Cách bảo tồn hiệu quả ở làng cổ Đường Lâm

Ngôi nhà cổ 5 gian, đã 400 năm tuổi của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng là 1 trong 5 công trình của làng cổ Đường Lâm, vừa được UNESCO trao giải “Công trạng” trong Giải thưởng về bảo tồn di sản văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2013.

 

Đây có thể coi là một minh chứng cho cách bảo tồn hiệu quả, vừa giữ được di tích, vừa giúp người dân có thể tiếp tục sinh sống, thậm chí là làm giàu… Dự án bảo tồn do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ.


Tôn trọng lịch sử


Dẫn chúng tôi đi tham quan “di sản” của gia đình mình, anh Nguyễn Văn Hùng xem ra đã khá thuần thục trong vai trò một hướng dẫn viên. Anh chia sẻ: “Đến tôi là đời thứ 12 của dòng họ sống tại căn nhà cổ này. Kể cả từ trước khi biết giá trị của ngôi nhà, lúc nào tôi cũng đã tự giao cho mình trách nhiệm phải giữ gìn căn nhà của cha ông để lại này”, anh tâm sự.

 

Ngôi nhà cổ của anh Nguyễn Văn Hùng luôn tấp nập khách du lịch.
Ảnh: Thùy Linh


Được xây dựng từ thời Lê, ngôi nhà 5 gian với diện tích khoảng 420 m2, mang đậm nét kiến trúc thời đó với các kiểu hoa văn đặc trưng. Mái nhà lợp bằng ngói âm dương, hiên chỉ rộng 1,2 m, theo kích thước của chiếc chiếu ngày xưa. Vách tường, cửa, cột của ngôi nhà đều làm bằng gỗ đinh và lim, hiện đã bị mối mọt nhiều, nhưng vẫn còn giữ nguyên vẻ vững chãi xưa.


Anh Hùng kể: “Năm 2008, căn nhà của tôi đứng trước nguy cơ xuống cấp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các chuyên gia của JICA đã xuống khảo sát thực trạng và tìm giải pháp bảo tồn, trùng tu. Sau một thời gian nghiên cứu, nhóm chuyên gia gồm một giáo sư người Nhật và các chuyên viên của JICA đã chọn được phương án sửa chữa, bảo tồn, trùng tu phù hợp với gia đình tôi. Quan điểm của họ là phải giữ nguyên hiện trạng ngôi nhà và phục chế lại một số các chi tiết đã bị hỏng, nhưng việc phục chế cũng chỉ được sử dụng cách là “cấy” vào trong để gia cố là chính, chứ không được thay thế kết cấu bên ngoài”.


Theo yêu cầu của các chuyên gia Nhật Bản, ngôi nhà của anh Hùng được dỡ hoàn toàn xuống để họ thẩm định phần gỗ. Tất cả các cấu kiện dỡ xuống được đánh dấu cẩn thận từng miếng riêng để sau này lắp ráp cho đúng nguyên trạng. Riêng phần ngói của căn nhà, do còn sử dụng lại được 2,4 vạn ngói cũ từ ngày xưa, nên chỉ phải đầu tư thêm khoảng 6.000 viên để thay mới.


“Sau khi bảo tồn xong, chính tôi là chủ căn nhà cũng phải bất ngờ là nó vẫn còn nguyên trạng của một ngôi nhà hơn 400 năm tuổi. Thành quả lớn nhất là căn nhà đã được UNESCO đánh giá là một công trình bảo tồn đạt tiêu chuẩn nhất ở đây, đạt tới 90% so với nguyên trạng ban đầu. Có được những điều đó phải kể đến công sức rất lớn của các tình nguyện viên người Nhật, trong suốt 3 tháng rưỡi sửa chữa căn nhà này, ngoài các chuyên gia còn có 2 tình nguyện viên nữ về tận nơi cùng làm và hướng dẫn chúng tôi, họ làm rất chu đáo, tỉ mỉ và cẩn thận, chỉ ăn ở nhà tôi bữa trưa nhưng gần như họ sống cùng với dân làng”, anh Hùng tâm sự.


“Bảo tồn sống”


Anh Hùng bê ra một đĩa chè lam, rót nước chè mời chúng tôi và tự hào giới thiệu đó là sản phẩm của gia đình mình. “Các chuyên viên của JICA không chỉ giúp chúng tôi bảo tồn ngôi nhà cổ, mà còn trực tiếp hướng dẫn và đào tạo để chúng tôi biết cách làm du lịch, hướng dẫn chúng tôi biết cách giới thiệu đến du khách các đặc sản của làng để có thể bán được. Thậm chí chúng tôi còn được tập huấn nấu ăn phục vụ khách du lịch. Trong khoảng 1 tuần, họ dạy cách làm đồ ăn chay của Nhật, đồ ăn theo kiểu phương Tây.

Cách làm du lịch mà JICA hướng dẫn là không phải để thu được vài chục ngàn đồng từ khách đến tham quan, mà là phương án lâu dài, tìm nguồn thu từ các loại hình dịch vụ. Thực tế, khách đến tham quan nhà cổ họ rất thích tìm hiểu về cuộc sống của chủ nhà, nên đây cũng là cơ hội để làm dịch vụ một cách rất tự nhiên. Nhiều khi nhìn thấy đống khoai là đã muốn mua, chum tương, chum rượu để ngoài sân họ cũng rất thích thú, đó cũng là một cách để kinh doanh”, anh Hùng chia sẻ.


Ngồi nói chuyện với anh Hùng có một lúc mà có tới 3 đoàn khách đến ghé thăm nhà anh. Gia đình anh vẫn sinh hoạt như bình thường, còn khách tự trải nghiệm cuộc sống thường ngày đó. “Cách bảo tồn đó của JICA thực sự tạo được sự đồng thuận của người dân ở làng cổ Đường Lâm. Có những ngày lượng khách du lịch đến rất đông lên tới cả vài trăm người, lúc nào nhà cũng có người đến tham quan, nhiều khi họ cũng thích sinh hoạt luôn với gia đình”, anh Hùng kể.


Cũng theo anh Hùng, ban đầu, có một đoàn khách trong nước đến nhà tham quan, họ bảo anh làm giúp con gà với chai rượu để thưởng thức luôn tại đây, thế là gia đình anh Hùng nấu cơm cho họ ăn. “Dần dần nhà tôi cũng có dịch vụ nấu cơm cho khách ăn luôn tại nhà nếu họ yêu cầu, đến nay riêng nhà tôi cũng có hợp đồng với khoảng 20 công ty du lịch. Có những hôm khách đông quá phải huy động tới 7- 8 người trong nhà ra phục vụ mới kịp. Cũng có những đoàn khách họ còn nghỉ vài ngày tại nhà, buổi tối còn tổ chức liên hoan văn nghệ, đàn hát theo kiểu cây nhà lá vườn rất hay”, anh Hùng chia sẻ.


“Sống như vậy lâu rồi cũng quen, hơn nữa, có thêm các nguồn thu từ dịch vụ du lịch như thế này cũng sẽ là động lực cho chúng tôi tích cực bảo vệ những ngôi nhà cổ của mình”, anh tâm sự.

 


Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN