Lũ lụt, sạt lở đất dồn dập xảy ra trong tháng 10/2020, gieo mất mát, đau thương vô hạn trên khắp dải đất miền Trung, Tây Nguyên. Chưa bao giờ thiên tai lại ập xuống với tần suất dày đặc được mô tả là "bão chồng bão, lũ chồng lũ" như vậy, khiến cuộc sống của người dân vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 càng trở nên khó khăn, bấp bênh. Một lần nữa, vấn đề phòng chống thiên tai, giảm thiểu rủi ro từ lũ lụt, sạt lở đất và rộng hơn là ứng phó với biến đổi khí hậu lại được đặt ra.

“Tai biến địa chất” là các hiện tượng, quá trình địa chất xảy ra gây hại hoặc có khả năng gây hại cho con người và môi trường sống. Trong đó sạt lở đất, lũ lụt thuộc tai biến địa chất ngoại sinh. 

 Lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du trên lãnh thổ Việt Nam. Tại các vùng núi của nước ta lũ quét và sạt lở đất thường "sóng đôi" làm tăng mức độ nguy hại.

Thiệt hại do mưa bão ở miền Trung tháng 10/2020 đặc biệt lớn. 

Có thể thấy rằng, những năm gần đây tại Việt Nam, dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hiện tượng sạt lở và lũ quét diễn ra với tần suất nhiều, cuốn trôi hàng trăm ha đất nông nghiệp, đe dọa trực tiếp đến sinh nhai, cuộc sống và tính mạng của không ít người dân.

Theo Thống kê từ Tổng cục phòng, chống thiên tai về lũ quét và sạt lở đất tại Việt Nam (Hà Nội, 10/2019), trong giai đoạn từ 1953 - 2006, Việt Nam đã xảy ra 448 trận lũ quét và sạt lở đất, trung bình 7 trận/năm. 

Hiện trường công tác tìm kiếm cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế). 

Nhưng sang giai đoạn từ 2000 - 2015, tổng số trận lũ quét và sạt lở đất là 250 trận, trung bình 15 - 16 trận/năm, gây ra nhiều thiệt hại về người và của: 779 người thiệt mạng, 426 người bị thương, 9.700 căn nhà bị sạt lở, hơn 100.000 căn nhà bị nước cuốn trôi, khoảng 75.000 ha trồng trọt, chăn nuôi bị ảnh hưởng

Riêng năm 2018, tại các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra 14 trận, làm chết và bị thương 82 người (chiếm 70% tổng số người chết và bị thương do lũ quét, sạt lở đất trên cả nước). Phần lớn các trận lũ quét, sạt lở đất đều xảy ra ở vùng núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt và có xu hướng gia tăng.

Mưa lũ trong tháng 10/2020 gây ngập lụt, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương.

Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai năm 2018: Trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. 

Đơn cử, trận lũ quét tháng 9/2002 tại Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh làm 53 người chết và mất tích, 370 căn nhà bị cuốn trôi; lũ quét sạt lở đất do mưa lũ sau bão số 2 năm 2016 ở Lào Cai đã làm 15 người chết và mất tích tại các huyện Bát Xát và Sa Pa; sạt lở tại mỏ vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn làm 10 người chết và mất tích. Riêng năm 2017, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng vào đầu tháng 8 và giữa tháng 10 đã làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi... 

Bờ biển Cẩm An (Quảng Nam) bị sạt lở gần 3 km.

Điều đáng lo ngại khác là sạt lở bờ sông, bờ biển đang có diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau. 

Hiện nay, trên cả nước hiện có 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.710 km, trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng) với tổng chiều dài 218 km; 735 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 911 km; 1.229 điểm sạt lở còn lại với tổng chiều dài 1.581 km.

Theo ThS. Thái Bá Ngọc, Giảng viên Khoa KT Địa chất và Dầu khí, Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP Hồ Chí Minh: Lũ lụt miền Trung năm 2020 là một đợt bão, lũ lụt diện rộng, trên khắp miền Trung, bắt đầu từ đêm 6, rạng sáng 7/10/2020, tập trung ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế của Bắc Trung Bộ, một phần Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Lũ lớn gây ngập diện rộng tại Quảng Trị.

Trong tháng 10, hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, gió mùa, xoáy thuận nhiệt đới hình thành và liên tiếp biến động ở Biển Đông. Khởi đầu bằng áp thấp thứ nhất đợt ngày 6 - 8, áp thấp thứ hai đợt ngày 10 cho đến Bão Linfa (số 6) ngày 11, tiếp đó là áp thấp thứ ba đợt ngày 12, Bão Nangka (số 7) ngày 13/10, áp thấp thứ tư ngày 16/10 với lượng mưa lớn đổ dồn về khu vực, khiến nhiều địa phương tại miền Trung bị ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi nước lũ dâng cao, chia cắt nhiều địa bàn.

Đợt lũ thứ nhất từ 6 - 13/10, các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ hư hỏng cơ sở vật chất, hạ tầng cho đến thiệt hại người và của, tác động xấu tới đời sống của người dân. 

Đợt lũ thứ hai từ ngày 16/10, miền Trung tiếp tục chịu tác động của cơn áp thấp nhiệt đới mới trong quá trình biến chuyển thành bão cùng không khí lạnh, không ngừng tiếp nhận các đợt mưa lớn, đợt lũ lụt kéo dài. Một số vùng miền Trung có mực nước vượt qua lịch sử năm 1979, 1999.

Đáng nói, khi cả nước đang chung tay hướng về “khúc ruột” miền Trung để cùng khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất do cơn bão số 7 và các đợt áp thấp trước đó thì “bão lại chồng bão”, người dân nơi đây lại tiếp tục phải đối phó với cơn bão số 8 (25/10) gây mưa lớn và đặc biệt là cơn bão số 9 có sức gió mạnh nhất cấp 12 - 13, giật cấp 15 khi đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Chịu ảnh hưởng bởi các đợt mưa bão, lũ lụt liên tiếp nên suốt từ ngày 12/10 đến nay, khu vực miền Trung đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất kinh hoàng, như tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-  Huế), Sở Chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và mới nhất là vụ sạt lở khiến hàng chục người bị mất tích tại 2 xã thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam)…

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở.

Cụ thể, trưa 12/10, sau khi nhận được tin báo qua điện thoại của một công nhân về sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, qua xác minh có 17 công nhân mất tích, lãnh đạo Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập Đoàn công tác gồm 21 người để tiếp cận hiện trường. 

Khi đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ô tô không qua được, đoàn để lại xe và đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 còn cách đó khoảng 13 km. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, do mưa quá lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, đoàn phải dừng chân, nghỉ tại khu nhà của Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24 giờ cùng ngày, bất ngờ đất đá đổ xuống đè lên tòa nhà Đoàn đang nghỉ, chỉ có 8 người thoát khỏi khu vực sạt lở, 13 người mất tích. 

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mất tích do sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Với nhiều cố gắng, đến 19 giờ 30 phút ngày 15/10, lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm được 13 thi thể của Đoàn công tác gặp nạn ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 tại khu vực Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ.

Ngay sau đó, công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm 17 công nhân mất tích tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến ngày 2/11, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy và xác định được danh tính 5/17 công nhân mất tích trong vụ sạt lở xảy ra ngày 12/10 tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Khi nỗi đau tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) vẫn còn day dứt, ngày 18/10, một vụ sạt lở đất kinh hoàng lại xảy ra tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khiến 22 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 bị vùi lấp. Đến gần 15 giờ ngày 19/10, sau 40 giờ tìm kiếm, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy tất cả 22 thi thể cán bộ, chiến sĩ. 

Lễ truy điệu, tiễn đưa 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, tối muộn ngày 28/10, người dân cả nước lại bàng hoàng khi đón nhận thông tin chiều tối cùng ngày, tại huyện Nam Trà My đã xảy ra vụ sạt lở núi nghiêm trọng khiến hàng chục người mất tích tại Thôn 1 (xã Trà Leng) và Thôn 1 (xã Trà Vân).

Ngay sau khi nhận được tin về vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người dân ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện về việc cứu hộ các nạn nhân.

Đêm 28/10, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã chủ trì cuộc họp khẩn để bàn giải pháp ứng cứu các nạn nhân của 2 vụ sạt lở trên. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền bình tĩnh xử lý vụ việc, tập trung tìm kiếm các nạn nhân, đặc biệt trong quá trình tìm kiếm cứu nạn phải đảm bảo an toàn. Căn cứ vào thực tế địa hình của khu vực sạt lở khó tiếp cận, Phó Thủ tướng chỉ đạo công tác ứng cứu cần ưu tiên phương châm 4 tại chỗ và ngay lập tức thành lập Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương tại huyện Bắc Trà My để tìm kiếm các nạn nhân.

Ngay trong đêm 28/10, Quân khu V và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đã điều động trên 200 cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng và nhiều phương tiện, thiết bị, thông tin liên lạc hành quân trong đêm để tiếp cận hiện trường.

Sáng 29/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã cấp tốc đến huyện Bắc Trà My, gần hiện trường vụ sạt lở, để trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn - cứu hộ…

Các lực lượng tại chỗ tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam.

Trước đó, khoảng 14 giờ chiều 28/10, một vụ sạt lở đã xảy ra tại thôn 6 xã Phước Lộc, Quảng Nam khiến hàng chục người mất tích. Đến sáng 30/10 đã tìm được 5 thi thể, còn 8 người vẫn đang mất tích, lực lượng tìm kiếm tại chỗ của xã vẫn đang khẩn trương triển khai. Do sạt lở, toàn bộ xã Phước Lộc đã bị cô lập, mất liên lạc hoàn toàn; ngày 1/11, máy bay trực thăng đã thả được lương thực, thực phẩm tiếp tế cho người dân xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn.

Tính đến hết ngày 2/11, do sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tại huyện Nam Trà My có 17 người chết, 46 người bị thương và 15 người mất tích. 

Hiện công tác tìm kiếm cứu nạn 22 nạn nhân tại các điểm sạt lở của 2 huyện Nam Trà My và Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam vẫn đang được tiếp tục triển khai. Các lực lượng chức năng với tinh thần khẩn trương tiếp cận và cứu sống nhiều nạn nhân nhất có thể. Tuy nhiên, tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam vẫn có mưa to, việc sạt lở các tuyến đường khả năng vẫn xảy ra nên công tác tìm kiếm các nạn nhân còn lại gặp rất nhiều khó khăn.


 

Theo ThS. Thái Bá Ngọc, dưới góc độ địa chất, sự hình thành lũ quét có liên quan mật thiết với: Cường độ mưa, điều kiện khí hậu, đặc điểm địa hình, các hoạt động của con người cũng như điều kiện tiêu thoát lũ của khu vực.

 Cơ chế hình thành và vận động của lũ quét.

Các nguyên nhân chủ yếu gây ra lũ quét là cộng sinh đồng thời các yếu tố: Do mưa lớn tập trung trên các lưu vực có độ dốc lớn, mà ở đó hoạt động của con người đã phá vỡ cân bằng sinh thái làm biến đổi lớp phủ, mặt đệm thay đổi chế độ dòng chảy, thay đổi khả năng trữ nước của đất, đất dễ xói mòn sạt lở; do phá rừng khai thác gỗ, cây cối cùng với đá sỏi, rác rưởi bị cuốn trôi tạo thành các barie ngăn nước tạm sau bị đổ vỡ tràn xuống gây ra lũ, sức tàn phá của lũ tăng lên gấp bội; do mưa nhiều, đất đá phong hóa bị sũng nước, giảm đến mất hoàn toàn lực dính, tăng áp suất chất lỏng lỗ rỗng giữa các phần tử đất đá vốn đã bị bở rời, giảm đến mất hoàn toàn sức kháng ma sát, hậu quả là sạt lở xảy ra…

Nguyên nhân hình thành lũ quét.

Còn sạt lở đất là sự dịch chuyển của đất đá xuống bên dưới sườn dốc. Hiện tượng sạt lở đất có thể là hậu quả của sự xuất hiện các chấn động địa chất tự nhiên, do hiện tượng phong hóa hoặc do sự thay đổi độ ẩm trong đất, hoặc do sự dịch chuyển của kết cấu bảo vệ của phần chân của mái dốc, hoặc do xây dựng công trình trên sườn dốc hoặc do hiện tượng phong hóa bề mặt sườn dốc và do các tác động của con người làm thay đổi 

Ngoài ra còn do kết quả của những chấn động tự nhiên làm mất sự liên kết của đất, đá trên sườn đồi và núi ở vùng có địa hình dốc lớn, địa chất yếu có độ rỗng lớn, vùng đất pha cát/đá và vùng rừng thưa; rừng bị chặt phá nhiều; địa hình đồi núi cao, dốc lớn, xây dựng công trình thiếu nghiên cứu các yếu tố địa chất…

Hiện trường công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục sạt lở ở Quảng Bình.

Vậy hoạt động của con người có tác động đến môi trường, góp phần gây sạt lở, lũ lụt nghiêm trọng như đã xảy ra tại khu vực miền Trung hay không? Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải: “Nguyên nhân chính của lũ ống, lũ quét, sạt lở là do các khu vực đồi núi cao có phân cách mạnh, đặc điểm địa chất dễ gây ra sạt lở. Còn các hoạt động nhân sinh chắc chắn có ảnh hưởng đến môi trường, như phải mở đường, phải san ủi, xây dựng mặt bằng, cơ sở hạ tầng trong đó có nhà máy thủy điện...  là những hoạt động tạo ra các ta-luy, làm mất chân, mất ổn định của của sườn dốc. Đây là những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến sạt lở đất khi thiên tai xảy ra. Còn mất rừng có phải nguyên nhân khiến sạt lở đất hay không thì chúng ta phải đánh giá trong từng sự kiện".

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, vụ sạt lở đất ở công trình thủy điện Rào Trăng 3 là do công trình này đang trong quá trình xây dựng. Thực tế là đợt thiên tai vừa qua khốc liệt hơn năm 1999 với 4 trận bão liên tiếp; trong đó bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm vừa qua vừa qua mưa lũ đều lớn hơn năm 1999, song chính quyền, địa phương đã vận hành tốt liên hồ chứa, cắt được lượng nước tràn về, nếu không hạ du sẽ ngập hơn năm 1999. Chỉ một số điểm trên mức lũ lịch sử; còn phần lớn thấp hơn đáng kể so với năm 1999.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020.

Về tác động của xây dựng các thủy điện nhỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn đánh giá, thẩm định các yếu tố ảnh hưởng về độ phủ của rừng, ảnh hưởng đa dạng sinh học... Đồng thời, Luật Lâm nghiệp đã quy định chặt chẽ về việc chuyển đổi đất rừng đối với tất cả các dự án, không riêng gì thủy điện. "Trong thời gian qua, chúng ta đã loại bỏ 472 quy hoạch thủy điện nhỏ, nhiều thủy điện cần phải xem xét kỹ lưỡng để bền vững, tránh rủi ro thiên tai", Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết: Đợt thiên tai vừa rồi rất dị thường, bất thường, chưa bao giờ 4 cơn bão liên tiếp đổ vào miền Trung. Ngay trong tháng 1/2020, cơ quan chức năng đã cảnh báo năm nay sẽ có 4 - 5 cơn bão đổ về miền Trung; cảnh báo trước 15 ngày về nguy cơ lũ lụt ở miền Trung, Thừa Thiên - Huế...

Điều đáng quan tâm là các vụ sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người, phức tạp và không theo quy luật. Vừa qua nhiều vụ lở đất xảy ra tại những nơi ổn định về địa chất, không có trong bản đồ cảnh báo, nên chúng ta phải có ứng dụng khoa học công nghệ tốt và nhanh hơn.

Lực lượng tìm kiếm tại hiện trường khu vực sạt lở Trà Leng, huyện Nam Trà My. 

"Hiện mới có trên 10 tỉnh có bản đồ về nguy cơ sạt lở, tuy nhiên đó mới là bản đồ tỷ lệ 1/5.000; muốn triển khai cụ thể phải có bản đồ 1/500. Nếu theo bản đồ 1/5.000 thì một lúc phải sơ tán cả vài xã, nên không thể triển khai được", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu vấn đề. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có nhiều chỉ đạo, phải có đầu tư cho công tác này.

Liên quan đến vấn đề này, trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội ngày 2/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo số liệu thống kê, cả nước có 429 công trình thủy điện đưa vào vận hành khai thác, với dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa nước trên địa bàn cả nước. Chúng ta có đầy đủ quy định quản lý nhà nước trong đảm bảo công tác an toàn hồ đập thủy điện cũng như vận hành công trình hồ thủy điện cả liên hồ, đơn hồ.

Để cụ thể hóa Luật Phòng, chống thiên tai đã có Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; trong đó, quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ ngành (Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường) trong đảm bảo quản lý an toàn hồ đập thủy điện, cũng như quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ, công tác vận hành của các hồ, đập thủy điện. Trên thực tế, các bộ, ngành đã có hướng dẫn các địa phương trong quản lý trong lĩnh vực này.

Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) đã thông báo thời gian trước khi xả nước về hạ du trong ngày 20/10.

Hiện có 401/401 đập được chủ đập thực hiện đúng quy định báo cáo hiện trạng an toàn hồ đập, cũng như bảo trì, kiểm tra, sửa chữa. Hồ đập do các bộ, ngành quản lý cũng đã có kiểm tra thường xuyên.

Đợt bão lũ vừa qua, ngành chức năng cũng đã có đoàn kiểm tra tại các địa phương như Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế. Kết quả kiểm tra tất cả hồ đập thủy điện cho thấy đều bảo đảm an toàn hồ đập; vận hành hồ, thực hiện quy trình xả lũ đơn hồ, liên hồ theo đúng quy định pháp luật...

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, một số thông tin nêu các hồ đập miền Trung xả lũ, gây ngập hạ lưu là không chính xác. Qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn, tại Quảng Nam, hồ thuỷ điện Đắk Mi 4 có lưu lượng lớn với những thời điểm đỉnh lũ 28/10, nước về hồ lên đến 17.000 m3/s. Nhưng nhờ dung tích hồ có khả năng điều tiết cắt lũ và trữ nước cắt lũ nên đã giúp cắt lũ hơn 55%. Nếu không, đỉnh lũ về sẽ ngập trắng hạ lưu.

Việc xả lũ tiếp tục kéo dài trong các ngày 29 và 30/10. Lượng xả nước mức độ thấp nên chống lũ hiệu quả cho hạ lưu, mặc dù vẫn có một số điểm ngập lụt.

Cùng đó, thời tiết cũng bộc lộ tính dị thường cực đoan với mức độ mưa và lượng mưa quá lớn. Có khu vực miền trung đạt đỉnh từ 2.000 - 3.000 mm với lượng lưu bão lâu và mưa lớn liên tục tại khắp khu vực miền Trung. Do đó, những khu vực địa chất yếu xảy ra hiện tượng đất lở gây hậu quả thương tâm như Rào Trăng 3, Trà Leng… làm thiệt hại lớn cả về người và tài sản.

Còn nếu nói nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường từ hoạt động kinh tế - xã hội thì vẫn cần phải đánh giá kỹ hơn về các công trình giao thông, thủy điện, công cộng, dân sinh... Cần khẳng định, tính dị thường cực đoan của thời tiết cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến môi trường đến địa phương và thiên tai, lũ lụt.

Để giảm thiểu rủi ro do thiên tai nói chung và lũ quét, sạt lở đất nói riêng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều luật và chính sách. Trong số này có Luật Phòng chống thiên tai, Luật Quản lý đê điều, Luật Lâm nghiệp và Chiến lược phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên khoáng sản.

Nước lũ dâng cao, nước từ thượng nguồn đổ về ngày càng mạnh khiến hơn 57.000 ngôi nhà của người dân Quảng Bình ngập sâu trong nước từ 1-  3,5m

Bên cạnh luật là các văn bản khác. Ngày 18/6/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác Phòng, chống thiên tai trong đó có nhiệm vụ xác định khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình.

Ngày 13/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị số 19/CT-TTg về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Ngày 29/11/2018Chính phủ ra Nghị định số 160/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống thiên tai.

Sơ đồ quy hoạch các giải pháp công trình và phi công trình phòng chống lũ quét, sạt lở

Các cơ quan chức năng cũng đã thực hiện một số giải pháp phòng, chống lũ quét và sạt lở đất: Tăng cường hệ thống cảnh báo sớm. Viện Khoa học Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với AgriMedia (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thời tiết và nông nghiệp) cung cấp trang thiết bị cho Trạm cảnh báo sớm về trượt lở dạng dòng lũ bùn đất, đá tại xã Bản Khoang (thị xã Sa Pa, Lào Cai); nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống lũ quét và sạt lở đất; hỗ trợ trang thiết bị cảnh báo cho các địa phương có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Tổng cục Phòng chống thiên tai đề xuất các chương trình, dự án phục vụ công tác phòng, chống lũ quét và sạt lở đất.

Đáng chú ý là đề xuất với Chính phủ cho phép triển khai Dự án Lắp đặt thử nghiệm hệ thống quan trắc cảnh báo sớm và đập chắn bùn đá nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất tại một số điểm có nguy cơ cao (giai đoạn 2020 - 2025).

Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng đang xây dựng chương trình tổng thể "Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo và công trình phòng, chống lũ bùn đá tại một số điểm có nguy cơ cao ở khu vực miền núi phia Bắc (giai đoạn 2021- 2025).

Trong thời gian tới, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ bắt tay vào việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là đối với khu vực có nguy cơ cao.

“Ngoài xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. hệ thống công trình đập ngăn bùn đá và công trình phụ trợ, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống lũ quét và sạt lở đất qua mạng xã hội, tin nhắn, các buổi đào tạo trực tiếp và trực tuyến, tạo lập kênh thông tin liên lạc thường xuyên với cộng đồng”, ThS. Thái Bá Ngọc nhấn mạnh.

Đặc biệt, tại vùng nguy cơ sạt lở cao cần xẻ rãnh thoát nước trên các mạch nước chảy ra từ chân núi ra đường giao thông; Tạo nhiều bậc dọc sườn - ta luy đường sao cho góc dốc bờ dừng bằng góc ma sát trong của đất đá khi sũng nước. Cần nghiên cứu chi tiết góc ma sát này để thiết kế phù hợp.

Cùng với đó, cơ quan quản lý cần đánh giá tổng thể tác động môi trường của các dự án làm đường giao thông, các thủy điện vừa và nhỏ, công trình, vị trí trú đóng đô thị, thị tứ, chỗ tập trung đông người; ban hành văn bản pháp luật quy trách nhiệm các đơn vị có liên quan đến nguyên nhân sạt lở, ký quỹ đảm bảo rủi ro sạt lở; đầu tư xây dựng phương án quan trắc, dự báo, cảnh báo tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao…

Vì sao miền Trung sạt lở liên tục?

Nhóm phóng viên TTXVN - Hà Phương
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Video: Vnews
Trình bày: Quốc Bình

04/11/2020 05:30