10:20 13/10/2021

Tổng hợp COVID-19 ngày 13/10: Hà Nội cho phép ăn uống phục vụ tại chỗ từ sáng 14/10; nhiều hoạt động được các tỉnh nới lỏng

Ngày 13/10, Việt Nam ghi nhận 3.461 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; Hà Nội cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh phục vụ tại chỗ từ 6 giờ ngày 14/10; Tiền Giang nới lỏng hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch từ ngày 31/10; Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đưa người dân Tây Nguyên về quê… là những thông tin nổi bật trong ngày 13/10.

Ngày 13/10, Việt Nam ghi nhận 3.461 ca nhiễm mới SARS-CoV-2

Chú thích ảnh
Chăm sóc cho các bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến.

Ngày 13/10, Việt Nam ghi nhận 3.461 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại 47 tỉnh, thành phố.

Trong số các ca nhiễm mới có 3 ca nhập cảnh và 3.458 ca ghi nhận trong nước (tăng 519 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (có 1.432 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh với số ca như sau: TP Hồ Chí Minh (1.162), Bình Dương (501), Đồng Nai (486), Hà Giang (152), An Giang (121), Đắk Lắk (113), Đồng Tháp (87), Kiên Giang (76), Tiền Giang (74), Gia Lai (60), Long An (59), Bình Thuận (55), Tây Ninh (51), Trà Vinh (46), Bạc Liêu (45), Cà Mau (41), Khánh Hòa (39), Hậu Giang (31), Hà Nội (29), Quảng Nam (29), Quảng Ngãi (19), Hà Nam (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (18), Cần Thơ (17), Vĩnh Long (15), Bình Định (13), Nghệ An (12), Bến Tre (11), Đắk Nông (9), Lâm Đồng (8 ), Quảng Trị (7), Ninh Thuận (7), Quảng Bình (7), Bắc Ninh (5), Thanh Hóa (5), Nam Định (4), Hà Tĩnh (4), Kon Tum (4), Bình Phước (3), Sơn La (3), Phú Yên (3), Thừa Thiên Huế (3), Vĩnh Phúc (2), Thái Bình (1), Ninh Bình (1), Lai Châu (1), Tuyên Quang (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (giảm 61 ca), Bình Thuận (giảm 17 ca), Đồng Nai (giảm 15 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (tăng 152), TP Hồ Chí Minh (tăng 144 ca), Đắk Lắk (tăng 113 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.851 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 849.691 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.630 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 845.050 ca, trong đó có 784.469 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 4 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên.

Có 14 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (413.835 ca), Bình Dương (223.476 ca), Đồng Nai (56.475 ca), Long An (33.508 ca), Tiền Giang (14.702 ca).

Trong ngày 13/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.191 ca.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 787.286 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.120 ca.

Trong ngày 13/10, cả nước ghi nhận 106 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (73 ca), Bình Dương (18 ca), Long An (4 ca), Đồng Nai (4 ca), Tiền Giang (3 ca), Cần Thơ (1 ca), An Giang (1 ca), Đồng Tháp (1 ca), Quảng Trị (1 ca).

Hà Nội cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh phục vụ tại chỗ từ 6 giờ ngày 14/10

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện cho phép từ 6 giờ ngày 14/10, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi...

Chú thích ảnh
Hà Nội cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh phục vụ tại chỗ từ 6 giờ ngày 14/10. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Chiều 13/10, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 21 triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội trong tình hình mới.

Theo đó, từ 6 giờ 00 phút ngày 14/10, TP Hà Nội cho phép:

- Các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích làm việc trực tuyến.

- Xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, đảm bảo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch.

- Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.

- Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành Du lịch.

- Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR Code.

- Các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR Code theo quy định của Bộ Y tế và Thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cá nhân tham gia.

Tiền Giang nới lỏng hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch từ ngày 31/10

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, cho biết: Từ ngày 31/10/2021, tỉnh xem xét cho các cơ sở lưu trú du dịch trên địa bàn được đón khách nhưng không tổ chức, phục vụ ăn uống, massage, karaoke tại cơ sở lưu trú.

Các dịch vụ không thiết yếu và các thiết chế văn hóa như rạp chiếu phim, bảo tàng, các khu di tích lịch sử văn hóa, hệ thống thư viện công cộng được hoạt động nhưng phải kiểm soát số lượng khách, đảm bảo chỉ tiếp nhận khách tối đa đến 15% công suất hoặc khả năng tiếp nhận (tính bằng số lượng người tối đa trong cùng một thời điểm với khoảng cách 2 m). Các đơn vị được phép hoạt động phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của ngành y tế và thực hiện đầy đủ Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động văn hóa.

Người dân được tập luyện thể dục, thể thao ngoài trời để nâng cao sức khỏe nhưng không được tập trung quá 10 người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét và đảm bảo các điều kiện về công tác phòng dịch theo quy định đối với các môn đi bộ, chạy bộ, đạp xe thể dục, các bài tập vận động hít thở, các bài tập thể dục theo nhạc, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, đá cầu, các máy tập được trang bị nơi công viên.

Từ ngày 1/11 đến ngày 31/12/2021, dự kiến, các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở lưu trú có nhà hàng có khả năng được phục vụ ăn uống; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh nhưng phải kiểm soát số lượng khách, đảm bảo tiếp nhận khách tối đa đến 25% công suất hoặc khả năng tiếp nhận.

Các dịch vụ không thiết yếu và các thiết chế văn hóa như karaoke, rạp chiếu phim, bảo tàng, các khu di tích lịch sử - văn hóa, hoạt động tại quảng trường, hệ thống thư viện công cộng, hệ thống trung tâm văn hóa các cấp trên địa bàn tỉnh được hoạt động nhưng phải kiểm soát số lượng khách, đảm bảo chỉ tiếp nhận khách tối đa đến 25% công suất hoặc khả năng tiếp nhận (tính bằng số lượng người tối đa trong cùng một thời điểm với khoảng cách 2 mét).

Người dân được tập luyện thể dục thể thao ngoài trời và trong nhà, tại các trung tâm, nhà tập luyện, nhà thi đấu, câu lạc bộ nhưng không tập trung quá 20 người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét và đảm bảo các điều kiện về công tác phòng dịch theo quy định. Các trung tâm, nhà tập luyện, nhà thi đấu, câu lạc bộ thể dục thể thao được hoạt động trở lại. Người tham gia hướng dẫn thể dục thể thao, người tập luyện thể dục thể thao và nhân viên phục vụ phải tuân thủ Thông điệp 5K.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Lê Văn Dũng, từ ngày 1/1/2022 trở đi (giai đoạn "bình thường mới"), tất cả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và du lịch có khả năng sẽ được hoạt động bình thường trở lại.

Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đưa người dân Tây Nguyên về quê

Sáng 13/10, tại huyện Nhà Bè, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Giao thông vận tải Thành phố, UBND huyện Nhà Bè tổ chức hỗ trợ đưa 94 người dân trở về quê nhà tại các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Dương Thế Trung, Bí thư Huyện ủy huyện Nhà Bè cho biết, ngày hôm trước, 94 người, trong đó có 57 người lớn, phần lớn là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An đã di chuyển tự phát qua địa bàn huyện Nhà Bè để về quê. Tại chốt kiểm soát của huyện Nhà Bè, cơ quan chức năng đã tiếp nhận, đưa toàn bộ số người trên vào cách ly tại Trường Tiểu học Dương Văn Lịch và hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho người dân.

Sau khi tiếp nhận, huyện Nhà Bè đã bố trí nơi ăn nghỉ, điều lực lượng y tế tổ chức xét nghiệm nhanh toàn bộ thành viên đoàn, tất cả đều có kết quả âm tính. Đoàn được hỗ trợ 200.000 đồng/người cùng một phần quà; những người có đủ điều kiện, đều được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Chia sẻ với khó khăn của người dân, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương tạo những điều kiện tốt nhất như huy động 5 xe buýt giường nằm để đưa người dân trở về quê, trao tặng quà, thăm khám sức khỏe; thể hiện tình cảm, trách nhiệm của chính quyền Thành phố trong việc giúp đỡ người dân về quê một cách thuận lợi, an toàn, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

Đồng Nai: Cách ly tại nhà các F1 của bệnh nhân COVID-19

Ngày 13/10, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản số 12542/UBND-KGVX về việc triển khai cách ly tại nhà đối với các trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định của UBND tỉnh, đối tượng cách ly tại nhà là những người tiếp xúc gần với F1, người ở cùng nhà với F1, người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ F1 và những người đang cách ly tập trung đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và muốn được chuyển về cách ly tại nhà. Thời gian cách ly tại nhà đối với những người này là 14 ngày liên tục, riêng người đã đượccách ly tập trung đủ 7 ngày thì cách ly tại nhà thêm 7 ngày. Sau thời gian cách ly, các trường hợp nêu trên tiếp tục được theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày.

F1 được cách ly tại nhà phải có nhà ở riêng lẻ, căn hộ trong khu tập thể hoặc chung cư và phải có phòng riêng, tách biệt với sinh hoạt của gia đình. Trước cửa nhà F1 có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”. Người được cách ly tại nhà phải làm cam kết chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch; không rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với động vật nuôi trong nhà. Trong 14 ngày cách ly những người này phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần. Những người ở cùng nhà với F1 phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở phải báo ngay cho cơ quan y tế.

Tỉnh Đồng Nai giao quyền cho UBND các xã, phường ra quyết định cách ly y tế tại nhà đối với F1; đồng thời quản lý, giám sát các trường hợp cách ly tại nhà. Ngành y tế có trách nhiệm kiểm tra sức khỏe, chăm sóc, hỗ trợ người cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho F1 và những người liên quan.

Cũng trong ngày 13/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã ký quyết định thành lập Tổ tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của cá nhân, tổ chức về các vi phạm liên quan đến kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Hình ảnh Bến xe Miền Đông trong ngày đầu mở cửa hoạt động trở lại

Sáng 13/10, Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) hoạt động trở lại sau thời gian dài “đóng băng”.

Chú thích ảnh
Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc đến bến xe để về quê. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại khu vực cổng vào bến xe Miền Đông, nơi đây vẫn còn rào chắn. Hầu hết, các quầy bán vé chưa có nhân viên túc trực, chỉ duy nhất có quầy vé 31-32-33 mở bán đi các tỉnh Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang. Nhiều hành khách cũng tìm đến để hỏi thông tin về lịch trình xe chạy và mua vé về quê.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu (ngụ quận Tân Phú) chia sẻ: “Hôm nay, tôi ra bến xe để hỏi thử xem khi nào có chuyến về thành phố Nha Trang để mua vé cho con đi học. Tuy nhiên, theo thông tin nhân viên cho biết thì hiện tại bến xe mới chỉ có các tuyến đi về các tỉnh lân cận, còn về Nha Trang sắp tới mới có”.

Ông Tạ Chương Chín, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông, cho biết: “Từ ngày hôm nay, bến xe Miền Đông tổ chức cho vận tải hành khách tuyến cố định chạy thử nghiệm trong 7 ngày, từ ngày 13-20/10 với công xuất tối đa 30% số chuyến. Trong ngày đầu tiên hoạt động trở lại, bến có 2 tuyến hoạt động gồm TP Hồ Chí Minh đi Đồng Nai (có 3 chuyến), tuyến TP Hồ Chí Minh đi Đắk Lắk (có 10 chuyến và xuất phát từ chiều tối nay). Trong ngày mai, sẽ có thêm tuyến TP Hồ Chí Minh đi Bà Rịa- Vũng Tàu.

TP Hồ Chí Minh: Hàng ngàn túi an sinh tiếp tục được trao cho người dân

TP Hồ Chí Minh trở lại cuộc sống bình thường mới từ ngày 1/10 nhưng công tác an sinh vẫn được duy trì tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Theo đó, các cấp công đoàn cơ sở, doanh nghiệp đã đi từng nhà để trao các túi quà an sinh cho người lao động, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 12/10, Công đoàn Khối Doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP Hồ Chí Minh đã trao tặng 150 phẩn quà cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trước đó, Công đoàn này cũng đã trao 800 túi an sinh cho các công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình trao tặng 200.000 túi an sinh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mỗi túi an sinh do Công đoàn khối Doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP Hồ Chí Minh trao cho người lao động khó khăn, gồm các thực phẩm thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, bột nêm, thịt hộp, đường… Tổng trị giá các phần quà an sinh được trao tặng là khoảng 160 triệu đồng.

Cùng ngày, các tình nguyện viên của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Thủ Đức cũng đã trao 2.500 suất quà, gồm sữa, bánh ngọt, cá hộp, gạo... đến tận tay từng đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp và đơn vị giáo dục trên địa bàn. Đây là hoạt động trong chương trình “Nghĩa tình Công đoàn” do LĐLĐ thành phố Thủ Đức tổ chức với thông điệp “Gom yêu thương - Mang chia sẻ”.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)