Nhờ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đã được Quỹ BHYT chi trả và nhiều gia đình đã không bị tái nghèo. BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật. Do đó, đóng tiền mua BHYT là cách "đóng góp khi lành, để dành khi ốm". BHYT chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc và chăm sóc cho người có thẻ khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Nhiều bệnh nhận nặng được điều trị vì đã có thẻ BHYT
Bệnh nhân H’Bit Niê (57 tuổi trú tại Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nhập viện Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Thiện Hạnh bị thoát vị đĩa đệm đa tầng và phải phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân bình phục và được xuất viện.
Chia sẻ với chúng tôi, bệnh nhân Niê cho hay, gia đình bà thu nhập chủ yếu từ làm nông, còn nhiều khó khăn, nhưng được tuyên truyền và nhận thấy lợi ích từ tấm thẻ BHYT, nên cả nhà đã tham gia BHYT.
“Trong cái rủi có cái may, khi tôi phải cấp cứu vì thoát vị đĩa đệm, thẻ BHYT đã giúp giảm gánh nặng chi trả khám chữa bệnh. Vì con cái không phải lo tiền chạy chữa, nên tôi yên tâm điều trị. Tôi cũng đã hỏi rồi, nếu không có thẻ BHYT, ca phẫu thuật thay đĩa đệm này phải mất gần 60 triệu đồng. Nhưng nhờ có thẻ BHYT nên tôi được thanh toán 100% chi phí điều trị”, bệnh nhân Niê chia sẻ.
Đang chăm sóc mẹ tại bệnh viện, chị H’Duyên Niê, con gái bệnh nhân Niê, chia sẻ: "Nếu phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho mẹ thì gia đình em sẽ rất khó khăn và chắc chắn phải huy động cả gia đình cùng đóng góp. Nhưng nhờ có thẻ BHYT, cùng với sự chăm sóc chu đáo của các y sĩ, bác sĩ trong bệnh viện nên mẹ em bình phục rất nhanh và gia đình không phải lo lắng cho việc chi trả viện phí cho mẹ”.
Trước đây, do chủ quan, nên bệnh nhân Nguyễn Long (TP Buôn Ma Thuột) không tham gia mua BHYT. Vừa rồi, thấy khó chịu ở ngực, người mệt mỏi liên tục, bệnh nhân đi khám mới phát hiện bị tắc nghẽn động mạch vành. Trong quá trình điều trị tại BVĐK Thiện Hạnh, gia đình phải vay mượn khắp nơi để chi trả viện phí.
“Lúc này tôi mới thấy giá trị của tấm thẻ BHYT. Mặc dù kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn, nhưng sau khi ra viện tôi và gia đình sẽ mua BHYT để nếu không may bị ốm đau, tai nạn thì đỡ phải lo lắng nhiều khi vào viện”- bệnh nhân Nguyễn Long bộc bạch.
Có mặt tại Khoa nội Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ của bệnh nhân về lợi ích mà BHYT đem lại, nhất là giảm chi phí khám chữa bệnh (KCB). Bà Nguyễn Thị Lấn (62 tuổi, trú xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột) đang điều trị bệnh huyết áp, thoái hóa cột sống, cho biết, từ khi bà mắc bệnh, bao nhiêu thu nhập từ làm nông của gia đình đều đổ vào chữa bệnh. “Những năm trước, tôi không mua BHYT, khi đi bệnh viện không có BHYT, chi phí khá nhiều. Hơn ba năm nay, nhà tôi có 4 người tham gia BHYT hộ gia đình nên giờ đây không còn lo lắng nhiều về tiền thuốc, điều trị bệnh”, bà Lấn nói.
Cũng tại khoa nội, ông Lê Văn Quang (49 tuổi, trú xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) đang điều trị cùng lúc các bệnh về thận, dạ dày... Bà Trần Thị Loan, vợ ông Quang, cho biết, năm ngoái phải đưa chồng bà về điều trị ở Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện không có thẻ BHYT, chi phí hơn 100 triệu đồng. “Nhà tôi làm vài sào cà phê, hoa màu, thu nhập thấp. Do mình chủ quan, không nghĩ sẽ gặp lúc sức khỏe kém, đau ốm nên không mua BHYT. Qua lần tốn kém chữa trị cho chồng năm trước mà đầu năm nay tôi quyết định mua BHYT cho cả nhà”, bà Loan chia sẻ. Theo bà Loan, nhờ có BHYT mà mỗi đợt điều trị bệnh, chồng bà chỉ còn trả khoảng 20 triệu đồng, giảm đi nhiều lần so với trước đây…
Với nhiều người bệnh, chi phí điều trị luôn là nỗi lo, gánh nặng kinh tế, nhất là những bệnh nhân nghèo phải nằm viện điều trị trong thời gian dài mới thấy hết được giá trị của chính sách BHYT... Do đó, việc tham gia BHYT để được chia sẻ, đảm bảo về tài chính khi không may ốm bệnh là rất cần thiết. Trên thực tế đã có những trường hợp bệnh nhân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được Quỹ BHYT thanh toán số tiền hàng trăm triệu đồng viện phí...
Có thể nhận thấy, BHYT là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia. Hiểu và tự giác tham gia BHYT để được hưởng quyền lợi từ chính sách này chính là cách tốt nhất để chuẩn bị cho bản thân và gia đình một giải pháp bảo vệ, dự phòng trước khi ốm đau, bệnh tật hoặc tai nạn rủi ro không mong muốn xảy đến.
Nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ người bệnh
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Phạm Trường Tấn, Giám đốc BVĐK Thiện Hạnh cho biết, Bệnh viện là cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tham gia khám BHYT từ năm 2010 đến nay. Năm 2020, gần 80.000 thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BVĐK này.
Bệnh viện được có được sự tín nhiệm của nhiều người dân đến khám và điều trị bằng BHYT là nhờ sự nỗ lực của toàn thể Ban lãnh đạo, các nhân viên y tế luôn đặt mục tiêu xây dựng “Bệnh viện một chất lượng” lên hàng đầu.
“'Bệnh viện một chất lượng là chủ trương của ban lãnh đạo Bệnh viện từ những ngày đầu Bệnh viện tham gia khám chữa bệnh BHYT. Nói "Bệnh viện một chất lượng" có nghĩa là bệnh nhân đến khám, điều trị bằng BHYT hoặc dịch vụ đều được hưởng chất lượng khám, điều trị và chăm sóc như nhau. Bệnh nhân điều trị bằng BHYT chỉ khác với bệnh nhân điều trị dịch vụ là có một cơ quan hỗ trợ thanh toán viện phí cùng. Còn đối với chúng tôi, họ giống nhau về mọi thứ và đều được gọi là bệnh nhân"- BS Phạm Trường Tân cho biết.
Cùng với đó, BVĐK Thiện Hạnh cũng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT. Thực ra đây là một chuỗi cải cách nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục, thời gian chờ đợi và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện đối với bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT.
"Đây là một công việc rất quan trọng liên quan với sự sống còn của bệnh viện. Chất lượng bệnh viện đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao uy tín và khẳng định vị trí của một cơ sở khám chữa bệnh"- BS Phạm Trường Tân cho biết.
Tại Đắk Lắk, BVĐK Thiện Hạnh hiện là đơn vị dẫn đầu về cải tiến chất lượng bệnh viện, được ngành y tế đánh giá cao. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, các cơ sở khám, chữa bệnh phải nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế giúp người dân được hưởng thụ một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Đây cũng được xem là giải pháp then chốt để vận động người dân tham gia BHYT.
Không chỉ tại BVĐK Thiện Hạnh, nhiều bệnh viện trên địa bàn đã được BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời KCB hoặc chuyển tuyến KCB BHYT. Đồng thời, thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở KCB...
Giải pháp hữu hiệu cho bản thân và gia đình
Việc tham gia BHYT đảm bảo cho mỗi gia đình không lâm vào cảnh nghèo túng khi có người bị bệnh tật, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo; là một chính sách tài chính y tế quan trọng của Đảng, Nhà nước để thực hiện sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, xây dựng một xã hội khỏe mạnh, trí tuệ.
Theo thống kê trên hệ thống Thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam, trong năm 2020, toàn quốc có khoảng 160 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, trong đó có hàng chục nghìn bệnh nhân được đề nghị chi trả chi phí lớn từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
Đơn cử như bệnh nhân có mã thẻ BT28383222XXXXX (địa chỉ tại xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), thẻ do BHXH tỉnh Bến Tre phát hành, thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đóng. Từ ngày 22/12/2019 - 5/2/2020, bệnh nhân có 02 đợt điều trị với chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), tổng chi phí điều trị 5,68 tỷ đồng, trong đó: chi phí lớn nhất là tiền thuốc 5,63 tỷ đồng, tiền máu 13,4 triệu đồng... số tiền đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 5,68 tỷ đồng.
Bệnh nhân có mã thẻ BT28686216XXXXX (địa chỉ tại ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), thẻ do BHXH tỉnh Vĩnh Long phát hành, thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đóng. Bệnh nhân có 04 đợt điều trị bệnh với chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).
Qua những trường hợp nếu trên có thể thấy, với số tiền mua thẻ BHYT 804.600 đồng/năm, khi chẳng may ốm đau, bệnh tật người tham gia sẽ được quỹ BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh lớn hơn gấp nhiều lần từ sự chia sẻ của cộng đồng qua chính sách này. Vì vậy, tham gia BHYT hàng năm là một việc làm cần thiết để mỗi người bảo vệ sức khoẻ, kinh tế của bản thân và gia đình.
Những trường hợp được BHYT chi trả cho thấy đây cũng là lý do mà trong những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc vận động người dân tham gia BHYT. Trong năm 2020, chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng ghi dấu ấn tăng trưởng ấn tượng, với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số. Tỷ lệ này vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015. Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn.
Bài và ảnh: Xuân Minh
Clip: Lê Phú
Trình bày: Xuân Lâm
16/03/2021 01:18