Mặc dù được quy hoạch và triển khai từ khá sớm, nhưng đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long mới xây dựng được hơn 90 km của hai dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận. Nhưng kể cả như vậy thì hai tuyến đường này chỉ mới ở giai đoạn 1 và cũng đang rơi vào quá tải, dù cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới đưa vào khai thác trong năm 2022. Trong khi đó, theo Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn vùng sẽ có hệ thống đường bộ cao tốc khoảng trên 1.100 km bao gồm ba trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với Đông Nam Bộ và ba trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng, các cửa khẩu quốc tế. Vậy, “giấc mơ cao tốc” toàn vùng liệu có về đích đúng hẹn?

Đảng và Nhà nước ta đều nhìn nhận nhu cầu đầu tư hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, nên tuyến đường cao tốc hiện đại đầu tiên của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã được triển khai cách đây gần hai thập kỷ. Đó là tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (nối TP Hồ Chí Minh với Tiền Giang) dành riêng cho ô tô, khởi công tháng 12/2004.

Dự án có chiều dài 61,9 km; bao gồm 39,75 km đường cao tốc và các tuyến đường nối dài 22,1 km với quy mô 8 làn xe cơ giới. Giai đoạn 1 đã được đầu tư với 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư 9.844 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này đã giải phóng con đường độc đạo Quốc lộ 1 từ TP Hồ Chí Minh đi miền Tây đã xuống cấp, quá tải và thường xuyên bị ùn tắc. 

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, tầm quan trọng của đường cao tốc đã được chứng minh khá rõ ràng. Khi cao tốc chưa được khai thông thì thường xuyên kẹt xe trên Quốc lộ 1, mất thời gian từ 2 - 3 giờ mới qua khỏi địa phận tỉnh Tiền Giang. Từ ngày đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc, tình hình ùn tắc xe đã giảm hẳn, kể cả trên cao tốc và trên Quốc lộ 1, đáp ứng mong muốn của người dân, rút ngắn thời gian di chuyển và giảm chi phí logistics.

Tuy nhiên, dù khởi động sớm với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, nhưng suốt thời gian qua, trong khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước nhộn nhịp khởi công, xây dựng, khánh thành rất nhiều tuyến cao tốc, thì Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có một dự án nhưng phải kéo dài nhiều năm mới hoàn thành.

Còn tuyến cao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công năm 2009, nhưng gần 10 năm đình trệ, chỉ thực hiện được 10% khối lượng. Đến tháng 3/2019, Tập đoàn Đèo Cả được mời vào “giải cứu”, huy động tối đa các nguồn lực vật tư, thiết bị và khắc phục các khó khăn, vướng mắc để triển khai thi công dự án. Dài 51,5 km với quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, cao tốc này được đưa vào khai thác từ ngày 30/4/2022 đã tạo sự kết nối từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ được thuận tiện, nhanh chóng.

Lễ khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ông Trần Văn Bon nhìn nhận, tỉnh Tiền Giang nằm ở cửa ngõ kinh tế quan trọng. Mặc dù tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành và đưa vào khai thác, nhưng chúng ta đã mất khá nhiều thời gian và còn thiếu rất nhiều tuyến đường cao tốc khác.

Tuy nhiên, hai tuyến cao tốc này kể từ khi đi vào hoạt động đã nhanh chóng lâm vào tình trạng quá tải. Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã quá tải với trên 50.000 lượt xe/ngày đêm. Từ năm 2019 đến nay, cao tốc này dừng thu phí khiến lượng phương tiện lưu thông tăng cao. Tuyến đường này cũng đang dần xuống cấp, năng lực thông hành không còn bảo đảm do nhu cầu vận tải lớn, tốc độ lưu thông hạn chế, chỉ khoảng 60 - 70 km/giờ, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, không bảo đảm việc kết nối đồng bộ với hệ thống cao tốc trong khu vực.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Trong khi đó, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đầu tư giai đoạn 1 theo tiêu chuẩn thiết kế của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chưa có làn dừng khẩn cấp. Khi dự án hoàn thành đưa vào vận hành nhưng trên tuyến không có các trạm dừng nghỉ kiểm tra kỹ thuật, cứu hộ cứu nạn, tiếp nhiên liệu… cũng là vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác. Ngoài ra, chủ trương của Chính phủ đẩy nhanh đầu tư hoàn thành các tuyến cao tốc như Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh... trong giai đoạn 2021 - 2025 thì áp lực giao thông đoạn đường này ngày càng lớn.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 13% diện tích và gần 20% dân số của cả nước, tuy nhiên cả khu vực mới chỉ có được hơn 90 km đường cao tốc. Vì thế, việc đẩy nhanh đầu tư hoàn thành các tuyến cao tốc toàn vùng đang là vấn đề cấp thiết.

Ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định "ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải…". Đây là cơ sở để hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trong vùng được ưu tiên triển khai và là động lực cho các địa phương.

Theo Nghị quyết 13-NQ/TW, đến năm 2030 sẽ hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh. Như vậy đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 1.180 km đường bộ cao tốc. 

Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Diệp, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thương mại Giáp Diệp (Cà Mau) chia sẻ, tuyến cao tốc kết nối các địa phương luôn là ước mơ đối với người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 2010, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã giải phóng con đường độc đạo Quốc lộ 1 từ TP Hồ Chí Minh đi miền Tây nhưng đến nay đã xuống cấp, quá tải và thường xuyên bị ùn tắc. "Bình quân, đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì chi phí xăng, dầu chiếm tới 40% trong cơ cấu giá cước vận tải. Có thể thấy, khi một phương tiện của doanh nghiệp khi bị ùn tắc trên cao tốc thì không chỉ thời gian chậm trễ mà chi phí xăng dầu sẽ tăng lên, từ đó chi phí vận hành của doanh nghiệp phải bỏ ra cũng lớn hơn. Đó là chưa kể đến hiện nay tuyến cao tốc chỉ 2 làn xe, tốc độ di chuyển cho phép khá chậm… trong khi phí cao tốc vẫn chưa có sự ưu đãi cho doanh nghiệp", bà Diệp phân tích.

Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế khu vực Tây Nam Bộ giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 12% vào 2018; Đông Nam Bộ từ 37% xuống còn 32% năm 2018. Hai khu vực này được xem là đầu tàu kinh tế nhưng lại phát triển chậm hơn. Nguyên nhân có nhiều, nhưng việc thiếu đường cao tốc cũng khiến cho kinh tế đi chậm lại.

Kỳ vọng phát triển hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến sĩ Dương Như Hùng (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) phân tích, quá trình phát triển hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam đã được cải thiện thời gian qua nhưng so với nhiều nước trong khu vực và thế giới còn thua xa. Vì thế, doanh nghiệp sẽ bất lợi hơn trong cạnh tranh, nhất là về chỉ tiêu logistics. 

Riêng chi phí logistics của Việt Nam chiếm 20,8% là mức cao hàng đầu trên thế giới nên doanh nghiệp xuất khẩu kém cạnh tranh. Ước tính, khi chi phí vận chuyển giảm 1% thì nhà xuất khẩu sẽ tăng thị phần lên từ 5 - 8%. Như vậy, cải thiện hệ thống giao thông vận tải sẽ giúp lưu thông hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất nhiều.

Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận thấy, nếu có thể hoàn thành các dự án giao thông theo đúng quy hoạch và tiến độ, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội, tiết kiệm nhiều chi phí khi đầu tư các dự án năng lượng, công nghiệp, xuất nhập khẩu... đem lại nhiều nguồn lực đến với các tỉnh miền Tây.

Phương tiện lưu thông trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đoạn qua xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy sáng ngày 30/4/2022.

Doanh nghiệp thì vậy, còn các địa phương thì thế nào? Là một trong 4 tỉnh, thành kinh tế trọng điểm vùng, Cà Mau đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau thông tin, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả.

Cà Mau ưu tiên đầu tư các dự án có tính liên kết, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Cảng Hòn Khoai và cao tốc từ thành phố Cà Mau đến xã Đất Mũi… Theo kế hoạch, tỉnh Cà Mau sẽ sử dụng khoảng từ 30 - 40% tổng vốn đầu tư công của tỉnh bố trí cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. 

Trong đó, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là một thành phần tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, có chiều dài 109 km, tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025. Tuyến đi qua 5 địa phương là thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. 

Riêng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có tổng mức đầu tư khoảng 9.769 tỷ đồng. Đây là tuyến đường quan trọng, kết nối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước, giúp vận tải hành khách và hàng hóa được nhanh chóng, tiện lợi, an toàn.

Đến nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) đã bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng 0,6 km tuyến chính cao tốc và 9,6 km tuyến nối, đạt 100% cho địa phương. Theo kế hoạch, các địa phương đảm bảo đúng tiến độ trong tháng 11 bàn giao khoảng 70% mặt bằng cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

Làm cốt thép cọc móng thi công cầu An Hữu thuộc dự án đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2 phía Tiền Giang.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021 - 2025, với việc đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, trục dọc cao tốc Bắc Nam phía Tây từ Mỹ An (Đồng Tháp) - Lộ Tẻ (Cần Thơ) - Rạch Sỏi (Kiên Giang) và trục ngang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ kết nối đồng bộ, hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc của vùng. Điều này sẽ hiện thức hóa ước mơ, mong mỏi bấy lâu của chính quyền và nhân dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

"Cần Thơ cam kết sớm điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối các tuyến đường cao tốc, nhằm phát huy tối đa hiệu quả các tuyến đường cao tốc. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương trong vùng để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án cao tốc sớm hoàn thành", ông Nguyễn Ngọc Hè chia sẻ.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện còn một dự án cao tốc khác là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được triển khai. Dự án có chiều dài hơn 188 km, đi qua An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/ giờ. Tổng mức đầu tư của dự án là 44.691 tỷ đồng. Hiện Cần Thơ đã bố trí ngân sách 1.061 tỷ đồng để hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng. Đây là tuyến phục vụ nhu cầu vận tải tuyến hành lang theo trục ngang dọc sông Hậu, kết nối khu cảng biển tại Cần Thơ, cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng), trung tâm thành phố lớn Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc và các cửa khẩu dọc biên giới. Tuyến này cũng đồng thời giảm tải cho Quốc lộ 91, đảm bảo an toàn giao thông cho khu vực.

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, về phát triển hạ tầng trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistics, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng. Các địa phương cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch.

Ngày 16/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đến khảo sát nút giao giữa 2 dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Thực tế, hiện có 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung vào phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này. Hiện cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 90 km đường cao tốc và 30 km đường cao tốc nữa đang được triển khai. Trong nhiệm kỳ này, dự kiến sẽ có thêm 400 km đường cao tốc hoàn thành kết nối TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Cần Thơ đến mũi Cà Mau. Nhiều dự án cao tốc cũng đang từng bước triển khai như Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng), An Hữu - Cao Lãnh - Rạch Giá. 

"Chúng tôi xác định cao tốc phải kết nối để phát triển kinh tế, do đó điểm cuối của hệ thống cao tốc này kết nối vào cảng Trần Đề. Với hệ thống đường cao tốc kết nối với cảng Trần Đề, cùng với sân bay quốc tế Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là điểm đến thuận lợi, thu hút đầu tư mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao, có đủ tiềm năng và điều kiện để phát triển đột phá", Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Quyết tâm của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương là trong vòng 5 - 10 năm tới, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn chỉnh từ trục dọc kết nối TP Hồ Chí Minh với Cà Mau, trục ngang nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi giữa vùng duyên hải và vùng biên giới. Giai đoạn 2021 - 2025, việc đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến cao tốc là cần thiết và cấp bách để sớm kết nối đồng bộ.

Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long.

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất sớm triển khai đoạn cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh. Tuyến cao tốc khi hoàn thành sẽ hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang từ cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) về cảng Định An (Trà Vinh).

Tuy nhiên, cùng với mong muốn triển khai các dự án cao tốc trong quy hoạch, hiện các địa phương và doanh nghiệp cũng mong muốn sớm mở rộng các tuyến cao tốc đã hình thành (TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận) nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao trong khu vực.

Vừa qua, UBND tỉnh Long An đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư giai đoạn 2, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Long An cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư nút giao tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức để bảo đảm tính kết nối, phát huy hiệu quả với đường Vành đai 3 và cao tốc Bến Lức - Long Thành đang đầu tư. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, nếu các tuyến đường này hoàn thành và đưa và sử dụng sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu hiện nay, tạo ra sự kết nối liên hoàn cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Các tuyến đường cao tốc được đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng đề nghị bổ sung vào quy hoạch tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần mở đến mũi Cà Mau nhằm phát huy kinh tế biển, kinh tế thủy sản, kinh tế du lịch trọng điểm của quốc gia cũng như là trục chính để mở cửa, hội nhập và giao lưu quốc tế, kết nối đường bộ với đường biển… 

Như vậy, quy hoạch đã cơ bản đầy đủ, nguồn vốn cũng được bố trí. Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cũng quyết tâm triển khai xây dựng. Các chuyên gia cũng chỉ ra, để khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc và sớm phát huy hết thế mạnh của vùng. Việc cần thiết bây giờ chính là đầu tư xây dựng, các dự án cần "tăng tốc" và đồng bộ, triển khai theo đúng lộ trình đã đặt ra. 

Cầu Mỹ Thuận, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.

Bài: Tiến Lực - Huỳnh Anh - Thanh Liêm - Trường Giang
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Quốc Bình

25/09/2022 05:55