10:10 11/10/2019

Thổ Nhĩ Kỳ dọa thả 3,6 triệu dân tị nạn sang châu Âu nếu chỉ trích chiến dịch Syria

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo châu Âu không được chỉ trích chiến dịch quân sự vừa triển khai của quốc gia này nhằm vào Syria, bằng không Ankara có thể cho phép hàng triệu người tị nạn tràn vào Liên minh châu Âu (EU).

Chú thích ảnh
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đứng cạnh xe bọc thép nước này trong một cuộc tuần tra chung với lực lượng Mỹ gần Tel Abyad, Syria. Ảnh: Reuters

Theo kênh RT, trong một bài phát biểu trước các nhà lập pháp thuộc đảng Công lý và Phát triển (AKP) ngày 10/10, Tổng thống Erdogan cảnh báo sẽ có hậu quả nếu chiến dịch quân sự đang diễn ra của Ankara ở miền Bắc Syria bị châu Âu coi là một sự xâm phạm.

“Này EU, hãy tỉnh táo lại. Tôi nói một lần nữa: nếu các ông cố tình coi hoạt động của chúng tôi là một cuộc xâm lược, nhiệm vụ của chúng tôi rất đơn giản: chúng tôi sẽ mở cửa và gửi 3,6 triệu người nhập cư sang cho các ông”.

Lời đe dọa được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố Ankara “phải ngưng ngay chiến dịch quân sự đang diễn ra” tại Syria. Nhà lãnh đạo cho biết hoạt động này sẽ không hiệu quả và Thổ Nhĩ Kỳ đừng mong châu Âu giúp đỡ thiết lập cái gọi là “vùng an toàn”.

Cùng ngày, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) Maja Kocijancic cảnh báo chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảo ngược mọi hy vọng đạt tiến triển để hướng tới chấm dứt xung đột tại Syria.

Bộ Ngoại giao Pháp, Hà Lan, Đan Mạch đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở nước mình để bày tỏ sự phản đối. Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cho biết cuộc tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria "cần phải dừng lại".

Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok kêu gọi "Thổ Nhĩ Kỳ không nên đi theo con đường họ đã chọn". Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gọi chiến dịch của Ankara là "tình huống đặc biệt nghiêm trọng và đáng lo ngại cho dân thường".

Trong một diễn biến liên quan, Phần Lan và Na Uy xác nhận đã phong tỏa mọi thương vụ vũ khí đối với thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ do chiến dịch quân sự tại Syria.

“Trong tình hình chưa được rõ ràng và thay đổi nhanh một chóng mặt, Bộ Ngoại giao – như một biện pháp đề phòng – sẽ không xét duyệt các đơn xin giấy phép xuất khẩu các sản phẩm phục vụ quân sự và dân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ thời điểm này. Chúng tôi cũng sẽ xem xét lại tất cả giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực từ trước đến nay”, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Søreide cho biết trong một tuyên bố. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Na Uy đã được thông báo về quyết định  này hôm 10/10. Đây được coi là hành động phản đối đầu tiên từ đồng minh của Ankara.

Trước đó, ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” nhằm vào khu vực người Kurd kiểm soát tại Đông Bắc Syria. Động thái này được diễn ra sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại Syria. Tổng thống Erdogan tuyên  bố lực lượng nước này đã tiêu diệt 109 “tay súng” kể từ khi chiến dịch khởi động.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến ít nhất hàng chục người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải sơ tán. Đến nay ít nhất 29 tay súng và 10 dân thường đã bị thiệt mạng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tấn công người Kurd tại Syria. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra con số 228 tay súng người Kurd đã bị thiệt mạng. Theo Ủy ban Cứu trợ quốc tế, 64.000 người ở Syria đã phải đi sơ tán.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức