Cuộc đua giải cứu hệ thống tài chính Mỹ 2007-2008 - Kỳ 3

Với Bank of America ra khỏi cuộc chơi, ông Paulson và Geithner thúc đẩy các cuộc trao đổi với Barclays. Tuy nhiên, sau hàng loạt các cuộc điện đàm xuyên Đại Tây Dương, Washington và London không thể đạt được đồng thuận và đều cho rằng phía bên kia đã không đưa ra được đề xuất nào đủ vững chắc.

SỐ PHẬN CỦA LEHMAN BROTHERS VÀ AIG

Chỉ 2 ngày sau khi công bố vận mệnh của Fannie Mae và Freddie Mac, cổ phiếu của Lehman Brothers tụt 45% khi thị trường nhận được thông tin ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 nước Mỹ gặp khó khăn trong gây vốn. Một lần nữa, các bên đổ xô tìm kiếm giải pháp, kịch bản tối ưu là kịp trong hai ngày cuối tuần, trước khi các thị trường mở cửa vào ngày 15/9.

Không có lựa chọn cho Lehman Brothers 

Lần này, chính phủ Mỹ tỏ vẻ quyết tâm không muốn nhúng tay. Cái khó là mọi doanh nghiệp tư nhân mà Bộ trưởng Henry Paulson đặt vấn đề mua lại Lehman Brothers đều khăng khăng yêu cầu có sự “đỡ lưng” của chính phủ. Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Paulson khoanh vùng được hai cái tên tiềm năng: Bank of America và Barclays – một ngân hàng lớn của Anh. Trên cơ sở đó, Chủ tịch FED Bernanke và Bộ trưởng Paulson đã vạch ra một “phương án giải cứu tư nhân”. Bank of America hoặc Barclays sẽ nhận được hỗ trợ tài chính nếu họ mua lại Lehman Brothers nhưng không phải từ chính phủ Mỹ mà từ một liên hợp gồm nhiều ngân hàng lớn khác. Ngay lập tức, ông Bernanke và Paulson triệu tập một cuộc họp khẩn cấp quy tụ các CEO của Phố Wall để tìm hướng triển khai phương án trên.

Lehman Brothers sụp đổ khi chính phủ từ chối can thiệp.

Tham gia vào phiên thảo luận có John Thain, CEO của Merrill Lynch – một tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới. Cũng như nhiều người khác có mặt trong cuộc họp, ông Thain lo lắng rằng với tình hình hiện tại, dù có đóng lại cuộc khủng hoảng ở Lehman Brothers cũng sẽ chỉ mở đường cho rắc rối xuất hiện tại một địa chỉ khác và đó rất có thể sẽ là Merrill Lynch. Suốt nhiều tuần qua, Chủ tịch Merrill Lynch, Gregory Fleming đã hối thúc ông Thain chuẩn bị các kế hoạch phòng ngừa rủi ro cho công ty. “Phao cứu sinh” triển vọng nhất là Bank of America, ngân hàng đã hai lần đề xuất sáp nhập với Merrill Lynch song đều bị từ chối. Giờ với chính phủ nhắm Bank of America cho vị trí cứu hộ của Lehman Brothers, tình thế trở nên gấp rút. Sau phiên họp ngày 13/9, ông Thain gọi điện cho Ken Lewis – Chủ tịch Bank of America. Một ngày sau đó, Bank of America đồng ý mua lại Merrill Lynch với giá 29 USD/cổ phiếu, thấp hơn 70% so với giá trị hồi tháng 1/2006.

Với Bank of America ra khỏi cuộc chơi, ông Paulson và Geithner thúc đẩy các cuộc trao đổi với Barclays. Tuy nhiên, sau hàng loạt các cuộc điện đàm xuyên Đại Tây Dương, Washington và London không thể đạt được đồng thuận và đều cho rằng phía bên kia đã không đưa ra được đề xuất nào đủ vững chắc. Đúng lúc đó, Hector Sants, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Tài chính Anh (FSA) liên lạc với Barclay và nói rõ rằng FSA sẽ không tán thành việc Barclays tự đưa mình vào một thương vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Cách duy nhất để cứu Lehman Brothers bây giờ là chính phủ đứng ra mua lại, đồng nghĩa với quốc hữu hóa, một bước đi mà chính phủ khẳng định họ không có thẩm quyền. Cuối cùng, trong một cuộc họp ngày 14/9 của nhóm lãnh đạo các ngân hàng lớn, Bộ trưởng Paulson tuyên bố: “Hãy chuẩn bị cho sự phá sản của Lehman Brothers”.

Kể về trường hợp của Lehman Brothers, Chủ tịch Bernanke nhớ lại: “Với các trường hợp khác, sẽ có một thời điểm mọi người sẽ hỏi tôi ‘Chúng ta có can thiệp hay không?’ Với Lehman Brothers, câu hỏi ấy chưa bao giờ xuất hiện. Không có lựa chọn nào khác cả”.

AIG - Quá lớn, quá phức tạp 

Vào thời điểm đó, công chúng cho rằng chính phủ Mỹ cuối cùng đã vạch ra ranh giới cho sự can thiệp của nhà nước vào thị trường tài chính. Nhưng chưa quá 48 giờ sau đó, FED lại ra tay cứu AIG, một công ty thậm chí còn hành động liều lĩnh hơn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson.

AIG, một tập đoàn bảo hiểm của Mỹ, đang đối mặt với khủng hoảng thanh khoản do chiến lược kinh doanh của AIG Financial Product (AIG FP) – một công ty con trụ sở đặt tại London. AIG FP là một trong những người chơi lớn nhất trong thị trường hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS).

Quá tự tin vào hoạt động kinh doanh CDS của mình, AIG đã không tiến hành bảo đảm rủi ro cho danh mục CDS. Và đến giữa năm 2008, khi số người vay tiền mua nhà không thể trả tiền lãi tăng lên, hoạt động của AIG bắt đầu “chập choạng”. Các cơ quan đánh giá tín dụng của Mỹ bắt đầu hạ xếp hạng tín nhiệm của chứng khoán nợ bất động sản và AIG đứng trước áp lực khi khách hàng mua CDS đòi tăng tiền ký quỹ. 

Tối 13/9, CEO của AIG Robert Willumstad gọi điện tới New York FED. Ông Willumstad tính toán AIG cần 40 tỷ USD để vượt qua sóng gió và đặt vấn đề về sự trợ giúp của chính phủ. Giám đốc Geithner bác bỏ phương án này. AIG, một công ty bảo hiểm, còn nằm cách xa trách nhiệm của FED hơn cả Lehman Brothers. 

Tuy nhiên, càng đi sâu thảo luận, các quan chức tài chính Mỹ càng nhận ra rằng AIG thực sự quá lớn, hay ít nhất nằm trong một mạng lưới quá phức tạp của hệ thống tài chính, nên không thể để rơi vào tình trạng vỡ nợ. Thậm chí, nhiều ngân hàng trung ương châu Âu đã liên lạc với Chủ tịch Bernanke và thúc giục FED hành động để cứu AIG.

AIG FP, căn nguyên của cuộc khủng hoảng, nắm trong tay một danh mục CDS trị giá lên tới 500 tỷ USD nằm ngoài phạm vi quản lý của FED, Bộ Tài chính Mỹ và SEC. Nếu AIG FP không thể bảo đảm và hoàn thành các hợp đồng bảo hiểm này, vô số ngân hàng và thể chế thương mại sẽ bị lao đao, mở ra viễn cảnh đáng sợ về một cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường tài chính toàn cầu. 

Trong khi đó, nỗ lực gây vốn và giải phóng tài sản của AIG không đi đến đâu khi số vốn công ty cần để cứu sống bản thân cứ tăng lên theo từng ngày từng giờ. 

Ông Geithner và Paulson đề xuất cấp cho AIG một khoản vay 85 tỷ USD ký quỹ bằng tất cả tài sản của công ty. AIG sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn và làm ăn có lợi nhuận, do đó FED có cơ sở pháp lý cần thiết cho bước đi táo bạo trên. Dù vậy, vẫn không thể tránh được bầu không khí nghi ngại bao trùm. Theo lời một nhân vật có liên quan: “AIG không phải một ngân hàng mà là một công ty bảo hiểm. Nhưng đây là một công ty có tầm cỡ mà không ai dám chắc về hậu quả có thể xảy ra nếu nó sụp đổ. Dù vậy, chúng tôi đã không đi xa đến thế để cứu Goldman, SocGen hay Deutsche Bank. Câu chuyện quá phức tạp”.

Trần Ngọc
Cuộc đua giải cứu hệ thống tài chính Mỹ 2007-2008 - Kỳ cuối
Cuộc đua giải cứu hệ thống tài chính Mỹ 2007-2008 - Kỳ cuối

Sau “cú ngã ngựa” của Lehman Brothers, mối đe dọa về sụp đổ niềm tin lan tới Goldman Sachs và Morgan Stanley. Giới đầu cơ bán khống, lực lượng góp phần lớn trong việc đẩy Lehman Brothers đến đường cùng, bắt đầu nhắm vào cổ phiếu của Morgan Stanley.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN