Có người đánh giá rằng sự ảo diệu của nhà văn kiếm hiệp Kim Dung khiến người đời chỉ nuôi mộng kế thừa, không ai dám nghĩ đến lật đổ. Tiểu thuyết gia siêu phàm đó, tượng đài văn học kiếm hiệp độc nhất vô nhị đó, “thái đẩu võ hiệp” đó sẽ sống mãi trong ký ức của nhiều thế hệ chìm đắm trong thế giới giang hồ kiếm hiệp Trung Quốc.

Nhà văn Kim Dung viết tổng cộng 15 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp. Ảnh: Straits Times

Nhà văn Kim Dung qua đời ở tuổi 94 tại Hong Kong (Trung Quốc) chiều 30/10. Nguyên nhân cái chết chưa được công bố. Ông đã ốm yếu kể từ khi bị đột quỵ năm 1997. Năm 2014, ông đã không thể đi lại hay viết lách, nói năng khó khăn và phải phụ thuộc vào người giúp việc. Cái chết của nhà văn được mệnh danh là “võ lâm minh chủ” trong giới tiểu thuyết gia đã khiến nhiều người hâm mộ tiếc thương. 

Nhà văn Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung. Ông là một trong những tiểu thuyết gia có tác phẩm bán chạy nhất, được yêu thích nhất. Thế giới kiếm hiệp mà ông tạo ra qua ngòi bút có sức ảnh hưởng tương đương với thế giới của “Harry Potter” hay “Chiến tranh giữa các vì sao” ở phương Tây.

Kim Dung bắt đầu đăng tiểu thuyết kiếm hiệp theo kỳ trên báo trong những năm 1950. Kể từ đó, thế giới giang hồ trong tiểu thuyết của ông đã khiến cho cả người lớn và trẻ nhỏ say mê, khiến không ai có thể đặt sách xuống một khi đã bắt đầu đọc. Những ông bố bà mẹ đọc truyện Kim Dung cho con nghe say sưa tới mức quá cả giờ ngủ. Ai từng đọc truyện Kim Dung hẳn đều mơ trở thành “võ lâm minh chủ”, một anh hùng, một kiếm sĩ hay một tuyệt thế giai nhân nào đó.

Các tiểu thuyết của Kim Dung càng trở nên nổi tiếng hơn khi được chuyển thể thành phim truyền hình, điện ảnh, truyện tranh và trò chơi điện tử. Tiểu thuyết của ông có sức hút lớn, tác động mạnh tới độc giả. Chủ tịch Alibaba Jack Ma thậm chí còn đưa thế giới của Kim Dung vào công ty. Ông đã đề nghị từng nhân viên chọn một nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung làm đại diện cho tính cách của từng người, đồng thời yêu cầu nhân viên theo tinh thần “Six Vein Spirit Sword” (Lục mạch Thần kiếm), một triết lý kinh doanh kiểu võ hiệp: Khách hàng là thượng đế, phụ thuộc vào làm việc nhóm, đón nhận thay đổi…

Nhà văn Kim Dung có nhiều người hâm mộ là nữ giới hơn bất kỳ tiểu thuyết gia kiếm hiệp nào, có lẽ bởi một phần là sách của ông chứa đựng những cảm xúc tinh tế, phức tạp mà hiếm tiểu thuyết kiếm hiệp nào có. Với sự uyên bác, đa cảm xúc, cốt truyện độc đáo, lối kể chuyện sinh động, Kim Dung được coi là tác giả kiếm hiệp thuộc diện "độc cô cầu bại".

Kim Dung bắt đầu sự nghiệp bằng cuốn Thư Kiếm Ân Cừu Lục năm 1955 và tiếp tục viết cho tới khi hoàn thành cuốn cuối cùng là Lộc Đỉnh Ký năm 1972. Các tiểu thuyết kiếm hiệp đã đưa Kim Dung trở thành tượng đài trong lòng người hâm mộ.

15 đầu sách kiếm hiệp của ông được xuất bản thành từng phần trên các tờ báo như New Evening Post và Minh Báo của Hong Kong mà ông thành lập năm 1959 hay Nanyang Siang Pau và Shin Min Daily News của Singapore mà ông thành lập năm 1967.

Sách kiếm hiệp của Kim Dung được dịch ra tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Anh cùng một số tiếng khác và bán được tới 300 triệu bản. Nếu tính cả sách lậu thì con số đó là hơn 1 tỷ bản.

Các tiểu thuyết thành công nhất của ông gồm: Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Thiên Long Bát Bộ, Tiếu Ngạo Giang Hồ và Lộc Đỉnh Ký. Những nhân vật cũng như tác phẩm này đều là rất nổi tiếng trong nền văn hóa đại chúng của những người nói tiếng Trung trên thế giới. Nổi tiếng đến mức thậm chí cả những người không đọc một quyển sách kiếm hiệp nào của Kim Dung hay xem một bộ phim chuyển thể nào thì cũng biết tới những nhân vật được yêu mến nhất của nhà văn như Lệnh Hồ Xung, Quách Tĩnh, Dương Quá, Tiểu Long Nữ…

Thể loại kiếm hiệp có từ thời nhà Hán ở Trung Quốc. Trung Quốc cũng có rất nhiều tác giả viết truyện kiếm hiệp trước và sau Kim Dung, nhưng không ai có thể địch lại ông. Với lối viết bình dị nhưng hấp dẫn, tiểu thuyết của ông thu hút cả giới trí thức lẫn độc giả bình dân. Mọi “võ lâm cao thủ” trong làng văn kiếm hiệp đều phải lùi bước trước ngòi bút sinh động của Kim Dung. Với ông, một cảnh đánh võ không chỉ là đánh võ mà là cả một nghệ thuật. Tính cách một nhân vật của Kim Dung luôn biến hóa, không đi vào lối mòn như các tác giả khác. Cốt truyện cũng hấp dẫn chứ không khuôn sáo và không gây nhàm chán cho độc giả.

Trong những năm sáng tạo đỉnh cao, Kim Dung thường vừa viết báo vừa viết tiểu thuyết kiếm kiệp hàng ngày. Khi Kim Dung viết các bài xã luận về cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc lúc đang sống ở Hong Kong, ông đã bị các thành phần cực đoan ở Hong Kong đưa vào danh sách ám sát. Khi cuộc bạo loạn nổ ra ở Hong Kong năm 1967, Kim Dung đã tới Singapore sống trong một tháng rưỡi.

Sách của ông vẫn bị cấm ở Trung Quốc vào năm 1981 – khi ông đề nghị gặp gỡ nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và được chấp nhận. Ông Đặng Tiểu Bình vốn là một người hâm mộ Kim Dung. Trong cuộc gặp tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình chào đón nhà văn: “Chúng ta là bạn cũ. Tôi đã đọc tiểu thuyết của ông”.

Năm 1984, Trung Quốc bỏ lệnh cấm sách của Kim Dung, cho phép hàng triệu người Trung Quốc Đại lục tiếp cận thế giới võ hiệp của ông.

Nhà văn Kim Dung sinh ngày 10/3/1924 trong một gia đình tri thức nổi tiếng ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Bút danh Kim Dung (Jin Yong) của ông xuất phát từ âm cuối trong tên Tra Lương Dung (Zha Liangyong).

Theo thông tin trên Wikipedia, ông nội của Kim Dung là Tra Văn Thanh, tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô. Tra Văn Thanh về sau từ chức, đến đời con là Tra Xu Khanh bắt đầu sa sút; Tra Xu Khanh theo nghề buôn, sau sinh 9 đứa con, Kim Dung là con thứ hai. 

Kim Dung được mệnh danh là "võ lâm minh chủ" trong thể loại văn học võ hiệp. Ảnh: THX

Thuở nhỏ Kim Dung thông minh, lanh lợi, nghịch nhưng không đến nỗi quậy phá. Ông yêu thiên nhiên, thích nghe kể chuyện thần thoại, truyền thuyết, nhất là về những ngọn triều trên sông Tiền Đường. Đặc biệt ông rất mê đọc sách. 

Sáu tuổi, ông vào học tiểu học ở quê Hải Ninh. Ông rất chăm học, lại thêm mê đọc sách nên trở thành một học sinh giỏi của lớp. Thầy dạy văn cho ông lúc bé tên Trần Vị Đông, là người rất thương yêu và tin tưởng Kim Dung, đă cùng ông biên tập tờ báo lớp. Một số bài làm văn của Kim Dung, nhờ sự giới thiệu của thầy Đông đă được đăng lên Đông Nam nhật báo, tờ báo nổi tiếng nhất Trung Quốc bấy giờ.
Năm lên tám tuổi, ông lần đầu đọc tiểu thuyết võ hiệp, khi đọc đến bộ truyện Hoàng Giang nữ hiệp của Cố Minh Đạo, cảm thấy rất say mê, từ đó thường sưu tầm tiểu thuyết thể loại này.

Năm 13 tuổi, ông bị đuổi học vì đăng một mẩu biếm họa trên báo tường, nhưng hiệu trưởng trường đã gửi ông đến học trường trung học Gia Hưng ở phía Đông tỉnh Chiết Giang. Tuy xa nhà nhưng cuộc sống của ông cũng không khác mấy, ngoài đi học vẫn chúi đầu đọc sách, và vẫn đứng đầu lớp. Một hôm nhân dịp về thăm nhà, ông khoe gia đình cuốn sách dành cho người thi vào sơ trung, một cuốn cẩm nang luyện thi, có thể coi là cuốn sách đầu tiên của ông, viết năm 15 tuổi và được nhà sách chính quy xuất bản. Đến khi lên bậc Cao trung, Kim Dung lại soạn Hướng dẫn thi vào cao trung. Hai cuốn sách in ra bán rất chạy, đem lại cho ông khoản nhuận bút hậu hĩnh.

Mặc dù có tiềm năng viết sách từ sớm nhưng Kim Dung lại hy vọng trở thành nhà ngoại giao và đăng ký theo học trường quản trị trung ở Trùng Khánh năm 1944. Tuy nhiên, ông bị đuổi học vì phê phán hành vi của các sinh viên là thành viên Quốc dân đảng.

Hình ảnh các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung.

Năm 1948, ông tốt nghiệp khoa luật quốc tế trường Đại học Tô Châu ở Thượng Hải. Nhưng trong lúc đó, ông lại tham gia vào nghề báo, làm phóng viên cho tờ Đông Nam nhật báo ở Hàng Châu năm 1946 và chuyển tới tờ Đại Công báo ở Thượng Hải làm biên dịch viên tin quốc tế năm 1947. Năm 1948, ông chuyển tới Hong Kong làm việc cho văn phòng đại diện của tờ Đại Công báo.

Khi cha chết, Kim Dung đã “khóc ba ngày ba đêm ở Hong Kong và buồn bã suốt nửa năm trời”.

Tiểu thuyết của ông có nhiều câu chuyện ông đã trải qua từ tuổi thơ. Sau cuốn Lộc Đỉnh Ký năm 1972, Kim Dung không viết thêm cuốn tiểu thuyết nào nữa. Thay vào đó, ông rà soát lại hai lượt toàn bộ các tập võ hiệp và tái ra mắt Lộc Đỉnh Ký năm 2006.

Trong cuốn tự truyện Yueyun, Kim Dung viết: “Khi viết và đọc lại tác phẩm của chính mình, tôi thường nhỏ lệ trước bi kịch của các nhân vật. Khi viết rằng Dương Quá chờ Tiểu Long Nữ đến tuyệt vọng cho tới tận hoàng hôn, tôi đã khóc. Khi viết về chuyện Trương Vô Kỵ và Tiểu Chiêu bị buộc phải chia ly, tôi đã khóc".

Các câu chuyện xuất phát từ trái tim nhà văn và chúng đã chạm tới vô số trái tim.

Trở thành “võ lâm minh chủ” của giới văn học kiếm hiệp nhưng Kim Dung lại là một người thất bại trong cuộc sống hôn nhân, gia đình. Ông đã có ba cuộc hôn nhân với hai lần đổ vỡ. Chuyện con cái cũng không suôn sẻ.

Dù thêu dệt nên vô số chuyện tình và cuộc hôn nhân trong tiểu thuyết kiếm hiệp nhưng Kim Dung lại luôn thờ ơ với tình yêu và cuộc sống hôn nhân của chính mình. Trong một lần trả lời phỏng vấn kênh CCTV, ông từng nói: “Cuộc sống hôn nhân của tôi không lý tưởng. Tôi đã kết hôn nhiều lần”.

Người vợ đầu là bà Đỗ Dã Phân. Tình yêu của họ nảy nở ở Hàng Châu năm 1947. Tại thời điểm dó, chàng trai Kim Dung trẻ tuổi làm việc cho tờ Đông Nam nhật báo và tình cờ gặp em trai của Đỗ Dã Phân. Cha của bà làm nghề thuốc ở Thượng Hải, còn mẹ thích sống bình lặng. Bà mua một căn nhà ở Hàng Châu. Cô gái Đỗ Dã Phân theo cha học ở Thượng Hải, kỳ nghỉ thì về với mẹ ở Hàng Châu.

Trải qua ba cuộc hôn nhân, Kim Dung chỉ có hai con trai và hai con gái với người vợ thứ hai.

Sau một thời gian tình yêu nảy nở, Kim Dung cầu hôn Đỗ Dã Phân năm 1948. Đám cưới của họ được tổ chức ở Thượng Hải. Sau này, Đỗ Dã Phân cũng tới Hong Kong ở. Lúc đó, Kim Dung quá bận rộn với công việc và không có thời gian cho vợ, để vợ cô đơn, buồn chán ở nhà. Cuộc sống của bà không hạnh phúc. Cuối cùng, bà trở về Trung Quốc Đại lục và cả hai ly hôn. Họ không có con. Có một số thông tin nói rằng bà Đỗ Dã Phân ngoại tình và đó là lý do họ ly dị. 

Người phụ nữ thứ hai trong cuộc đời Kim Dung là bà Chu Mai, một phóng viên năng động. Họ kết hôn tại khách sạn Miranmar ngày 1/5/1956 khi Kim Dung làm việc cho tờ Đại Công báo. 

Cùng nghề nên Chu Mai giúp chồng xây dựng sự nghiệp trong làng báo với tờ Minh Báo. Tờ này đã phát triển và trở nên nổi tiếng ở Hong Kong. Sau khi bà Chu Mai sáng lập thêm hai tờ báo nữa, sự nghiệp thành công thì quan hệ vợ chồng rạn nứt và họ làm thủ tục ly hôn.

Người hâm mộ chụp ảnh cạnh bức ảnh của nhà văn trong triển lãm Kim Dung ở Hong Kong. Ảnh: SCMP

Mỗi khi làm báo mệt mỏi, Kim Dung thường tới một nhà hàng gần đó uống cà phê thư giãn. Kim Dung là khách quen của nhà hàng. Có lần tới uống cà phê như thường lệ, ông đột nhiên nhìn thấy một nữ phục vụ trẻ trung, xinh đẹp chạy tới hỏi liệu ông có phải Kim Dung không. Ông nói đúng và họ trò chuyện vài lần với nhau. Khi uống xong, ông bo cho cô phục vụ tờ 10 USD. 

Cô phục vụ tất nhiên cảm thấy choáng váng vì lúc đó giá cốc cà phê chỉ là 10 nhân dân tệ. Cô ngay lập tức trả lại Kim Dung tiền. Cô nói Kim Dung là nhà văn và kiếm tiền bằng viết lách. Kiếm tiền không dễ gì và vì thế cô không muốn nhận tiền bo 10 USD. Kim Dung lắng nghe cô phục vụ giải thích một cách vui thích. Từ đó, họ làm bạn với nhau. Một tình yêu nữa đã đến với Kim Dung.

Mối tình của họ tiến triển nhanh chóng và bị bà Chu Mai phát hiện. Bà thấy Kim Dung hiếm khi xuất hiện ở tòa soạn và chỉ gửi bản thảo bài viết tới. Có thông tin nói rằng, khi biết chồng có tình cảm với cô phục vụ bàn, bà Chu Mai đã đưa ra hai điều kiện ly hôn. Một là Kim Dung phải trả tiền bồi thường. Hai là cô phục vụ phải thắt ống dẫn trứng mới có thể cưới Kim Dung. Bà muốn bảo vệ quyền lợi của các con. Bà sợ rằng khi Kim Dung có thêm con, các con chung của họ sẽ bị lơ là. Kim Dung đồng ý với hai điều kiện và ly hôn bà Chu Mai. Hiện chưa rõ thực hư thông tin trên ra sao, chỉ biết cuộc hôn nhân thứ hai của Kim Dung đã chấm dứt.

Nhà văn Kim Dung để lại niềm tiếc thương cho người hâm mộ. Ảnh: SCMP

Bà Chu Mai sống quãng đời còn lại trong cô đơn, nghèo túng. Ngày 8/11/1998, bà bệnh và qua đời ở Hong Kong khi 63 tuổi. Kim Dung nói về cái chết của vợ cũ: “Tôi rất xin lỗi, Chu Mai. Tôi không phải là người chồng thành công vì tôi đã ly dị. Tôi cảm thấy tiếc cho bà ấy. Bà ấy đã ra đi. Tôi rất buồn”.

Người vợ ở cạnh Kim Dung cho tới khi ông qua đời là bà Lâm Nhạc Di, kém ông 27 tuổi. Bà chính là cô phục vụ bàn ngày nào. Mọi người thường gọi bà là “Tiểu Long Nữ”. Người vợ ấy ngày ngày chăm sóc chồng, chú ý tới bữa ăn của ông, trang hoàng căn nhà của ông đẹp đẽ.

Trải qua ba cuộc hôn nhân nhưng Kim Dung chỉ có con với bà Chu Mai, hai trai và hai gái. Trong đó nổi bật là con trai cả Tra Truyền Hiệp – người thừa hưởng tài năng văn chương của ông. Tra Truyền Hiệp là niềm tự hào và cũng là nỗi đau của Kim Dung. Tra Truyền Hiệp đã tự tử khi 19 tuổi ở Mỹ. Có người cho rằng cậu tự tử do tranh cãi với bạn gái, có người nói do chán nản với cuộc sống cha mẹ ly hôn.

Xem các hình ảnh trong phim Tiếu Ngạo Giang Hồ chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Kim Dung (Nguồn: StraitsTimes)

Bài: Thùy Dương
Trình bày: Hồng Hạnh

02/11/2018 06:30