Để miếng ăn không thành miếng lo

Số nạn nhân vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai tới nay đã lên tới hơn 500 người. Cùng với việc kiểm tra, vấn đề không chỉ là câu chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn có cả “lỗ hổng” trong quản lý.

Chú thích ảnh
Bé trai trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm ở Long Khánh, Đồng Nai được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai bắt đầu từ sáng 1/5 với việc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng: buồn nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng... Tính đến 6 giờ sáng 4/5, tổng số ca đã lên đến 529 người, bao gồm 117 trẻ em. Các bệnh nhân có chung một điểm là trước đó đã ăn bánh mì kẹp mua tại tiệm bánh mì Băng vào ngày 30/4, 1/5 và sau khi ăn xuất hiện các triệu chứng như trên thì mua thuốc uống không hết nên đã nhập viện điều trị.

Trước vụ việc liên quan tới tiệm bánh mì Băng, nhiều vụ ngộ độc tập thể cũng đã xảy ra như vụ ngộ độc do ăn cơm gà tại tiệm cơm gà Trâm Anh ở thành phố Nha Trang vào ngày 11-12/3, khiến gần 370 người phải nhập viện hay vụ hàng chục học sinh ở huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hoà) ngày 9/4 bị tiêu chảy sau khi ăn cơm nắm, cơm cuộn mua trước cổng trường. Còn vào ngày 3/4 là việc hơn 90 công nhân Công ty TNHH sản xuất giầy Chong Jye phải đi cấp cứu với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt buồn nôn do ăn bún trước khi vào làm việc ca đêm.

Các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể liên tiếp xảy ra một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo đối với tình trạng mất an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh ăn uống. Nguyên nhân có nhiều, nhưng phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do thực phẩm nhiễm vi khuẩn độc hại như E.coli, Clostridium botulium, Salmonella… hoặc là trong quá trình chế biến (mất vệ sinh), hoặc trong khi bảo quản (không đúng quy cách), có lúc là cả hai. Mỗi khi bước vào mùa nắng nóng thì càng phải lưu ý tới vấn đề an toàn thực phẩm bởi nắng nóng dễ khiến thực phẩm ôi thiu, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.

Chú thích ảnh
Hàng rong trước một cổng trường ở thành phố Thủ Đức. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Trở lại với vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở thành phố Long Khánh, qua báo cáo của đại diện tiệm bánh mì Băng, có thể thấy thực phẩm dùng để chế biến bánh mì kẹp được lấy từ nhiều hộ kinh doanh khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là chỉ có thịt lợn được cung cấp theo hợp đồng mua bán còn các thực phẩm khác như dưa leo, củ cải, cà rốt, thịt nguội, chả lụa… đều không có hợp đồng mua bán. Cách quản lý thực phẩm đầu vào dựa trên niềm tin và có thể là kinh nghiệm mà không ràng buộc trách nhiệm bằng hợp đồng mang tính pháp lý như vậy vừa không đúng quy định, vừa đặt cơ sở kinh doanh trước rủi ro tiềm ẩn.

Một điểm đáng chú ý nữa là khi kiểm tra, tiệm bánh mì Băng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh là khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh. Cơ sở này cũng không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và giấy khám sức khỏe cho các lao động làm việc trực tiếp. Đây không chỉ một kẽ hở nữa khiến cho việc kiểm soát an toàn thực phẩm của tiệm bánh mì Băng trở nên khó khăn hơn, mà còn là một lỗ hổng trong quản lý của cơ quan chức năng.

Tiệm bánh mì Băng đã kinh doanh được gần 20 năm, mỗi ngày bán ra cả nghìn ổ bánh mì, nhưng chỉ khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, nhiều người tiêu dùng mới biết họ đang sử dụng sản phẩm của một cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và sử dụng giấy phép kinh doanh cấp cho người khác, ở địa chỉ khác. Vai trò quản lý của cơ quan chức năng đã được thực thi như thế nào trong ngần ấy thời gian hay chỉ khi xảy ra vụ việc được dư luận quan tâm chú ý mới tiến hành tổng kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn? Nếu tiếp tục cách làm như trước đây, e rằng những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể sẽ lại tiếp tục xảy ra.

Chúng ta đang trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 (15/4 – 15/5). Nhiều địa phương trong cả nước đã và đang triển khai công tác thanh kiểm tra, tuyên truyền và vận động người dân nâng cao ý thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo vệ sinh an toàn trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm nhằm đảm bảm an toàn thực phẩm. Vụ ngộ độc thực phẩm liên quan tới tiệm bánh mì Băng ở Đồng Nai thật đáng tiếc, nhưng càng khiến chúng ta phải quan tâm hơn, quyết tâm hơn để “miếng ăn không thành miếng lo”. Muốn vậy, an toàn cần phải đảm bảo từ đầu vào lẫn đầu ra và ở đây rất cần phát huy vai trò của các mô hình đã cho thấy hiệu quả cao như mô hình “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt” ở Bình Định; mô hình “Phụ nữ sản xuất - kinh doanh thực phẩm an toàn” ở Bình Phước, mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” ở Hà Nội…

Hà Ngọc/Báo Tin tức
Số bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai tăng lên 500 người, Bộ Y tế yêu cầu tập trung cấp cứu, điều trị
Số bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai tăng lên 500 người, Bộ Y tế yêu cầu tập trung cấp cứu, điều trị

Đến ngày 3/5, tổng số bệnh nhân liên quan đến vụ nghi ngộ độc sau ăn bánh mì ở tỉnh Đồng Nai đã lên tới hơn 500 người, trong đó có 7 bệnh nhân đang được điều trị hồi sức tích cực và 2 bệnh nhi đang được lọc máu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN