Vụ việc bé gái hơn 2 tuổi bị rơi từ tầng 12A, chung cư 60B, Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đang khiến nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ rất băn khoăn, lo lắng trong quá trình sinh sống ở các chung cư cao tầng - vốn đang là lựa chọn của nhiều gia đình trẻ hiện nay. Bởi vậy, một lần nữa câu chuyện về quy chuẩn, chất lượng công trình tại các tòa nhà chung cư và trách nhiệm của gia đình… lại được nhắc đến nhằm bảo đảm an toàn cho con trẻ.

Một tuần sau khi xảy bé N.P.H (sinh năm 2018) bị rơi xuống từ tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội, trên mạng xã hội, nhiều người vẫn bàn luận, chia sẻ rằng: “Vẫn rùng mình”, “thót tim” khi xem lại clip ghi lại sự việc xảy ra vào buổi chiều 28/2 vừa qua. 

Lúc đó, bé N.P.H bất ngờ bò từ trong nhà, trèo ra lan can. Khi phát hiện bé H. bị treo mình lơ lửng ở tầng 12A của tòa nhà, một số người dân ở tòa nhà bên cạnh đã sợ hãi, hô hoán rất to. May mắn là anh Nguyễn Ngọc Mạnh đang ngồi trong xe ô tô, chờ vận chuyển hàng ở chung cư đối diện đã nghe thấy tiếng kêu, khóc; anh nhanh chóng trèo lên mái tôn của sảnh tòa nhà và đỡ bé H. khi cháu rơi xuống…

Đến ngày 5/3, sau 5 ngày được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé H. đã được xuất viện trong niềm vui mừng của gia đình và cả cộng đồng mạng vẫn luôn dõi theo tình hình sức khỏe của cháu bé.

Tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng, nơi xảy ra vụ việc bé gái rơi từ tầng 12A.

Tuy nhiên, bé H. chỉ là một trong số rất ít cháu bé may mắn được cứu sống sau khi bị ngã xuống từ tầng cao của một tòa nhà chung cư. Đơn cử, tháng 8/2020, một bé gái 6 tuổi đã tử vong sau khi ngã từ căn hộ ở một chung cư của quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trước đó, 24/4/2019, trong lúc chơi đùa, một bé gái 4 tuổi đã trèo qua lan can hành lang tầng 12 của một chung cư ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và rơi xuống đất tử vong. Ngày 3/3/2019,  tại Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cũng xảy ra vụ việc bé trai khoảng 4 tuổi bị tử vong sau khi rơi từ trên ban công tầng 3 xuống đất… 

Mái tôn nơi xảy ra vụ bé gái hơn 2 tuổi rơi từ tầng 12A tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng.

Trước nhiều thông tin về các vụ tai nạn đáng tiếc và nhất là vụ việc mới nhất xảy với bé N.P.H tại chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ lại thêm một lần giật mình, nghĩ cách làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho con trẻ khi ở chung cư cao tầng.

Anh Trần Giang Nam, ngụ tại chung cư Tecco, 65 Linh Đông, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau sự việc xảy ra với bé gái ở Hà Nội, nhiều cư dân tại chung cư Tecco có con nhỏ hết sức lo lắng, nhiều người đã tự mua, căng lưới ở ban công để phòng, chống tai nạn.

Theo anh Nam, chủ đầu tư xây dựng chung cư không thể xây kín ban công được. Vấn đề quan trọng là mỗi cư dân cần nâng cao ý thức phòng tránh. Các gia đình tuyệt đối không cho con nhỏ ra ban công một mình. Ở ban công không nên để các vật dụng tránh trẻ nhỏ hiếu động leo trèo. Đặc biệt, người lớn phải đóng cửa và kiểm tra thường xuyên cửa mở ra ban công, đề phòng trẻ nhỏ tụ tập, vui đùa và leo trèo ra ban công.

Trẻ em ở chung cư Carina (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) vui chơi trong những ngày cuối tháng 3/2019.

Chị Trần Thị Mai, sống ở tầng 26 tại một khu đô thị quận Cầu Giấy, Hà Nội, cũng chia sẻ: “Ở trên cao có cái thích là tầm nhìn toàn cảnh ra thành phố thoáng đãng, không khí trong lành hơn. Nhưng nhà có con nhỏ, cả hai vợ chồng cũng lo lắng chuyện đảm bảo an toàn cho các cháu”. 

Chị Mai nhớ lại, hôm đầu tiên dọn về nhà mới, cả gia đình được phen hú hồn. Bé nhà chị lúc đó khoảng 4 - 5 tuổi, về nhà mới thích quá, chạy lăng xăng khắp nơi. Bẵng đi một lúc, cả nhà không tìm thấy bé đâu. Gọi mãi thì mới phát hiện do quá thích thú, bé đã trèo lên thành ghế, chui ra sau rèm để nhìn rõ hơn cảnh đường phố bên dưới qua ô cửa sổ. Dù gia đình đã cẩn thận lắp lưới an toàn nhưng vẫn cảm thấy "đứng tim" vì trèo lên thành ghế là bé cao đúng tầm cửa sổ mở chữ A. Từ đó, chị Mai thấy việc lắp lưới an toàn là cực kỳ cần thiết, nhất là với những gia đình sống tại các căn hộ tầng cao và có trẻ nhỏ.

Một căn hộ chung cư ở Hà Nội được rào kín lưới thép để bảo đảm an toàn.

Theo kiến trúc sư Vũ Ngọc Kiên, Trưởng phòng quản lý thiết kế Tập đoàn Hòa Bình, phần lớn các thiết kế lan can tại các công trình nhà ở đều đạt yêu cầu theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam; trong đó, yêu cầu về chiều cao với lan can không dưới 1,4 m và khe hở của lan can không được lớn hơn 100mm. Đặc biệt, lan can phải chắc chắn và khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã. Thế nhưng, trên thực tế, trong quá trình sửa chữa và trang trí ban công, người dân tự ý cải tạo và thêm một số bồn hoa, có thể cao hoặc thấp nên các cháu đã trèo lên; hay bên cạnh ban công và giàn phơi có để máy giặt nên trẻ con trèo lên và có thể leo ra ngoài gây nguy hiểm.

Để đảm bảo an toàn cho con trẻ, Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, tất cả những hộ gia đình trong các chung cư cao tầng, nhất là những hộ gia đình nào có các cháu bé nhỏ tuổi cần phải rà soát lại toàn bộ trong nhà, ngoài hiên lan can, tất cả đồ vật có nguy cơ tiềm ẩn gây nên tổn hại sức khỏe, tính mạng cho trẻ nhỏ, đều phải sắp xếp chỉnh sửa, gia cố lại.

"Không chỉ ở các chung cư, mà ở các khu vui chơi, trường mẫu giáo, trường tiểu học cũng phải chú trọng đến việc xây dựng lan can, lắp đặt rào chắn hành lang, ban công, cầu thang để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em", Trưởng Công an quận Thanh Xuân Đinh Tuấn Thành nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, chủ đầu tư xây dựng chung cư theo thiết kế, quy chuẩn của Bộ Xây dựng được duyệt và được cơ quan chuyên môn nghiệm thu sau khi hoàn thành. 

Thời gian qua, các vụ tai nạn thương tâm do leo trèo ban công đều xảy ra vào thời điểm chung cư đưa vào sử dụng. Vì thế, chủ đầu tư nên khuyến cáo hoặc phát hành cẩm nang sử dụng an toàn nhà chung cư; trong đó có ban công cho người dân trước khi cho khách hàng vào ở.

Đối với cư dân, không nên kê các vật dụng ở ban công để tránh trẻ nhỏ leo trèo, đu bám. Mặt khác, việc cơi nới ban công, thậm chí rào hẳn ban công cũng không phải là giải pháp hữu hiệu vì như vậy sẽ vi phạm thiết kế xây dựng, không đảm bảo độ thông thoáng (gió, ánh nắng) cũng như ảnh hưởng đến việc phòng cháy chữa cháy mỗi khi có sự cố. 

“Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị và hiện nay Bộ Xây dựng đang dự thảo việc sửa đổi tiêu chuẩn thiết kế xây dựng chung cư để phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng, vừa đảm tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số an toàn trong xây dựng vừa đảm bảo mỹ quan thiết kế”, đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà sự cố thường xuất phát từ ban công, lô gia các chung cư cao tầng, vậy các quy định trong lĩnh vực xây dựng đã tính đến yếu tố an toàn tại những vị trí này như thế nào? Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng khẳng định: “Nhìn chung, các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến an toàn cho các nhà chung cư đã được Bộ Xây dựng rà soát. Hiện các quy định đã khá đầy đủ”.

Người dân rào thêm khung sắt khu vực ban công tại căn hộ chung cư tại New Saigon - Hoàng Anh Gia Lai 3, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

Quy chuẩn là văn bản pháp luật bắt buộc phải tuân thủ từ khâu thiết kế, thẩm định, thẩm tra, thi công, nghiệm thu... Tất cả các khâu này đều phải tuân thủ theo những quy định chi tiết kỹ thuật đã được nêu tại quy chuẩn. Cũng có trường hợp, trong quá trình thẩm định thấy sai sót hoặc quá trình ngiệm thu thấy chưa đạt yêu cầu, hoặc sơ suất đều phải khắc phục ngay. Tuy nhiên, các chung cư xây dựng trong những năm gần đây đều tuân thủ khá nghiêm các quy định trong quy chuẩn, cụ thể là chiều cao lan can.

Còn tiêu chuẩn là lại là vấn đề chủ đầu tư tự áp dụng. Tuy nhiên, nếu tiêu chuẩn mà đưa vào trong khung phê duyệt ban đầu của chủ đầu tư thì cũng bắt buộc phải thực hiện đúng trong quá trình thi công dự án đó.

Phần lớn các thiết kế lan can tại các công trình nhà ở đều đạt yêu cầu theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

Liên quan trực tiếp đến an toàn cho nhà chung cư là Quy chuẩn 04 (QCVN 04:2019/BXD) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư và Quy chuẩn 05 (QCXDVN 05:2008/BXD) về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe.

Quy chuẩn 04 liên quan đến nhà chung cư đều nói rất rõ, tất cả các lỗ mở đều phải cách sàn ít nhất 1,4m (độ cao) để đề phòng trẻ em có thể chui qua hoặc ngăn ngừa những người có hành vi không bình thường hạn chế việc rơi, ngã.

Còn Quy chuẩn 05 quy định cụ thể đối với nhà cao tầng thì từ tầng 9 trở lên phải đảm bảo chiều cao lan can ít nhất là 1,4m và cũng chỉ rõ cấu tạo của lan can không được dễ trèo. Tức là không được làm thêm thanh ngang, thanh chéo để trẻ em có thể đặt chân lên. Còn khoảng cách giữa các thanh lan can không được đút lọt quả cầu đường kính 100mm.

Quy chuẩn chiều cao tối thiểu của lan can.

Tất cả các thông số này đều đã được tính toán hướng đến việc đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng. Thông thường, ở vị trí sát mép ngoài lan can, giáp với khoảng không đều có thiết kế 1 gờ để tránh nước rỏ trực tiếp xuống nhà dưới khi sàn đổ nước hoặc khi đánh rơi đồ vật cũng tránh lăn thẳng xuống. Do đó, cấu tạo từ mặt sàn trở lên cũng quy định có gờ không quá 10cm để chắn. Điều này cũng được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4319:2012 về Nhà và công trình công cộng - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế.

Cùng với các quy định rất cụ thể này, lan can ban công còn phải đảm bảo độ cứng để chịu được lực xô, không gãy, đổ...

“Khi xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đều có các căn cứ kỹ thuật, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam. Đây là ngưỡng bắt buộc áp dụng ở tất cả công trình. Nhìn chung, cho dù thiết kế an toàn đến mấy nhưng yếu tố này vẫn phải phụ thuộc cả vào ý thức của người sử dụng”, ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh.

Các chung cư đang “mọc lên” ngày một nhiều hơn và kèm theo đó là nỗi lo đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. 

Liên quan đến hiệu quả của giải pháp lắp hệ thống lưới an toàn từ phía thành lan can ban công lên đến trần mà nhiều hộ dân đang lựa chọn, ông Vũ Ngọc Anh cho biết: “Trong quy chuẩn, tiêu chuẩn không cấm việc này. Tuy nhiên, trước khi lắp đặt cần cân nhắc đến một số yếu tố”.

Bởi lẽ, một công trình khi thiết kế phải đảm bảo an toàn trong việc rơi, ngã nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo cả an toàn phòng cháy chữa cháy. Ban công và lô gia có thuận tiện rất nổi bật như lấy gió, ánh sáng... Ngoài ra, đây còn là khoảng không gian rất an toàn khi xảy ra cháy xuất hiện ở trong nhà hoặc ngoài hành lang. Lực lượng cứu hộ cứu nạn khi muốn can thiệp từ bên ngoài thì cũng phải sử dụng khoảng không từ ban công, lô gia. Bởi vậy, khoảng không này cũng có chuẩn theo quy định để lực lượng cứu hộ có thể tiếp cận khi xảy ra sự cố.

Việc tuân thủ các quy chuẩn tại các công trình xây dựng cần có sự giám định của cơ quan chức năng, đơn vị thẩm định, giám sát...

Do đó, nếu thiết kế lan can ban công cao quá thì vừa không đảm bảo tính thẩm mỹ và cũng không đáp ứng quy định về khoảng không an toàn khi cứu hộ phòng cháy chữa cháy. Hay khi sử dụng vật liệu bảo vệ phía trên lan can như lưới, khung sắt... mà kiên cố quá thì cũng cản trở việc thoát hiểm, cứu hộ. Cái này cũng có quy định cụ thể về đảm bảo chiều cao cho phòng cháy chữa cháy.

Lưới an toàn có nhiều dạng, dây mềm. Nhìn thì có vẻ an toàn vì khi phơi đồ trong ban công sẽ hạn chế việc bay đồ ra đường. Nhất là những ban công nằm ở vị trí tiếp giáp trục đường giao thông chính, khi phơi quần áo gặp gió to bay xuống dưới mà rơi vào phương tiện giao thông, thậm chí che kính lái của xe buýt, ô tô... thì cũng rất nguy hiểm. Tuy nhiên, dây mềm như thế nào là đủ để trẻ em không thể kéo giãn để chui ra cũng là vấn đề cần tính đến.

Một công trình khi thiết kế phải đảm bảo an toàn trong việc rơi, ngã nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo cả an toàn phòng cháy chữa cháy.

Còn nếu giải pháp bảo vệ bằng các vật liệu chắc chắn quá như khung sắt, khung inox... thì lại không đảm bảo yếu tố cứu nạn khi xảy ra sự cố cần thoát hiểm khi có hỗ trợ, can thiệp từ bên ngoài. Do đó, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ của mỗi gia đình, nhất là với các nhà có trẻ em, có người gặp vấn đề bất ổn về tâm lý.

Clip: Để con trẻ an toàn khi ở chung cư

Theo Công an TP Hà Nội, thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, đặc biệt là trẻ nhỏ (nhất là trẻ dưới 5 tuổi) rơi ngã từ những chung cư và nhà cao tầng, cảnh báo về sự mất an toàn tại đây. Nguyên nhân được chỉ ra là do phần lớn cửa sổ những chung cư này thường không có chấn song, bảo hiểm; ban công, cột thông gió cũng không có rào chắn. 

Để hạn chế những tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên lắp lưới an toàn cho các lan can, ban công, cửa căn hộ.

Hiện nay chỉ số an toàn tại các chung cư đều được thiết kế theo quy chuẩn, lan can đều cao đến ngang ngực người lớn, cửa sổ không làm chấn song để tạo thuận lợi cho công tác cứu hỏa. Tuy nhiên, điều đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho trẻ nhỏ. Do đó, để hạn chế những tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên lắp lưới an toàn cho các lan can, ban công, cửa căn hộ.

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an thành phố Hà Nội, để đảm bảo an toàn ở những khu vực ban công, cửa sổ các tòa chung cư, nhà cao tầng, có thể lắp đặt, bổ sung lưới cáp bảo vệ. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy của công trình thì các lưới cáp bảo vệ này phải dễ dàng tháo dỡ được trong trường hợp lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tiếp cận phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra…

Trẻ em vui chơi tại Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội).

Ngoài ra, những nguy cơ mất an toàn cho trẻ nhỏ còn đến từ sự bất cẩn của người lớn. Do đó, bên cạnh các giải pháp mang tính kỹ thuật, để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, các gia đình cần đặc biệt chú ý nếu ở tầng cao, hạn chế kê giường, tủ, bàn, ghế hay những vật dụng mà trẻ có thể trẻ leo lên được cạnh khu vực cửa sổ, ban công. Các cửa chính và cửa sổ phải có chốt an toàn, trẻ em không tự mở được.

Đặc biệt, bố mẹ, hay người giám sát, chăm sóc, phải luôn theo dõi, gần gũi trẻ để đảm bảo an toàn khi trẻ sống trong các tòa nhà cao tầng, đặc biệt là không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình… 

Để bảo đảm an toàn cho trẻ, ngăn chặn những tai nạn thương tích đáng tiếc có thể tái diễn, ngay sau khi xảy ra sự việc bé gái bị rơi xuống từ tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội, ngày 1/3/2021, Ủy ban Quốc gia về trẻ em có công văn số 533 /UBQGVTE-VP gửi các Bộ: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Công an; Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Công văn nêu rõ, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ em bị rơi, ngã từ các khu chung cư, nhà cao tầng dẫn đến tai nạn, thương tích nghiêm trọng và tử vong. Trước tình hình trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã. 

Theo đó, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.

Rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích…

 Clip: An toàn chung cư

Bài: Minh Nghĩa - Trần Xuân Tình - Thu Hằng
Ảnh: TTXVN - Trung Nguyên - Hiền Anh - Kỳ Thư; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

06/03/2021 07:40