Đông Nam Bộ, với vai trò là đầu tàu kinh tế quốc gia, đang đối diện với những cơ hội và thách thức lớn trong quá trình vươn mình. Dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, khu vực này vẫn phải đối mặt với không ít "điểm nghẽn" trong hạ tầng giao thông, kết nối vùng và quá trình giải ngân đầu tư công. Để bứt phá và mở ra một kỷ nguyên phát triển mới, việc tháo gỡ những trở ngại này là nhiệm vụ cấp bách. Từ những dự án giao thông trọng điểm đến việc phát triển hạ tầng kết nối, Đông Nam Bộ đang nỗ lực không ngừng để xây dựng một tương lai phát triển bền vững, đồng thời thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc đạt mức tăng trưởng hai con số vào năm 2025.
Năm 2024, Đông Nam Bộ tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế với tổng thu ngân sách đạt hơn 733.000 tỷ đồng, chiếm 42,2% tổng thu quốc gia, vượt dự toán 3,6%. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch cả nước, tăng 11% so với năm trước. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực đạt trên 7.500 USD/năm, cao hơn gấp đôi mức trung bình cả nước, khẳng định vị thế dẫn đầu trong phát triển kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Đông Nam Bộ không chỉ duy trì vai trò động lực kinh tế mà còn tiên phong với mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới và sáng tạo. Với hơn 21.000 dự án FDI và tổng vốn đăng ký vượt 189 tỷ USD, khu vực này là điểm đến hấp dẫn nhờ hạ tầng hiện đại, nhân lực chất lượng cao và môi trường đầu tư minh bạch.
Tuy nhiên, khu vực vẫn đối mặt nhiều thách thức: Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, kết nối vùng còn hạn chế, giải ngân đầu tư công chậm và hệ sinh thái logistics chưa đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa. Năm 2025, Đông Nam Bộ cần phải tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn, ưu tiên các dự án liên kết vùng và huy động nguồn lực từ Trung ương lẫn địa phương để tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển bứt phá.
Đặc biệt, sự kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo Đông Nam Bộ trong kỷ nguyên mới, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế quốc gia bằng những dự án “đòn bẩy” chiến lược mới vừa tích hợp vào quy hoạch vùng.
Tại huyện Cần Giờ, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với vốn đầu tư 113.000 tỷ đồng đã định hình chủ trương trở thành trung tâm vận tải biển hiện đại, giúp Việt Nam tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cách đó không xa, sân bay Long Thành - "siêu dự án" với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD đang đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành giai đoạn 1 vào năm 2025, kỳ vọng phục vụ 25 triệu lượt hành khách mỗi năm, tạo cú hích cho ngành hàng không vận tải và du lịch.
Không chỉ phát triển cảng biển và hàng không, các dự án giao thông đường bộ và đường sắt cũng thúc đẩy sự kết nối trong vùng. Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (19.600 tỷ đồng) không chỉ giảm ùn tắc mà còn mở cửa ngõ đường bộ giao thương các nước ASEAN.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, cho biết trước mắt tuyến đường sắt đô thị Metro sẽ đóng vai trò “xương sống” trong phát triển kinh tế - xã hội. TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng đạt 15 - 20% và sau năm 2035 đạt 50 - 60%. Hệ thống metro không chỉ giảm ùn tắc mà còn giúp tái cấu trúc giao thông công cộng, hỗ trợ phát triển và kết nối vùng Đông Nam Bộ.
Theo Tiến sĩ Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, những dự án trên trở thành hiện thực sẽ tạo hiệu ứng cực tăng trưởng rất lớn cho vùng Đông Nam Bộ. Chúng tôi tin tưởng sẽ cải thiện năng suất lao động. Đặc biệt, các công trình hiện đại còn thu hút đầu tư, tạo hàng nghìn việc làm và cải thiện chất lượng sống, hướng tới mục tiêu công nghệ cao và phát triển bền vững.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định rằng vùng Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế năng động và sáng tạo, đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước. Mặc dù chỉ chiếm 9% diện tích và 20% dân số, nhưng vùng này đóng góp hơn 30% tổng ngân sách quốc nội (GDP) cả nước. Các tỉnh, thành trong vùng đã phát huy được lợi thế, tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế và xây dựng các mô hình hợp tác hiệu quả.
Ông Nên nhấn mạnh rằng liên kết vùng Đông Nam Bộ là yếu tố quan trọng, cần thống nhất cao về phát triển và liên kết các tỉnh, thành trong vùng. Liên kết này không chỉ giúp phát huy lợi thế riêng biệt của từng địa phương mà còn tạo động lực phát triển chung cho cả nước.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị cần thay đổi tư duy và nhận thức trong toàn hệ thống chính trị vùng Đông Nam Bộ, đảm bảo mỗi quyết sách của từng địa phương phải tính đến lợi ích chung, nhằm thúc đẩy phát triển toàn vùng và thu hẹp chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố.
Nghị quyết 24 đề ra mục tiêu phát triển hệ thống logistics quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không và các trục kinh tế trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch, Phú Mỹ, Tây Ninh. Đến năm 2026, hoàn thành đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; năm 2030, hoàn thành Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh cùng nhiều dự án giao thông lớn như Biên Hòa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp triển khai các mô hình, cơ chế chính sách mới, chia sẻ kinh nghiệm để toàn vùng phát triển nhanh chóng và bền vững. Cần ưu tiên kết nối hạ tầng giao thông, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Các dự án giao thông chiến lược như hoàn thành đường Vành đai 3, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và phát triển các tuyến cao tốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Đến thị sát công trường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án quốc gia này, yêu cầu nhận thức trách nhiệm ở mức cao nhất. Ông khẳng định cần phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và đơn vị thi công để tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Theo ông, đến thời điểm này, không thể chần chừ nữa, mà phải tăng tốc đầu tư, đặc biệt là kết nối nhanh các tuyến đường đến Sân bay quốc tế Long Thành và các cảng biển, và các con đường khác giáp ranh với TP Hồ Chí Minh cũng phải thông thương, tránh ách tắc.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu 3 đột phá trong phối hợp thực hiện và quyết tâm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; trong trường hợp cần thiết, sẽ cưỡng chế, nhưng chỉ là biện pháp cuối cùng nếu không còn cách nào khác.
Ông Lợi cũng nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện là yếu tố then chốt, yêu cầu phải “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm” và tăng cường kiểm tra, đôn đốc để xử lý kịp thời các điểm nghẽn. Cần đẩy mạnh việc chỉ đạo và phối hợp giữa các địa phương, bộ, ngành để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, Bình Phước đang nỗ lực phát triển giao thông và công nghiệp, với sự đồng hành tích cực của người dân trong các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là các tuyến đường kết nối liên vùng.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, cho biết: “Bước ngoặt của khu vực nằm ở khâu hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược. Đây là bàn đạp để Đông Nam Bộ bứt phá trong kỷ nguyên mới".
Theo các chuyên gia đầu ngành, dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể, Đông Nam Bộ vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Hạ tầng giao thông liên vùng còn thiếu đồng bộ, trong khi nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 chỉ đạt 6,38%, thấp hơn mức trung bình cả nước. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách cho các địa phương trong vùng phải đổi mới tư duy, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những “điểm nghẽn”, thúc đẩy sự kết nối vùng mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số mà Thủ tướng Chính phủ đã giao phó.
Đón đọc bài 3: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Bài: Tưởng Phong - Đạt Sơn - Giang Bình
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Nguyễn Hà
15/12/2024 07:05