Về hội đồng tự quản học sinh trong mô hình trường học mới

Một trong những điểm nổi bật trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, đó là “Hội đồng tự quản học sinh”. Đây là một khái niệm mới nhưng trên thực tế đã được áp dụng trong mô hình trường học mới (VNEN), từ 4-5 năm nay, với những kết quả tích cực.

Học sinh Trường Tiểu học Minh Khai, thành phố Hà Giang học theo mô hình trường học mới VNEN. Ảnh: Quý Trung - TTXVN


Yếu tố cấu thành mô hình trường học mới VNEN


Ts Đặng Tự Ân, Chuyên gia giáo dục, Tư vấn trưởng, người trực tiếp chủ trì thiết kế và xây dựng Dự án mô hình trường học mới VNEN cho biết: Tính đến năm học 2015-2016, cả nước đã có 3.700 trường tiểu học áp dụng mô hình trường học mới VNEN (chưa kể hàng nghìn trường áp dụng mô hình này cho lớp 6 của bậc trung học phổ thông).

Hội đồng tự quản học sinh đã phát triển cùng với mô hình trường học mới, nhiều tỉnh đã có kinh nghiệm thực tế triển khai được 5 năm học.

Lý giải về việc hình thành Hội đồng tự quản học sinh trong mô hình trường học mới, ông Đặng Tự Ân chia sẻ: Lớp học trong mô hình VNEN là một tập thể học sinh tự quản, tự học theo tài liệu hướng dẫn học, theo sự hướng dẫn hỗ trợ của giáo viên.

Học sinh học thông qua các hoạt động, các em được giao tiếp đa chiều với các bạn, cô giáo với môi trường lớp học và các công cụ hỗ trợ học tập trong lớp. Lớp học này khác với lớp học truyền thống (học sinh chủ yếu thiên về ngồi nghe giảng, thụ động và làm theo những gì thày cô đã chuẩn bị, truyền tải kiến thức sẵn có cho các em).

Chính vì vậy, để đạt được hiệu quả như quan điểm giáo dục của mô hình và thích ứng với những khác biệt lớn giữa mô hình VNEN và mô hình truyền thống, nhất thiết phải thực hiện một số đặc trưng cơ bản của mô hình, trong đó có tổ chức Hội đồng tự quản của học sinh.

Hội đồng tự quản là một tổ chức của học sinh, do học sinh thành lập ở từng lớp, dưới sự hướng dẫn của nhà trường và cha mẹ các em. Hội đồng tự quản và các Ban chuyên trách được thành lập theo một quy trình dân chủ và tự nguyện do các em học sinh tự đứng ra tổ chức, tự điều hành và phục vụ lợi ích học tập, giáo dục cho chính các em.

Hội đồng tự quản là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ trong quá trình học tập, giáo dục. Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động ở lớp, trường.

Theo ông Đặng Tự Ân, những đánh giá được tiến hành tại các trường có hội đồng tự quản cho thấy học sinh có những tiến bộ rõ rệt về khả năng tự ý thức, lòng tự trọng, tính tự tin, các hành vi cư xử khác, biết tôn trọng và thể hiện sự bình đẳng giữa học sinh nam và học sinh nữ.

Mặt khác, hoạt động của Hội đồng tự quản học sinh là sự làm quen, giai đoạn ban đầu để học sinh hướng tới trở thành người công dân tốt của xã hội dân chủ tương lai. Quan điểm giáo dục mới đã khuyến cáo, hãy mở rộng cửa trường, đưa học sinh sớm hòa nhập với xã hội, phải coi nhà trường như “xã hội” thu nhỏ, trong đó học sinh là những công dân làm chủ “xã hội” của mình.

Quyền, trách nhiệm, bổn phận của công dân, được học sinh thực thi ngay trong trường, lớp, với sự hỗ trợ thường xuyên của Hội đồng tự quản học sinh.

Về nguyên tắc thành lập Hội đồng tự quản học sinh, ông Đặng Tự Ân cho biết: Quá trình thành lập nhất thiết phải có sự tham gia trực tiếp của giáo viên, cha mẹ học sinh với vai trò là người cố vấn khích lệ, hỗ trợ, giám sát và cung cấp nguồn lực cho các em.

Việc thành lập Hội đồng tự quản được tiến hành như một hoạt động sinh hoạt tập thể, các em dân chủ, phấn khởi và tự mình triển khai bầu, với sự tham dự của các thày cô, nhà trường và đại diện cha mẹ học sinh. Các thành viên của Hội đồng tự quản là tất cả học sinh trong lớp, các “lãnh đạo” của Hội đồng tự quản, các Ban do các em bầu ra một cách dân chủ, công khai.

Tham gia “lãnh đạo” của Hội đồng tự quản được thay đổi luân phiên, có nghĩa là học sinh nào cũng được trưởng thành và tự tin mình chắc chắn có được cơ hội trở thành “lãnh đạo” của Hội đồng tự quản.

Ông Đặng Tự Ân cũng lưu ý: Hội đồng tự quản là hình thức tổ chức mới trong lớp học mô hình VNEN nên cần có lộ trình, mục tiêu và nội dung hoạt động cho phù hợp với lứa tuổi học sinh đầu cấp tiểu học, cuối cấp tiểu học hay học sinh Trung học cơ sở.

Đặc biệt, không nên quá quan trọng hóa Hội đồng tự quản mà cần tổ chức hoạt động sao cho nhẹ nhàng, phù hợp với trẻ. Cha mẹ học sinh là một trong ba chủ thể của mô hình, cần chủ động, thường xuyên phối hợp và phản hồi với nhà trường trong các hoạt động của mô hình.

Đánh giá chung của hầu hết các trường có Hội đồng tự quản cho thấy, học sinh có những tiến bộ rõ rệt về khả năng tự ý thức, lòng tự trọng, tính tự tin, khả năng điều hành, mạnh dạn và tự tin, sáng tạo cũng như các hành vi cư xử khác, biết tôn trọng và thể hiện sự bình đẳng giữa học sinh nam và học sinh nữ.

Hội đồng tự quản từng bước hỗ trợ hiệu quả cho thày cô trong việc tổ chức các hoạt động học tập và phát triển học sinh trong lớp. Học sinh và cha mẹ các em không chịu áp lực và thực sự vui vẻ, phấn khởi khi được tham gia Hội đồng tự quản.

Lớp trưởng hay Chủ tịch Hội đồng tự quản?


Mô hình trường học mới VNEN và hội đồng tự quản học sinh do mới triển khai nên có nhiều nội dung cần tiếp tục rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời.

Theo ông Đặng Tự Ân, trên thực tế, từ phía các nhà trường, các giáo viên có nơi còn chưa hiểu hết ý nghĩa cũng như cách làm như thế nào cho đúng, cho tốt nhất, có hiệu quả cao ở tất cả các các yếu tố đặc trưng cơ bản của mô hình, trong đó có hoạt động của Hội đồng tự quản.

Một số địa phương, cha mẹ học sinh chưa phối hợp hợp thường xuyên, chưa phản hồi để uốn nắn về những lệch lạc khi thực hiện mô hình. Có trường lớp vẫn quan niệm và thực hiện nhiệm vụ của lớp trưởng, ban cán sự lớp cho các lớp học áp dụng mô hình VNEN, thậm chí đồng nhất lớp trưởng với Chủ tịch Hội đồng tự quản.

Điều này không đúng vì chức danh lớp trưởng chỉ thích ứng với các lớp học chưa áp dụng mô hình, còn khi đã là lớp học VNEN thì nhất thiết phải thay đổi thành Chủ tịch Hội đồng tự quản. Một số trường lại cố định các“lãnh đạo” của Hội đồng tự quản, thậm chí cố định một số em luôn “lãnh đạo” suốt cả năm học hoặc vài năm học.

Như thế học sinh không cùng được phát triển, luân phiên tham gia quản lý Hội đồng tự quản, từ đó xảy ra bất bình đẳng trong học sinh mỗi lớp. Bên cạnh đó, việc giao nhiệm vụ cho Hội đồng tự quản chưa rõ ràng, khiến hiệu quả Hội đồng tự quản hạn chế, học sinh không biết làm việc mà còn vô tình tạo ra không khí nặng nề, ít tác dụng giáo dục cho học sinh.

Bởi vậy, ông Đặng Tự Ân cho rằng: Ở các lớp học chưa chuyển đổi sang mô hình VNEN thì không nhất thiết phải thành lập hội đồng tự quản, bởi vì tính chất lớp học là chủ yếu các em ngồi nghe thày cô giảng giải thuyết trình, ít có các hoạt động trong lớp, học sinh tiếp thu bài học một cách thụ động.

Lớp trưởng không thay thế chức danh Chủ tịch Hội đồng tự quản, như dự thảo Điều lệ trường tiểu học là đúng và chính xác vì bản chất của lớp học hiện hành và lớp học VNEN rất khác nhau nên các chức danh liên quan tới tổ chức lớp học của học sinh cũng cần phải khác nhau để phù hợp với “chất” của nó.

Ông Đặng Tự Ân cũng nhấn mạnh: Chức danh Chủ tịch Hội đồng tự quản, nếu thấy chưa ổn, dễ gây phản tác dụng thì nên thay đổi, nhưng vẫn phải giữ được ý nghĩa, giá trị của Hội đồng tự quản.Chúng ta hoàn toàn có thể tìm một cụm từ khác phù hợp hơn với chức danh của Hội đồng tự quản.

Đây cũng là chuyện bình thường trong quá trình hoàn thiện mô hình và đi tới đích của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Việt Nam.

TTXVN/Tin tức
Mô hình trường học mới góp phần đổi mới giáo dục Việt Nam
Mô hình trường học mới góp phần đổi mới giáo dục Việt Nam

Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) đã diễn ra ngày 14/3 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN