Cô gái đi năm châu bốn biển, xuất  hiện không dưới trăm lần tại các chương trình truyền hình, phát thanh, trên các báo, tạp chí nổi tiếng thế giới vì nỗ lực “Competing with Giants” của mình; vào một ngày cuối năm nhiều nắng của Thủ đô đã chia sẻ thế.

Và trong đôi mắt mượt như nhung, có đuôi mắt thật dịu dàng đắm đuối; cùng nụ cười tươi cởi mở rạng rỡ tới vô cùng… nhưng phía sau lại ẩn chứa một sức mạnh không ai tưởng tượng nổi để gánh trên vai cả một thương hiệu “khổng lồ” Tân Hiệp Phát, gánh trên vai trọng trách của người mở đường trong hành trình ghi dấu hàng Việt Nam trên bản đồ thế giới “không lẫn với ai cả, nhắc tới là phải biết”; cũng gánh trên vai trọng trách của một doanh nhân nữ “truyền lửa” cho cả một thế hệ thứ 2 (thế hệ thứ 2 sau cha, ông mình - PV)… tôi thấy được cái câu trả lời cho định nghĩa biển lớn vô cùng thuyết phục ấy: Biển lớn không xa, biển lớn ở ngay trên sân nhà.

 

Trần Uyên Phương-Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) bảo, chúng ta sẽ cùng định nghĩa về “biển lớn”, về việc “ra biển lớn” của doanh nghiệp Việt nhé. Ai cũng nghĩ, ra biển lớn có nghĩa là phải chinh phục thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ… vào được những “mảnh đất” khe khắt tới khắc nghiệt về chất lượng sản phẩm như Mỹ, như Anh, Canada chẳng hạn…

Nói thế đúng rồi, là doanh nghiệp, ai chả muốn khẳng định vị trí, thương hiệu của mình trên thế giới, nâng tầm mình vượt khỏi biên giới quê nhà.

Trần Uyên Phương-Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Nhưng với thời đại 4.0, khi khái niệm biên giới đã được “san bằng”, thì biển lớn đâu phải chỉ là bên ngoài lãnh thổ. Với nhiều, vô cùng nhiều doanh nghiệp nước ngoài, kể ở trong khu vực, kể cả ở những châu lục xa xôi hơn, biển lớn chính là châu Á - trong đó đặc biệt có Việt Nam, với dân số trẻ, với nhu cầu tiêu dùng vô cùng cao và vẫn còn đầy tiềm năng, đang trong giai đoạn được “khai phá”. Vậy nên, họ đang đổ xô về đây tìm cơ hội kinh doanh. Thế thì, là một doanh nghiệp tại Việt Nam, tại sao chúng ta không tính tới việc “ra biển lớn” từ ngay mảnh đất này. Từ việc chinh phục những người tiêu dùng Việt Nam, những khách hàng có khi sẽ là “khe khắt” nhất, vì sản phẩm của mình đã trở nên quá quen với họ, thậm chí là không có được những sự “độc đáo” và “khác biệt” như với những khách hàng mới lần đầu tiếp xúc. Trong “tình cảnh” ấy, mà mình vẫn chinh phục được họ, đó mới thật sự là một thành công đáng tự hào.

“Khoảng 10% sản lượng của THP là bán ra thị trường thế giới, còn hơn 90% là thị trường trong nước và hiện tại, chúng tôi cảm thấy yên tâm và hài lòng với con số ấy. Tất nhiên, tham vọng vươn ra thế  giới, nâng cao tỷ lệ này lên là vẫn phải đặt ra, chưa từng và chưa bao giờ chúng tôi hài lòng với việc dừng lại trong bất cứ một hành trình nào. Chúng tôi đang đặt mục tiêu trong 5-10 năm tới sẽ có khoảng 15-20% sản lượng là xuất khẩu”, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của THP chia sẻ.

Ai cũng hiểu, con số 20% tưởng nhỏ bé thế thôi, nhưng là biết bao nhiêu nỗ lực của một thương hiệu, nhất là với THP, một thương hiệu chưa từng “dễ dàng” với chính mình. Như chia sẻ của Uyên Phương, nếu chỉ đưa một sản phẩm ra nước ngoài, đâu có khó; nhưng điều cô và Tập đoàn của mình muốn làm, cũng là điều Dr. Thanh- người cha, thế hệ đầu tiên xây dựng thương hiệu THP, tâm niệm; đó là phải có được sản phẩm nhắc đến mà họ nhớ tới Việt Nam, chỉ Việt Nam có. 

THP đã đi vào thị trường thế giới cũng bằng cái “ngách” ấy: Một sản phẩm chỉ có của Việt Nam, người nước ngoài không thể làm được, muốn làm cũng không có nguyên liệu mà làm được. Đó là trà thanh nhiệt với sự hài hòa của các vị thuốc nam, giúp giải độc, “thanh lọc cơ thể, không lo bị nóng”. Khái niệm “nóng trong người” và cùng với nó là “không lo bị nóng” thì dân châu Á nói chung, dân Việt Nam nói riêng, ai cũng có thể hiểu. Nhưng người tiêu dùng châu Âu, rồi Mỹ… thì lạ lẫm lắm. Uyên Phương kể, ban đầu, họ còn ngơ ngác vô cùng với khái niệm “nóng trong người”, cô đã phải vận dụng hết cả vốn từ và sự hiểu biết của mình, giải thích tới cả 30 phút, họ mới hiểu nổi. Chính vì thế nên nó “lạ” và “độc” thật rồi. Chính vì thế, nó là sản phẩm để nhắc tới là phải nhắc tới THP, tới Việt Nam rồi! “Cũng nhờ thế, dòng sản phẩm này 9 năm qua vẫn tiếp tục là sản phẩm duy nhất chỉ có của THP và cũng là bán chạy nhất”, Uyên Phương tự hào khoe.

Hóa ra, ra biển lớn, chinh phục thị trường thế giới của THP nó cũng phải riêng và khác biệt tới vậy. Không phải bằng việc bán được sản phẩm của mình ra thế giới, mà là định hình được thương hiệu Việt trên thế giới, ghi dấu bằng sản phẩm nhắc tới là phải  nghĩ ngay tới cái tên Việt Nam! Vậy nên, đây không phải việc xây dựng thương hiệu cho riêng 1 doanh nghiệp, mà là xây dựng thương hiệu cho một quốc gia!

Chinh phục thị trường thế giới, khẳng định thương hiệu Việt, trước tiên phải từ chất lượng sản phẩm, đương nhiên là thế rồi. Dù bạn có quảng bá tới bao nhiêu đi nữa, rùm beng tới đâu đi nữa, hàng của bạn không có chất lượng, cũng chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.

Vậy nên, với THP, yếu tố chất lượng đặt lên hàng đầu. Nhưng phép cộng cho chất lượng sản phẩm của THP, là biết bao yếu tố xung quanh, cái nào cũng trọng yếu.

Nhẹ như không, nữ Phó Tổng giám đốc kể về những thiết bị công nghệ hiện đại nhất của THP. Các dây chuyền công nghệ, các nhà máy của THP hiện nay đều là hiện đại hàng đầu, không phải của Việt Nam, mà trên thế giới. Mười dây chuyền công nghệ mà THP mua trong một triển lãm ở Đức, có giá tới  300 triệu USD, bản thân người bán cũng vô cùng nghi ngờ rằng một doanh nghiệp Việt Nam có thể mua nổi không và có tiền để trả nổi cái giá đó không, khi mà với các doanh nghiệp tại châu Âu, họ cũng phải chào bán rất chật vật. 37 phiên bản hợp đồng trao qua, đổi lại giữa hai bên, cuối cùng phía đối tác mới “dám tin” là THP mua thật, “chịu chơi” đầu tư thật.

Đó chỉ là một ví dụ, cho vô cùng nhiều những ví dụ về đầu tư công nghệ của THP, trong hành trình phát triển của mình. Trần Uyên Phương tiết lộ, luôn là “hàng đầu”, “hiện đại nhất”; nhưng cũng chưa từng vì thế mà THP dừng bước trong hành trình “đổi mới” của mình. Ngày hôm nay có thể tốt hơn ngày hôm qua, nhưng không thể bằng ngày mai! Nói chính xác như khẩu hiệu của THP thì phải là 'Hôm nay phải hơn hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”.

Cũng nhờ cái hành trình đầu tư công nghệ, phải nhất, để cho ra sản phẩm tốt nhất, tốt nhất ngay từ khởi đầu, chứ không phải chờ tới khi định “lột xác”, định chinh phục một thị trường khe khắt nào đó… mới đầu tư, mới “bứt phá”; nên có thể nói, sản phẩm của THP đã ra đời là có thể đi mọi nẻo đường của thị trường tiêu dùng thế giới, “không ngại” mọi quy định khắt khe của bất cứ thị trường nào. Và, đã là sản phẩm nào ra đời, thì nó phải là một điều “định danh” THP.

Đơn cử như mới đây, dòng sản phẩm trả sữa của THP ra đời- “Trà sữa Macchiato Không Độ”, cũng là “độc nhất”, chỉ trong một tuần doanh thu bằng dự kiến một tháng, do đã chinh phục quá “hoàn mỹ” người tiêu dùng. “Sữa mà làm nóng thường sẽ mất đi mùi vị, không còn sự thơm ngon nguyên thủy của nó, còn chuyện “mất chất” thì đương nhiên rồi. Nhưng trà sữa của THP đã giữ được nguyên vị, nguyên chất sữa. Đó là vì dây chuyền công nghệ vô trùng Aseptic mà THP đã “chịu chơi” đầu tư từ rất sớm! Không có nền tảng ấy, chắc chắn sẽ không có được sản phẩm trà sữa như mong đợi, Trần Uyên Phương chia sẻ như vậy.

Cầu kỳ tới thế, mỗi một ý tưởng đưa ra, phải mất 2 năm nghiên cứu mới có thể đưa ra sản xuất; mà trong 2 năm nghiên cứu ấy, sản phẩm khi ra đời trong giai đoạn “test mù” cũng phải vượt qua mức 70% thì mới được chấp nhận sản xuất đại trà. Thế  nhưng, như Uyên Phương nói, cái xác suất thành công của sản phẩm cũng chỉ đảm bảo là 20%. Vậy nên, ngoài những sản phẩm thành công, cũng có những sản phẩm mà bản thân THP phải cho dừng, như trà có ga, như cà phê VIP… Sự khắc nghiệt của thương trường, đúng là cũng khó tưởng tượng.

Công nghệ quả thật là thế mạnh cho THP, nhưng mạnh hơn nữa, có lẽ là yếu tố con người. Một đội ngũ chuyên nghiệp, một tinh thần gia đình, một ý chí sáng tạo và không ngừng đổi mới, một kỷ luật nghiêm minh “từ trên xuống dưới”… đó là những điều có thể đúc rút được. Tinh thần ấy trải từ Dr. Thanh xuống tới Uyên Phương, xuống tới nữa và xuống tới những người công nhân ở vị trí thấp nhất trong doanh nghiệp. 5.000 cán bộ, công nhân của THP, không phải ai cũng có một xuất phát điểm làm hài lòng “sếp” của họ; nhưng khi đã gia nhập gia đình THP, thì tự họ phải thấy mình không thể tụt hậu, không thể lạc lõng mà tiến lên. Tiến lên ở chỗ mỗi sáng kiến, mỗi ý tưởng đưa ra đều được trân trọng, đều có một hội đồng kiểm định. Tiến lên ở chỗ, mỗi vị “sếp” đều phải hiểu, thành công không phải của riêng mình, thành công là nhờ một tập thể góp sức, nên- nhiệm vụ của anh là làm cho nhân viên của anh thành công, chỉ nhân viên của anh thành công, anh mới thành công.

Và hơn thế nữa, anh phải luôn có trách nhiệm trong mỗi “vấn đề” đặt ra. “Tôi là nguyên nhân của mọi vấn đề”, nếu sai sót xảy ra, đó là vì tôi đã không làm gì đó, có thể là không báo cáo, không phát hiện kịp thời… Không có chuyện đổ lỗi, không có chuyện “tại người khác”.

Mọi người ở THP đều có quyền có tiếng nói, đều có quyền phản hồi với sếp của mình, như Uyên Phương nói vui, cô cũng mỗi tháng nhận ít nhất 3 phản hồi của cấp dưới, nhiều thì tới hàng chục. Có thế, mới khiến người ta hoàn thiện hơn và mới khiến guồng máy của doanh nghiệp chạy nhịp nhàng hơn. Và có thế, mới khiến  người ta sẵn sàng cho mọi hành trình, mọi vị trí, mọi cơ hội đến với mình.

Viết tới đây, tôi lại nhớ tới câu chuyện mà Uyên Phương chia sẻ về Dr. Thanh, người không thích dùng tiếng Anh, nhưng đã 20 năm dành thời gian hai tiếng đồng hồ mỗi ngày (từ 6 giờ tới 8 giờ sáng) để học tiếng Anh, có thể nghe và viết tới mức không kém tiếng Việt, đến nỗi Uyên Phương mỗi khi bí từ lúc dịch lại quay sang: “Sếp ơi sếp, từ này dịch thế nào cho chuẩn”. Chỉ học thế, không phải để khoe khoang bằng cấp, mà để cho mình và để sẵn sàng cho mọi hành trình của mình.

Giờ đã có đủ những điều kiện “cần và đủ” cho thành công rồi. Biển lớn không biên giới cũng chinh phục được rồi. Nhưng thế đâu đã đủ với THP, một thương hiệu dám xây dựng “thương hiệu” dù biết con đường ấy khó khăn vô cùng. Vậy nên, năm 2019 sẽ là một bước đột phá mới về “dịch vụ” của THP với chương trình “Xây dựng văn hóa dịch vụ xuất sắc – Up Your Service”; nhằm hướng tới giá trị cốt lõi  của THP là “Thỏa mãn khách hàng”. Mà khách hàng ở đây, không chỉ là người tiêu dùng, còn là nhà cung cấp dịch vụ, là mỗi phòng ban trong doanh nghiệp. 

“Up Your Service” có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 17/8/2018 đến 23/8/2018 bao gồm các hoạt động đánh giá chỉ số dịch vụ, thống nhất Ban lãnh đạo và thành lập Ban chỉ đạo. Giai đoạn 2 từ 1/9/2018 đến 31/8/2019 sẽ là giai đoạn triển khai thực hiện. “Chúng ta phải tạo sự khác biệt bằng yếu tố văn hóa, yếu tố con người, tư duy cung cấp dịch vụ xuất sắc chính là một văn hóa. Tư duy này phải được áp dụng cho khách hàng bên ngoài lẫn trong nội bộ, thỏa mãn nhu cầu hiện có lẫn nhu cầu tiềm ẩn của từng người”, CEO Trần Quý Thanh đã từng chia sẻ như vậy về “Up Your Service”.

Vậy nên mới nói, không chỉ là chinh phục thế  giới, với THP, luôn là sự sẵn sàng cho mọi thử thách, mọi cơ hội. Giống như lời của CEO Trần Quý Thanh của doanh nghiệp: Kinh doanh phải làm sao cho hiệu quả. Cơ hội đến là phải đánh giá, phải xem có “chớp” được cơ hội không. Muốn vậy, phải luôn là trong tư thế sẵn sàng! 

Đứng trên vai người khổng lồ là điều Trần Uyên Phương đầy tâm đắc trong câu chuyện “ra biển lớn” của THP và bản thân cô- nữ “thủ lĩnh” không chỉ của THP, mà của giới doanh nhân VN, cũng như giới doanh nhân nữ Châu Á.

Thế giới đã có bao năm để phát triển, vậy nên, cái gì tận dụng được, cái gì người ta phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt để đúc rút ra; thì mình nên tận dụng, để có thể vượt qua giai đoạn ban đầu, nhanh chóng bước những bước chân song hành với thế giới.

Nhưng nếu chỉ đứng trên vai người khổng lồ, là không đủ với cô gái nhỏ bé này. Không phải vì tham vọng muốn khẳng định mình, cũng không phải chỉ nghĩ tới mỗi việc quảng bá cho THP- việc Uyên Phương làm để “vượt lên người khổng lồ”, để “không sợ người khổng lồ” đều xuất phát từ cái tâm, từ sự chân thành và từ khát vọng muốn chia sẻ của cô. 

Xuất phát từ đó mà có “Competing with Giants”, tác phẩm đầu tiên của người Việt Nam được NXB nổi tiếng thế giới xuất bản; lại là một tác phẩm viết về kinh tế. Cũng là tác phẩm có “sức mạnh” truyền cảm hứng thật sự, có sức lan tỏa thật sự trên thế giới, bởi sau khi tác phẩm ra đời, Uyên Phương đã trải qua hành trình trong 10 tuần, qua 12 thành phố, của 3 châu lục… để chia sẻ về cuốn sách. Và “sức nóng” ấy vẫn chưa hề dừng lại, “Competing with Giants” vẫn đang tiếp tục là “ngọn đuốc soi đường” cho rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, rất nhiều người trẻ Việt Nam và thế giới. 

Giờ đây cùng với thương hiệu THP, vì thế có thương hiệu Uyên Phương Trần, mà nhắc tới là người ta nhớ tới ngay, một doanh nhân nữ Việt Nam giỏi giang và đa tài, có thể mạnh mẽ trên bàn đàm phán, có thể ký những hợp đồng vài trăm triệu USD, nhưng lại cũng có thể áo dài khăn đống hát ca khúc của một nhân viên IT THP với những tình cảm tận đáy trái tim; cũng như đánh đàn đá trong một chương trình mới nhất của Paris by Night 127.  Liên tục chinh phục New York, khiến đài truyền hình của Australia “nóng bỏng” sau chương trình giao lưu với cô. 

Nữ doanh nhân Việt Nam này quả thật khiến người ta biết tới một Việt Nam sau chiến tranh, cái thế hệ thứ hai sau thế hệ thứ nhất (là những người gây dựng), biết phát huy những giá trị của thế hệ cha ông để lại, xây dựng những thương hiệu có tham vọng tồn tại tới 50 năm -100 năm như những thương hiệu châu Âu đã từng làm được. 

Một thế hệ thứ hai, khiến người Việt có niềm tin mình có thể chiến thắng những “ông lớn”  trên thế giới như Coca Cola, có thể bình đẳng đứng trên đất Mỹ nói về sự thành công của doanh nghiệp Việt mà không ngại kém cạnh. Một thế hệ thứ hai cho hành trình doanh nghiệp, doanh nhân Việt khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh doanh thế giới. Một cách đầy tự tin!

Bài: Tuyết Anh
Trình bày: Hà Nguyễn

02/02/2019 08:30