Nhiều trẻ bị viêm phối, suy hô hấp do biến chứng bệnh sởi

Nhiều cha mẹ dễ nhầm bệnh sởi với Rubella nên chủ quan khiến bệnh biến chứng nặng mới cho con đi viện.

Bệnh nhi mắc sởi đang điều tại Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn.

Bệnh sởi đang có dấu hiệu gia tăng tại Hà Nội trong thời gian gần đây. Rất nhiều trường hợp bị biến chứng nặng và chủ yếu là ở các trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ.

Đang điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu, khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bé Đào M.P (9 tháng tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) bị mắc sởi biến chứng sang viêm phổi nặng dẫn đến suy hô hấp và vẫn phải thở máy. Bé P. chưa được tiêm phòng sởi do chưa đến tuổi tiêm, ngay khi phát hiện bé có dấu hiệu mắc bệnh, gia đình đã cho đi viện và đã biến chứng khá nặng.Các bác sĩ cho biết, bé vẫn phải thở máy khoảng 5 ngày nữa.

Ths. Bs Nguyễn Thị Hồng Nhân, Phụ trách Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: Bệnh viện đang điều trị cho 8 trẻ mắc sởi; từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị khoảng 120 ca mắc sởi, hầu hết các trường hợp đều bị biến chứng nặng phải thở ô xy, thở máy. Phần lớn trẻ bị mắc sởi diễn tiến nặng đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, các ca mắc sởi tại Hà Nội đã xuất hiện rải rác tại các quận, huyện; tuy chưa ghi nhận ổ dịch lớn nhưng vẫn đang là “mùa” của bệnh sởi nên không thể loại trừ nguy cơ bùng phát dịch.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 31/7, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 284 trường hợp bệnh nhân mắc sởi, chưa có bệnh nhân tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017. Các tháng gần đây đang có xu hướng tăng lên. Các quận có số mắc cao là: Nam Từ Liêm (27 ca), Hoàng Mai (26 ca), Bắc Từ Liêm (23 ca)…

Cũng theo ông Cảm, trong số các ca bệnh sởi có tới hơn 90% trường hợp trẻ mắc sởi là do chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Bệnh sởi có nhiều triệu chứng giống với bệnh Rubella nên nhiều cha mẹ thường chủ quan dẫn đến bệnh diễn tiến nặng mới đưa trẻ đi bệnh viện. Đặc biệt, dạng phát ban của bệnh sởi cũng dễ nhầm với các bệnh khác như dị ứng; vì vậy cha mẹ cần phải theo dõi sát trẻ nếu có biểu hiện giống ban sởi.

Đồng thời cần cho trẻ đi tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch vì chỉ có vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Hiện nay, Hà Nội đã thực hiện tiêm phòng sởi hàng tuần tại các trạm y tế thay vì tiêm hàng tháng như trước đây. Nếu tuần này trẻ ốm không tiêm được, sang tuần có thể tiêm, thay vì phải đợi một tháng như trước đây. Phụ nữ trước khi có ý định mang thai cũng nên đi tiêm phòng để đảm bảo miễn dịch truyền cho con" ông Cảm khuyến cáo.

Trước tình trạng trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi tăng cao, sắp tới Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi thay vì tiêm lúc 9 tháng tuổi như hiện nay tại 17 tỉnh, thành đang có nguy cơ bùng phát dịch sởi.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Bệnh sởi có chiều hướng lây lan, diễn biến phức tạp ở Điện Biên
Bệnh sởi có chiều hướng lây lan, diễn biến phức tạp ở Điện Biên

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên, bệnh sởi đang có chiều hướng lây lan và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, số ca mắc gia tăng từng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN