Triển khai điều trị ARV thông qua bảo hiểm y tế: Đảm bảo cho việc điều trị liên tục và lâu dài

Ngày 8/3, nhiều địa phương trên cả nước tổ chức sự kiện "Những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế". Sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, người nhiễm HIV và gia đình họ hiểu về tầm quan trọng của bảo hiểm y tế trong việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

* Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có 35.800 bệnh nhân đang điều trị ARV tại 48 phòng khám ngoại trú, 29.368 người có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 82%.

Trước đây, việc điều trị bằng thuốc ARV tại TP Hồ Chí Minh được cung cấp miễn phí thông qua nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, từ ngày 8/3/2019, thành phố sẽ cấp phát thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV thông qua bảo hiểm y tế chi trả.

Chú thích ảnh
 Một trong những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV thông qua Bảo hiểm y tế. Ảnh: Đinh Hằng/ TTXVN

Trước mắt có 6 đơn vị thí điểm triển khai điều trị thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế gồm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm y tế quận Gò Vấp, Trung tâm y tế huyện Bình Chánh, Trung tâm y tế huyện Nhà Bè và Phòng khám Đa khoa Galant. Ngoài thanh toán thuốc ARV, khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân nhiễm HIV sẽ được thanh toán các chi phí như khám bệnh, xét nghiệm và điều trị nhiễm trùng cơ hội dành cho người nhiễm HIV tại các cơ sở điều trị HIV. Dự kiến trong năm 2020, tất cả cơ sở điều trị ARV tại TP Hồ Chí Minh sẽ cấp phát thuốc thông qua bảo hiểm y tế chi trả.

Ông Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế nhấn mạnh, việc tham gia và sử dụng bảo hiểm y tế của các bệnh nhân nhiễm HIV sẽ giúp công tác điều trị thay đổi theo hướng tích cực, thuận lợi và bảo mật. Trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế đang giảm nhanh chóng đây là phương án khả thi nhằm đảm bảo việc điều trị liên tục và lâu dài. Để việc triển khai điều trị ARV thông qua bảo hiểm y tế được thuận lợi, ông Mạnh yêu cầu các cơ sở y tế cần tạo mọi điều kiện để người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi nhất. Nhân viên y tế có thái độ ân cần, niềm nở, không kỳ thị và đặc biệt phải đảm bảo bí mật thông tin cho bệnh nhân.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để tạo điều kiện cho bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị liên tục, bệnh nhân ở địa phương khác nhưng có đăng ký cư trú trên 6 tháng tại thành phố sẽ được Sở Y tế, UBND thành phố hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Trong năm 2018, TP Hồ Chí Minh đã dùng ngân sách để mua 2.948 thẻ và dự kiến 2019 là 4.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV không đủ điều kiện mua thẻ...

* Tại sự kiện diễn ra ở Bệnh viện huyện Diễn Châu (Nghệ An), Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Hoàng Đình Cảnh cho biết: Điều trị HIV/AIDS là liên tục, suốt đời và khá tốn kém. Bảo hiểm y tế sẽ thay thế nguồn viện trợ chi trả phần lớn các chi phí trong khám, điều trị HIV/AIDS. Vì vậy, người nhiễm HIV nên nhanh chóng tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo việc điều trị liên tục và lâu dài.

Từ trước đến nay, việc điều trị bằng thuốc ARV được cung cấp miễn phí thông qua nguồn tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam ngày một tăng trưởng và phát triển, cơ quan viện trợ quốc tế sẽ chuyển phân bổ nguồn lực hỗ trợ sang các nước có nguồn lực hạn chế và tình hình dịch HIV nghiêm trọng hơn.

Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam củng cố và mở rộng triển khai bảo hiểm y tế như một chiến lược quan trọng để duy trì bền vững chương trình điều trị bằng thuốc ARV. Hiện Bảo hiểm y tế  đang thanh toán các chi phí như: Khám bệnh, xét nghiệm và điều trị nhiễm trùng cơ hội dành cho người có HIV tại các cơ sở điều trị HIV đủ điều kiện. Từ 8/3/2019, Bảo hiểm y tế sẽ mở rộng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế.

Trên thế giới hiện nay, rất ít quốc gia sử dụng bảo hiểm y tế để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV. Nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua bảo hiểm y tế để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân. Có được điều này là nhờ sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với công tác chăm sóc y tế nói chung và HIV nói riêng.

Thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ phối hợp với các đối tác của PEPFAR hỗ trợ địa phương tăng độ bao phủ và sử dụng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Hy vọng với những nỗ lực đang thực hiện, Việt Nam sẽ là quốc gia điển hình về cung cấp dịch vụ bền vững bằng nguồn lực trong nước, đồng thời đạt được mục tiêu kiểm soát dịch HIV.

* Tại Hải Phòng, Tiến sĩ Phạm Thu Xanh - Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, thành phố hiện có khoảng 5.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV. Hầu hết người nhiễm HIV đều được điều trị ARV miễn phí từ các nguồn khác nhau như nguồn viện trợ hoặc ngân sách Nhà nước. Theo lộ trình, các tổ chức quốc tế sẽ cắt giảm nguồn viện trợ này, do đó nhiều người nhiễm HIV bị ảnh hưởng và Bảo hiểm y tế sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng về tài chính.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Chương trình “Những bệnh nhân đầu tiên điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV từ Quỹ Bảo hiểm y tế”. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ngành Y tế Hải Phòng đã kiện toàn 16 cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế từ năm 2016. Đến nay, 92% người nhiễm HIV đang điều trị HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Hải Phòng đã tổ chức đấu thầu mua thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế và hướng dẫn các cơ sở điều trị lập kế hoạch tiếp nhận thuốc, quản lý sử dụng thuốc, hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Năm 2019, Hải Phòng có 500 bệnh nhân và năm 2020 sẽ có 2.000 bệnh nhân được nhận thuốc ARV từ nguồn quỹ bảo hiểm.

Theo báo cáo Chương trình điều phối của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và Tổ chức Y tế thế giới, điều trị ARV sớm có thể giúp người nhiễm HIV/AIDS có tuổi thọ tương đương người không nhiễm HIV. Điều trị ARV cũng giảm lây truyền HIV do khi điều trị bằng thuốc ARV số lượng virus HIV trong máu của người nhiễm HIV giảm xuống thấp. Phụ nữ nhiễm HIV nếu được điều trị bằng ARV thì có tới 98% trẻ em sinh ra không bị nhiễm HIV.

Nhóm phóng viên TTXVN tại các địa phương
Hà Nội: Số người nhiễm HIV được điều trị ARV còn thấp
Hà Nội: Số người nhiễm HIV được điều trị ARV còn thấp

Tính đến nay, thành phố Hà Nội có 20 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, duy trì 22 phòng khám ngoại trú, 18 cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone... Qua đó, 85% bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) được xét nghiệm tải lượng vi rút HIV; 53,1% số người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV; 80,9% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN