Ra mắt Truyện Kiều song ngữ Đức-Việt tại Berlin

Ngày 1/5 tại Berlin, nhóm thực hiện dự án Truyện Kiều song ngữ Đức-Việt đã lần đầu tiên cho ra mắt cuốn sách song ngữ Đức-Việt này trên cơ sở bản gốc tiếng Việt của danh nhân văn hoá Nguyễn Du và bản dịch tiếng Đức của vợ chồng cố nhà thơ người Đức Irene và Franz Faber.

Thứ tự từ trái sang: Nhà văn Lê Minh Hà, nữ diễn viên kịch Irma Münch-Minetti và dịch giả Trương Hồng Quang tại lễ ra mắt cuốn Truyện Kiều song ngữ Đức-Việt.

Tham tán Công sứ Thương mại Nguyễn Hữu Tráng, đại diện nhiều tổ chức hội đoàn cùng đông đảo bạn bè người Đức và cộng đồng người Việt tại Đức đã tới dự.

Với sự tài trợ của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức, Tiến sĩ ngôn ngữ Trương Hồng Quang, người có ý tưởng thực hiện dự án trên, đã hoàn thành việc tái bản tiếng Đức "Truyện Kiều" (Das Mädchen Kiều) của vợ chồng cố dịch giả Irene và Franz Faber bên cạnh bản gốc tiếng Việt, với sự hỗ trợ đắc lực của nhà thiết kế sách Angelika Schulze và hình minh họa bìa của nữ họa sĩ Claudia Việt-Đức Brochers.

Đông đảo cộng đồng và bạn bè Đức tới dự.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Tiến sĩ Trương Hồng Quang nhấn mạnh, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du - người đương thời của thi hào Đức Goethe ra đời từ 200 năm trước, từ lâu đã trở thành biểu tượng ngôn ngữ – văn chương của nền văn hóa Việt Nam. Tính đến nay, tác phẩm đã được dịch ra trên 20 ngôn ngữ. Cụ Franz Faber, một nhà báo thời CHDC Đức, khi sang Việt Nam đã được Bác Hồ tặng cuốn "Truyện Kiều". Ý thức được giá trị cuốn sách, vợ chồng nhà thơ Faber đã nung nấu ý định dịch cuốn sách sang tiếng Đức để phổ biến sự tinh tuý của tác phẩm cho nhân dân Đức và thế giới. Đối với "Truyện Kiều" bản tiếng Đức, vợ chồng cố nhà thơ Irene và Franz Faber đã phải mất 7 năm liên tục học tiếng Việt, tìm hiểu, tra cứu các ý thơ để hoàn thành tác phẩm này. Bản dịch tiếng Đức đã được xuất bản lần đầu tại CHDC Đức năm 1964 và tái bản một lần năm 1980. Cho tới nay, bản dịch tiếng Đức gần như tuyệt bản và do vậy, cuốn "Truyện Kiều" song ngữ Đức-Việt nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong lần xuất bản này.

Tới thăm dịch giả Franz Faber khi cụ tròn 90 tuổi ngày 14/9/2006.

Theo nữ diễn viên kịch nổi tiếng thời CHDC Đức Irma Münch-Minetti, với chất thi ca cả ở bản gốc cũng như bản dịch tiếng Đức, "Truyện Kiều" sẽ chinh phục người đọc, ngay cả trong "thời đại thật nghèo chất thơ" hiện nay. Theo bà, những vần thơ được diễn đạt một cách kỳ diệu, song hết sức đơn giản này, sẽ đến được với những người trẻ tuổi và bạn đọc nói chung.

Tại buổi lễ, nữ nghệ sĩ Münch-Minetti đã lược đọc phần thơ tiếng Đức và nhà văn Lê Minh Hà thể hiện phần gốc tiếng Việt. Tham dự lễ ra mắt cuốn sách, nghệ sĩ guitar Đặng Ngọc Long đã sáng tác và lần đầu tiên công diễn tại đây toàn bộ "Tổ khúc Kiều" gồm 7 chương. Màn biểu diễn ấn tượng bằng cây đàn guitar cổ điển, với kỹ thuật trình tấu điêu luyện, đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của những người tham dự.

Cuốn "Truyện Kiều" song ngữ dày 442 trang được in ấn tại Nhà xuất bản Thế giới ở Hà Nội và gần 750 bản in đã được chuyển sang Đức.

Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Đức)
Truyền cốt lõi văn hóa qua lớp tiếng Việt tại Thụy Sĩ
Truyền cốt lõi văn hóa qua lớp tiếng Việt tại Thụy Sĩ

Việc duy trì và gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ mai sau luôn là mối bận tâm của nhiều người Việt tại Thụy Sĩ, nhất là những người xa quê hương mấy chục năm và đã ít nhiều hội nhập cuộc sống của mình tại nước sở tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN