Sinh ra trên bờ biển Địa Trung Hải xa xôi, song cả tuổi thanh xuân chàng trai ấy đã sống, chiến đấu và cống hiến bên những đồng đội, đồng chí tại Việt Nam. Việt Nam trở thành quê hương, tổ quốc với trọn vẹn nghĩa tình nơi ông. Người đó là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập khi chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Việt Nam (trái) và lúc về già. Ảnh: idcommunism

Chàng thanh niên Hy Lạp Kostas Sarantidis đã đến Việt Nam, theo tiếng gọi của lương tri, đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ những người Cách mạng đi suốt cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và cống hiến cả tuổi trẻ cho sự nghiệp vinh quang ấy đến hơi thở cuối cùng. Người chiến sĩ cộng sản, anh bộ đội Cụ Hồ Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập đã sống một cuộc đời vẻ vang như thế, trở thành tấm gương sáng ngời cho chính nghĩa và tinh thần vô sản quốc tế cao đẹp.    

Ông Kostas Sarantidis sinh năm 1927 tại thành phố Athens, trong một gia đình công nhân ở miền bắc Hy Lạp. Năm 1943, khi mới 16 tuổi, ông bị Đức Quốc xã bắt đi lính và đưa sang Đức phục vụ các lực lượng của phát-xít Đức. Ông trốn thoát và sống tạm trên những chuyến tàu qua lại biên giới Nam Tư - Hy Lạp.    

 

Sau khi Chiến tranh Thế chiến thứ hai kết thúc năm 1945, ông Kostas Sarantidis không thể trở về quê nhà Hy Lạp vì không có giấy tờ tùy thân. Bị đưa vào trại tập trung tại Italy, sau đó gia nhập đội quân lê dương của Pháp và được đưa sang Đông Dương theo sứ mệnh giải phóng các dân tộc tại đây, giải giáp phát xít Nhật.     

Tuy nhiên, khi tới Việt Nam tháng 2/1946, ông chứng kiến ngã rẽ quan trọng nhất đời mình. Ông quen một người phụ nữ tên là Ly Ly, là vợ một sĩ quan Việt Nam làm cho chính quyền Pháp. Chính bà đóng vi trò to lớn vào việc giác ngộ chàng lính lê dương 23 tuổi người Hy Lạp, và ông hiểu rằng Việt Minh là những người yêu nước chân chính, khát khao giải phóng quê hương mình, chứ không phải như những gì người Pháp tuyên truyền trước đó. Mãi sau này, ông mới biết bà Ly Ly là một điệp viên của Việt Minh.    

Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam, ông Kostas Sarantidis hồi tưởng: “Có lần trong lúc đi tuần tiêu tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), tôi vào nhà thì thấy chúng nó hiếp từng người một. Đứa bé khóc lóc. Đó chính là giọt nước tràn ly. Tôi quyết định lựa chọn tự do và chính nghĩa. Cần hy sinh, tôi hy sinh, chứ nhất quyết không đi con đường tội ác”.    

 

Một lần khác, ông thấy lá cờ Pháp treo trên một chòi canh. Trên hàng rào tháp canh có rất nhiêu chiếc đầu người bị chặt cắm lên các cây cọc. Sarantidis ngạc nhiên đến sững sờ. Toàn thân ông run lên, nước mắt giàn giụa, tim đập loạn xạ. Ông tự hỏi tại sao người Pháp đã chịu nhiều đau khổ dưới gót giày phát-xít Đức lại có hành động không khác gì bọn lính Hitler?    

Việc tận mắt chứng kiến những hành động tàn phá, đàn áp, giết người hết sức dã man của quân đội xâm lược đối với những người dân Việt Nam vô tội, nhận thức được rõ bản chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đã giúp Kostas Sarantidis sớm giác ngộ Cách mạng. 

Ông Kostas Sarantidis tìm cách bắt liên lạc với Mặt trận Việt Minh và xin gia nhập hàng ngũ những người Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Kostas Sarantidis trốn khỏi đội quân lê dương Pháp để tới vùng tự do ở Bình Thuận, rủ thêm một lính lê dương khác có tên là Merinos cùng đi. Đó là đêm mùng 3 rạng ngày 4/6/1946, tức là chỉ bốn tháng sau khi ông tới Sài Gòn. "Món quà" ông mang theo là một khẩu súng trường và một khẩu súng máy. Sau khi tham gia lực lượng Việt Minh, mọi người gọi ông là với cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập.    

Video Anh hùng Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập tâm sự trong một lần trở về thăm Việt Nam (Nguồn: trang Facebook cá nhân của ông Nguyễn Văn Lập)

Chín năm kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Văn Lập được giao nhiều nhiệm vụ trong các đơn vị quân chính quy Liên khu 5, có mặt trong nhiều trận chiến đấu ác liệt ở “khúc ruột miền Trung”. Thời kỳ đầu làm công tác địch vận ở chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, ông đã lập công xuất sắc, thực hiện chương trình phát thanh vào đồn địch, cảm hóa được nhiều lính lê dương. 40 lính đã bỏ Pháp mang theo súng đạn gia nhập lực lượng kháng chiến, cứu sống 120 người bị địch bắt.

Khi làm xạ thủ trung liên, ông đã cùng đồng đội bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Moran ở gần ga Phú Cang (Quảng Nam) bắt sống ba tên giặc lái Pháp. Trong trận chống địch đi càn quét ở Hương An-Bà Rén ngày 13/4/1948, ông cùng đồng đội diệt gọn 200 lính địch, bẻ gãy cuộc càn quét.    

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (áo trắng) thăm hỏi cựu chiến binh Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 803, Liên khu 5 (ngày 30/6/2010, tại Phủ Chủ tịch). Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

 

Không chỉ chiến đấu dũng cảm trên chiến trường, khi được giao các nhiệm vụ khác, ông Nguyễn Văn Lập đều lập công xuất sắc. Được điều về làm Tổng giám thị Trại tù binh Âu-Phi số 3 ở Quảng Ngãi, ông đã hoàn thành tốt công tác giáo dục, làm cho tù binh hiểu rõ tính chính nghĩa của việc Việt Nam chống xâm lược và chính sách nhân đạo của chính phủ kháng chiến. Nhiều tù binh đã tỏ lòng cảm phục và biết ơn sâu sắc về việc chăm sóc và giáo dục của trại.    

Với hàng loạt chiến công xuất sắc, năm 1949, ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập được vinh dự kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Cấp bậc cao nhất của ông Nguyễn Văn Lập là Đại úy.    

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp gỡ ông Nguyễn Văn Lập trong chuyến thăm Hy Lạp tháng 7/2018. Ảnh: TTXVN
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. Ảnh: idcommunism.com

Sau Hiệp nghị Geneva năm 1954, ông Nguyễn Văn Lập tập kết ra miền Bắc và tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Cách mạng, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Lập tham gia phòng trào phản đối, chống địch cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, làm trung đội trưởng đội cung tiêu ở sân bay Gia Lập, làm lái xe tải ở các mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng, làm phiên dịch cho chuyên gia Cộng hòa Dân chủ Đức ở Nhà máy in Tiến Bộ. Ông cũng nhiều lần tham gia đóng các vai người Pháp, Mỹ trong một số bộ phim truyện Việt Nam….

Bất cứ nhiệm vụ nào, công việc nào, ông Nguyễn Văn Lập cũng tận tâm cống hiến, đạt hiệu quả cao.  

 

 

Năm 1958, ông Nguyễn Văn Lập thành thân với một cô gái Hà Nội và hai vợ chồng có với nhau bốn người con, một trai ba gái và tất cả đều đặt tên Việt Nam. Trải qua quãng đời trẻ trung, sôi nổi, rất có ý nghĩa ở Việt Nam, ông gắn bó với dải đất hình chữ S đến mức không nghĩ đến việc rời Việt Nam, dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, vất vả.

Tuy nhiên, năm 1965, ông Nguyễn Văn Lập cùng gia đình xin phép trở về Hy Lạp sau khi biết tin người mẹ già đang sống mòn mỏi chờ tin con tại quê nhà. Tháng 4/1975, ông Nguyễn Vă Lập vô cùng sung sướng khi nhận tin Việt Nam đại thắng, thống nhất đất nước. Nhiều năm qua, ông luôn lưu giữ rất cẩn thận các kỷ vật về Việt Nam.    

Trở về Hy Lạp cùng với vợ là người Hà Nội và những người con đều mang tên Việt Nam, ông vẫn luôn hướng về Việt Nam và có nhiều việc làm thiết thực để giúp đỡ Việt Nam - nơi mà ông luôn coi là quê hương của mình. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Hy Lạp và là đầu mối giữa hai Đảng, hai Chính phủ và các cơ quan, đoàn thể, góp phần xây dựng, vun đắp mối quan hệ giữa hai nước, tình hữu nghị bạn bè giữa hai dân tộc.      

Ngày 3/6/2012, trong chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 22 tổ chức tại Thủ đô Athens (Hy Lạp), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm gia đình ông Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Ông là nòng cốt trong vận động bà con Việt Nam định cư ở Hy Lạp thành lập Hội Việt kiều ở Hy Lạp, động viên bà con hướng về Tổ quốc. Ông Nguyễn Văn Lập cũng là Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Việt Nam – Hy Lạp. Dù cuộc sống tại “đất mẹ Hy Lạp” có nhiều khó khăn do xa quê một thời gian quá dài, song ông Nguyễn Văn Lập cùng gia đình không lúc nào ngừng hướng về “quê hương Việt Nam” với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Ông dành nhiều công sức và tâm huyết để vận động quyên góp lấy tiền gửi sang Việt Nam ủng hộ nạn nhân bị chất độc da cam và người nghèo.    

 

Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác, tấm lòng sắc son, thủy chung trước sau như một, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả của một chiến sỹ vô sản, ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng thưởng: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Hữu nghị.

Năm 2011, ông được Nhà nước chính thức công nhận quốc tịch Việt Nam, mang tên Nguyễn Văn Lập. Phát biểu tại buổi lễ, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao đóng góp to lớn của ông Nguyễn Văn Lập đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Nguyên Chủ tịch nước khẳng định, ông Nguyễn Văn Lập chính là sợi dây nối liền mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hy Lạp - vốn có những điểm tương đồng, kiên cường trong đấu tranh chống các thế lực ngoại xâm bảo vệ đất nước.    

Năm 2013, người bộ đội Cụ Hồ năm nào Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Ông là người nước ngoài đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nhận danh hiệu cao quí này.      

Ngày 7/1/2011, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương Hữu nghị và quyết định Quốc tịch Việt Nam cho ông Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 803, Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

 

Yêu Việt Nam nên mặc dù cuộc sống ở Hy Lạp còn bộn bề khó khăn, nhưng với mức lương hưu ít ỏi của mình, người Anh hùng Kostas Saratidis Nguyễn Văn Lập vẫn dành một phần tiết kiệm để mua vé máy bay về Việt Nam thăm lại chiến trường xưa, thăm đồng đội và sống lại những tháng ngày hào hùng năm nào.    

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập (người mặc bộ lễ phục trắng, hàng trước, ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội vào lăng viếng Bác. Ảnh: Báo Nhân dân

Khi sức khỏe còn cho phép, ông Nguyễn Văn Lập đã nhiều lần trở lại Việt Nam, khi thì tháp tùng Tổng thống Hy Lạp sang Hà Nội, khi thì đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua, Đại hội Việt kiều, dự Lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Trung đoàn 803 mà ông là một chiến sĩ, một sĩ quan của trung đoàn.

Và lần nào trước khi đi, ông cũng viết di chúc để lại, dặn dò vợ con là nếu chẳng may có mệnh hệ gì thì dứt khoát không đưa ông về Hy Lạp, mà hãy chôn cất ông ở Việt Nam, vì với ông, Việt Nam cũng là Tổ quốc, là quê hương như đất nước Hy Lạp mà ông đang sinh sống. 

 

Yêu và gắn bó với Việt Nam, Kostas Lập không chỉ đặt tên cho con mà đến cháu cũng lấy tên Việt (Nguyễn Phục Sinh, Nguyễn Hồ Minh…). Thậm chí, ngay cả hòm thư báo trước cổng nhà trên đường phố Rodos ở thủ đô Athens, ông cũng ghi cả 2 cái tên Hy Lạp-Việt Nam: Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập.

Có một chi tiết cảm động về “người lính Cụ Hồ da trắng này”, đó là khi được giới thiệu lên phát biểu, Kostas Sarantidis luôn kính cẩn cúi đầu chào trước tượng Bác, rồi mới bước đến bục phát biểu. “Tôi thích được gọi là Nguyễn Văn Lập hơn là Kostas Sarantidis. Bởi cái tên này gắn với những kỷ niệm không thể nào quên với nước Việt Nam của cụ Hồ. Các bạn Việt Nam đã giúp tôi hiểu thế nào là độc lập, tự do”.    

Ngày được nhận quốc tịch Việt Nam, ông Kostas Sarantidis xúc động phát biểu: “Nhập quốc tịch Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao là một vinh dự to lớn, niềm mong ước trở thành công dân Việt Nam của tôi được toại nguyện”. Ông hứa trước sau như một, luôn luôn giữ vững phẩm chất bộ đội cụ Hồ, sẵn sàng đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Năm 2011, trở lại Việt Nam, ở tuổi 84, người đảng viên cộng sản kiên định lý tưởng mình theo đuổi đã trả lời câu hỏi của bạn bè về những hoạt động giúp đỡ Việt Nam ở Hy Lạp: “Còn sống ngày nào là tôi còn nghĩ, còn trách nhiệm đối với Việt Nam”.    

 

Song, như một lẽ thường của quy luật sinh tử, tối 25/6/2021 (theo giờ Việt Nam), gia đình và những người yêu mến người chiến sĩ quốc tế vô sản, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập đau đớn đón nhận tin buồn ông trút hơi thở cuối cùng tại thủ đô Athens. Trái tim rực lửa cách mạng của người Chiến sĩ Cộng sản kiên trung ấy đã ngừng đập mãi mãi.   

Biết tin Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập từ trần, ngày 26/6/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi lời chia buồn.    

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh gửi lời chia buồn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã gửi điện, thư chia buồn tới gia đình ông.    

Đại sứ Lê Hồng Trường và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp sẽ tham dự Lễ tang Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, dự kiến được tổ chức vào thứ Ba, ngày 29/6/2021.    

Tác giả: Trần Thanh Tuấn

Trình bày: Hồng Hạnh

Bài viết có sử dụng một số hình ảnh và nội dung của các đồng nghiệp báo Nhân Dân và VTV.

01/07/2021 04:22