Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều người nghèo tại TP Hồ Chí Minh "bỗng dưng" mất thu nhập và mất việc. Là người đi lên từ khó khăn, anh Hoàng Tuấn Anh thấu hiểu và "phát minh" ra máy "ATM gạo" để phát gạo từ thiện.

Từ một máy đầu tiên tại địa chỉ 204B đường Vườn Lài, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh), không lâu sau hàng trăm máy "ATM gạo" khác cũng được đặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để giúp đỡ người nghèo và khó khăn trong thời điểm cách ly xã hội. Không chỉ thế, máy "ATM gạo" còn được xuất ngoại để giúp cho các nước nghèo khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nặng nề hơn.

Người phát minh ra chiếc máy “ATM gạo” nổi tiếng trong mùa dịch COVID-19 vừa qua chính là anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh (phân phối khóa điện tử PHGLock của Úc).

Có thể thấy, giữa muôn kiểu cứu trợ mùa dịch, phát minh “ATM gạo” của anh Hoàng Tuấn Anh đã trở thành mô hình cứu trợ nghĩa tình nhất trong thời điểm người nghèo lao đao vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì vậy, trong câu chuyện hàng ngày của nhiều người dân nghèo, câu chuyện “ATM gạo” của anh Hoàng Tuấn Anh vẫn được nhiều người nhắc lại với sự cảm kích, khâm phục và cảm ơn cha đẻ của máy “ATM gạo”.

Chị Lê Thị Mỹ Ngoan, ngụ quận Tân Phú, cho biết trong đợt dịch bệnh vừa qua, gia đình chị đã được nhận 1,5 kg gạo mỗi ngày từ chiếc máy “ATM gạo” của anh Hoàng Tuấn Anh. Nhờ đó, gia đình chị Ngoan đã vượt qua giai đoạn khó khăn trong mùa dịch.

Chiếc máy "ATM gạo" đã đem đến niềm vui cho rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Chị Lê Thị Mỹ Ngoan tâm sự: “Gia đình tôi có 4 người, chồng tôi làm nghề phụ hồ, còn tôi làm nghề bán vé số, hai đứa con còn nhỏ nên gánh nặng mưu sinh đè nặng lên hai vợ chồng. Trước khi có dịch, thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng khá bấp bênh bởi nhiều thứ phải chi tiêu như: tiền thuê trọ, ăn uống, học phí cho con… Vì vậy, khi dịch COVID -19 xảy ra cộng thêm “cách ly xã hội”, cuộc sống của gia đình tôi càng trở nên khó khăn hơn. Khi nghe tin có cây “ATM gạo” giúp người nghèo, tôi đã chở con đến đây lấy gạo. Nhờ vậy, mùa dịch vừa qua gia đình tôi không phải lo lắng cho bữa đói bữa no”.

Mỗi người dân nhận được khoảng 1,5 kg gạo/ngày nhưng những hạt gạo này chất chứa rất nhiều tình cảm, sự san sẻ của cả cộng đồng, xã hội dành cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ gia đình chị Ngoan, rất nhiều gia đình nghèo khác cũng nhờ máy “ATM gạo” của anh Hoàng Tuấn Anh nên đã có thể yên tâm thực hiện tốt “cách ly xã hội” của Chính phủ. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt hơn, cuộc sống của người dân cũng dần trở lại bình thường trong tình hình mới. 

Trong mùa dịch bệnh, người nhận gạo nghiêm chỉnh chấp hành giữ khoảng cách an toàn và xịt khử khuẩn tay.

Anh Hoàng Tuấn Anh cho biết, việc phát minh ra máy “ATM gạo” khá ngẫu nhiên và bắt nguồn từ ý tưởng của chiếc ATM thường. Theo đó, máy ATM có thể “nhả” ra tiền thì cũng có thể “nhả” ra gạo, thay vì dùng thẻ ATM rút tiền thì mọi người có thể nhấn nút để gạo chảy ra. Để “chế” máy “ATM gạo”, anh Tuấn Anh cho lắp ráp một hệ thống ống nối chuyển gạo từ trong kho ra bên ngoài. Người điều khiển máy sẽ thông qua camera để nhận diện người đến lấy gạo, từ đó có thể phân phát gạo đúng người và nhiều người nhất.

Đáng chú ý, máy “ATM gạo” của anh Hoàng Tuấn Anh không chỉ phát triển trong cả nước và còn lan tỏa ra các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á để giúp đỡ người nghèo nước bạn vượt qua khó khăn trong mùa dịch COVID-19. “Hiện nay, tình hình phát triển máy “ATM gạo” trong cả nước đã tạm ổn nên tôi đã làm những chiếc máy "ATM gạo" thông minh và cải tiến hơn để đem tặng cho các nước bạn. Tôi đã cải tiến được 5 máy “ATM gạo” để đem tặng cho Campuchia và Ấn Độ”.

Ít ai biết được, để duy trì máy "ATM gạo" hoạt động trong mùa dịch COVID-19, anh Hoàng Tuấn Anh đã đầu tư nhiều chi phí, thậm chí là bán nhà của mình. Bởi anh biết, nổi khổ của người nghèo phải thiếu ăn thiếu mặc là thế nào vì từ khi lập nghiệp đến nay, cuộc đời anh đã trải qua rất nhiều thăng trầm.

“Thất bại đầu đời là khi tôi 25 tuổi. Khi đó, tôi đang học tập và sinh sống ở Úc. Thời điểm đó, tôi có dự án làm ăn với chính phủ Úc về lắp đặt tấm cách nhiệt với lợi nhuận hàng triệu đô. Tuy nhiên, sau khi đầu tư hết trang thiết bị và chuẩn bị ký kết hợp đồng thực hiện thì sự cố xảy ra. Chỉ 5 giờ đồng hồ sau, tôi đã rơi vào cảnh trắng tay và suýt nữa là tự tử vì thất bại dự án này. Khi bình tĩnh lại, tôi đã dành 10 năm theo đuổi lĩnh vực khoá thông minh. Đến năm 2020, tôi bất ngờ có thêm một ngã rẽ mới là dự án “ATM gạo” trong khi cuối năm 2019, tôi dự kiến năm nay công ty sẽ có lợi nhuận “khủng” từ khóa thông minh. Nhưng dịch bệnh COVID-19 xảy ra, doanh thu của công ty hiện đã thiệt hại 50% và hoạt động công ty vẫn chưa đâu vào đâu”, anh Hoàng Tuấn Anh cho biết.

Chiếc máy "ATM gạo" đầu tiên xuất hiện ở quận Tân Phú sau đó lan ra các quận 12, Thủ Đức, quận 2, quận 3, quận Tân Bình... và hiện nay đã lan ra nhiều nước bạn như Ấn Độ, Campuchia để chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Người dân xếp hàng chờ nhận gạo tại các điểm phát gạo miễn phí từ "ATM gạo" tại các tỉnh, thành cả nước.

 

Mặc dù dự án “ATM gạo” vừa qua đã lan tỏa một cách tốt đẹp khắp nơi, nhưng vì vụ người phát gạo từ chối một người đến lấy gạo đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội, khiến anh Hoàng Tuấn Anh có lúc muốn dừng lại. “Khi sự cố của em H. xảy ra, 3 nhân viên của tôi đã xin nghỉ việc vì sợ hãi tột độ. Nhiều người nhắn tin, gọi điện đe dọa, chửi bới và còn chặn xe trước cửa công ty không cho về. Bản thân tôi, người nhà cũng bị hăm dọa giết cả nhà. Nhưng theo thời gian, tôi biết đó chỉ là những tài khoản giả mạo, hoạt động với mục đích xấu, tôi đã suy nghĩ lại. Cộng thêm hàng trăm người nhắn tin, gọi điện động viên và ủng hộ hoạt động này giúp tôi vững vàng hơn, quyết tâm làm đến cùng”, anh Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.

Với sự quyết tâm, không buông xuôi của anh Hoàng Tuấn Anh, dự án “ATM gạo” của anh ngày nay đã và đang lan tỏa ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Quan trọng nhất vẫn là khi người nghèo gặp khó khăn, gạo vẫn chảy về “ATM gạo” và chảy về nồi cơm của các gia đình nghèo mỗi ngày theo đúng ý nghĩa ban đầu của anh Hoàng Tuấn Anh.

Mỗi ngày có rất nhiều người dân chở gạo đến "ATM gạo" của anh Hoàng Tuấn Anh để cùng anh giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

 “Người ta nói, năm nay tuổi của tôi rất tốt. Nhưng đầu năm 2020 gặp ngay dịch bệnh, tôi thầm nghĩ: Số tốt đến mấy cũng không cãi được số trời. Nhưng giờ tôi chiêm nghiệm lại, trong năm nay mình đã thành công với dự án “ATM gạo”, có thể mình không giàu vì tiền nhưng lại rất giàu về tình cảm. Chẳng biết có phải sự may mắn đang mỉm cười với tôi theo một cách này không?”, anh Hoàng Tuấn Anh tâm sự.

23/06/2020 03:12