5 'cơn đau đầu' của Tổng thống Biden khi xung đột Israel-Hamas leo thang

Bạo lực gia tăng ở Trung Đông đặt ra cho Tổng thống Mỹ Joe Biden 5 vấn đề lớn cần giải quyết, trước mối đe dọa về một cuộc xung đột rộng lớn hơn, nguy hiểm hơn đang rình rập ở miền nam Israel và Gaza.

Chú thích ảnh
Tổng thống Joe Biden phát biểu về các cuộc tấn công nhằm vào Israel ngày 7/10/2023. Ảnh: Getty Images

Hôm 7/10, phong trào Hồi giáo Hamas đã phát động cuộc tấn công tổng lực mạnh nhất vào Israel trong nhiều năm, bắn tên lửa từ Gaza trong khi các chiến binh của họ vượt biên giới vào Israel. Đáp lại, Tel Aviv tuyên bố tình trạng chiến tranh, sau đó tiến hành các cuộc không kích suốt đêm 8/10 vào Gaza để trả đũa.

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, cho biết "mục tiêu đầu tiên" của Israel là "quét sạch các thế lực thù địch xâm nhập lãnh thổ của chúng tôi" và bảo vệ biên giới đất nước. “Đồng thời, mục tiêu thứ hai là buộc kẻ thù phải trả giá đắt".

Israel cũng sẽ "tăng cường các mặt trận khác để không ai tham gia nhầm vào cuộc chiến này", ông Netanyahu viết trong một bài đăng trên X, tên mới của Twitter, cùng ngày 7/10.

Từ Washington D.C, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ "lên án một cách dứt khoát cuộc tấn công kinh hoàng này của những kẻ khủng bố Hamas từ Gaza nhằm vào Israel", đồng thời nói thêm rằng Washington sẽ "cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ thích hợp" cho Israel sau "các cuộc tấn công khủng khiếp". Mặc dù vậy, rõ ràng xung đột leo thang ở Israel và Dải Gaza đang đẩy ông Biden vào 5 "cơn đau đầu" không dễ giải quyết ngay.

Mỹ vừa giải phóng các quỹ của Iran

Chiến sự leo thang xảy ra ngay sau khi chính quyền Tổng thống Biden đồng ý cho phép chuyển 6 tỷ USD tiền của Iran bị đóng băng từ Hàn Quốc sang Qatar như một phần của thỏa thuận trao đổi tù nhân nhằm trả tự do cho một số người Mỹ bị giam giữ ở Iran, hoàn thành vào tháng trước.

Vào ngày 7/10, một số tiếng nói nổi bật của Đảng Cộng hòa đã đề cập đến thỏa thuận này trong những lời chỉ trích mới đối với chính quyền Biden về tình hình ở Israel.

Cựu tổng thống và ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết: “Những cuộc tấn công này của Hamas là một sự ô nhục và Israel có mọi quyền để tự vệ bằng lực lượng áp đảo”. Ông tuyên bố thêm: “Thật đáng buồn, tiền đóng thuế của người Mỹ đã giúp tài trợ cho các cuộc tấn công này”.

Chú thích ảnh
Israel giáng đòn thù xuống Dải Gaza. Trong ảnh là khung cảnh bị tàn phá ở Al-Rimah, Gaza. Ảnh: Guardian

Lauren Boebert, hạ nghị sĩ bang Colorado, nói thêm: “Chúng tôi đang theo dõi đỉnh điểm của những chính sách hoàn toàn vô trách nhiệm của Tổng thống đối với Israel. Ông ấy vừa trao 6 tỷ USD cho Iran. Bây giờ chúng ta đã thấy kết quả."

“Iran đã giúp tài trợ cho cuộc chiến chống lại Israel này và các chính sách dễ dãi với Iran của Joe Biden đã giúp lấp đầy kho bạc của họ”, Thống đốc Florida và ứng cử viên tổng thống GOP Ron DeSantis viết trên X, tên mới của Twitter.

Trong khi đó, Nhà Trắng đã nói rõ rằng một loạt hạn chế sẽ được áp dụng đối với các khoản tiền này. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết Tehran sẽ chỉ có thể sử dụng chúng để "mua thực phẩm, thuốc men, thiết bị y tế phi lưỡng dụng".

Người phát ngôn Nhà Trắng, Adrienne Watson, cho biết hôm 7/10 rằng "không một xu nào từ các quỹ đó đã được tiêu và khi được chi tiêu, nó chỉ có thể được chi cho những thứ như thực phẩm và thuốc men cho người dân Iran."

Bà nhấn mạnh: “Những khoản tiền này hoàn toàn không liên quan gì đến các cuộc tấn công kinh hoàng hôm nay và đây không phải là lúc để truyền bá thông tin sai lệch”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Brian Nelson cũng cho biết: “Tất cả số tiền được giữ trong các tài khoản bị hạn chế ở Doha, như một phần của thỏa thuận nhằm đảm bảo việc trả tự do cho 5 người Mỹ vào tháng 9, vẫn ở Doha. Chưa một xu nào được chi tiêu”.

Saudi Arabia và Hiệp ước Abraham

Bạo lực leo thang cũng có thể gây nguy hiểm cho tiến trình mà Tổng thống Biden đang cố gắng đạt được với Riyadh nhằm củng cố Hiệp ước Abraham (Hiệp định hòa bình Israel và UAE) được 3 năm tuổi.

Vào tháng 9/2020, Mỹ chủ trì các cuộc đàm phán dẫn đến việc đại diện của Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain ký Hiệp ước Abraham tại thủ đô Washington DC. Maroc sau đó đã đồng ý, Sudan cũng ký tuyên bố nhưng không ký thỏa thuận song phương với Israel.

Hiệp ước Abraham đã khiến Abu Dhabi và Manama trở thành quốc gia Arab thứ ba và thứ tư công nhận Israel, và các hiệp ước này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Nó nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc duy trì và củng cố hòa bình ở Trung Đông và trên thế giới dựa trên sự hiểu biết và cùng tồn tại lẫn nhau".

Chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực đưa Saudi Arabia gia nhập Hiệp ước Abraham, và đây sẽ là một chiến thắng chính sách đối ngoại quan trọng. Tuy nhiên, báo cáo từ một tờ báo thuộc sở hữu của Saudi trong những tuần trước khi xung đột leo thang, cho thấy Riyadh đã đóng băng các cuộc đàm phán bình thường hóa, dù điều này bị Mỹ và Israel phủ nhận. Hồi giữa tháng 9, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ đưa tin rằng Washington đang thảo luận về một hiệp ước phòng thủ chung với Saudi Arabia.

Mara Rudman, cựu nhà ngoại giao về Trung Đông dưới thời chính quyền Obama, nói với phóng viên New York Times: “Điều này sẽ làm chậm lại đáng kể, nếu không muốn nói là giết chết Hiệp ước Abraham của Saudi Arabia”.

Bà Rudman nói: “Nó đánh vào trọng tâm các yếu tố then chốt trong sự tham gia của Saudi, một con đường phía trước cho người Palestine ở Bờ Tây và Gaza”. Đối với Israel, sẽ không có sự mong muốn nào về mặt chính trị trong việc giúp đỡ người Palestine, "mặc dù thực tế là làm như vậy là có thể tăng cường chứ không làm suy giảm an ninh của Israel."

Hôm 7/10, ông Biden cho biết ông đã yêu cầu nhóm của mình "liên lạc thường xuyên" với các nhà lãnh đạo khu vực, bao gồm cả Saudi Arabia.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 7/10 cũng cho hay họ đang "theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình huống chưa từng có" và chính phủ nước này kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức sự leo thang giữa hai bên".

Chú thích ảnh
Nhà cửa bị đánh sập trong chiến dịch tấn công trả đũa của Israel xuống Gaza. Ảnh: Guardian

Chia rẽ giữa các đảng viên Dân chủ

Bạo lực bùng nổ cũng có thể gây ra rạn nứt rộng rãi hơn giữa các đảng viên Dân chủ, ngay cả khi ông Biden tuyên bố rằng "sự hỗ trợ của chính quyền ông dành cho an ninh của Israel là vững chắc và không lay chuyển".

Trong những năm gần đây, đảng Dân chủ cánh tả ngày càng rút lui khỏi việc ủng hộ Israel. Hồi giữa tháng 7, Đại diện Washington tại Israel, bà Pramila Jayapal đã gọi Israel là "nhà nước phân biệt chủng tộc" trước chuyến thăm của Tổng thống Israel, Isaac Herzog, với bài phát biểu tại Quốc hội, mặc dù sau đó bà đã xin lỗi.

Trong một lá thư khiển trách bà Jayapal được ký bởi một số đại biểu Đảng Dân chủ, bao gồm cả lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện, Hakeem Jeffries, những tiếng nói khác của Đảng Dân chủ cho biết "Mỹ và Israel có một mối quan hệ đặc biệt độc đáo gắn liền với các giá trị dân chủ và lợi ích chiến lược chung của chúng ta."

Nhận định sai lầm

Với tình trạng bạo lực và số người chết tiếp tục leo thang, chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ hối hận về những nhận xét được đưa ra chỉ một tuần trước. Khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói trong Lễ hội Đại Tây Dương: “Khu vực Trung Đông ngày nay yên tĩnh hơn so với hai thập kỷ qua”, mặc dù sau đó ông nói thêm: “Tôi nhấn mạnh 'bây giờ' vì tất cả những điều đó có thể thay đổi."

Người phát ngôn Nhà Trắng Adrienne Watson cho biết hôm 7/10, ông Sullivan đã nói chuyện với Cố vấn An ninh Quốc gia Israel, Tzachi Hanegbi, và Mỹ vẫn “liên lạc chặt chẽ với các đối tác Israel của chúng tôi”.

Giá khí đốt tương lai

Các báo cáo cho thấy bạo lực bùng phát cũng có thể khiến giá dầu thô tăng đột biến. Thực tế, giá dầu thô đã tăng vọt khi thị trường Mỹ mở cửa vào 9/10.

Vandana Hari, Giám đốc điều hành công ty phân tích thị trường năng lượng Vanda Insights, cho biết Israel và Palestine đang "ở ngưỡng cửa của một khu vực sản xuất và xuất khẩu dầu quan trọng", mặc dù xung đột không ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia sản xuất dầu hàng đầu.

Iman Nasseri, giám đốc điều hành khu vực Trung Đông của công ty tư vấn năng lượng Facts Global Energy, cho biết: “Tác động đến giá dầu sẽ bị hạn chế trừ khi chúng ta thấy cuộc xung đột giữa hai bên nhanh chóng mở rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực nơi Mỹ và Iran cùng những người ủng hộ các bên khác trực tiếp tham gia”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Newsweek)
Xung đột Israel - Hamas: Phép thử mới với chính sách đối ngoại của EU
Xung đột Israel - Hamas: Phép thử mới với chính sách đối ngoại của EU

Ngoài cuộc xung đột Nga - Ukraine, rất nhiều "đám cháy" khác đang xuất hiện ở khắp mọi nơi và EU không có sẵn bình cứu hỏa loại tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN