Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm thầy cô giáo và học sinh Trường Phổ thông dân tộc vùng cao Lai Châu, tháng 3/1996. 

Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một vị tướng, một nhà lãnh đạo tài năng. Trong cuộc sống đời thường, ông là người sống giản dị, gần gũi, chân tình nhưng rất sâu sắc và luôn nặng tình với quê hương.  

Rời quê hương Thừa Thiên - Huế tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu nhưng tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn vẫn đau đáu trong trái tim của ông.

 

Ông là người sáng dạ nên được gia đình cho đi học từ nhỏ. Ký ức tuổi thơ của ông cũng là những ngày ăn sắn, ăn khoai qua ngày, ấm áp tình cảm gia đình; là sự hy sinh của ba, là sự tần tảo của mẹ, để anh chị em ông được cắp sách đến trường.  

Trong cuốn Hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" ra mắt cuối năm 2015, Đại tướng Lê Đức Anh viết: "Trường xa nhà, nên buổi sáng đi học tôi thường nhịn đói. Ngày ấy, những đứa học trò nhà quê như chúng tôi không có giày dép, đi đâu cũng chân trần. Trên chặng đường tới trường ở Dưỡng Mong phải qua một trảng cát, những ngày trời nắng, cát bỏng như rang, chúng tôi phải lấy những bẹ nang của cây tre, rồi dùng dây bẹ chuối cột dưới bàn chân để đi qua trảng cát cho đỡ bỏng chân".  

Cũng chính bởi những gian khó ấy đã rèn luyện và hình thành trong ông đức tính kiên nhẫn, chịu thương chịu khó, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn. Ký ức tuổi thơ của ông còn in đậm những hình ảnh đói nghèo, bệnh tật của người dân lương thiện chốn làng quê, hình ảnh lam lũ của những phu xe kéo tay, của người nông dân; nạn sưu cao thuế nặng đẩy người dân đến bước khốn cùng. Chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến đã khiến ông khao khát làm một điều gì đó cùng với người dân lam lũ để thay đổi cuộc sống lầm than, cơ cực.  

Chủ tịch nước Lê Đức Anh tới thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lý Nhù Xó, dân tộc Hà Nhì ở thị trấn Mường Tè, Lai Châu (22/3/1996).

Và cơ duyên khiến ông sớm được tiếp xúc với những người yêu nước cách mạng, được tiếp cận với báo chí tiến bộ và tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, về Nguyễn Ái Quốc và phong trào đấu tranh đòi độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc... Rồi người thiếu niên Lê Đức Anh được giác ngộ và chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương từ năm 17 tuổi, rồi quyết tâm gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Ông tham gia hoạt động cách mạng trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang và Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên - Huế từ năm 1937- 1944.

Xứ Truồi, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, không chỉ là nơi gắn bó tuổi thơ mà còn là nơi hun đúc tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng của chàng thiếu niên Lê Đức Anh. Những kỷ niệm ấy vẫn luôn in đậm trong trái tim, trí nhớ và cùng ông bước qua những chặng đường gian nan trong suốt cuộc đời cách mạng của mình.  

Ông Nguyễn Chương, năm nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, người cháu gọi Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là bác họ, chia sẻ: Nhiều lần về quê, nhưng lần nào bác cũng bảo tôi dẫn bác ra sông Truồi, đoạn Bến Bãi có bến nước ngày xưa bác hay ra chơi. Rồi bác kể cho tôi nghe những câu chuyện thời bé, những buổi trưa đi câu cá, đọc sách, cùng bạn bè đùa nghịch bên dòng sông này; về cuộc sống cơ cực nhưng ấm áp tình cảm gia đình và bà con quê tôi; rồi những ngày bác tham gia cách mạng, đi theo Đảng... Bác thường dặn chúng tôi phải coi trọng sự học, chăm lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn để sau này sống có ích cho xã hội; sống chan hòa, gắn bó với bà con xóm giềng, giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Là một tướng tài ba, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng Lê Đức Anh có mặt ở những điểm nóng nhất và trở về trong chiến thắng. Nhưng với những người dân ở xứ Truồi thì Đại tướng không chỉ là người con kiệt xuất của quê hương, mà còn là một người giản dị, gần gũi.

Theo lời kể của người dân xã Lộc An, khi còn khỏe, Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh rất nhiều lần về thăm quê. Mỗi lần về quê, ông thường đi thăm bà con quanh xóm, ân cần hỏi thăm tình hình cuộc sống, lao động sản xuất của bà con; nhắc nhở bà con họ hàng, con cháu ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, phải luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Ông thích ăn những món ăn dân dã, đậm chất quê hương và uống nước chè xanh; thích nghe những câu hò của xứ Huế. Ông thường bảo "Không về xứ Truồi thì thôi, chứ về thì phải uống nước chè Truồi".

Ông Trần Đình Hàng, 85 tuổi, trú tại thôn Nam, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, chia sẻ: Đại tướng là người sống rất giản dị, luôn gần gũi, quan tâm đến cuộc sống của bà con. Một lần về thăm quê, nhìn thấy con đường xuống bến sông Truồi bị xuống cấp, Đại tướng đã bỏ kinh phí để bê tông hóa con đường giúp bà con đi lại được thuận tiện hơn. Rồi khi có kế hoạch xây dựng nhà văn hóa thư viện mang tên Đại tướng, ban đầu ông không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, sau nhiều lần thuyết phục ông mới đồng ý.  

 

Tuy nhiên, ông nhắc nhở không nên xây lớn, ảnh hưởng đến ruộng đất, nhà cửa và cuộc sống của bà con trong làng. Hiện nay, nhà văn hóa và thư viện Đại tướng Lê Đức Anh trưng bày hàng trăm hiện vật, hình ảnh, đầu sách có nội dung về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh - con người suốt đời phấn đấu, cống hiến không mệt mỏi cho dân tộc.  

“Bà con trong thôn rất kính trọng Đại tướng và xem ông là tấm gương sáng để noi theo. Không ai bảo ai, nhưng mọi người cùng chung tay gìn giữ tài sản, vệ sinh nhà văn hóa cũng như môi trường trong thôn xóm. Khu nhà trở thành địa chỉ văn hóa đón học sinh, người dân và du khách tham quan, đọc sách, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng”, ông Trần Đình Hàng cho biết thêm.

Trong cuốn sổ vàng lưu niệm tại nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết: “Đại tướng Lê Đức Anh, một cán bộ quân sự - chính trị và giàu nét văn hóa dân tộc đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng, cho dân tộc. Công lao to lớn của đồng chí, Quân đội, nhân dân và Đảng ta mãi mãi trân trọng và học tập, phát huy”.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thân mật thăm hỏi các chiến sỹ trẻ mới nhập ngũ của Trung đoàn 43 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ninh (16/4/1994). 

Hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như rải truyền đơn, treo cờ đỏ… đến việc tuyên truyền, vận động trong dân chúng, tham gia phong trào bình dân, phụ trách tổ chức các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh. Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản, khi đó ông tròn 18 tuổi. Từ đây, ông bắt đầu cuộc đời của một người cộng sản.

Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ông làm chỉ huy quân đội ở tỉnh Thủ Dầu Một. Sau đó, ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Đông Nam Bộ.

"Tướng sát chiến trường, thương vong của người lính sẽ đỡ đi. Nhiều chỉ đạo của ông đã giúp bộ đội ta thực hiện tốt. Chỗ nào khó khăn nhất, chiến trường ác liệt nhất là ông được đưa đến đó. Ông là vị tướng có tài, có tầm nhìn.  Trong thời bình, ông là nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng" - Đó là những nhận xét trong niềm tiếc thương vô hạn của Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà trước sự ra đi của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Trong ký ức của Đại tướng Phạm Văn Trà, Đại tướng Lê Đức Anh luôn thể hiện tâm thế của người chiến sĩ đứng vững trên thế tiến công, chủ động tấn công trong suy nghĩ và hành động, lăn lộn với thực tế chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, giảm hy sinh xương máu của chiến sĩ, đồng bào, mà vẫn chiến thắng kẻ thù.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh, trong đó Trung tướng Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh cùng với các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện và Trung tướng Lê Trọng Tấn (1975).

Trong 3 cuộc chiến tranh, Đại tướng Lê Đức Anh đều ở chiến trường, bám sát chiến trường: Trong chống Pháp, ông ở Đông Nam Bộ; trong chống Mỹ, ông ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Chiến tranh biên giới Tây Nam, ông là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Nhớ lại thời điểm tướng Lê Đức Anh về làm Tư lệnh Quân khu 9, ông Phạm Văn Trà kể: "Trong chiến tranh, mục tiêu chính trị là hàng đầu. Mậu Thân 1968, thắng lợi về quân sự là rất lớn, tổn thất cũng quá lớn, nhưng mục tiêu chính trị đã đạt được, đã thay đổi được cục diện chiến tranh, buộc Mỹ phải ngồi vào đàm phán Hiệp định Paris. Trong bối cảnh như vậy, Quân khu 9 chỉ có 1 trung đoàn. Mậu Thân 1968, vào đánh Cần Thơ 3 lần, cuối cùng năm 1969, từ trên 3000 quân chỉ còn trên 700.

Trong lúc tổn thất như vậy, địch tràn vào đánh tất cả các vùng giải phóng của mình, kể cả những vùng giải phòng từ thời kháng chiến chống Pháp. Mình không còn quân nên chúng chiếm những vùng căn cứ của mình như U Minh Thượng, U Minh Hạ. Đúng lúc khó khăn đó, Trung đoàn của ông Trà nhận được lệnh giải tán trung đoàn. Cả Trung đoàn định chấp hành “về với dân, bám sát với dân và dân nuôi thôi, bởi chả có lương bổng gì, gạo dân cho, thực phẩm thì xuống sông mò thôi”. Nhưng cũng đúng lúc đó, Trung đoàn nhận được thông báo là Tư lệnh và Chính ủy, Bí thư Quân khu được đưa đi và Quân khu 9 có Tư lệnh mới, Chính ủy mới.

“Thời điểm ông Lê Đức Anh về làm Tư lệnh, Mỹ ngụy đánh U Minh ác liệt lắm. Ngay khi về, ông ấy điện cho Trung đoàn nói không giải tán Trung đoàn mà sau này còn bổ sung cho Trung đoàn 2000 quân của miền Bắc vào. Chúng tôi thấy rất phấn khởi bởi không những không phải giải tán Trung đoàn, mà còn được tăng cường thêm. Ông ấy hay là thế. Trong lúc khó khăn nhất, ông ấy đến và thay đổi được cục diện chiến trường”, Đại tướng Phạm Văn Trà nhớ lại.

“Sau Hiệp định Paris 1973, ngừng bắn hết. Riêng Quân khu 9 không ngừng bắn mà đánh suốt. Đến tháng 10, Quân khu 9 đánh thẳng vào thị xã Phước Long. Ý đồ của Quân khu 9 là đánh để thăm dò xem Mỹ có quay trở lại không. Đó là sự sáng tạo của Quân khu 9 mà người Chỉ huy chỉ đạo chính là đồng chí Lê Đức Anh”, Đại tướng Phạm Văn Trà kể.

Hồi tưởng về thời điểm sau hòa bình, Bộ Quốc phòng cho giảm quân số rất nhiều, nhưng riêng tướng Lê Đức Anh ở Quân khu 9 lại thành lập Sư đoàn 30 và chọn trung đoàn đánh tốt trong thời kỳ chống Mỹ để giữ lại, ông Phạm Văn Trà nói:  Việc giữ lực lượng này đã giúp ta giữ được chất chiến đấu. Khi quân Pol Pot đánh sang, Sư đoàn 30 chiến đấu rất hiệu quả. Điều đó chứng tỏ ông Lê Đức Anh đã nắm trước được tình hình nên đã chuẩn bị trước mấy năm. Quân khu 9 bị Pol Pot đánh nhưng không bị động, đánh lại được ngay và giữ được biên giới.

Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Đồng chí Lê Đức Anh, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam cùng nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, tái thiết đất nước Campuchia.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh luôn thể hiện tâm thế của người chiến sỹ đứng vững trên thế tiến công, chủ động tấn công trong suy nghĩ và hành động, lăn lộn với thực tế chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, giảm thiểu hy sinh xương máu của chiến sỹ và đồng bào, mà vẫn chiến thắng kẻ thù.

Là một nhà lãnh đạo luôn được đặt vào những thời điểm khó khăn, buộc phải ra quyết định trong những hoàn cảnh gian khổ; song Đại tướng Lê Đức Anh đã thể hiện đầy đủ tầm nhìn sâu và rộng trong những vấn đề chiến lược của đất nước. Ông là người bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm, và khi đã tin là đúng thì quyết làm đến cùng cũng như luôn bình tĩnh trước mọi khó khăn, thách thức.

Trong cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” (NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội-2015), ông từng trải lòng: “Nhớ lại những năm tháng đầy thử thách, cam go, khi bị kẻ thù khủng bố, đàn áp gắt gao, những lúc cách mạng gặp khó khăn, thử thách, song nhờ bám thực tế, chủ động sáng tạo, dựa vào dân, bám chắc vào dân nên tôi đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chính trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất mới thấy hết vai trò to lớn của nhân dân. Nhân dân không chỉ là người giúp đỡ, chở che, mà họ còn là nguồn sáng tạo vô tận để chúng tôi học tập”.

Trong nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cùng bộ Chính trị chỉ đạo sát sao các bộ, ngành để mở rộng quan hệ với các nước. 

Không chỉ có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh còn có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước và mở rộng quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Ông đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đi vào hiện thực, tạo tiền đề cho sự thành công của công cuộc đổi mới những năm tiếp theo.

Ông cũng là người đề nghị và được Bộ Chính trị chấp nhận việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng để tôn vinh và ghi công sự cống hiến của các mẹ cho độc lập tự do của Tổ quốc và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Đặc biệt, dấu ấn nổi bật của ông phải kể đến là những đóng góp trong lĩnh vực ngoại giao.

Thực hiện đường lối đổi mới, năm 1986, Việt Nam tiến hành bình thường hóa quan hệ với một số nước, trong đó có hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ. Bộ Chính trị giao cho lãnh đạo của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng lo việc này.

Lúc đó, Đại tướng Lê Đức Anh đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thời điểm ấy, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có một kênh tiếp cận chính thức nào. Chiến tranh đã kết thúc được hơn một thập kỷ nhưng sự hận thù vẫn còn sâu sắc. Sau những trăn trở, tìm tòi, Đại tướng đã tìm ra những bước đi khôn khéo với chiến dịch "Phẫu thuật nụ cười" và "Tìm kiếm người Mỹ mất tích - MIA" - mở ra một cách tiếp cận trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đó là một cách làm đầy sáng tạo. Và bước mở đầu đó đã góp phần quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vào năm 1995.

Ngày 10/9/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng" để tặng hoặc truy tặng những Mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; đồng thời cũng là để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ mai sau. Kể từ đó phong trào này được hưởng ứng, rộng khắp trong cả nước. 

Thực tế cho thấy, những bước phát triển trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước và hòa bình ổn định ở khu vực đã chứng minh tầm nhìn của Đại tướng. Đối với việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, ông cùng Bộ Chính trị đã quyết định bắt đầu công việc bằng hai kênh: Ngoại giao nhân dân và ngoại giao bí mật. Tháng 7/1991, Đại tướng Lê Đức Anh với tư cách là phái viên của Bộ Chính trị sang thăm nội bộ Trung Quốc để bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước.

Sau khi Đại tướng Lê Đức Anh đi "tiền trạm" về, tháng 11/1991, nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc. Sau lễ đón và hội đàm, hai bên ra Thông cáo chung và ký Hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Đại tướng Lê Đức Anh từng nói về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và với Mỹ: Trong quan hệ với mỗi nước đó ta cần suy nghĩ rất kỹ, và dĩ nhiên phải đứng trên lập trường độc lập và lợi ích dân tộc của ta. "Lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc phải là tối thượng", với vị tướng già, đó đơn giản là một lẽ sống, một điểm tựa để ông quyết định phải - trái, đúng - sai và khi đã tin, đã quyết là theo đuổi đến cùng.

Đánh giá về ông, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: "Ngần ấy thời gian biết về anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc ở cấp lãnh đạo Nhà nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân; một trong những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước... Công bằng mà đánh giá, cũng không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh".

“Đại tướng Lê Đức Anh đã cống hiến trọn đời cho đất nước, cho Đảng. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước và là người đề xuất phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhiều năm gắn bó với đồng chí, tôi nhận thấy, trong cuộc sống gia đình, ông không bao giờ can dự vào vị trí công việc của các con mà để con tự phát triển theo năng lực của bản thân. Đồng chí là một tướng lĩnh giỏi, có bản lĩnh, có tầm nhìn sâu rộng, luôn đoán được trước tình hình, là một người mẫu mực, khiêm tốn, không bao giờ tư lợi cho riêng mình”, Đại tướng Phạm Văn Trà xúc động nói.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm và tặng quà hộ gia đình bị thiệt hại do lũ lụt tại ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, An Giang (1994).

Nghỉ hưu vào năm 2001, nhưng Đại tướng Lê Đức Anh vẫn làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí ngay cả khi bị xuất huyết não lần thứ 3 vào cuối năm 2017, sức khỏe suy sụp và liên tục phải điều trị trong bệnh viện. Có thể nói, suốt cuộc đời gần một thế kỷ, người chiến sỹ cộng sản kiên trung Lê Đức Anh với 81 năm tuổi Đảng đã thể hiện một ý chí kiên cường, tinh thần cách mạng phụng sự sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Là người có nhiều năm gần gũi với Đại tướng Lê Đức Anh qua quá trình làm việc, Đại tá Khuất Biên Hòa - Nguyên thư ký giúp việc cho Đại tướng giai đoạn 2000-2007 cho biết, Đại tướng là một người kiệm lời nhưng sâu sắc. Đại tướng Lê Đức Anh ngay cả sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục đóng góp với Đảng, Nhà nước những ý kiến rất chính xác cho các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt trong các chính sách đối ngoại.

Vào thời kỳ đổi mới, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những người đề ra đường lối đối ngoại “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ”, thể hiện đường lối đối ngoại sắc sảo, cơ bản của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến thăm và nói chuyện với đồng bào dân tộc ở bản Nưa, xã Vầy Nưa (vùng cao lòng hồ sông Đà), huyện Đà Bắc, Hòa Bình (1994).

Theo Đại tá Khuất Biên Hòa, bên cạnh sự thông tuệ của một vị tướng, nhà lãnh đạo, điều làm cho những người xung quanh nhớ về Đại tướng là một con người có tính nhân hậu, nhân văn, giản dị, khiêm tốn và đặc biệt là tính quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh cho thấy ông có được một tư chất thiên phú ít người có được là sự mẫn tuệ, sáng suốt, có khả năng nhìn trước, suy đoán trước được sự việc một cách chính xác.

“Bên cạnh đó, ý chí, nghị lực của cụ (Đại tướng Lê Đức Anh) rất lớn. Trưa nào ngủ dậy, cụ cũng lên trên ban công tập thể thao khoảng 2 giờ đồng hồ trên máy tập, sau đó tắm nước nóng rồi mới làm việc buổi chiều. Ngày nào cũng như ngày nào, không bỏ ngày nào dù mùa hè hay mùa đông”, Đại tá Khuất Biên Hòa nhớ lại.

Cùng chung tình cảm trân trọng khi nhớ về người chỉ huy cũ trong thời kỳ làm chuyên gia trên đất Campuchia, Đại tá Hoàng Thương, nguyên chuyên gia cao cấp cho Bộ Quốc phòng Campuchia của Đoàn chuyên gia 478 xúc động chia sẻ: Tư lệnh Lê Đức Anh là một người đặc biệt đức độ, tôn trọng và yêu thương cấp dưới. Tướng Lê Đức Anh rất tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới và có khả năng làm việc nhanh nhạy, kiên quyết.

Khi nghe báo cáo của cấp dưới, Tướng Lê Đức Anh thường lắng nghe, ghi chép thành 2 tờ giấy (một tờ cho những việc cần làm ngay, một tờ cho những việc chưa cần gấp), rồi sau đó ông lập tức triển khai giải quyết ngay những việc cần làm.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói chuyện với Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu V (1996).

Đại tá Hoàng Thương nhớ lại: Một lần, tôi cùng Tướng Lê Đức Anh lên thăm một trạm xá của Sư đoàn 330 ở Pailin, chứng kiến cảnh bộ đội bị sốt rét rất nhiều mà không có thuốc, thiếu đường vận chuyển thương binh. Tướng Lê Đức Anh tỏ rõ vẻ đau lòng và ngay sau khi trở về đã triệu tập cán bộ hậu cần, chuyên gia y tế và Sư trưởng Sư 330 để bàn bạc, chỉ đạo, triển khai ngay việc cung cấp thuốc cho bệnh xá, mở đường đưa thương binh trở về tuyến sau.

Từng có thời gian giúp việc, phục vụ bên Đại tướng Lê Đức Anh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ sử học, Đại tá Hồ Sơn Đài - Nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7 có những cảm nhận đặc biệt về Đại tướng, một người có tư duy sắc sảo, biện chứng, có hệ thống, đặc biệt mẫn cảm về chính trị và quân sự, do đó ông luôn có cách nhìn rất chiến lược về mọi diễn biến của thời cuộc.

Trong suốt chặng đường dài các cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh cho thấy ông là một người có tư duy sắc sảo, khả năng nhận biết và đánh giá thực tiễn chính xác, thường đưa ra được những quyết định đúng, kịp thời. Những quyết định của ông tác động đến tiến trình, diễn biến của đất nước theo hướng tích cực và nhiều khi làm thay đổi cục diện của cách mạng trong nhiều thời kỳ lịch sử.

Đại tá Hồ Sơn Đài chia sẻ, ấn tượng sâu sắc của ông khi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh chính là lời dặn dò của Đại tướng về tính trung thực của công tác nghiên cứu lịch sử. Theo Đại tướng Lê Đức Anh, sử học phải có thiên chức phục dựng những gì nó đã diễn ra trong quá khứ, không được để sai lạc đi.

“Nếu chưa đủ dữ liệu, tư liệu phục dựng nó thì khoan hãy làm, để chờ người khác, người thế hệ sau viết lại, làm lại. Đã viết thì phải chính xác, để không làm sai lạc nhận thức của người đương thời về những gì đã từng xảy ra trong quá khứ”, Đại tá Hồ Sơn Đài nhớ lại lời căn dặn của Đại tướng Lê Đức Anh.

Gắn bó cuộc đời suốt chặng đường dài lịch sử dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh luôn có những đề xuất, sáng kiến quan trọng cho cách mạng Việt Nam, cả trên cương vị một vị tướng và cương vị người lãnh đạo đất nước. Và phía sau tính cách quyết đoán, sắc sảo của một nhà quân sự, Đại tướng Lê Đức Anh còn là một người anh, người bạn giàu tình cảm, nhân văn, với ấn tượng khó phai trong tâm trí những người từng gắn bó với ông. 

Video: Hơn 300 tài liệu, hiện vật vinh danh Đại tướng Lê Đức Anh

Nhóm phóng viên TTXVN - Viết Tôn (tổng hợp)
Ảnh: TTXVN - Video: Vnews
Trình bày: Viết Tôn

01/12/2020 12:01