Những ngày tháng 6/2024, nhà báo, nhà nghiên cứu về truyền thông đa phương tiện Nguyễn Cao Cường tất bật triển khai dự án vận động đóng góp 5 tấn xi măng làm đường, 5.000 cây giống làm vườn cây tại bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La). Hình ảnh đầy lãng mạn về những con đường liên thôn, liên bản không còn sình lầy, những vườn cây mát mắt dọc con đường dẫn vào làng được hiện thực hóa thông qua tư duy thực tế, chuẩn xác, đầy kế hoạch của người làm báo, cũng giống như nhiều dự án vì du lịch cộng đồng khác của Cường cứ thế mà dần hình thành.

Nhà báo Nguyễn Cao Cường trong một chuyến khảo sát cung đi bộ trên núi.

Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường là cái tên không xa lạ trong giới báo chí, truyền thông Việt Nam. Anh được biết đến với vai trò Giám đốc sản xuất kênh truyền hình đối ngoại VTC10, Phó giám đốc Trung tâm hợp tác và sản xuất chương trình VTVcab, sau đó là Giám đốc Công ty TNHH CSM Global. Cao Cường cũng đi sâu nghiên cứu và triển khai các hoạt động tư vấn, đào tạo chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Anh cũng là người hỗ trợ các cơ quan báo chí xây dựng hệ thống quản trị số, khai thác và tối ưu hoạt động của tòa soạn trên đa nền tảng thông qua công cụ quản trị theo mô hình hội tụ.

Nhà báo Nguyễn Cao Cường trong một chương trình đào tạo của Hội nhà báo Việt Nam.

Mối duyên “bỏ phố về chốn sơn lâm” của nhà báo Nguyễn Cao Cường bắt đầu từ những chuyến rong ruổi tới các vùng núi Tây Bắc những năm 2012 - 2013. Khi ấy, anh Cường đặt chân tới Lũng Cú (Hà Giang), tìm hiểu cuộc sống của bà con ở Lô Lô Chải - một bản làng rất đẹp cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1km, nơi quần cư của bà con dân tộc Lô Lô.

Yêu miền rừng núi, nhà báo Nguyễn Cao Cường sẵn sàng chinh phục những cung đường khó khăn.

“Ở đó, đời sống của bà con còn rất khó khăn. Nếu muốn cải thiện đời sống cho bà con thì phải quảng bá, xây dựng cơ sở vật chất để đón khách du lịch. Muốn thế, phải có người hướng dẫn, chỉ cách cho bà con. Vậy là tôi quyết định dừng mảng công việc truyền thông để thử sức ở một lĩnh vực hoàn toàn mới. Nhiều người bảo đó là một quyết định “điên rồ”, nhưng tôi vẫn quyết tâm, bởi tôi nhìn ra những vẻ đẹp, tiềm năng ở Lô Lô Chải”, anh Cường chia sẻ.

Nguyễn Cao Cường "phải lòng" bản Lô Lô Chải ngay lần đầu tiên tổ chức chuyến đi thiện nguyện cùng bạn bè.

 

Vậy là Nguyễn Cao Cường đem những kinh nghiệm có được chuyển qua kinh doanh homestay, rồi chọn bản làng trên núi cao để gắn bó và khởi nghiệp du lịch cộng đồng. Cường tâm sự, càng đi nhiều, anh càng nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn của những vùng đất đó. Anh mong muốn vẻ đẹp đó phải được nhiều người biết đến, tìm đến. Và chính những tiềm năng du lịch ấy sẽ tạo sinh kế lâu dài cho bà con.

 

 

“Trước năm 2010, mình không đi đâu ra khỏi Hà Nội. Từ năm 2010 khi qua Mỹ làm việc, thấy người dân rất quan tâm đến chất lượng cuộc sống, cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, giữ gìn kết nối gia đình. Và mình đã bắt đầu đi lên miền núi từ khi đó. Lô Lô Chải là một bản làng yên bình, bà con dễ mến. Mình đã bắt đầu giúp đỡ bà con ở đây bằng những chương trình thiện nguyện. Tặng quần áo, sách vở, tủ thuốc, tặng tiền làm lại các công trình của bản…

Nhà báo Nguyễn Cao Cường trong những ngày đầu hướng dẫn bà con Lô Lô làm du lịch.

Nhưng việc từ thiện này không thể duy trì mãi, bà con ở đây cần cái cần câu cơm hơn là con cá có sẵn. Và du lịch cộng đồng là điều mình nghĩ đến đầu tiên”, anh Cường kể câu chuyện khởi đầu mối duyên với miền núi từ cách đây hơn 10 năm của mình.

Khi ấy, phần lớn người dân ở bản chưa hiểu xây dựng dịch vụ du lịch homestay là gì, anh Cường vẫn kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ bà con dân tộc Lô Lô làm du lịch cộng đồng.

“Mình đã cùng anh Gai trường bản xây dựng và trang trí cho căn nhà đầu tiên của bản, cũng chính là nhà của anh Gai, để đủ điều kiện đón khách. Cùng lúc đó, anh Ogura người Nhật đã hỗ trợ để anh Gai phục dựng lại căn nhà đất bằng phương pháp trình tường.

Khách trong và ngoài nước dần biết đến bản, và khi khách nhiều hơn, các nhà hàng xóm đến đều bắt chước trưởng thôn, đầu tư phục dựng lại nhà cổ để đón khách. Cứ như thế các nhà học nhau, đến nay cả bản đã có 42 gia đình làm homestay”, anh Cường kể lại.

Ngây ngất với vẻ đẹp bản Nậm Nghiệp mùa hoa Sơn Tra.

Thành công ở Lô Lô Chải, Nguyễn Cao Cường muốn thử sức ở một vùng đất khác. Rồi tình cờ anh tìm đến bản Nậm Nghiệp hoang sơ trong một lần lang thang lên Tây Bắc, dự định chinh phục ngọn núi Tà Chì Nhù trong biển mây hùng vĩ.

Ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, Nậm Nghiệp là bản làng cao nhất trên dải đất hình chữ S, đường đi vô cùng khó khăn, kể cả xe máy hay ô tô. Thời điểm anh đến, có rất ít người dưới xuôi đặt chân đến được bản làng này. Cả bản có khoảng 175 nóc nhà, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, anh Cường lại nhìn ra tiềm năng du lịch ở đây, chính là những khu rừng táo mèo nguyên sơ.

Quán cà phê trên đỉnh núi là một trong những điểm hấp dẫn đến khi khách du lịch ghé thăm bản Nậm Nghiệp.

Anh dựng quán cà phê đón khách ghé thăm bản. Anh họp với bà con Nậm Nghiệp nói chuyện về làm du lịch, về những nét riêng có của bản có thể thu hút khách phương xa. Anh cũng vận động, thuyết phục bạn bè đóng góp kinh phí hỗ trợ người dân làm đường trong bản, sửa cầu treo qua suối; hướng dẫn các gia đình tham gia san lấp mặt bằng để làm chỗ nghỉ chân, khu cắm trại và cung cấp các dịch vụ cơ bản để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

"Đặc sản" hoa đỗ quyên trên các đỉnh núi thuộc bản Nậm Nghiệp.

Nguyễn Cao Cường đã vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm nghiệp vụ báo chí truyền thông để “thắp sáng” mảnh đất Nậm Nghiệp. Từ một vùng đất ít người biết đến, giờ đây, nhắc đến Nậm Nghiệp là người ta nhớ đến mùa hoa táo mèo tháng 3, mùa quả tháng 9 hàng năm…

Hoạ sỹ sáng tác tại Trại sáng tác Mỹ thuật Nậm Nghiệp lần thứ nhất năm 2024.

Nếu ai đã từng đến Nậm Nghiệp và trở lại đây lần sau, đều phải thốt lên rằng bản làng càng đẹp và được quy hoạch tốt hơn. Anh Cường giờ được coi là “chuyên gia về Nậm Nghiệp”, hiểu biết cặn kẽ về vùng đất này, từ vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng đến con người nơi đây. Anh cũng không ngừng lên ý tưởng biến vùng đất này thành điểm đến nghệ thuật, và dự kiến tiếp tục vận động tài trợ để có thể duy trì Trại sáng tác hội họa thường niên. Trại hè nghệ thuật cho học sinh tại Nậm Nghiệp cũng đang lên kế hoạch thực hiện.

Phục dựng Lễ tạ ơn là một trong những chiến lược gìn giữ văn hóa để phát triển du lịch của bà con bản Nậm Nghiệp.

Đặc biệt, Nguyễn Cao Cường đang nhen nhóm về một lễ hội độc đáo ở bản: “Tôi sẽ vận động bà con tổ chức lễ tạ ơn nhân mùa hoa sơn tra kết thúc. Trong lễ tạ ơn sẽ giới thiệu 4 sản vật của địa phương gồm trà táo Sơn Tra, mật ong rừng Nậm Nghiệp, rượu quả táo Sơn Tra, rượu hoa táo Sơn Tra. Tôi cũng động viên bà con chuẩn bị điều kiện để thành lập hợp tác xã du lịch Nậm Nghiệp để dần chuyên nghiệp hóa sản phẩm, dịch vụ. Cả vùng cùng thống nhất và ban hành mức giá của các dịch vụ trong bản, tránh tình trạng lộn xộn, chèn ép khách”.

Không chỉ dừng lại ở Lô Lô Chải và Nậm Nghiệp, anh Cường mang hoài bão nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, dựng nhiều vùng homestay ở nhiều bản làng vùng cao với việc kết hợp những cung đường từ xã Ngọc Chiến tới các khu vực huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), huyện Bắc Yên (Sơn La) để tạo thành một vòng cung mới của du lịch Tây Bắc, xuất phát từ Nghĩa Lộ, Yên Bái. Đây sẽ là cung du lịch thu hút khách du khách ở Tây Bắc nếu được kết nối.

Bài: Lê Sơn/Báo Tin tức
Ảnh: Nguyễn Cao Cường
Trình bày: Tuệ Thy/Báo Tin tức

20/06/2024 02:33