Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, công ty đã chuẩn bị tiền đề cho chuyển đổi số từ năm 2015, chuẩn hóa quy trình, thực hiện công cụ quản trị hiện đại. Đến năm 2020, Rạng Đông bắt đầu thực hiện chiến lược chuyển đổi số 5 năm giai đoạn 2020 - 2025.

“Có thể nói qua 3 năm thực hiện chuyển đổi số, từ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp truyền thống, có lịch sử hình thành phát triển 62 năm thì bước đầu Rạng Đông đã có kết quả nhất định. Trước khi chuyển đổi số, mức độ tăng trưởng bình quân mỗi năm của doanh nghiệp tăng 8 - 10%, sau 3 năm chuyển đổi số, mức tăng trưởng bình quân từ 18 - 20%. Cụ thể, năm 2020 tăng 15,7%; năm 2021 tăng 16%; 2022 tăng 21% và đặc biệt năm 2023, trong bối cảnh khó khăn nhưng Rạng Đông vẫn tăng 20,4 % so cùng kỳ, thiết lập mặt bằng tăng trưởng mới”, ông Nguyễn Đoàn Kết nhận xét.

 

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó TGĐ Rạng Đông giới thiệu với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về một số sản phẩm thuộc hệ sinh thái smarthome của doanh nghiệp.

 

 

Chuyển đổi số bước đầu giúp Rạng Đông thực hiện hai vấn đề cốt lõi là: Tái cấu trúc chiến lược sản phẩm, dịch vụ và tái cấu trúc mô hình kinh doanh. Từ một công ty chuyên sản xuất đèn dây tóc sang sản xuất đèn huỳnh quang, compact, rồi sang chiếu sáng LED và nay là chiếu sáng thông minh - với lõi là công nghệ chiếu sáng thông minh LED và IoT.

 

Nhờ chuyển đổi số mà May 10 đã có được bước nhảy vọt mạnh mẽ về năng suất.

 

Từ năm 2020, Tổng Công ty May 10 lựa chọn ứng dụng chuyển đổi số là giải pháp ưu tiên của doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, đây là giải pháp hữu hiệu để gỡ khó cho tình trạng giá nhân công và giá điện tăng. Bởi vậy, May 10 đã nhập khẩu những thiết bị sản xuất tự động ở một số công đoạn cho sản phẩm áo sơ mi như may cổ, khép tay, dán túi. Nếu như trước kia, công đoạn dây chuyền nước chảy hoặc dây chuyền cụm, công ty phải cần từ 3 - 5 lao động thì hệ thống thiết bị mới đã giảm bớt số lao động thủ công tham gia tới một nửa, kéo theo tăng năng suất gấp đôi.

May 10 đầu tư những nhà máy sợi chỉ từ 10 - 50 nhân công trên 1 vạn cọc sợi thay vì số lượng 100 nhân công như trước. Đi cùng với chuyển đổi số là đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo các chuyên gia về công nghệ, thị trường và công nhân lành nghề.

 

Kể từ năm 2020, Rạng Đông bắt đầu thực hiện chiến lược chuyển đổi số 5 năm giai đoạn 2020 - 2025.

 

Đặc biệt, với 18 xí nghiệp thành viên tại 7 tỉnh, thành phố cùng khoảng 12.000 lao động, việc phát triển nhanh về quy mô đã khiến May 10 gặp không ít khó khăn trong quản lý. Vì vậy, May 10 đã sớm đưa công nghệ mới vào quản trị sản xuất. Khi Tổng công ty áp dụng các phần mềm công nghệ thông tin vào quản trị thì thời gian sản xuất cho 1 sản phẩm đã giảm từ 1.980 giây xuống 1.200 giây và hiện nay còn 690 giây.

 

 

 

Dù bước đầu đạt được kết quả tích cực từ chuyển đổi số, nhưng đại diện công ty Rạng Đông cho biết, chuyển đổi số với doanh nghiệp sản xuất truyền thống là vấn đề mới và khó. “Rạng Đông gặp không ít khó khăn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư cho các nền tảng số... Đặc biệt, chuyển đổi số trong điều kiện cơ sở hạ tầng thông tin chưa phát triển đầy đủ, đồng bộ và hành lang pháp lý tiêu chuẩn của một số sản phẩm trong hệ sinh thái của Rạng Đông chưa có quy chuẩn và trên thị trường tràn lan sản phẩm giá rẻ chất lượng kém là những thách thức lớn”, ông Nguyễn Đoàn Kết cho hay.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù lợi ích của chuyển đổi số là rất rõ ràng, nhưng thực tế tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp có thể chuyển dịch hoạt động sản xuất kinh doanh của mình lên môi trường số một cách hiệu quả là không nhiều. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó trong việc tiếp cận chuyển đổi số vì nhiều lý do như sợ tốn chi phí, hay chưa tìm được giải pháp phù hợp với chuyên ngành.

 

 Nhờ chuyển đổi số mà May 10 đã có được bước nhảy vọt mạnh mẽ về năng suất.

 

 

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay mới chỉ có hơn 2% số doanh nghiệp tại Việt Nam đã làm chủ công nghệ và bước đầu thành công trên con đường chuyển đổi số.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kinh tế số Việt Nam đặt mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025 và đạt 30% GDP đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số. Vì vậy, việc tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách. Đồng thời, cần nhận diện những khó khăn vướng mắc cũng như cơ hội đầu tư từ dòng vốn và công nghệ mới của các doanh nghiệp để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

 

Chuyển đổi số chính là yếu tố giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số.

 

Còn ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số, điều tiên quyết là phải chủ động đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời các công nghệ mới; chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.

Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ số thành công phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, trình độ năng lực của từng doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi sao cho phù hợp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tìm kiếm. cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ, phát triển các phương thức kinh doanh mới.

 

 

 

Bài và ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Trình bày: Tuệ Thy

 

11/02/2024 06:00