Sớm gỡ khó cho 'tàu 67'

Nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã vay vốn ngân hàng để đóng tàu theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (tàu 67). Tuy nhiên, do khai thác không hiệu quả, tàu cá phải nằm bờ thời gian dài khiến ngư dân lâm vào cảnh nợ nần. Ngư dân đang mong muốn các ngành liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho "tàu 67" để hỗ trợ ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Trắng tay

Chú thích ảnh
“Tàu 67” của ông Phạm Ngọc Hoàng, phường 3, TP.Vũng Tàu đã nằm bờ do tàu bị gỉ sét, mày tàu nhỏ không thể tải nổi thân tàu. 

Ông Phạm Ngọc Hoàng, ngư dân ngụ tại phường 3, thành phố Vũng Tàu có 2 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67, ông cho biết, thời gian đầu tàu hoạt động bình thường, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, một tàu của ông liên tục gặp sự cố phải nằm bờ. Tàu của ông là tàu vỏ thép, nhưng thiết kế máy chỉ có công suất 600CV, nên sau một thời gian sử dụng máy xuống cấp, thường xuyên hư hỏng do sức kéo của con tàu quá nặng. Sau thời gian ngắn đưa vào hoạt động, tàu của ông bị gỉ sét rất nặng.

Cùng đó, thời gian qua, giá xăng dầu cũng liên tục tăng cao, giá hải sản đánh bắt được lại không tăng khiến các chuyến ra khơi của con tàu vỏ thép còn lại và con tàu vỏ gỗ có công suất 450CV của gia đình ông Hoàng liên tục thua lỗ. Nên ông buộc phải để cả 2 con tàu còn lại nằm bờ trong thời gian dài.

Từ một ngư dân với tài sản đất đai lên đến hàng chục tỷ đồng, đến nay ông Hoàng phải chuyển qua nghề chạy taxi kiếm sống qua ngày. “Với số nợ ngân hàng lên tới hơn 26 tỷ đồng và không còn khả năng trả nợ, ngân hàng đang làm thủ tục khởi kiện tôi ra tòa”, ông Hoàng buồn rầu cho biết.

Ông Nguyễn Trường Quang, ngư dân xã Phước Hưng, huyện Long Điền cũng đang trong cảnh tương tự. Ông Quang cho biết, ông có 2 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 được hạ thủy và đưa vào sử dụng cuối năm 2016 với tổng số tiền vay ngân hàng hơn 35 tỷ đồng. Năm đầu tiên đi vào hoạt động, hai “tàu 67” của ông hiệu quả khai thác rất thuận lợi và cho thu nhập cao. Trung bình mỗi chuyến đi biển ông lãi từ 200-300 triệu đồng. Nhờ vậy, ông có tiền để trả nợ vay ngân hàng và chi trả cho bạn thuyền.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay, tình hình khai thác gặp nhiều khó khăn,sau mỗi chuyến đi biển ông đều lỗ. Thêm vào đó, tàu của ông liên tục gặp sự cố trên biển như bị tàu giã cào phá lưới, gãy chân vịt, chìm tàu. Nguồn thu không có, việc xử lý, chi trả bồi thường của công ty bảo hiểm kéo dài làm ông Quang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Ông Quang chia sẻ, đến năm 2020, ông đã phải bán gần như tất cả tài sản bất động sản bao năm 2 vợ chồng ông tích góp có được mà không đủ trả nợ. Hiện, ông không còn khả năng trả số nợ lên đến hơn 31 tỷ đồng.

Còn anh Châu Văn Nhỏ, ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền đã không còn nhớ anh đã bao nhiêu lần viết đơn gửi lên UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các ngân hàng xin khất nợ, giãn nợ. Năm 2017, anh đưa vào hoạt động tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67, có công suất 1.446 CV, trị giá 35 tỷ đồng. Trong 2 năm 2017, 2018 tàu anh thực hiện 5 chuyến vận chuyển, kinh doanh xăng dầu. 

Nhưng đến cuối năm 2019, cơ quan chức năng không cho phép tàu dịch vụ hậu cần của gia đình anh vận chuyển xăng dầu, chỉ được phép vận chuyển đá cây, hải sản nên việc kinh doanh của gia đình anh liên tục thua lỗ. Từ đó đến nay, tàu đang phải nằm bờ, vì không có chi phí đầu tư ra khơi. Gia đình anh đã bán hết 2 tàu giã cào, 1 máy xúc để trả nợ nhưng vẫn không đủ và hiện anh còn nợ ngân hàng 19 tỷ đồng. Tháng 4/2022, anh Nhỏ tiếp tục có đơn gửi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị cho anh hoãn trả nợ và lãi vốn vay bắt đầu từ quý II/2022 do gia đình không còn khả năng trả nợ.

Nợ xấu tăng cao

Chú thích ảnh
Toàn bộ hầm chứa đá “tàu 67” của ông Phạm Ngọc Hoàng, phường 3, TP.Vũng Tàu cũng bị gỉ sắt, bong tróc khiến ông không dám cho tàu rơi khơi. 

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến ngày 30/4/2022 tổng số tàu đã đăng ký hợp đồng vay vốn theo Nghị định 67 là 69 tàu (10 tàu dịch vụ hậu cần và 58 tàu khai thác hải sản) và nâng cấp 1 tàu; trong số đó, có 68 tàu đã đi vào hoạt động, tổng số tiền đã giải ngân là hơn 1.017 tỷ đồng. Đến nay, các ngân hàng cho vay đã thu nợ được là 210,108 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ xấu đã là 488,746 tỷ đồng, chiếm 60,57% trong tổng dư nợ của chương trình.

Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến hết tháng 3/2022, có đến 19 tàu cá đóng theo Nghị định 67 hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả nợ được gốc, lãi cho ngân hàng theo cam kết; 29 tàu có hoạt động nhưng không thiện chí hợp tác với ngân hàng để trả gốc, lãi đúng theo cam kết trên hợp đồng tín dụng. Đến nay, cũng đã có 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phải khởi kiện để thu hồi nợ đối với 8 chủ tàu, với 10 chiếc tàu.

Ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, mặc dù, các chi nhánh ngân hàng thương mại tham gia cho vay cũng đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đối với các chủ tàu. Đồng thời, các chi nhánh ngân hàng thương mại cũng đã xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 24 tàu. Tuy nhiên, số chủ tàu đóng theo Nghị định 67 không trả gốc và lãi theo cam kết trên hợp đồng tín dụng, dẫn đến khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, nợ xấu (nhóm 5) tại Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn ngày càng tăng cao.

Về nguyên nhân dẫn đến việc tàu cá đóng theo Nghị định 67 hoạt động không hiệu quả, theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, do chi phí cho một chuyến ra khơi ngày một tăng, thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, nguồn lợi thủy sản suy giảm mạnh, ngành nghề đánh bắt không phù hợp tại vùng biển mà ngư dân tham gia đánh bắt… dẫn đến nhiều tàu cá phải nằm bờ.

Tuy nhiên, ông Trần Thiên Trí cho rằng bên cạnh các nguyên nhân khách quan dẫn đến khó khăn trong việc chi trả nợ, vẫn có những chủ tàu còn có tâm lý chây ì trong việc trả nợ vay ngân hàng hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng trên địa bàn. Đặc biệt, có chủ tàu ý thức trả nợ kém, thiếu hợp tác với ngân hàng, cung cấp thông tin về doanh thu thiếu tính trung thực, gây khó khăn trong việc thu hồi nợ vay...

Đa phần các tàu đều hoạt động ở vùng biển xa, không cập cảng cố định, khi đánh bắt được thủy sản có thể bán ngay trên biển cho các tàu dịch vụ hậu cần hoặc các cảng cá thuận tiện. Việc kê khai thông tin khai thác chủ yếu do chủ tàu tự khai. Bởi vậy, không có cơ sở để xác minh, đánh giá tính đúng đắn của thông tin khai thác thực tế. 

Để giúp ngân hàng trong việc thu hồi nợ, các sở, ngành chức năng xem xét, tham mưu UBND tỉnh có chủ trương cho chuyển các nguồn tiền hỗ trợ cho ngư dân vào tài khoản ngân hàng để ngân hàng theo dõi. Khi ngư dân gặp khó khăn không thể chi trả có thể sử dụng nguồn tiền này để giảm áp lực trong thu hồi nợ của ngân hàng.

Nhằm hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển, ngành thủy sản tỉnh đã phối hợp với các đơn vị ngân hàng tham gia vào chương trình Nghị định 67 tìm kiếm hướng giải quyết cho ngư dân. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị lên UBND tỉnh có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương và bộ, ngành liên quan sớm tháo gỡ khó khăn cho tàu dịch vụ hậu cần đóng mới theo Nghị định 67.

Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Tháo gỡ những vướng mắc phát sinh cho tàu 67
Tháo gỡ những vướng mắc phát sinh cho tàu 67

Sau 5 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính Phủ về chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), đã mang lại hiệu quả rõ rệt tại Thanh Hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN