Ông Shinzo Abe bất ngờ thông báo từ chức vì lý do sức khỏe. Sau khi làm thủ tướng gần 8 năm liên tiếp, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã để lại một di sản chiến lược đồ sộ, từ kinh tế tới đối ngoại.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 28/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thủ tướng Shinzo Abe vừa trải qua một tuần biến động và có lẽ sẽ đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Ngày 24/8, ông trở thành người làm thủ tướng lâu nhất Nhật Bản. Nhưng thay vì ăn mừng 2.799 ngày làm thủ tướng, ông lại đi xét nghiệm ở một bệnh viện Tokyo do sức khỏe giảm sút.

Còn nhớ lúc rời bệnh viện, ông Abe cam kết với phóng viên rằng: “Tôi sẽ trở lại làm việc và ‘ganbaru’”. Ganbaru là từ tiếng Nhật nghĩa là làm việc bền bỉ, kiên cường.

 

Nhưng tới cuối tuần, ông Abe, 65 tuổi, đã từ chức một lần nữa vì căn bệnh ám ảnh ông từ hồi nhỏ. Thông báo đột ngột này bất ngờ với cả những người thân cận với ông Abe.

Trong cuộc họp báo xúc động chiều 28/8, ông Abe đã giải thích về quyết định từ chức. Ông cho biết ông bị tái phát bệnh viêm loét đại tràng, căn bệnh đã khiến ông phải từ chức sau 1 năm làm thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên. Căn bệnh tái phát khi ông gần như ngày nào cũng làm việc suốt 140 ngày từ mùa xuân đến hết mùa hè để xử lý đại dịch COVID-19. Ông nói: “Tôi đã không coi trọng sức khỏe của mình. Đó là bài học… Tôi xin lỗi người dân từ đáy lòng vì phải bỏ việc trong đại dịch COVID-19 và khi nhiều chính sách vẫn đang dang dở”.

Trong họp báo, ông Abe cho biết muốn mở đường cho nhà lãnh đạo mới, người có thể tập trung toàn tâm vào xử lý đại dịch COVID-19 và các thách thức khác của Nhật Bản. Ông Abe cảm thấy đây chính là thời điểm vì Nhật Bản cơ bản đã kiểm soát được làn sóng dịch bệnh thứ hai. Ông Abe bày tỏ: “Tôi không muốn mắc sai lầm trong việc đưa ra những quyết định chính trị quan trọng khi đang trị bệnh. Tôi nghĩ rằng không nên tiếp tục tại nhiệm nếu không thể tự tin xử lý mọi chuyện theo sự ủy thác của người dân”.

 

Nhiệm kỳ của ông Abe dự kiến kết thúc vào tháng 9/2021. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền sẽ bầu lãnh đạo mới trong thời gian tới. Ông Abe không nói rõ muốn ai làm người kế nhiệm mình, chỉ khẳng định các ứng viên tiềm năng đều rất hứa hẹn. 

Trong thời gian làm Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã để lại di sản là các chính sách nổi bật và có ảnh hưởng trong lĩnh vực đối ngoại và kinh tế. Đánh giá về di sản của ông Abe, bà Kristi Govella, trợ lý giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii (Mỹ), nói: “Tôi cho rằng di sản lớn nhất mà ông Abe để lại cho người kế nhiệm là ông ấy đã thực sự cố gắng nâng tầm Nhật Bản trên trường quốc tế và tạo ra thay đổi quan trọng trong chính sách một số lĩnh vực cũng như thay đổi ở Nhật Bản – điều mà chúng ta không thường xuyên nhìn thấy”.

Ông Martin Schulz, nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn Fujitsu Nhật Bản, nhận định: “Ông Abe chắc chắn để lại một khoảng trống lớn. Về mặt đối nội, chủ nghĩa dân túy theo định hướng ổn định của ông khó có người kế tục. Về mặt đối ngoại, cũng khó ai có thể học ông nghệ thuật vừa cải thiện vừa cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ”.

Sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe:

Nhiều nhà lãnh đạo đánh giá cao ông Abe sau khi nghe tin ông từ chức. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/8 nói: “Tôi muốn thể hiện lòng kính trọng cao nhất với Thủ tướng Shinzo Abe, một người bạn rất tuyệt vời của tôi”.

 

Trong tuyên bố ngày 28/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá ông Abe là một nhà lãnh đạo luôn nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Bà nhấn mạnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), bà và Thủ tướng Abe luôn "chia sẻ nền tảng giá trị chung" và làm việc hiệu quả. 

Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định dưới sự lãnh đạo của ông Abe, quan hệ giữa hai nước đã được củng cố sâu sắc hơn. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đề cao vai trò quan trọng của Thủ tướng Abe trong thúc đẩy Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những nỗ lực lớn của Nhật Bản và cá nhân Thủ tướng Abe đã góp phần đẩy nhanh việc thông qua Hiệp định CPTPP sau khi Mỹ bất ngờ rút lui.

Thay mặt cho người dân Australia, Thủ tướng nước này Scott Morrison bày tỏ sự cảm ơn đối với Thủ tướng Abe về những cam kết lâu dài trong quan hệ giữa hai nước. Ông ca ngợi nhà lãnh đạo Nhật Bản là "một người bạn đích thực" của Australia. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hoan nghênh những thành quả mà ông Abe đã làm được khi đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Nhật Bản. Ông nói: "Ông Abe đã làm được những điều vĩ đại cho đất nước ông và cho thế giới". 

Ngày 28/8, trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tuyên bố từ chức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Ngài Abe Shinzo đã được nhân dân Nhật Bản tín nhiệm nhiều năm ở cương vị Thủ tướng Nhật Bản, là nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ở khu vực và thế giới. Việt Nam đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ngài Thủ tướng Abe Shinzo đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế".

Di sản lớn nhất của Thủ tướng Abe có lẽ là một loạt chính sách kinh tế nhằm khôi phục tăng trưởng nền kinh tế Nhật Bản dưới chương trình thường được gọi là "Abenomics" (kết hợp tên ông Abe và từ economics – kinh tế).

Abenomics - cách tiếp cận 3 “mũi tên” của Thủ tướng Abe – kết hợp mở rộng tài chính, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu. Ảnh: Reuters

 

Vốn phải đối phó với tình trạng giảm phát suốt hơn 20 năm, Chính phủ Nhật Bản liên tục theo đuổi các biện pháp can thiệp với hy vọng khôi phục nền kinh tế. Abenomics - cách tiếp cận 3 “mũi tên” của Thủ tướng Abe – ra đời năm 2013, kết hợp mở rộng tài chính, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu. Mục đích tức thời là thúc đẩy nhu cầu nội địa và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trong khi nâng lạm phát lên 2%. 

“Mũi tên” thứ nhất là kích kích tài chính, bắt đầu năm 2013 bằng các biện pháp phục hồi kinh tế tổng trị giá 20,2 tỷ yên, trong đó 10,3 tỷ yên là chi tiêu chính phủ trực tiếp. Gói kích thích lớn thứ hai ở Nhật Bản này tập trung vào xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu, cống, đường chống động đất. Một khoản kích thích riêng 5,5 tỷ yên được đưa ra vào tháng 4/2014. Sau bầu cử tháng 12/2014, ông Abe thúc đẩy thông qua một gói chi tiêu nữa trị giá 3.500 tỷ yên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm các công nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi thuộc Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), tại Ota và lái máy gặt lúa tại thị trấn Hirono, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 17/9/2014. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

“Mũi tên” thứ hai là chính sách tiền tệ phi chính thống và là trọng tâm của Abenomics, trong đó có chương trình mua tài sản chưa từng có tiền lệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Tờ Wall Street Journal đánh giá: “Đây là thử nghiệm chính sách tiền tệ khổng lồ”. BOJ đã cùng lúc bơm tiền vào nền kinh tế (chính sách này được gọi là nới lỏng định lượng) và lần đầu tiên đẩy lãi suất xuống mức âm.

“Mũi tên” cuối cùng là chương trình bị trì hoãn từ lâu: cải cách cơ cấu. Trong đó, Nhật Bản cắt giảm các quy định kinh doanh, giải phóng thị trường lao động và lĩnh vực nông nghiệp, giảm thuế doanh nghiệp và tăng tính đa dạng trong lực lượng lao động. Tất cả đều nhằm khôi phục tính cạnh tranh của Nhật Bản.

Trong khi đó, vấn đề thiếu lao động của Nhật Bản tiếp tục là yếu tố nghiêm trọng cản trở kinh tế. Dân số ở độ tuổi lao động của Nhật Bản giảm trong những năm qua và Nhật Bản có thể mất hơn 1/3 dân số trong vòng 50 năm tới. Vào tháng 9/2015, ông Abe thông báo chương trình “Abenomics 2.0”, trọng tâm là nâng cao tỷ lệ sinh và tăng cường an sinh xã hội. Ông cũng thiết lập một vị trí mới trong nội các chuyên tâm vào đảo ngược quá trình suy giảm nhân khẩu học ở Nhật Bản.

Dân số ở độ tuổi lao động của Nhật bản giảm trong những năm qua và Nhật Bản có thể mất hơn 1/3 dân số trong vòng 50 năm tới. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngoài ra, ông Abe cam kết chi 2.000 tỷ yên vào giáo dục và chăm sóc trẻ, cam kết miễn học phí mầm non cho mọi trẻ từ 3 đến 5 tuổi và trẻ dưới 2 tuổi thuộc gia đình thu nhập thấp. Những thay đổi này một phần nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động nhiều hơn. Theo kế hoạch được gọi là “womenomics”, ông Abe muốn nâng tỷ lệ lao động nữ từ 68% lên 73% vào năm 2020. Theo đó, chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệm tăng cường bổ nhiệm phụ nữ vào vị trí quản lý. Theo chính phủ của ông Abe, tăng lương và vị thế của phụ nữ trên thị trường lao động cũng sẽ tăng tỷ lệ sinh. 

Theo tờ New York Times, chính sách Abenomics đã có kết quả trong những năm đầu nhiệm kỳ của ông Abe, đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng bất ổn triền miên và nâng uy tín quốc tế của ông Abe. Tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa của Nhật Bản cao hơn và tỷ lệ nợ chính phủ so với thu nhập quốc gia đã ổn định lần đầu tiên trong nhiều chục năm. 

Ngay sau khi áp dụng, Abenomics đã làm cho đồng yên yếu đi nhiều vào tháng 2/2013, từ đó hỗ trợ ngành xuất khẩu của Nhật Bản. Chỉ số chứng khoán TOPIX tăng 22%. Tỷ lệ thất nghiệm giảm từ 4% trong quý đầu năm 2012 xuống 3,7% trong quý đầu năm 2013. Đến tháng 5/2013, chứng khoán tăng 55% giá trị, chi tiêu tiêu dùng đã đẩy GDP quý đầu năm đó lên 3,5%. Tỷ lệ ủng hộ ông Abe tăng vọt lên 70%. Khảo sát của tờ Nihon Keizai Shimbun cho thấy 74% người được hỏi ca ngợi chính sách Abenomics vì giúp Nhật Bản thoát suy thoái kéo dài.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản bị tác động vào năm 2019 khi xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2020, kinh tế Nhật Bản lại bị thêm đòn giáng nữa từ đại dịch COVID-19.

Hạ viện Nhật Bản ngày 10/6/2020 đã thông qua gói ngân sách bổ sung thứ hai trong tài khóa 2020. Đây là khoản ngân sách bổ sung lớn nhất từ trước đến nay nhằm đối phó với ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Theo nhận định của các nhà kinh tế trên tờ Japan Times, dù ai kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe đi chăng nữa thì nhiều khả năng người đó vẫn sẽ tiếp tục khung chính sách Abenomics. Vì chương trình của ông Abe được duy trì trong môi trường ổn định chính trị suốt gần 8 năm qua nên nó sẽ là yếu tố quan trọng để vị thủ tướng tiếp theo đưa ra thông điệp mạnh mẽ, rằng mình sẽ tiếp tục Abenomics. 

Ông Daiju Aoki thuộc công ty quản lý tài sản của ngân hàng UBS cho rằng người kế nhiệm của ông Abe có thể sẽ chỉ thay đổi một số chi tiết của Abenomics. Ông nói: “Trước khi ông Abe làm thủ tướng nhiệm kỳ hai năm 2012, Nhật Bản đã có tới 6 thủ tướng trong 6 năm. Nếu người kế nhiệm ông Abe không giành được sự ủng hộ của người dân, tình hình chính trị có thể sẽ quay về thời bất ổn trước khi có chính sách Abenomics”.

Ngoài ra, các nhà kinh tế chỉ ra rằng ổn định chính trị thời ông Abe đã tăng cường vị thế ngoại giao của Nhật Bản để có lợi cho nền kinh tế thông qua việc xây dựng nền tảng các thỏa thuận thương mại và chính sách ngoại hối. Do đó, Abenomics dự kiến sẽ còn ở lại với Nhật Bản sau khi ông Abe từ chức.

Theo kênh BBC, xét trên diện rộng về chính sách đối ngoại, Thủ tướng Abe được coi là nhà đổi mới ngoại giao và thể hiện năng lực tư duy chiến lược, khác xa với các thủ tướng Nhật Bản trước đó. 

Trong chính sách đối ngoại (trong cả kinh tế và ngoại giao), ông Abe theo đuổi cách tiếp cận vừa tăng cường liên minh hiện có (như với Mỹ) vừa phát triển quan hệ đối tác mới với các nhân tố khu vực cũng như toàn cầu bất kể chế độ của đối tác đó.

Dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản có một loạt quan hệ đối tác chiến lược mới với Ấn Độ và Australia, thỏa thuận quốc phòng với Đông Nam Á, quan hệ đối tác quốc phòng và đối ngoại tham vọng với Anh và Pháp, tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương…

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tại cuộc gặp ở New York, Mỹ, ngày 25/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Theo trang nippon.com, với Mỹ, Thủ tưởng Abe có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Donald Trump. Tờ New York Times đánh giá ông Abe là một trong số ít lãnh đạo thế giới duy trì quan hệ gần gũi nhất quán với ông Trump, thường xuyên nói chuyện qua điện thoại và chơi golf với nhau khi có dịp. 

Còn tờ Foreign Policy nhận định một trong những chiến thắng đối ngoại rõ ràng của ông Abe là cách ông xử lý cẩn thận cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016: tránh đặt cược vào khả năng bà Hillary Clinton làm tổng thống và sau đó gặp ông Trump chỉ gần 10 ngày sau bầu cử Mỹ. Đó là bước đi nhìn xa trông rộng và ông Abe đã là lãnh đạo thế giới đầu tiên gặp Tổng thống đắc cử vào tháng 11/2016. Ông Abe thường xuyên gặp Tổng thống Trump và golf là môn thể thao kết nối quan trọng giữa họ. 

 

Trong thế giới “nước Mỹ trên hết” mà Tổng thống Trump chủ trương, thành công lớn nhất của ông Abe là ở trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Nhật Bản từng là quốc gia bảo hộ thương mại nhưng dưới thời ông Abe, Nhật Bản đã mở rộng cửa trong nhiều lĩnh vực. Khi Mỹ quay lưng với TPP, chính ông Abe đã vượt mọi trở ngại để cứu thỏa thuận này. Khi Mỹ bỏ TPP, ông Abe đã tìm cách kết nối các quốc gia khác, thiết lập khu vực tự do thương mại 11 quốc gia. Không dừng ở đó, ông Abe tiến tới chốt các cuộc đàm phán tưởng như kéo dài bất tận với Liên minh châu Âu (EU) để thiết lập thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Chính sách ngoại giao Nhật Bản những ngày này có nhiều mặt khác nhau. Mặc dù ông Abe thân thiết với Tổng thống Trump, nhấn mạnh liên minh Mỹ-Nhật, nhưng ông vẫn tiếp tục theo đuổi và bảo vệ trật tự kinh tế quốc tế tự do dựa theo nguyên tắc – điều mà ông Trump bác bỏ. Nội các của Thủ tướng Abe cũng khác biệt với Mỹ trong chính sách Trung Quốc. Nhật Bản vẫn làm ăn với Trung Quốc tại thời điểm Mỹ muốn tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Khi đối diện với mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, Nhật Bản bắt đầu hành động độc lập hơn về vấn đề đối ngoại với từng nước, trong khi vẫn tránh đối đầu với Mỹ về những vấn đề lớn. Dù Nhật Bản cũng như nhiều đồng minh của Mỹ chịu áp lực tăng chi tiêu quốc phòng và hỗ trợ binh sĩ Mỹ đóng quân tại nước mình, nhưng bằng sự khéo léo, ông Abe đã tránh được một cuộc chiến thương mại với Mỹ và vẫn duy trì được liên minh vững mạnh với Mỹ.

Với châu Á – Thái Bình Dương, ông Abe đã để lại di sản giàu có ở khu vực này khi hỗ trợ thiết lập nghị trình địa chiến lược cho khu vực. Theo tờ The Diplomat, ông được coi là kiến trúc sư của Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quad -  Bộ Tứ Kim Cương). Đây là diễn đàn chiến lược phi chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, được tổ chức hội nghị thượng đỉnh 2 năm một lần nhằm trao đổi thông tin và diễn tập quân sự. Ông Abe đã khởi xướng diễn đàn này năm 2007. Diễn đàn diễn ra song song với tập trận chung Malabar.

Trong thời gian làm thủ tướng, ông Abe xây dựng quan hệ sâu sắc giữa Nhật Bản và Ấn Độ. Ông đã thúc đẩy quan hệ an ninh chặt chẽ hơn nhiều giữa hai nước. Nhật Bản ủng hộ khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rất sớm khi Thủ tướng Abe đề cập tới khu vực nằm giữa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ năm 2007. Những năm sau đó, Thủ tướng Abe không ngừng nỗ lực thúc đẩy khái niệm về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ý tưởng địa chiến lược mở rộng này nhằm quản lý Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương nhất quán. Thời gian gần đây, "Bộ Tứ Kim Cương" đã trở thành cơ chế tham vấn chủ chốt để xử lý các thách thức mới nổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi gặp gỡ vào tháng 10/2018. Ảnh: AFP

Theo tờ Foreign Policy, cho dù gặp một số vấn đề gần đây, nhưng ông Abe là chính trị gia được yêu mến nhất ở Nhật Bản và không ai từng có quyền lực ngang bằng như thế. Từ lần đầu cầm quyền năm 2006 với tư cách thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản sau Thế chiến hai cho tới hai nhiệm kỳ liên tiếp, ông Abe đã để lại những di sản khó có thể phủ nhận.

Bài: Thùy Dương

Trình bày: Hồng Hạnh

29/08/2020 08:26