Cấp thiết cứu những con tàu '67'- Bài 4: Ngân hàng khao khát cơ chế đặc thù

Ngư dân đóng tàu cá theo ưu đãi của Nghị định 67 chìm trong nợ nần. Tổng nợ xấu lên đến trên 69% đang là một thách thức lớn cần được tháo gỡ không chỉ với ngư dân mà còn cả với các ngân hàng.

Thanh lý tàu “giá bèo”, nợ xấu tăng nhanh

Tại Bỉm Sơn (Thanh Hoá) có trường hợp con tàu mới bàn giao về cho Chi nhánh BIDV Bỉm Sơn đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đó chính là tàu TH 93738 TS của chủ tàu Phạm Văn Sơn, xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc.

Chú thích ảnh
Xuống cấp, hoen gỉ, những chiếc tàu cá hàng chục tỷ nay chỉ còn có thể thanh lý với giá chưa bằng 1/10 so với giá trị ban đầu.

Tại bến tàu, phóng viên báo Tin tức dễ dàng quan sát thấy bằng mắt tình trạng xuống cấp ở mức báo động của tàu cá mà đánh giá sơ bộ cho thấy, giá trị con tàu chỉ còn lại chưa được 1/10 so với giá trị ban đầu.

Tàu TH 93738 TS với trị giá 18,5 tỷ đồng được hạ thuỷ đưa vào sử dụng năm 2016. Nhưng chỉ sau 6 năm (trong đó có gần 1 năm nằm bờ), con tàu chỉ còn lại khung vỏ sắt hoen gỉ. Theo quan sát, tàu TH 93738 TS đang ở tình trạng xuống cấp ở mức báo động, hầu như thiết bị trên tàu, hệ thống đèn, lưới đánh cá, thiết bị định vị, la bàn, ra đa, máy phát điện, hệ thống tời kéo không còn ở trên tàu; mất thiết bị dò cá. Ngay trên thân vỏ tàu, các thiết bị dàn tăng gông tời, cáp kéo cá, kéo lưới… cũng bị tháo dỡ.

Con tàu "67” trên đã phải nằm bờ khá lâu tại vùng biển Nam Định do chủ tàu không còn vốn để ra khơi. Khó khăn, không có phương án trả nợ, ngư dân Phạm Văn Sơn đã đồng ý bàn giao tàu cho ngân hàng để xử lý thu hồi nợ.

Hiện tàu TH 93738 TS đã được BIDV chi nhánh Bỉm Sơn thuê tàu lai dắt từ Thịnh Long (Nam Định) về Công ty đóng tàu Hoàng Long (TP Thanh Hoá). Con tàu neo đậu hơn tháng nay trong khi chi phí trông giữ tàu, ngân hàng đang phải chi trả.

Hiện BIDV chi nhánh Bỉm Sơn cũng đang tiến hành các thủ tục, thuê công ty thẩm định giá độc lập để xác định giá trị con tàu, từ đó làm căn cứ để xác định đưa ra mức đấu giá.

Theo nhiều ngư dân, số tiền vay vốn thương mại đóng tàu theo Nghị định 67 quá lớn khiến họ khó có khả năng trả lãi, hơn nữa, trả lãi không đúng kỳ hạn thì không được tiếp tục cấp bù lãi suất. Một số ngư dân vì đánh bắt không hiệu quả, phải vay “nóng” một số tiền không nhỏ để trả lãi ngân hàng, lo phí tổn ra khơi, ứng trước tiền cho bạn tàu…, đã nợ càng thêm nợ. Doanh thu không đủ bù chi, ngân sách dành cho duy tu, bảo dưỡng tàu không có cùng với sự khắc nghiệt của tiết trời nắng gió biển khiến con tàu bị hoen gỉ xuống cấp nghiêm trọng.

Thực tế hiện nay nhiều tàu "67” đã phải nằm bờ từ rất lâu do thua lỗ triền miên nhưng không phải chủ tàu nào cũng thiện chí bàn giao tài sản là con tàu cho ngân hàng để trả nợ.

Trả lời với phóng viên báo Tin tức, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) cho biết: Tính đến quý II/2022, tổng dư nợ Chương trình đạt 9.450 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 69%.

Một số tỉnh đã thành lập các Ban Chỉ đạo, Tổ công tác hỗ trợ ngân hàng kiểm soát nguồn thu nhập của các chủ tàu trên từng chuyến biển, hỗ trợ thu hồi nợ nhưng kết quả không mấy khả quan. Sau nhiều lần hoà giải không thành, đã có nhiều trường hợp cả ngân hàng và chủ tàu phải kéo nhau ra tòa để giải quyết.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Chi nhánh BIDV Phủ Diễn, tỉnh Nghệ An Hà Huy Hùng cũng đưa ra một thực tế: Vẫn còn một số chủ tàu có tư duy cho rằng Nhà nước sẽ hỗ trợ toàn phần. Khi phát sinh nghĩa vụ trả nợ, nhiều chủ tàu có tâm lý cho rằng khoản vay theo Nghị định 67 là khoản cấp phát, hỗ trợ của Nhà nước. Vì thế, nhiều chủ tàu có tình trạng chây ỳ, không tuân thủ yêu cầu trả nợ đúng hạn, trì hoãn mua bảo hiểm. Đặc biệt không hợp tác thông tin lịch trình, doanh thu của tàu cho ngân hàng thương mại.

Tính đến hết quý II/2022, các ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 250 tàu cá với dư nợ 848 tỷ đồng, thực hiện chuyển đổi chủ tàu đối với 20 tàu với dư nợ gần 99 tỷ đồng.

Tuy thế, con số tàu "67” trở thành nợ xấu vẫn là quá lớn. Theo ông Trần Đình Luân, các tỉnh có tỷ lệ nợ xấu trên 80% như Trà Vinh, Thái Bình, Đà Nẵng, Nam Định, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Trị…

Nhà nước- ngân hàng- ngư dân cùng gỡ

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Nợ xấu phát sinh tăng cao, trong đó, có tới 23/27 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ xấu cao trên 50% do cả nguyên nhân chủ quan từ phía chủ tàu và nguyên nhân khách quan.

Chú thích ảnh
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, nợ xấu phát sinh tăng cao, trong đó, có tới 23/27 tỉnh, thành phố triển khai Nghị định 67 có tỷ lệ nợ xấu cao trên 50%.

Theo đó, từ phía ngân hàng, các chuyên gia cũng cho rằng: Cần phải có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù, đặc biệt là trường hợp phát mãi để thu hồi nợ do tính chất tàu cá là ít người mua.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trần Trung Kiên - Giám đốc chi nhánh BIDV Bỉm Sơn (Thanh Hóa) cho rằng: Để hỗ trợ các ngư dân có phương án hiệu quả khi vươn khơi bám biển cũng như hoàn thành tốt nghĩa vụ trả nợ, thì cả 3 phía các cơ quan nhà nước, ngân hàng và người dân đều phải thiện chí hợp tác và nỗ lực thực hiện một số giải pháp đồng bộ mới có thể cải thiện được hiệu quả của chương trình.

Về phía ngân hàng cũng đã có triển khai các biện pháp hỗ trợ theo quy định đối với những khoản vay gặp khó khăn trong việc trả nợ như xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm miễn lãi, phí...

Các chi nhánh ngân hàng chính là đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất, kiến nghị tới các cấp lãnh đạo về các vấn đề liên quan sửa đổi bổ sung quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng và ngân hàng như: chính sách bảo hiểm tàu cá, chi phí duy tu bảo dưỡng, cơ chế chuyển đổi chủ tàu, cơ chế đảm bảo cho khách hàng được hưởng hỗ trợ lãi suất…

Hiện nay, các chủ tàu cũng cần thiện chí hợp tác với ngân hàng trong việc trả nợ, hợp tác cung cấp thông tin về lịch trình, vị trí tàu, tình trạng thực tế của con tàu, sản lượng, doanh thu… để ngân hàng có thông tin đánh giá về tình hình khai thác, kinh doanh của chủ tàu từ đó xây dựng các phương án hỗ trợ phù hợp.

Clip đại diện ngân hàng chia sẻ về vấn đề nợ xấu của tàu cá “67” và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân:

Về chính sách hỗ trợ chi phí duy tu bảo dưỡng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Nghệ An Nguyễn Thị Hương cho rằng: Chi phí cho việc hỗ trợ chi phí duy tu bảo dưỡng cũng đã hết thời hạn hiệu lực, trong khi các chi phí này là tương đối lớn. Vì vậy ngân hàng đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa tàu với tất cả các khoản vay theo Nghị định 67, không phụ thuộc khoản vay đã quá hạn hay chưa. Hiện nay hầu hết các khoản vay theo Nghị định 67 đã phát sinh quá hạn, việc cân đối nguồn vốn để trả nợ Ngân hàng gặp khó khăn, nếu không được hỗ trợ chi phí duy tu sửa chữa thì khả năng tạo ra nguồn thu của chủ tàu càng gặp khó khăn.

Là đơn vị đồng hành, động viên và tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn Nghị định 67, BIDV chi nhánh Phủ Diễn cũng gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý để ngân hàng thực hiện đúng chức năng của mình. Cụ thể, đại diện đơn vị này chia sẻ: Việc xử lý nợ cần tuân thủ theo Luật Tổ chức tín dụng. Vì thế, trước mắt, để hỗ trợ khách hàng, ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh lịch trả nợ để phù hợp với tình hình dòng tiền của khách hàng. Với những khoản nợ mà khách hàng khó khăn trong việc thực hiện trả nợ theo lịch, theo cam kết trong hợp đồng tín dụng thì ngân hàng cũng chủ động là việc và tạo điều kiện cho khách hàng trả số tiền gốc và lãi ít hơn so với cam kết trong hợp đồng.

Theo quy định, khi khách hàng bị quá hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì đương nhiên phải chuyển nhóm nợ xấu, không được Nhà nước hỗ trợ lãi suất. Tuy vậy, các chủ tàu được vay vốn Nghị định 67 cần được xem xét ở tính chất đặc thù. Vì thế, đề nghị bổ sung các cơ chế đặc thù như cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục được hỗ trợ lãi suất để giúp khách hàng có chi phí vươn khơi bám biển, có nguồn thu nhập để trả nợ cho ngân hàng tạo điều kiện cho người dân trả nợ", Phó Giám đốc Chi nhánh BIDV Phủ Diễn, tỉnh Nghệ An Hà Huy Hùng chia sẻ.

Tàu "67" nợ xấu cao có nguyên nhân từ chủ quan do ngành nghề đóng tàu không phù hợp, năng lực khai thác yếu kém, việc vận hành khai thác tàu vỏ thép không hiệu quả, chây ỳ không trả nợ, chủ tàu không mua bảo hiểm, không hợp tác trong việc cung cấp tình hình sản lượng, doanh thu khai thác hải sản.... Nguyên nhân khách quan do ngư trường khai thác không thuận lợi, nguồn lợi thủy sản suy kiệt; tàu đóng mới chất lượng kém máy móc thường xuyên hư hỏng, do thiên tai, dịch bệnh, công ty bảo hiểm không bán bảo hiểm cho ngư dân, bồi hoàn bảo hiểm không kịp thời, chủ tàu muốn chuyển đổi nghề khai thác nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ…

Bài cuối: Gỡ “nút thắt” bằng sửa đổi chính sách

Bài, ảnh, clip: Phương Sơn/Báo Tin tức
Nhiều chủ tàu 67 gặp khó trong thanh toán tiền bảo hiểm
Nhiều chủ tàu 67 gặp khó trong thanh toán tiền bảo hiểm

Nhiều tàu cá đóng theo Nghị định 67 khi không may bị cháy, bị chìm trên biển dù đã mua bảo hiểm tàu cá nhưng vẫn mòn mỏi chờ đền bù từ nhiều năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN