Sen trong cuộc sống và nghệ thuật người Việt

Lần đầu tiên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày “Sen trên cổ vật”, không chỉ để giới thiệu những giá trị, ý nghĩa của hoa sen, một loài hoa cao quý, mà hơn thế, trưng bày lần này còn biểu hiện cho khát vọng hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ trong tâm thức, đời sống người Việt từ ngàn xưa đến nay.

Hoa sen trở thành biểu tượng trong đời sống người Việt. Trong ảnh: Lư hương hình hoa sen.


Hơn 100 hiện vật tiêu biểu có niên đại từ thế kỷ 7 - 9 tới thời Nguyễn (1802 - 1945) được giới thiệu trong trưng bày chuyên đề “Sen trên cổ vật”, khai mạc ngày 14/5/2015 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) đã phác họa lịch sử phát triển của nghệ thuật tạo hình và trang trí gắn với biểu tượng hoa sen trong dòng chảy văn hóa Việt, đồng thời giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp tinh túy và ý nghĩa của biểu tượng hoa sen trong tâm thức của người Việt.

Trong hàng trăm cổ vật được giới thiệu trong trưng bày lần này, mỗi cổ vật đều chứa đựng những thông điệp văn hóa, lịch sử đến công chúng, như gạch lát nền in hình nổi hoa sen mãn khai bằng đất nung thời Lý (thế kỷ 11-13), chân đèn hình đài sen bằng gốm men nâu, thời Trần (thế kỷ 13-14), hộp vẽ khóm sen và chim, chất liệu gốm hoa lam, thời Lê Sơ (thế kỷ 15, hiện vật tàu đắm Cù Lao Chàm), lư hương hình lá sen bằng gốm men rạn, thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17-18), tranh thêu sen - hạc (thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại, năm 1935). Rất nhiều hiện vật như ang rửa bút hình lá sen bằng ngọc, hộp chạm lộng hoa lá trong ô cánh sen bằng vàng, hộp thuốc đúc nổi hình sen- uyên ương bằng bạc, chậu hình lá sen bằng ngọc… là những hiện vật có từ thời thời Nguyễn (thế kỷ 19-20). Những hiện vật này được chia thành nhiều nhóm, gồm: Sen trên cổ vật cung đình triều Nguyễn; sen trong nghệ thuật Phật giáo, vật dụng nghi lễ và đồ thờ cúng; sen trên vật liệu kiến trúc; sen trong đời sống xã hội và tranh thêu đề tài hoa sen.

Qua các hiện vật trưng bày có thể thấy, trải suốt chiều dài lịch sử, hình tượng hoa sen dày đặc trong các kiến trúc, phù điêu, đồ dùng sinh hoạt cung đình, sinh hoạt dân gian... Trong hàng trăm ngàn cổ vật đang lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, sưu tập hiện vật trang trí hoa sen, tạo hình hoa sen cũng chiếm số lượng lớn, xuất hiện trên nhiều loại hình khác nhau. Từ cổ vật đất nung, sành, gốm, gỗ, đá, đồng đến các đồ quý bằng ngọc, vàng, bạc... Họa tiết khi chân thực, phóng khoáng, lúc được cách điệu, biến hóa, thể hiện trình độ thẩm mỹ tinh tế và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân xưa.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đây là lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức triển lãm “Sen trên cổ vật”, không chỉ để giới thiệu những giá trị, ý nghĩa của loài hoa, mà đó còn là biểu hiện cho khát vọng hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ trong tâm thức, đời sống người Việt từ ngàn xưa đến nay. Đây cũng lần đầu tiên, hình tượng sen xuất hiện trải dài trong một không gian rộng lớn, từ những cổ vật đặc trưng của vùng Nam Bộ cho đến văn hóa Chăm Pa khu vực miền Trung, và đỉnh cao là hình tượng sen trong văn hóa Đại Việt, đặc biệt trên sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn. Cũng theo ông Cường, trưng bày Sen trên cổ vật cũng hàm chứa thông điệp về sức sống mãnh liệt, trường tồn của hoa sen, tựa như phẩm chất kiên cường vượt qua thử thách của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử. Cho đến hôm nay, sen vẫn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp thẩm mỹ, luôn gần gũi, nâng niu, nuôi dưỡng các giá trị truyền thống của văn hóa Việt.

Nói về về biểu tượng sen trong đời sống người Việt, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, cây sen và hoa sen là thảo mộc tồn tại phát triển trên mọi miền đất nước Việt Nam, gắn bó với đời sống người dân và trở thành một phần trong tâm thức của người dân về vẻ đẹp của nó. Đặc biệt, với một quốc gia gắn bó với đạo Phật từ lâu đời, hoa sen cũng là biểu tượng của phật giáo Việt Nam. Chính vì thế, trong đời sống tự nhiên, sen không chỉ là một loài hoa trang trí, là thảo mộc có thể sử dụng được trong nhiều việc khác nhau… mà quan trọng nhất, cây sen và hoa sen đã trở thành vẻ đẹp, mà vẻ đẹp đó đã trở thành mô típ về mặt mỹ thuật, được thể hiện trên rất nhiều chất liệu khác nhau, rất nhiều vật phẩm khác nhau từ đời sống cung đình đến đời sống dân gian. Sen như biểu tượng tinh thần của người Việt, nó gần gũi đến mức đã có lúc chúng ta đặt vấn đề nó là quốc hoa. Hoa sen cũng phổ biến ở rất nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia theo đạo Phật như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… nên nó cũng là một yếu tố để có thể gắn kết nhiều cộng đồng, nhiều nền văn hóa trên một hình tượng chung, đó là hoa sen.

Theo đánh giá của nhà sử học Dương Trung Quốc, cuộc trưng bày lần này đã lựa chọn chủ đề gợi cho người xem nhiều suy nghĩ khác nhau, nhưng quan trọng nhất, nó giúp công chúng, những người dân ở những công việc khác nhau nhận thức được giá trị, sự gắn kết của hoa sen đối với những dân tộc Việt Nam, và trong tâm thức của chúng ta càng cảm thấy bông sen trở nên gần gũi và nó như những biểu trưng của dân tộc Việt Nam.

Phương Hà

Hà Nội có thêm một biểu tượng hoa sen
Hà Nội có thêm một biểu tượng hoa sen

Nữ họa sỹ Nguyễn Thu Thủy, Công dân ưu tú của Thủ đô năm đầu tiên, đã chính thức hoàn thành “Đài phun nước bông sen vàng gắn gốm” tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng (trên phố Mai Xuân Thưởng, đầu đường Thanh Niên, cạnh Hồ Tây).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN