Dịch bệnh ở khu vực phía Nam vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Mặc dù không còn tăng ồ ạt như thời điểm tháng 9, tháng 10 nhưng đến giữa tháng 11, các loại dịch bệnh như bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngành Y tế khuyến cáo, người dân cần hết sức tích cực phòng tránh dịch bệnh trong thời điểm này.

Bệnh sởi, sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng

Từ đầu tháng 10 đến nay, trung bình mỗi ngày, Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh điều trị cho 80 ca bệnh nhập viện do sốt xuất huyết. Bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D cho biết, số lượng bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhập viện tại đây đang tăng gấp đôi so với năm 2017 và chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Chú thích ảnh
Một bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 4 đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. 

Tương tự, Khoa Nhi A của bệnh viện này đang điều trị cho 40 trẻ mắc sốt xuất huyết. Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, từ  tháng 8-10 /2018, bệnh viện tiếp nhận hơn 11.000 ca bệnh sốt xuất huyết đến khám và điều trị. Trong đó, gần 4.000 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Đặc biệt, 4 trường hợp mắc sốt xuất huyết quá nặng, gia đình xin về lo hậu sự gồm hai người lớn và hai trẻ em.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến ngày 10/11 có 19.020 trường hợp nhập viện điều trị sốt xuất huyết, bằng con số của cùng kỳ năm 2017. Đây là thời điểm được xem là đỉnh dịch của dịch bệnh này. Cá biệt trong tháng 10, có những thời điểm mỗi tuần có tới hơn 1.100 bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết.

Cùng với sốt xuất huyết, bệnh sởi cũng là bệnh truyền nhiễm gia tăng mạnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tích lũy từ đầu năm 2018 đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 485 ca mắc sởi. Trung bình trong tháng 10 và đầu tháng 11, mỗi tuần phát hiện thêm 65 ca bệnh mới.

Hầu hết 24/24 quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh đều có người mắc sởi. Trước tình hình đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi sinh sống trên địa bàn. Ước tính sẽ có 300.000 liều vắc-xin được tiêm trong tháng 11,12/2018.

Cảnh báo bệnh tay chân miệng biến chứng nguy hiểm

Chiều 14/11, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa cứu sống hai bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng độ 4 có biến chứng thần kinh, hô hấp nguy hiểm.

Bệnh nhi đầu tiên là bé Đ.T.C (2 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) được Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Cà Mau chuyển lên lúc 3 giờ ngày 6/11 trong tình trạng suy hô hấp, huyết động học không ổn định, rối loạn mạch. Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực -  chống độc, thực hiện cho thở máy, truyền thuốc vận mạch, sau đó tiến hành lọc máu. Sau khi lọc máu 24 giờ liên tục, bệnh nhi bắt đầu có dấu hiệu ổn định. Đến ngày 12/11, bệnh nhi bắt đầu cai được máy thở.

Trường hợp thứ hai là bé N.T.T (2 tuổi, ngụ Thành phố Cần Thơ) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 10/11 trong tình trạng tay chân miệng độ 4 với các triệu chứng: Sốt, nổi hồng ban, sau đó diễn tiến nặng, rối loạn hô hấp, mạch đập nhanh.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Cần Thơ đã mời Bệnh viện Nhi đồng 1 hội chẩn trực tuyến, nhưng do bệnh nhi diễn tiến nặng, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hướng dẫn chuyển viện an toàn lên tuyến trên. Suốt quãng đường di chuyển từ Cần Thơ đến Thành phố Hồ Chí Minh, cứ 30 phút, ê-kíp chuyển viện lại thông báo tình hình cho các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau 4 ngày tích cực cứu chữa, hiện bệnh nhi đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, đang tập thở và có thể sẽ được cai máy thở trong vài ngày tới.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Văn Quang, từ đầu tháng 11 đến nay, số ca tay chân miệng nhập viện đã có xu hướng chững lại, tuy nhiên số ca mắc nặng lại gia tăng. “Thông thường khi bệnh có dấu hiệu giảm, cả phụ huynh lẫn ngành Y tế sẽ chủ quan, phát hiện bệnh trễ dễ gây ra các trường hợp trẻ bị nặng, thậm chí tử vong”, Bác sỹ Quang cảnh báo.

Cùng quan điểm, Bác sỹ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố chia sẻ, hầu hết phụ huynh thường chỉ để ý đến các dấu hiệu sốt, nổi hồng ban ở miệng, tay và chân mà thường không để ý các dấu hiệu biến chứng thần kinh, biến chứng hô hấp. Đây chính là những dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Các bác sỹ cảnh báo, tháng 11 là thời điểm các dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng rơi vào đỉnh dịch, vì thế người dân cần cảnh giác cao độ. Đặc biệt ở những đối tượng người lớn bị thừa cân, béo phì, tiểu đường, huyết áp, phụ nữ đang mang thai, trẻ em béo phì, diễn tiến bệnh thường nguy hiểm và khó lường hơn.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Dịch bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh
Dịch bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh

Ngày 25/10, bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Số ca mắc bệnh tay chân miệng ở Hà Tĩnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp tiếp tục được phát hiện và đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN