'Mặt tối' của sản phẩm điện tử

Theo nhận xét của ông Sanjiv Pandita, chuyên gia Trung tâm giám sát nguồn nhân lực châu Á-AMRC, đằng sau "ánh hào nhoáng" của các sản phẩm điện tử và phát triển công nghiệp là những mặt tối mà chúng ta không dễ nhìn thấy.

Theo ông, hơn một phần tư của một tỷ còn chip được sản xuất hàng năm đòi hỏi việc sử dụng một lượng đáng kinh ngạc của hóa chất độc hại, kim loại và các loại khí.

Rác điện tử để lại nhiều nguy cơ về môi trường và sức khỏe.


Hóa chất độc hại là nguyên liệu cần thiết cho thiết bị điện tử, hàng ngàn hóa chất đang được sử dụng trong quá trình sản xuất ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động, cộng đồng và môi trường. Vấn đề này đã được nhiều quốc gia trên thế giới từ Mỹ, đến Scotland, Hàn Quốc cảnh báo.

Ý kiến trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “An toàn môi trường và sức khỏe nghề nghiệp trong các nhà máy sản xuất và lắp ráp điện tử: Kinh nghiệm quốc tế và hướng giải pháp cho Việt Nam” ngày 7/1 tại Hà Nội, với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Xác định công nghiệp điện tử là một trong những ngành quan trọng, Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên cho ngành này. Vì vậy, các tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới như Intel, Samsung, Canon, Shap, Panasonic…đã và đang tích cực đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay trên cả nước có hơn 500 nhà máy, công ty điện tử và 2/3 trong số đó là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, 3/4 công nhân tại các công ty là nữ.

Theo bà Ngô Vân Hoài, Trưởng nhóm nghiên cứu của CDI: Ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu toàn diện về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử, cũng như các chương trình nâng cao nhận thức các tác động tiêu cực của ngành này đối với sức khỏe con người và môi trường. Xuất phát từ thực tế đó, CDI đề xuất với Tổ chức Oxfam Bỉ (OSB) trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của công nhân nhập cư tại các khu công nghiệp Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương" tiến hành hoạt động nghiên cứu “Bước đầu đánh giá ảnh hưởng của điều kiện lao động đến người lao động nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử ở Việt Nam”.

Qua đó, nghiên cứu đã kết luận điều kiện lao động của ngành sản xuất và lắp ráp điện tử ở mức độc hại và nguy hiểm. Nhất là ở một số công đoạn như sản xuất pin, con chíp, test chức năng có thể ở mức đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, với các hóa chất nguy hiểm, bức xạ ion hóa và không ion hóa; công việc căng thẳng và tác hại của việc làm đêm với độ dài ca 9-12 giờ.


Đặc biệt trong tổng số hơn 200.000 lao động trong ngành này, có tới 80-85% là lao động nữ. Báo cáo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế tính đến 31/12/2012, có khoảng 28.000 lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó khoảng 10% liên quan đến hóa chất.

Bên cạnh đó, ước tính lượng rác thải điện tử ở Việt Nam lên tới 90.000 tấn mỗi năm. Chưa kể với hành lang pháp lý khá lỏng lẻo, Việt Nam không thể kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu rác thải điện tử, nên đang trở thành một bãi rác điện tử của thế giới. Đây là loại rác thải cực kỳ độc hại và nguy hiểm hủy diệt môi trường và sức khỏe con người, khi không được xử lý đúng luật sẽ gây ô nhiễm cả 3 nguồn đó là không khí, đất và nước.

Để Việt Nam phát triển một nền “Công nghiệp điện tử an toàn, bền vững”, các chuyên gia và các đại biểu tham dự tọa đàm đều nhất trí cho rằng, cần phải tập trung đánh giá, nghiên cứu toàn diện về an toàn – vệ sinh lao động trong ngành điện tử của Việt Nam hiện nay. Đồng thời rà soát, hoàn thiện các văn bản về tiêu chuẩn an toàn lao động trong ngành điện tử.


Văn Hào
Lo ngại về sức khỏe người lao động nếu tăng thời gian làm thêm

Tại Hội nghị giao ban báo chí về pháp luật lao động, pháp luật công đoàn ngày 25/10 tại Hà Nội, ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng người lao động có nguy cơ bị cạn kiệt sức lao động sớm nếu tăng thời gian làm thêm so với quy định hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN