Cảnh báo việc xem nhẹ sức khỏe người lao động

TP Hồ Chí Minh có trên 76.000 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp và có 16 khu công nghiệp - khu chế xuất, với gần 1.000 doanh nghiệp. Tổng số lao động đang làm việc tại TP là trên 2,8 triệu người. Tuy nhiên, công tác quản lý đo đạc môi trường và khám chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động đang bị xem nhẹ.

Quản lý chồng chéo

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến việc khắc phục tình trạng bệnh nghề nghiệp của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN) là do sự quản lý chưa thống nhất giữa các cơ quan đo đạc môi trường.

Nhiều người lao động làm việc trong môi trường độc hại nhưng không sử dụng khẩu trang do chủ quan và thiếu nhận thức về bệnh nghề nghiệp.


Bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường TP Hồ Chí Minh (TTSKLĐMT TP.HCM) cho biết: Phải nhìn nhận công tác kiểm tra môi trường lao động hiện vẫn lẫn lộn giữa môi trường bên trong và bên ngoài DN. Cụ thể, Phân viện Nghiên cứu Bảo hộ lao động tại TP.HCM kết hợp với Phòng Quản lý đô thị các quận, huyện có nhiệm vụ đo đạc môi trường bên trong các cơ sở sản xuất, tuy nhiên lại có quy định cho rằng môi trường bên trong là thuộc phần quản lý của ngành y tế. Hoặc theo quy định của Bộ Y tế: Các đội y tế dự phòng chỉ có chức năng lập hồ sơ vệ sinh lao động, kiểm tra các cơ sở khắc phục những yếu tố độc hại sinh ra trong quá trình sản xuất; còn khoa y tế lao động của TTSKLĐMT TP.HCM có nhiệm vụ giám sát môi trường lao động, kiểm soát các yếu tố độc hại. Nhưng trên thực tế, một số đội y tế dự phòng tại địa phương cũng được trang bị máy móc để đo đạc. Ngoài ra, theo quy định của Nhà nước khi bộ, ngành đi đo đạc môi trường lao động tại các DN phải thông báo và có sự giám sát của TTSKLĐMT, phải phối hợp với các ban, ngành địa phương sở tại. Tuy nhiên khi đo đạc thường không có đơn vị nào thực hiện trách nhiệm thông báo.

Theo báo cáo của TTSKLĐMT TP.HCM, qua kiểm tra 1.184 DN trong năm 2010, kết quả đo đạc đa số vượt tỉ lệ mức độ cho phép như nhiệt độ 16,28%, ánh sáng 12,63%, tiếng ồn 15,96% , tốc độ gió 3,67%, khí độc 2,53%... Trong đó, tiếng ồn và hơi khí độc có ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động cao nhất, cho dù tiếng ồn, hơi khí độc không gây chết người ngay nhưng lại có tác động lâu dài tới sinh lý, sức khỏe, thần kinh, tâm lý... của con người. Ngoài ra, các yếu tố thường gây bệnh nghề nghiệp như: Nóng, lạnh, ồn, rung, bụi, khí độc, nhiễm khuẩn... chưa được giám sát chặt chẽ và nhiều DN khi vi phạm kêu khắc phục nhưng mức độ cải thiện còn hạn chế, chính những điều trên đang ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người lao động.

“Nhầm lẫn” giữa khám sức khỏe và khám bệnh nghề nghiệp

Báo cáo gần đây nhất của TTSKLĐMT TP.HCM cho thấy, việc tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động hiện đang làm việc trong môi trường lao động có yếu tố nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp cao trên địa bàn thành phố mới chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn là 34,4% so với việc khám sức khỏe định kỳ là 95,5%. Bởi nhiều DN vẫn “nhầm lẫn” giữa khám sức khỏe với khám bệnh nghề nghiệp. Điều này đang gây tổn hại đến sức khỏe và quyền lợi của người lao động.

Bác sỹ Nguyễn Văn Rồng, Đại diện Trung tâm y tế dự phòng quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh cho biết: Đa số doanh nghiệp trên địa bàn có thực hiện việc khám sức khỏe cho người lao động, tuy nhiên việc khám sức khỏe không thể khám đủ hết các chuyên khoa do đó không tầm soát được hết bệnh nghề nghiệp để có biện pháp chữa trị kịp thời cho người lao động. Vì vậy, DN cần phải tìm hiểu kỹ để phân biệt khám sức khỏe khác với khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Theo ông Vũ Xuân Đán, Trưởng khoa Vệ sinh lao động - Sức khỏe trường học thuộc TTSKLĐMT TP. HCM: Để làm tốt công tác giám sát vệ sinh môi trường lao động và khám sức khỏe bệnh nghề nghiệp cho người lao động, trước tiên cần nâng cao năng lực quản lý bằng cách nâng cao chuyên môn của đội ngũ cán bộ khoa học và đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giám sát môi trường lao động. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho các DN hiểu sâu rộng hơn về chăm sóc sức khỏe cho người lao động và các yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động thường gây bệnh nghề nghiệp; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền tới các chủ sử dụng lao động cũng như bản thân người lao động về vệ sinh an toàn lao động...

Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN