Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Đã có 1.841 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ, 621 lượt đăng ký, 508 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 26 lượt tranh luận tại 26 phiên thảo luận Hội trường; 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 149 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 22 lượt tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.  

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Điểm nhấn trong kỳ họp lần này là Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vui mừng, đánh giá cao những kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện đã đạt được cả về phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; an sinh xã hội; chăm sóc người có công và công tác đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.  

Mặc dù vậy, Quốc hội cũng lưu ý, trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, dự báo tình hình kinh tế và chính trị - an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng cao; thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn.  

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ và có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch năm 2022 và 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 6 luật, 3 nghị quyết, bao gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Dự án Luật Giá (sửa đổi), Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Toàn cảnh phiên họp.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phát huy dân chủ, thực sự cầu thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, cơ quan tổ chức hữu quan để tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kịp thời và thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau nên đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết khi Quốc hội thông qua.

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhiều mặt và đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại Kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn đảm bảo thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 như dự kiến của Quốc hội và Chính phủ.

Quốc hội đã nghe và thảo luận sâu sắc, thực chất các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án.  

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tại Kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Đây là chuyên đề giám sát được cử tri, nhân dân cả nước và dư luận đặc biệt quan tâm, có quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn, bao gồm cả 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ; được tiến hành công phu, bài bản và thực sự là cuộc tổng rà soát khá toàn diện về thực trạng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi cả nước…

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí được phát hiện; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục các khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong Báo cáo của Đoàn giám sát. Đề nghị các cơ quan nghiêm túc thực hiện Nghị quyết về giám sát, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững, tạo chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để song hành với những kết quả quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan và việc thực hiện các kiến nghị trong Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch giám sát năm 2023 và các năm tiếp theo.  

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Khánh Thu phát biểu ý kiến. 

Hoạt động chất vấn tiếp tục có đổi mới, thực chất, sôi động, được cử tri, nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến lĩnh vực: Nội vụ, Xây dựng, Thanh tra, Thông tin và truyền thông. Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, 4 vị trưởng ngành và 7 Bộ trưởng khác tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.

Quốc hội đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, xác định rõ nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành cụ thể, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại các kỳ họp sau.  

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, một số ĐBQH bày tỏ hài lòng về Kỳ họp chất lượng và đã có những giải pháp được Chính phủ và các “Tư lệnh” ngành đưa ra sẽ góp phần từng bước giải quyết những vấn đề “nóng” của xã hội, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp.  

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Là ĐBQH Khóa XV và đã tham gia Quốc hội 3 nhiệm kỳ liên tục tôi thấy rằng trong mỗi kỳ họp Quốc hội, hoạt động nghị trường đều được các ĐBQH sôi nổi thảo luận, mang “hơi thở cuộc sống” đến với Quốc hội. Kỳ họp này tôi thấy rất rõ điểm đó. Những phản ánh, kiến nghị của cử tri; tình hình thực tế của đời sống đều được các ĐBQH đưa vào phiên thảo luận tổ, thảo luận ở Hội trường hay phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày”.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, những vấn đề “nóng” như xăng dầu, thiếu hụt nguồn cung; vấn đề tự chủ và xin dừng tự chủ tài chính của một số bệnh viện; tình hình thiếu thuốc và vật tư y tế; sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Giá… đều được các ĐBQH, trưởng ngành đặc biệt quan tâm thảo luận.  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các đồng chí lãnh đạo nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. 

ĐBQH đã nêu nhiều vấn đề, câu hỏi hết sức trách nhiệm trong các phiên họp cũng như phiên chất vấn. Qua khảo sát nhanh, nhiều cử tri tỉnh Thái Nguyên đã phản hồi và nhận xét sự hài lòng về hiệu quả của kỳ họp này. Quốc hội thành công là nhờ trí tuệ và sự trách nhiệm của từng ĐBQH.

“Tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị tài liệu của Quốc hội. Theo đó, các đại biểu đã được nhận những bản báo cáo từ rất sớm, có bảng biểu để so sánh, đặc biệt các nội dung giải trình, thuyết minh, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là điều kiện rất quan trọng để các đại biểu nghiên cứu kỹ trước khi thảo luận và bấm nút thông qua. Đặc biệt, Chủ tọa phiên họp đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác điều hành các nội dung làm việc, được cử tri đánh giá cao bởi sự linh hoạt, khoa học, dẫn dắt phần hỏi và trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm. Sau mỗi nội dung chất vấn, Chủ tọa đều đưa ra kết luận, làm cơ sở để ban hành Nghị quyết về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Qua theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội trong Kỳ họp thứ 4, đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng và sự giám sát của Quốc hội, ông Đào Văn Đương, xã Ninh An, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cho rằng: Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện, đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả trong Đảng và Nhà nước.

Có chung quan điểm với ông Đào Văn Đương, bà Đậu Thị Minh, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho biết: Kỳ họp thứ 4 đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, sôi nổi. Chủ tọa phiên họp đã điều hành kỳ họp hợp lý, bám sát nội dung. Việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, trưởng ngành là thành viên Chính phủ và các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đã phần nào giải đáp được các ý kiến đối với các vấn đề nóng mà ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm.

Còn ông Huỳnh Văn Bến, khu phố Phú Ân, phường An Phú, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã đánh giá cao các nội dung, vấn đề đại biểu thảo luận và làm việc tại kỳ họp. Bởi tất cả các vấn đề người dân quan tâm liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước nói chung và từng tỉnh, thành phố nói riêng đều đã được Quốc hội phân tích, giải đáp rõ ràng.

Cử tri Huỳnh Văn Bến cho biết: “Tôi thường xuyên cập nhật tình hình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV qua phương tiện thông tin đại chúng, nhất là qua các kênh thông tin của Thông tấn xã Việt Nam. Qua theo dõi, tôi đã nắm được thông tin như một số chỉ tiêu quan trọng trong sự phát triển của đất nước, đặc biệt là việc Chính phủ đề xuất mức tăng trưởng GDP năm 2023 lên khoảng 6,5%, chỉ số tiêu dùng khoảng 4,5%… Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ đã nêu rõ những giải pháp, phương hướng cụ thể, khoa học. Cử tri cả nước rất phấn khởi, tin tưởng vào những quyết sách kịp thời của Chính phủ”.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Duơng), kỳ họp đã thành công như mong đợi, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thông qua nhiều dự án luật quan trọng. Quốc hội bố trí khá hợp lý cơ cấu thời gian thảo luận ở Hội trường và tại tổ, cũng như các hoạt động khác, đảm bảo tính khoa học cao.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, tuy thời gian thảo luận tại Hội trường chưa được dài, nhưng đã thu hút nhiều đại biểu đăng ký tham gia thảo luận, tranh luận. Các ý kiến đều rất phong phú, đa dạng, nhiều ý kiến tâm huyết, có chiều sâu, cho thấy các đại biểu đều thể hiện tốt vai trò của ĐBQH, tích cực tìm tòi, nghiên cứu công phu các tài liệu gửi đến kỳ họp. Trong các phiên thảo luận, nhiều vấn đề đại biểu đề xuất đã được các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu, triển khai ngay khi kỳ họp Quốc hội chưa kết thúc.  

Tại kỳ họp này, nhiều dự án Luật, dự thảo nghị quyết có tính chất chuyên ngành, phức tạp như Luật Tần số vô tuyến điện, Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô… đã được Quốc hội thông qua. Một số Luật có phạm vi rộng, phức tạp được Quốc hội cho ý kiến lần đầu như Luật Đất đai, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi… Những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau Quốc hội sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, trường hợp cần thiết sẽ chuyển tiếp sang kỳ họp sau.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng mong muốn Chính phủ sớm có Chương trình hành động cụ thể để sớm đưa luật vào cuộc sống, sớm triển khai các nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp này để tạo niềm tin cho người dân, nhà đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao đời sống, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước.  

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, trong các phiên thảo luận và chất vấn, các đại biểu đã đặt vấn đề rất trúng và đúng, đi thẳng vào nội dung, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề mà Chính phủ đã làm được và chưa làm được. Thậm chí, các đại biểu cũng đề cập đến những việc Chính phủ đã triển khai nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân,  từ đó tìm ra những nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới để giải quyết có hiệu quả những vấn đề người dân đang quan tâm như xây dựng, công nghệ thông tin, pháp luật, phòng, chống tham nhũng…

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, kỳ họp này được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu; đã đánh giá kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và đưa ra định hướng, giải pháp cho năm 2023, cũng như các nội dung quan trọng khác đối với hoạt động của bộ máy nhà nước.

"Cơ bản Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn. Hy vọng những quyết sách, giải pháp của Quốc hội trong thời gian tới sẽ phát huy được hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.  

Đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết rất ấn tượng với sự chỉ đạo của Chính phủ và định hướng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như trách nhiệm của cơ quan soạn thảo và các cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Cơ quan soạn thảo đã trình những tài liệu rất chu đáo để các ĐBQH nghiên cứu và có những phát biểu đóng góp rất sâu sắc.  

Đa số các ý kiến đều cho rằng, qua các kỳ họp cho thấy, Quốc hội luôn đổi mới về nội dung, cách tổ chức. Theo các đại biểu, vấn đề cốt lõi dẫn đến thành công kỳ họp là chất lượng, trình độ của đại biểu, để những vấn đề đưa ra thảo luận mang lại hiệu quả, tính khả thi cao, có thể đi vào cuộc sống…

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của kỳ họp. Nhờ vậy, mặc dù có những điều chỉnh nhất định về chương trình, bổ sung thêm nội dung nhưng vẫn bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và thực hiện thành công chương trình kỳ họp với sự đồng thuận, thống nhất cao và thời gian được rút ngắn hơn.

Bài: Viết Tôn
Ảnh, đồ họa: TTXVN - Video: Viết Tôn
Trình bày: Thái Chí

16/11/2022 04:52