Nâng cao vị thế Việt Nam về dịch vụ gia công CNTT toàn cầu

Theo báo cáo năm 2015 do Tholons, tổ chức quốc tế hàng đầu chuyên tư vấn đánh giá xếp hạng về gia công phần mềm, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều lọt vào Top 100 địa điểm hấp dẫn hàng đầu về gia công công nghệ thông tin (ITO). Đồng thời, theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield (C&W) năm 2015, Việt Nam lần đầu tiên đạt vị trí số một trong các điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) trên toàn thế giới.

Kết nối DN CNTT để nâng cao vị thế về dịch vụ gia công CNTT trên toàn cầu


Lý giải cho những thành quả này, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung, nhận định Việt Nam có 5 thế mạnh tạo nên sức hút về gia công công nghệ thông tin (CNTT) trên thị trường toàn cầu. 


Một là cộng đồng doanh nghiệp (DN) công nghệ cao Châu Á đã chọn Việt Nam là điểm đầu tư lâu dài, trong đó có Intel, Samsung, LG, Renesas, Foxcon, Fujitsu, Canon, Panasonic đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam; HP, CSC, Alcatel-Lucent, Cisco, Avaya, NTT, Toshiba, NEC, Panasonic, Sony, Sharp, Hitachi, Boeing, Deutsche Bank đã chuyển phần nghiên cứu và phát triển về Việt Nam.


Hai là, Việt Nam có nguồn nhân lực kỹ thuật cao dồi dào với trên 40.000 sinh viên tốt nghiệp hàng năm từ trên 290 trường đại học trên cả nước.


Thứ ba, Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghệ cao, khu phần mềm; bên cạnh đó là các ưu đãi thuế và chiến lược phát triển nguồn nhân lực.


Thứ tư, giá cả dịch vụ gia công phần mềm tại Việt Nam dù có tăng trong những năm gần đây nhưng vẫn thấp hơn Đông Âu và Ấn Độ. Và cuối cùng, tỉ lệ lạm phát thấp hơn 10% hàng năm là lợi thế so sánh quan trọng của thị trường Việt Nam.


Nhằm xúc tiến quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam là một điểm đến mới nổi hấp dẫn về ITO, trong các ngày 14 -16/10 tới đây, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), Hội Tin học TPHCM (HCA) sẽ phối hợp cùng các DN ITO đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam như Global Cybersoft, TMA Solutions, DIGI-TEXX, KMS, LogiGear, LUXOFT, LARION, ISB Viet Nam, IMT Solutions, FPT Software, Harvey Nash tổ chức Hội nghị Phát triển Gia công CNTT Việt Nam.


Đây được xem là hội nghị giao thương quốc tế lớn nhất từ trước tới nay của ngành Gia công CNTT Việt Nam, dự kiến sẽ thu hút đại diện của trên 150 công ty đa quốc gia và 200 doanh nghiệp Gia công CNTT (ITO, BPO) tham gia tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đồng thời, giúp các DN CNTT có những thông tin giá trị thực tiễn về hướng gia công toàn cầu và các cơ hội cho Việt Nam, từ đó hòa nhập vào xu thế chung, có kế hoạch ngắn và dài hạn để gia tăng vị thế trong chuỗi giá trị của ngành gia công Việt Nam


Theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT công ty TMA, thị trường gia công phần mềm Việt Nam được biết đến như là India + 1, có thể xếp vào top 5 điểm đến về gia công phần mềm hàng đầu thế giới (ngoại trừ Ấn độ) gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, Argentina và Việt Nam. Trong đó, sức mạnh cạnh tranh của thị trường gia công phần mềm Việt Nam đến từ giá cả và tỉ lệ nhân viên CNTT nhảy việc thấp hơn Ấn Độ (Tỉ lệ nhảy việc CNTT Việt Nam hiện khoảng 15 % trong khi Ấn Độ là 35%). Khả năng đào tạo và thích nghi với công việc của kỹ sư CNTT Việt Nam cũng được đánh giá cao.


Chính vì vậy, ông Lệ cho rằng những việc cần làm ngay của Việt Nam để phát huy thế mạnh đó là cải tiến đào tạo CNTT cả trong hệ thống giáo dục lẫn tại các DN. Bên cạnh đó, tập trung quảng bá thế mạnh gia công phần mềm của Việt Nam, thu hút các tên tuổi lớn thuê gia công phần mềm tại Việt Nam và mở rộng thị trường chú trọng các nước nói tiếng Anh và thị trường Nhật.


Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam cũng nhận định: “Để có thể thúc đẩy cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của IT Outsourcing, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng, nhất là thông qua các chương trình đào tạo gắn liền với thực tiễn. Ngoài việc cung cấp nguồn nhân lực CNTT trình độ đại học, cần tăng cường thêm đào tạo nghề CNTT, tập trung vào trình độ Cao đẳng để có thêm nguồn nhân lực phù hợp phục vụ cho sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực gia công phần mềm. Bên cạnh đó, cần chú trọng gắn kết với DN trong đào tạo, phổ biến các chuẩn nghề CNTT quốc tế để người học luôn cập nhập những kiến thức của mình, nhanh chóng thích nghi với môi trường công nghệ đang thay đổi từng ngày”.



Hải Yên (Tin Tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN