Đón Tết Khmer tại Hà Nội

Chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), đồng thời kỷ niệm 5 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ - TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19/4/2009 - 19/4/2014), từ ngày 15 - 20/4/2014, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, với sự tham gia của đồng bào các dân tộc mọi miền Tổ quốc.

 

Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ sẽ diễn ra tại quần thể chùa Khmer, khu Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hà Tuấn


Ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cho biết, với chủ đề “Bản sắc văn hóa Việt Nam”, các hoạt động văn hóa diễn ra trong dịp này sẽ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là nét độc đáo của văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam.


Điểm nhấn của chương trình lần này là đón Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ sẽ được tổ chức ngay tại quần thể chùa Khmer, thuộc khu Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, vào ngày 15/4. Theo ông Lâm Văn Khang, Tết Chôl Chnăm Thmây sẽ được tổ chức theo đúng phong tục, tín ngưỡng Phật giáo Khmer Nam Bộ, với các hoạt động chính trong ngày Tết như: Lễ rước xung quanh chính điện và tắm tượng Phật, lễ cúng tiễn đưa vị Têvađa cũ, đón rước Têvađa mới, cầu chúc năm mới tại chính điện; dâng cơm cho sư, đại biểu, phật tử, du khách ăn Tết cổ truyền của đồng bào Khmerr Nam Bộ, giao lưu văn nghệ tại khu vực quần thể chùa Khmer.


Bên cạnh đó, trong suốt thời gian từ ngày 15 - 20/4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, BTC sẽ giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam, với những đặc sản ẩm thực tiêu biểu của một số dân tộc như: Thái, Tày, Mường, Mông, Kinh, Hoa, Khmer... ở cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt, đồng bào sẽ tổ chức trình diễn quy trình và cách chế biến một số món ăn độc đáo để du khách thưởng thức ngay tại hội chợ.


Một trong những hoạt động cũng rất quan trọng trong dịp này là Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ - TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam”, đồng thời xác định phương hướng, biện pháp triển khai trong giai đoạn tiếp theo để các hoạt động này ngày càng có ý nghĩa hơn đối với đồng bào. Bên cạnh đó, hội thảo “Xây dựng Đề án tổ chức các sự kiện thường niên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020”, nhằm hoàn thiện và xây dựng hệ thống các chủ đề, nội dung hoạt động cho các sự kiện thường niên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 cũng sẽ được tổ chức.


Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Không gian văn hóa của 54 dân tộc đã cơ bản hoàn thành, việc đưa đồng bào dân tộc về tổ chức các hoạt động thường xuyên tại làng là công việc cốt lõi, để “thổi hồn” cho làng và thu hút khách du lịch. Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam xây dựng quy chế phối hợp với bộ, ngành, địa phương để đưa đồng bào các dân tộc về sinh sống thường xuyên, tái hiện các hoạt động tại “làng”.

 

Bộ VHTTDL cũng như Ban quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ cố gắng để nhanh chóng đạt được mục tiêu như trong dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trở thành một trung tâm văn hóa thể thao, du lịch tầm cỡ quốc gia, với đồng bộ các cơ sở vật chất, dịch vụ, hoạt động... Ở đó, đồng bào tự tái hiện các hoạt động văn hóa, người dân đến xem, hòa mình vào trong không khí lễ hội, được thưởng thức các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào ở mọi miền Tổ quốc. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn


Phương Lan

Người Lào vui Tết cổ truyền Bunpimay
Người Lào vui Tết cổ truyền Bunpimay

Đầu giờ chiều, hàng ngàn người dân và du khách đã tập trung về chùa lớn Inpeng ở trung tâm thành phố Viêng Chăn để làm Lễ chúc phúc và đón nàng Xuân 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN