Đời sống người có công luôn được chính quyền, cộng đồng địa phương quan tâm, cải thiện với mức sống bằng và cao hơn mức sống của khu vực sinh sống.

Địa phương quan tâm chăm lo

Những ngày giữa tháng 7 này, gia đình ông Nguyễn Văn Tác, thương binh hạng 4/4 xã Hải Minh, huyện Hải Hậu rộn rã tiếng cười trong căn nhà mới. Căn nhà còn thơm mùi sơn mới được xây dựng từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh Nam Định và sự giúp đỡ của gia đình, người thân, bạn bè.

Ông Nguyễn Văn Tác, thương binh hạng 4/4 nhận quà hỗ trợ xây dựng nhà mới.

Tháng 4/1972, ông Tác tình nguyện nhập ngũ vào Đại đội Thanh niên xung phong C3211, làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên địa bàn tỉnh Nam Hà, nay là tỉnh Nam Định và Hà Nam. Tháng 9/1972, khi đang làm nhiệm vụ trên quốc lộ 1A đoạn qua Phủ Lý, Hà Nam, máy bay Mỹ ném bom dữ dội khiến ông bị thương ở phần đầu. Năm 1976, ông trở về quê hương với tỷ lệ thương tật trên cơ thể là 23%. Sau khi lập gia đình, hoàn cảnh kinh tế gia đình ông hết sức khó khăn, mãi tới năm 1990, gia đình ông mới xây được căn nhà mái ngói cấp 4 nhỏ hẹp làm chỗ sinh hoạt cho 5 người.

Sau hơn 30 năm sử dụng, căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, phần mái dột nát, tường nhà lún, nứt. Hiểu được khó khăn đó, Ban quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh Nam Định đã xem xét hỗ trợ gia đình ông xây dựng ngôi nhà mới.

Ngôi nhà tình nghĩa khởi công từ ngày 19/5/2023, sau hơn hai tháng thi công, ngôi nhà mới với diện tích 70m2, tổng kinh phí trên 300 triệu đồng đã hoàn thành; trong đó, Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh Nam Định hỗ trợ 80 triệu đồng, phần còn lại là của gia đình, người thân, bạn bè hỗ trợ, giúp đỡ. Ông Nguyễn Văn Tác chia sẻ: “Nhờ có sự quan tâm của chính quyền các cấp, bà con hàng xóm và nỗ lực của gia đình, tôi đã được ở ngôi nhà mới. Sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương khiến tôi rất cảm động, qua đó giúp cuộc sống của những người có công đã được cải thiện nâng cao hơn năm trước”.

Từ đầu năm 2023, nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa tỉnh Nam Định đã hỗ trợ 20 gia đình xây dựng nhà tình nghĩa với tổng kinh khí 1,2 tỷ đồng. Năm 2022, từ nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp cũng đã có 191 nhà ở của người có công được xây mới, sửa chữa với tổng số tiền trên 8,4 tỷ đồng.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nam Định, tỉnh có trên 36.000 liệt sĩ, hơn 2.900 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 25.000 thương binh, 16.000 bệnh binh, trên 10.000 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tổng số người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng là gần 44.000 người. Cùng với các chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước, tỉnh Nam Định quan tâm, tập trung mọi nguồn lực tích cực đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ, cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách, người có công.

Ông Lưu Văn Tuyển, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định khẳng định: “Tỉnh huy động tối đa mọi nguồn lực của địa phương, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực tham gia, đóng góp vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp để có điều kiện chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Nhờ đó, cơ bản tất cả người có công của tỉnh có mức sống bằng và cao hơn người dân trong khu vực. Trong những tháng đầu năm 2023, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã xem xét, giải quyết chính sách ưu đãi và các chế độ trợ cấp, quyền lợi liên quan cho trên 7.000 lượt người có công và thân nhân người có công; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gần 59.000 người có công, thân nhân liệt sĩ với tổng số tiền trên 47 tỷ đồng”.

Thương binh Nguyễn Thành Bôn, trưởng thôn Quý đang đi vận động người dân giữ môi trường xanh, sạch đẹp.

Công tác chăm sóc người có công cũng được các xã phường tại Hà Nội quan tâm. Ông Nguyễn Thành Bôn, là thương binh hạng 4/4, trưởng thôn Quý, xã Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ: “Tất cả 9 thương bệnh binh đều có mức sống cao hơn mức sống chung của xã. Đơn cử như tôi, dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, bên cạnh quà tặng của Nhà nước theo mức 300.000 đồng dành cho đối tượng thương bệnh binh, là quà tặng của thành phố Hà Nội, của quận huyện, xã, của khu dân cư… Sự quan tâm của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương dành cho người có công thực sự chu đáo, mức sống của cả 9 thương bệnh binh trong thôn đều cao hơn mức chung của thôn. Do đó, chúng tôi luôn động viên nhau nêu gương, đoàn kết khu dân cư, xây dựng nông thôn mới”.

Phong trào vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa cũng được các địa phương triển khai từ sớm và trở thành truyền thống tốt đẹp. Đơn cử như huyện Đông Anh đã xây dựng kế hoạch, rà soát các hộ, gia đình thân nhân người có công còn gặp khó khăn trên địa bàn từ tháng 3/2023 để đề ra các giải pháp kịp thời, triển khai vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa từ rất sớm. Nhờ vậy, đến thời điểm này, huyện Đông Anh đã vận động được 1 tỷ 373 triệu đồng - vượt gần gấp ba chỉ tiêu thành phố giao (năm nay, thành phố giao cho huyện huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 500 triệu đồng).

“Huyện đã phối hợp với các bệnh viện, Ban chỉ huy quân sự, trung tâm y tế cấp thuốc và tặng quà cho 2.907 đối tượng chính sách, người có công. Năm 2022, qua rà soát, có 40 hộ thân nhân người có công khó khăn được các xã tặng sổ tiết kiệm, mỗi sổ từ 3 đến 5 triệu đồng. Năm nay, có thêm 8 hộ gia đình được tặng sổ tiết kiệm, 1 sổ 10 triệu đồng, còn lại là 7 sổ, mỗi sổ 5 triệu đồng. Chúng tôi cũng xây sửa nhà cho 1 hộ gia đình thương binh ở thị trấn, hỗ trợ 50 triệu đồng. Ngoài ra, công tác tặng quà người có công được các xã triển khai rất tốt, đã trao 5.523 suất quà với kinh phí 824 triệu đồng, bình quân từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/suất, có xã 200.000 đồng/suất quà. Đó là còn chưa kể đến hàng trăm suất quà của các Hội, đoàn thể tặng người có công…” ông Nguyễn Đình Thanh, trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết.

Theo Sở LĐTBXH Hà Nội, từ đâu năm đến nay, kinh phí chi cho công tác ưu đãi người có công của thành phố Hà Nội là 1.061 tỷ đồng. Trong đó, thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 81.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 887,5 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 87 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 45 tỷ đồng; điều chỉnh mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với 29.870 trường hợp với kinh phí 41,8 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao tặng 10 suất quà cho các Cựu chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong. Ảnh: Lê Phước Ngọc – TTXVN

Hà Nội tích cực kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của UBND thành phố năm 2023. Đến tháng 7, nhiều quận, huyện đã hoàn thành chỉ tiêu, đặc biệt một số quận đã vận động được số tiền vượt xa mức thành phố đề ra, như: Thanh Trì, Đông Anh, Thường Tín, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông… Tính đến hết tháng 6/2023, thực hiện các chỉ tiêu phong trào Đền ơn đáp nghĩa, toàn Thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa được 21,4/22,9 tỷ đồng, đạt 93,5% kế hoạch chung. Đặc biệt, Hà Nội đã vận động xã hội hóa cho việc tu sửa, nâng cấp 126/143 nhà ở cho người có công, đạt 88,1% kế hoạch năm, với kinh phí 5,88 tỷ đồng (gồm 54 nhà xây mới, 72 nhà sửa chữa). Trong dịp 27/7, Hà Nội triển khai tặng 1.254 sổ tiết kiệm tình nghĩa, trung bình 3,2 triệu đồng/sổ (giá trị sổ tiết kiệm đã tăng 1,1 triệu đồng/sổ so với năm 2022)...

Trong tháng 6 và tháng 7, các quận, huyện thị xã Hà Nội đã và đang phối hợp với các bệnh viện, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, các bệnh viện, trung tâm y tế cấp thuốc và tặng quà cho gần 30.000 đối tượng chính sách người có công, với kinh phí dự kiến gần 6 tỉ đồng.

Theo Cục Người có công (Bộ LĐTBXH), trong 10 năm qua, được sự quan tâm hưởng ứng của các Bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước, phong trào đã được thực hiện sâu rộng với các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất tinh thần đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Đến nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” cả nước đã tiếp nhận được sự ủng hộ khoảng 7.600 tỷ đồng, xây mới 76.000 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 63.000 nhà với tổng số tiền là 13.000 tỷ đồng, tặng 114.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị 400 tỷ đồng, 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời; bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn được các đoàn thể chính quyền và nhân dân địa phương chăm lo chu đáo.

“Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước cùng sự chung tay góp sức của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của người có công và thân nhân người có công với cách mạng, đến nay 99% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 99% xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ”, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công cho biết.

Chính sách tiệm cận với sự thay đổi cuộc sống

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được Đảng và Nhà nước quan tâm sửa đổi, bổ sung, kế thừa qua nhiều thời kỳ lịch sử, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết của người có công và gia đình.

Mới nhất, trong dịp 27/7 năm nay, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.

Khám, chữa bệnh cho thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ tại thành phố Lai Châu. Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động thiết thực kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023) do Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. Ảnh: TTXVN phát

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) cho biết: Việc nâng mức chuẩn trợ cấp của Đảng và Nhà nước thể hiện chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống người có công. Mức chuẩn 1.624.000 đồng thực hiện từ ngày 1/7/2019. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/ người/ tháng, nên Bộ LĐTBXH đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng để đảm bảo mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và được Chính phủ ban hành trong dịp tháng 7 này.

Bên cạnh chính sách chung, tùy theo đặc điểm của địa phương cũng có những chính sách đặc thù hoặc sự vận dụng linh hoạt để chăm lo người có công. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong, một trong những căn nguyên giúp Hà Nội thực hiện tốt công tác người có công là nhờ thành phố luôn có các chính sách đặc thù. Cuối năm 2022, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội. Cùng với đó là Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9... Theo đó, hầu hết các nội dung liên quan đến công tác người có công của Thủ đô đều được nâng lên một mức đáng kể so với mặt bằng chung, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của thành phố đối với công tác tri ân, đền ơn, đáp nghĩa. Từ đầu năm đến nay, Sở LĐTBXH Hà Nội cũng đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2022/NĐ-HĐND thành phố quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Sở cũng tổ chức tập huấn tại các xã, phường, thị trấn về việc triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu người có công để thực hiện giải quyết hồ sơ liên thông trợ cấp mai táng khi người có công từ trần. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan để thẩm định, xét duyệt hồ sơ đề nghị công nhận người có công và kịp thời giải quyết chế độ ưu đãi đúng, đầy đủ cho từng đối tượng.

Còn ông Lưu Văn Tuyển, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định cho biết, nhằm thực hiện tốt hơn phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác xét duyệt hồ sơ công nhận, giải quyết chính sách đối với người có công theo quy định mới; tổ chức điều dưỡng chăm sóc sức khỏe người có công, thân nhân liệt sĩ tại các cơ sở điều dưỡng; giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân của họ... Hiện nay tổng số người có công và thân nhân của người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng tại Nam Định là gần 44.000 người với kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng là trên 82 tỷ đồng/tháng.

Tỉnh đoàn Thanh Hoá thăm hỏi tình hình sức khỏe, cuộc sống và tặng quà các Mẹ. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo Cục Người có công, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước luôn coi trọng, chỉ đạo công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Hàng năm, ngân sách Nhà nước đã dành trên 30 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp, chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách…. Đồng thời, nhân dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch nước cũng ban hành Quyết định tặng quà cho trên 1,5 triệu người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Xuân Minh – Nguyễn Lành

Ảnh: XM - NL - TTXVN- CTV

Trình bày: XC- Lê Phú

27/07/2023 07:47