Xử lý vi phạm trật tự xây dựng vẫn yếu

Cùng với quá trình đô thị hóa, vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội vẫn diễn ra với nhiều hình thức, đặc biệt là khu vực vùng ven đô thị.

Muôn kiểu vi phạm

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đang diễn ra với nhiều hình thức và việc xử lý không kiên quyết của chính quyền sở tại khiến dư luận bức xúc. Đơn cử như trường hợp vi phạm trật tự xây dựng của gia đình ông Hoàng Hải, tại ngách 95/36 đường Phạm Văn Đồng (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Công trình làm từ cuối tháng 12/2014, gia đình ông Hải đã tự ý trổ cửa ra vào, cửa sổ ra ngõ chung, đối diện với nhà ông Trịnh Huy Mùi (60 tuổi), trú tại số nhà 5 (cùng ngách 95/36). Khi xây dựng tầng hai, công trình xây ban công lấn ra ngõ đi chung, sai hoàn toàn với thiết kế.

Phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.


Ngay sau khi thấy công trình sai phạm, gia đình ông Trịnh Huy Mùi đã làm đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền yêu cầu giải quyết vi phạm trật tự xây dựng. Gia đình ông Hải đã khắc phục bằng cách bịt cửa ra vào và cửa sổ ở tầng 1. Tuy nhiên, hành lang ban công tầng 2 lấn chiếm ngõ đi chung vẫn không được khắc phục, thậm chí còn cơi nới đặt khung sắt. Chính quyền địa phương và thanh tra xây dựng quận Bắc Từ Liêm cũng thừa nhận công trình xây dựng sai với thiết kế, nhưng coi đây là “chuyện nhỏ” và không giải quyết một cách triệt để, gây bức xúc trong dư luận khu dân phố.

Không chỉ khu vực dân cư, mà các vi phạm trật tự xây dựng còn diễn ra khá phổ biến tại các dự án. Như vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án bãi đỗ xe kết hợp cây xanh tại một số ô đất của Khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng (Yên Hòa, Cầu Giấy). Thanh tra Xây dựng và quận Cầu Giấy đã xử phạt hành chính, yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục và thu hồi số lợi bất hợp pháp hơn 1,6 tỷ đồng. Hoặc vụ xây dựng sai phép tại tòa nhà chung cư 93 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), đoàn thanh tra liên ngành đến kiểm tra nhưng chủ đầu tư không hợp tác, khóa cửa vào tầng 30. UBND thành phố đang giao cho Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện quá trình triển khai dự án và quản lý, vận hành chung cư này.

Năm 2015 thành phố Hà Nội tiếp tục chọn là “Năm trật tự văn minh đô thị”. Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương và ngành liên quan tiếp tục tập trung tuyên truyền về trật tự xây dựng đô thị… và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Theo ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đây là những vi phạm trật tự xây dựng khá phổ biến mà chính quyền cơ sở chưa làm nghiêm. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, tại thành phố có hơn 3.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng (trong đó không phép hơn 1.200 trường hợp; sai phép 552 trường hợp; ảnh hưởng đến công trình lân cận, môi trường 122 trường hợp….). Tuy nhiên, số công trình vi phạm đang xử lý chỉ là 358. Nguyên nhân tình trạng nhiều công trình vi phạm trật tự chưa bị xử lý là do chính quyền cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng chưa xử lý kiên quyết, kịp thời. “Đó là những công trình 20-22 ngõ Huế (quận Hai Bà Trưng), khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì)… Mặc dù Thanh tra Sở Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, nhưng chưa được quận, phường xử lý kịp thời theo quy định. Khi công trình vi phạm bị phát hiện, lập biên bản, nhưng không được khắc phục ngay, thậm chí một số xã phường không gửi quyết định đến cơ quan công an, điện, nước để phối hợp xử lý như cấm thợ, xe vận chuyển vào công trình vi phạm”, ông Võ Nguyên Phong cho biết.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa được làm thường xuyên, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị còn nhiều bất cập, chưa sát với nhu cầu xây dựng thực tế. “Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật xây dựng của chủ đầu tư, chủ công trình còn thấp, thậm chí biết là sai vẫn cố tình vi phạm”, ông Phong đánh giá.

Vai trò của chính quyền cơ sở

Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng có vai trò rất lớn của chính quyền địa phương. “Hiện nay, quy chế phối hợp giữa Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện; UBND xã phường thị trấn, đã được ban hành. Theo đó, lực lượng thanh tra xây dựng chịu sự quản lý của Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận huyện theo nguyên tắc “song trùng chỉ đạo”. Thanh tra Sở quản lý, chỉ đạo về chuyên môn, còn UBND quận huyện thị trực tiếp điều hành công việc. Trong trường hợp phát sinh công trình vi phạm thì UBND quận huyện mới có đủ thẩm quyền và nguồn huy động để phục vụ cho công tác xử lý vi phạm, nhất là trường hợp cưỡng chế công trình vi phạm. Vì vậy, nếu chính quyền địa phương không phối hợp thì sẽ rất khó khăn khi xử lý”, ông Võ Nguyên Phong cho biết.

“Trong khi chưa khắc phục hết được sự thiếu đồng bộ về quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng thì rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt các cấp chính quyền cơ sở. Trong đó, khi nhận được hồ sơ vi phạm do lực lượng thanh tra xây dựng chuyển đến, chính quyền cơ sở phải khẩn trương ban hành các quyết định xử lý và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tránh để các công trình tiếp tục vi phạm dẫn đến khó khăn trong việc xử lý tiếp theo”, ông Võ Nguyên Phong đề xuất.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, thủ tục cấp phép cần được cải tiến. “Theo đánh giá của người dân, thủ tục này vẫn còn rườm rà, chất lượng chuyên môn trong cấp phép xây dựng còn hạn chế”, ông Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban pháp chế HĐND Hà Nội cho biết.
Xuân Minh - Đức Chung
Có việc bao che cho vi phạm trật tự xây dựng?
Có việc bao che cho vi phạm trật tự xây dựng?

Một công trình xây dựng nhà cao tầng sai thiết kế, lấn không gian một phần điện tích đất công; trổ cửa sổ ra ngõ đi chung khiến người dân bức xúc, nhưng UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn không xử lý dứt điểm, để dây dưa kéo dài…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN