Lo ngại về sức khỏe người lao động nếu tăng thời gian làm thêm

Tại Hội nghị giao ban báo chí về pháp luật lao động, pháp luật công đoàn ngày 25/10 tại Hà Nội, ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng người lao động có nguy cơ bị cạn kiệt sức lao động sớm nếu tăng thời gian làm thêm so với quy định hiện nay.

Theo ông Chính, việc tăng thời gian làm thêm trong điều kiện chưa xây dựng cơ chế giám sát, chế tài xử lý vi phạm sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp (DN) lợi dụng thời gian làm thêm để giảm bớt bảo hiểm y tế, tạo cơ hội cho chủ DN khai thác triệt để sức lao động. Hậu quả, người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với độ tuổi lao động hiện hành. Mặt khác, nếu so sánh thời gian làm việc của cán bộ công chức với người lao động trong DN thì một tháng họ đã phải làm nhiều hơn so với cán bộ công chức ít nhất là 32 giờ.

Nếu cho phép thời gian làm thêm 1 năm là 360 giờ thì người lao động quanh năm chỉ biết làm việc, không có thời gian để học tập nâng cao trình độ và chăm sóc gia đình. “Hơn nữa, việc kéo dài thời gian làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ, sản xuất ngày càng phát triển thì thời gian làm việc phải giảm xuống nhằm đảm bảo sức khỏe đời sống người lao động chứ không phải tăng lên”, ông Chính nói.


Mạnh Minh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN