụa, tào phớ, sữa đậu nành và váng đậu.
“Chúng tôi muốn giới thiệu, truyền thông, quảng bá sản phẩm của mình đến khách hàng để khách hàng biết thế nào là đậu phụ sạch, đậu phụ không biến đổi gen. Quan trọng hơn cả, chúng tôi còn muốn giới thiệu đến khách hàng giá trị truyền thống của những món ăn này”, chị Đỗ Thị Ngọc Trâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Oganic Green Nut chia sẻ.
Đặc biệt, dự án “Đậu phụ quê mình” của doanh nghiệp đã giải quyết được việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, chủ yếu là lao động nữ. Doanh nghiệp mới được vinh danh 10 sản phẩm sáng tạo tiêu biểu Thủ đô năm 2021.
Thời gian gần đây, phong trào phụ nữ khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, ngày càng nhiều chị em vươn lên khẳng định mình trong các lĩnh vực, nhất là làm chủ kinh tế, mạnh dạn khởi nghiệp với sự nỗ lực tích lũy kiến thức, hiểu biết về mọi mặt.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, các cấp luôn chú trọng đổi mới, đẩy mạnh tư vấn cho chị em phụ nữ khởi nghiệp, phát triển các trang mạng xã hội, tư vấn ứng dụng, chuyển đổi số và thương mại điện tử, chuyển đổi tư duy, phương thức bán hàng từ trực tiếp sang livestream, quảng bá sản phẩm, kết nối qua các kênh của phụ nữ, tư vấn cho các doanh nhân nữ tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…
Cùng với sự hỗ trợ đó, nhiều chị em phụ nữ đã nỗ lực vượt khó vươn lên, đạt nhiều kết quả trong đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Theo “Báo cáo kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ” năm 2019, số liệu thực tế cho thấy, tại Việt Nam, số lượng trang Facebook do nữ doanh nghiệp sở hữu tăng 2,6 lần so với năm 2016. Điều này đã chứng minh, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đã biết thích nghi kịp thời, tận dụng các cơ hội của nền kinh tế số để phát triển và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Với Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” đang được triển khai mạnh mẽ thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động thúc đẩy các doanh nghiệp và phụ nữ khởi nghiệp; đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, coi kỹ thuật công nghệ là những công cụ quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Hội cũng khởi xướng và triển khai các lớp đào tạo miễn phí về kỹ năng số, kỹ năng mềm và kỹ năng kinh doanh từ cơ bản đến nâng cao; tổ chức các hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế về doanh nghiệp nữ trong cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ khởi nghiệp trong nền kinh tế số.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Khởi nghiệp là con đường để phụ nữ vươn lên, phát huy khả năng, tiềm năng để đạt đến sự phát triển bền vững. Mỗi người phụ nữ dấn thân, dựa vào nội lực và giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân, từ đó lan toả ảnh hưởng tới những người xung quanh, tạo ra nhiều giá trị mới, có ích cho xã hội. Có được điều đó, chúng ta sẽ tiến dần đến mục tiêu bình đẳng giới khi từng phụ nữ đều dấn thân và tiến tới”.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thời gian qua, công tác phụ nữ và bình đẳng giới thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao. Cụ thể, tỷ lệ nữ đại biểu khoá XV đạt cao, xếp thứ 62/190 quốc gia trên thế giới và thứ 2 trong khu vực ASEAN về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan nghị viện/quốc hội (theo đánh giá của Liên đoàn nghị viện quốc tế); có 50% bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt.
Các nữ trí thức ngày càng thể hiện được tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo, có nhiều cống hiến cho xã hội. Đặc biệt, trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và người dân, các nữ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản khó khăn, thậm chí chấp nhận cả hy sinh, mất mát để tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng tăng. Số liệu thống kê của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ tăng lên nhanh chóng những năm gần đây, hiện chiếm tỷ lệ hơn 25% tổng số doanh nghiệp và giữ vị trí cao nhất trọng khu vực Đông Nam Á.
Với "vũ khí" là sự nhạy bén, tính cách mềm mỏng nhưng cũng không kém phần quyết liệt, nhiều phụ nữ đã thể hiện bản lĩnh không hề thua kém nam giới trong việc lãnh đạo doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh. Đặc biệt, nhiều chị em đã đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo các chuyên gia, người phụ nữ Việt Nam trong xã hội ngày nay chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: Yếu tố gia đình, yếu tố xã hội, yếu tố trực tiếp, gián tiếp, chủ quan, khách quan. Tuy vị thế ngày càng được nâng cao, nhưng phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ định kiến giới, sự bất bình đẳng trong môi trường làm việc và trao cơ hội để phát triển… so với nam giới.
Đặc biệt, những áp lực từ trách nhiệm đối với gia đình đòi hỏi phụ nữ phải làm vệc nhiều hơn 100% sức lực trong giai đoạn đầu và quá trình khởi nghiệp ít nhận được sự hỗ trợ từ phía các thành viên trong gia đình, nhất là với những nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ nhóm dân tộc thiểu số…
Vì vậy cần đề xuất chỉnh sửa, ban hành chính sách; giải pháp truyền thông thay đổi nhận thức với cách tiếp cận làm sao để giúp nhận diện được những vấn đề đặt ra; các điều kiện đảm bảo để hỗ trợ người phụ nữ, xây dựng nguồn nhân lực nữ phát triển tốt nhất, tạo điều kiện để bảo đảm cho phụ nữ tham gia toàn diện, hiệu quả vào mọi lĩnh vực của đời sống, xây dựng người phụ nữ Việt Nam vừa truyền thống, vừa hiện đại; trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương để giải phóng, tạo điều kiện, hỗ trợ phụ nữ.
Khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp… với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội, những lúc thuận lợi cũng như khó khăn.
Theo đó, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân nói chung và người phụ nữ nói riêng, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Để đảm bảo tiêu chí về người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới, công tác đảm bảo sức khỏe cũng là một tiêu chí quan trọng. Đây cũng là vấn đề cần được quan tâm đồng bộ trong thời gian tới.
Theo PGS.TS.BS. Đinh Thị Phương Hòa, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế), hiện vẫn còn những thiệt thòi về tiếp cận chăm sóc sức khỏe ở những phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số, sinh sống ở những vùng núi, vùng sâu, xa. Đơn cử như tỷ lệ phụ nữ được chăm sóc thai nghén thấp nhất là ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; phụ nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung ở nhóm nghèo nhất thấp hơn 4 lần so với nhóm giàu nhất; tử vong mẹ ở người dân tộc cao gấp 3,4 - 7,5 lần so với người Kinh…
Vì vậy, để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ cần ban hành thêm các chính sách củng cố dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời nhân rộng một số mô hình chăm sóc sức khỏe phụ nữ hiệu quả như: Mô hình Cô đỡ thôn bản, tăng cường sự tham gia của người cha trong khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ… Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ phụ nữ trong thời gian tới như: Chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ; các Chương trình, Đề án, Chính sách đặc thù bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, cao tuổi, lao động nữ di cư; chính sách hoặc Đề án hỗ trợ cha mẹ có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ ở vùng có khu công nghiệp, khu chế xuất, đông lao động di cư nữ; Đề án hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022 – 2030…
Cùng với đó là các Chương trình hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ số; chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và kỹ năng lồng ghép giới…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng: Để tạo điều kiện phát triển toàn diện, phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ cần thực hiện các biện pháp như: Tập trung các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế như: Cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay hợp pháp, hợp lý, an toàn…
Các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ cần được chú trọng như: Các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu về tỉ lệ cán bộ nữ; những giải pháp, cơ chế đặc thù đối với cán bộ Hội cơ sở; công tác đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn; hỗ trợ tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ…
Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến môi trường sống an toàn và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em, như chính sách thai sản nhằm bảo đảm thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai và sinh con; chương trình giáo dục làm cha mẹ; quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; tạo điều kiện để phụ nữ di cư trở về nhanh chóng tái hòa nhập, ổn định cuộc sống; quản lý hiệu quả thông tin chia sẻ trên mạng xã hội…
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với những tiêu chí của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, bước đầu được định hình là: Có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, chúng ta vẫn rất cần xác định cụ thể nội dung trong từng giai đoạn.
Theo đó, những nội dung này cũng phải phù hợp với sự đa dạng của các nhóm phụ nữ ngày nay; từ đó đề ra các giải pháp cụ thể.
“Đặc biệt quá trình xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng thời đại mới phải gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”, bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết.
Bài: Tạ Nguyên
Ảnh: TTXVN - Tạ Nguyên
Trình bày: Tạ Nguyên- Thuần Như
08/03/2023 01:38