Cắt giảm điều kiện kinh doanh không chỉ là 'làm sạch nước trong bể'

Chúng ta không chỉ rà soát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh hiện có mà phải xây dựng quy trình kiểm soát việc ban hành mới các điều kiện kinh doanh, giống như chúng ta không chỉ làm sạch nước trong bể bơi mà phải kiểm soát nguồn nước chảy vào bể có sạch không.

Đó là ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trao đổi với phóng viên về việc mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ kiến nghị bãi bỏ hơn 2.000 điều kiện kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây có đề xuất cắt giảm 2.000 điều kiện kinh doanh chưa phù hợp, tạo rào cản sự phát triển của doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Muốn tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thì phải đơn giản hóa, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), đặc biệt là các ĐKKD chưa phù hợp. Ngay cả thời điểm hiện tại thống kê có bao nhiêu ĐKKD cũng là bài toán khó. Với tiêu chí của VCCI thì có hơn 5.700 ĐKKD, còn theo thống kê sợ bộ của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) có hơn 4.200 ĐKKD. Như vậy, thống kê bao nhiêu ĐKKD đang tồn tại, bao nhiêu ĐKKD đang tạo ra phiền hà, bao nhiêu ĐKKD chưa phù hợp với chuẩn mực tiến bộ về quy định kinh doanh là điều cần thiết.

Hiện còn nhiều ĐKKD tại Việt Nam phân biệt về quy mô, dựa trên quy định về tiêu chuẩn vốn và nhiều ĐKKD can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của DN... Tất cả những điều đó tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính và giảm khả năng sáng tạo, động lực phát triển của nhiều doanh nghiệp (DN).

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI.


Ông có thể nêu ví dụ cụ thể về những trường hợp này?

Vừa rồi VCCI có rà soát một số ngành có nhiều ĐKKD can thiệp vào quyền tự chủ của DN, ví dụ như một trong những ĐKKD được cấp hành nghề vận tải ô tô là DN phải có phương án kinh doanh phù hợp và do cơ quan nhà nước xác nhận. Cơ quan nhà nước làm sao xác nhận được ĐKKD phù hợp hay không phù hợp và liệu DN có khai thật những kế hoạch kinh doanh của mình cho cơ quan nhà nước hay không?

Rồi có những ĐKKD như kinh doanh khí gas, thuốc lá phải thiết lập hệ thống phân phối, phải có tổng đại lý phân phối, hệ thống phân phối đủ quy mô... Đây là những quyền tự chủ kinh doanh của DN, DN sẽ chọn mô hình phân phối phù hợp nhất nhưng hiện tại có nhiều ĐKKD mang tính áp đặt và không cần thiết.

Hay ngành nghề kinh doanh vận tải biển yêu cầu có bộ phận pháp chế ,DN cho rằng họ hoàn toàn có thể thuê công ty luật hàng đầu chứ không nhất thiết phải tuyển dụng, thành lập bộ phận pháp chế trong DN...

Thực tiễn thời gian qua, chúng ta nói nhiều về cắt giảm các ĐKKD chưa phù hợp nhưng dường như chưa hiệu quả, thưa ông?

Đó cũng là thực trạng buồn ở Việt Nam hiện tại, để bãi bỏ một ĐKKD thì rất khó, có thể mất hàng năm trời. Chúng ta đã thấy bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may đã mang lại nhiều lợi ích cho DN nhưng để bãi bỏ quy định này tại Thông tư 37 của Bộ Công thương lại mất hàng năm trời.

Hay gần đây, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm có quy định về cấp giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Việc này đã có rất nhiều chuyên gia, DN khuyến nghị giải pháp hiện tại theo Nghị định này là không hiệu quả. Vì đó là kiểm soát trên giấy, ngồi 1 chỗ và xác nhận, hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng an toàn thực phẩm vì mẫu kiểm định do DN mang đến thì họ đã bỏ đi những mẫu không đạt yêu cầu.

Chúng tôi muốn nói, không chỉ rà soát bãi bỏ những ĐKKD hiện có mà phải xây dựng quy trình kiểm soát, ban hành mới các ĐKKD, giống như chúng ta không chỉ làm sạch nước trong bể bơi mà phải kiểm soát nguồn nước chảy vào bể có sạch không.

Để thực hiện được mục tiêu cắt giảm gần 2.000 điều kiện kinh doanh này, theo ông giải pháp thời gian tới là gì?

Đề xuất cắt giảm 2.000 ĐKKD là đề xuất rất mạnh bạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi cho rằng đây là cách tiếp cận phù hợp nhưng hơi tham vọng.

Phù hợp là đã có những bài học thành công của các nước như cải cách quy định kinh doanh của Hàn Quốc cách đây 10 năm, họ cũng đặt ra mục tiêu cứng cắt giảm 50% quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và thực tế họ đã làm được. Còn ở Việt Nam, khi đặt ra mục tiêu cắt giảm gần 2.000 ĐKKD là một con số tưởng như gây sốc nhưng đây là dịp tốt để rà soát lại ĐKKD hiện tại. Tôi cho rằng cần thay đổi nhiều trong cách thức quản lý, cần có thảo luận, đối thoại với DN và tham vấn chuyên gia, áp dụng kinh nghiệm tốt của các nước để cải cách hình thức cấp phép này.

Mới đây trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đã kết luận nghiên cứu ban hành Nghị định về tiêu chuẩn ban hành ĐKKD và quy trình ban hành ĐKKD. Đây là giải pháp cụ thể. Chúng tôi hi vọng quá trình rà soát cắt giảm ĐKKD không phải là đợt làm rầm rộ như năm ngoái và sau đó chìm dần mà phải là hoạt động thường xuyên, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy tăng trưởng cao, cạnh tranh với các nước trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp thì rõ ràng những nỗ lực Việt Nam phải mạnh mẽ hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trang Thu/Báo Tin Tức
Điều kiện kinh doanh vẫn 'hành' doanh nghiệp
Điều kiện kinh doanh vẫn 'hành' doanh nghiệp

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, hiện tại Việt Nam có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn hàng nghìn điều kiện kinh doanh (ĐKKD) dưới dạng “con”, “cháu”, tạo ra rào cản pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), khiến quá trình cải thiện môi trường kinh doanh chưa được như kỳ vọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN