Xung đột Israel - Hamas: Phép thử mới với chính sách đối ngoại của EU

Ngoài cuộc xung đột Nga - Ukraine, rất nhiều "đám cháy" khác đang xuất hiện ở khắp mọi nơi và EU không có sẵn bình cứu hỏa loại tốt.

Chú thích ảnh
Cuộc xung đột  Israel - Hamas diễn ra chỉ vài tuần sau khi EU hy vọng thúc đẩy một sáng kiến ​​hòa bình Trung Đông. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn ra ác liệt và căng thẳng giữa Serbia và Kosovo chưa lắng  dịu, EU tiếp tục đối mặt với thách thức mới trong khu vực lân cận khi bạo lực leo thang đáng kể ở Trung Đông.

Cuộc xung đột mới bùng phát ở Trung Đông, khu vực lân cận của châu Âu, nơi cho đến nay đã chứng kiến ​​trên 1.200 người thiệt mạng, sẽ gây thêm áp lực cho EU khi khối này đang thực hiện một loạt nỗ lực quản lý khủng hoảng.

Cuộc xung đột cũng diễn ra chỉ vài tuần sau khi EU hy vọng thúc đẩy một sáng kiến ​​hòa bình Trung Đông, tập trung vào những động lực mới nhằm bắt đầu lại các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.

Phong trào Hồi giáo Hamas đã khiến Israel mất cảnh giác vào sáng sớm 7/10 khi phóng hàng nghìn quả rocket và đưa hàng chục tay súng được trang bị vũ khí hạng nặng nhâm nhập vào miền Nam Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đáp trả bằng cách tấn công các mục tiêu của Hamas ở Gaza.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố trong một thông điệp gửi tới người dân nước này: “Chúng ta đang có chiến tranh và chúng ta sẽ chiến thắng”.

Trong khi đó, quân đội Israel dường như đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza khi chiến dịch giải thoát con tin và bắt giữ các tay súng Hamas trên lãnh thổ Israel bắt đầu có hiệu quả.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên án cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel, tuyên bố Israel có quyền tự vệ. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẵn sàng giúp giảm căng thẳng, có thể xem xét vai trò hòa giải.

“Ưu tiên hiện nay là chấm dứt bạo lực ngay lập tức và giảm leo thang, cũng như thả tất cả con tin”, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell nói với các phóng viên. Ông thông báo thêm rằng ông đã nói chuyện với cả Ngoại trưởng Israel Eli Cohen và Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh.

Ông Borrell nêu rõ: “Quy mô của cuộc tấn công đã khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ, nhưng chúng tôi nhận thức được rằng việc leo thang xung đột là không bền vững. EU nhắc lại tầm quan trọng của việc hướng tới một nền hòa bình lâu dài và bền vững thông qua những nỗ lực trong Tiến trình Hòa bình Trung Đông”.

Ông Borrell nhấn mạnh đó chính xác là lý do tại sao, cùng với Liên đoàn các quốc gia Arab, Saudi Arabia, Ai Cập và Jordan, các bên đã bắt đầu một sáng kiến ​​chung nhằm giúp khôi phục giải pháp "hai nhà nước”.

Gần 50 bộ trưởng ngoại giao từ châu Âu và Trung Đông đã gặp nhau bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 vừa qua để công bố một sáng kiến ​​mới, được gọi là "Nỗ lực Ngày Hòa bình", nhằm mục đích khôi phục tiến trình hòa bình đã bị trì hoãn từ lâu giữa Israel và Palestine. 

Ông Borrell nói thêm: “Quan điểm của EU vẫn là hướng đến giải pháp hai nhà nước”. Đầu tuần tới, ông Borrell dự kiến ​​sẽ tới Muscat, Oman, để tham dự cuộc họp của các ngoại trưởng EU và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nơi tình hình leo thang hiện nay có thể sẽ đứng đầu chương trình nghị sự.

Trong khi những phản ứng ban đầu của thế giới Arab trước động thái của Israel cho thấy rằng mặc dù họ có khả năng tiếp tục ủng hộ Palestine, nhưng họ cảnh giác với sự leo thang làm chệch hướng những nỗ lực bình thường hóa gần đây trong khu vực.

Saudi Arabia chưa bao giờ công nhận Israel là một quốc gia và luôn chính thức đứng về phía Palestine. 

Trong các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia với Israel trong một thỏa thuận liên quan đến đảm bảo an ninh của Washington cho Riyadh, Saudi Arabia đã kêu gọi cả hai bên kiềm chế.

Tại một cuộc điện đàm với ông Borrell, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động quốc tế để ngăn chặn leo thang ở Gaza và "tạo ra một giải pháp chính trị thực sự để chấm dứt tình trạng chiếm đóng", Bộ Ngoại giao Jordan cho biết trong một tuyên bố.

Trong khi đó, các nhà phân tích đang chia rẽ về việc liệu cuộc tấn công của Hamas có thể được coi là nhằm vào những dấu hiệu tích cực gần đây trong nỗ lực hòa bình ở Trung Đông đang dần hình thành giữa Mỹ, Saudi Arabia và Israel hay không.

Jerome Drevon, nhà phân tích cấp cao tại Crisis Group, nhận định: “Việc này chắc hẳn phải mất nhiều tháng để chuẩn bị phối hợp giữa các lực lượng trên bộ/trên không/trên biển của Hamas khi mỗi bộ phận của họ có mục tiêu chiến thuật rõ ràng”.

Ông Drevon nói thêm: “Đây không thể chỉ là một phản ứng ngắn hạn trước những diễn biến gần đây, trong đó có cả việc bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel”.

Nhưng đối với EU, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas lại gây thêm "một cơn đau đầu nữa" khi họ ngày càng buộc phải phân tán sự chú ý cho tất cả các cuộc khủng hoảng.

Như một bộ trưởng ngoại giao châu Âu đã nói vào đầu tuần này tại Kiev: "Ngoài cuộc xung đột Nga - Ukraine, rất nhiều 'đám cháy' khác xuất hiện ở khắp mọi nơi và chúng tôi không có sẵn bình cứu hỏa loại tốt”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Euractiv)
Israel đã bị ‘nghi binh’ thế nào khi Hamas lên kế hoạch tấn công?
Israel đã bị ‘nghi binh’ thế nào khi Hamas lên kế hoạch tấn công?

Cuộc tấn công của Hamas diễn ra sau hai năm lực lượng này giữ bí mật các kế hoạch quân sự của mình và thể hiện cho Israel thấy rằng họ không muốn giao chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN