Truyền cốt lõi văn hóa qua lớp tiếng Việt tại Thụy Sĩ

Việc duy trì và gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ mai sau luôn là mối bận tâm của nhiều người Việt tại Thụy Sĩ, nhất là những người xa quê hương mấy chục năm và đã ít nhiều hội nhập cuộc sống của mình tại nước sở tại.

Tiến sĩ Hoàng Văn Khẩn.

Tự hào về ngôn ngữ và có phương pháp dạy những cốt lõi văn hóa cô đọng của hồn tiếng Việt sẽ giúp cho các thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và trao truyền ngọn lửa văn hoá cho những đời sau.

Phóng viên TTXVN tại Geneva đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Văn Khẩn, Chủ tịch hội Nhịp cầu thái bình "Le Pont du Pacifique", và là người trực tiếp mở các lớp và soạn thảo các chương trình dạy tiếng Việt tại Thụy Sĩ xung quanh đề tài này:

PV: Tiến sĩ có thể cho biết tâm huyết và mong muốn khi mở các lớp dạy tiếng Việt ở Thụy Sĩ kể từ năm 2005 đến nay?

TS Hoàng Văn Khẩn: Khoảng năm 2005, chúng tôi mở lớp dạy tiếng Việt với sự giúp đỡ của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Genève lúc đó. Sau một vài năm đi vào ổn định, cùng với sự cộng tác của một số Việt kiều tâm huyết, hội Nhịp cầu thái bình và Trường Âu Lạc Việt đã được thành lập và trở thàng cây cầu nối giữa Thụy Sĩ và Việt Nam thông qua việc dạy tiếng Việt để quảng bá văn hóa Việt Nam đến các học viên.

Các lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em có số lượng học sinh đông hơn và được gọi là lớp vỡ lòng. Trên nguyên tắc có thể có 12 em mỗi lớp, nhưng trung bình có khoảng 10 em ở độ tuổi 5 hoặc 6. Thậm chí, có những bé 4 tuổi đã được bố mẹ đưa đến học để cho quen với mặt chữ. Đối với lớp vỡ lòng, các thầy cô giáo chủ yếu là tập hát để các em có thể nhớ âm một cách tự nhiên. Các em nhỏ có thể học trong một năm, mỗi khóa kéo dài khoảng 3 tháng.

Ngoài ra, còn có các lớp cho người lớn với mỗi lớp học khoảng 4 đến 5 người dựa trên các trình độ khác nhau. Ví dụ như trình độ một để biết nói. Trình độ hai có thể biết đọc. Trình độ ba đã biết viết được một bài ngắn. Trình độ bốn với yêu cầu cao hơn. Tuy nhiên, cả bốn trình độ đều được dạy xen kẽ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để qua đó học viên học được cách phát âm, từ vựng, cách nói và viết theo đúng ngữ pháp. Những bài học theo giáo trình tự biên soạn theo cấp độ và được chỉnh sửa thường niên cho phù hợp với đối tượng học viên, nhưng với mục tiêu xuyên suốt là đưa được những nét văn hóa đặc sắc như biểu tượng Trống Đồng Việt Nam hay những bài học lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta qua các đời vua Hùng, những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam như "lá lành đùm lá rách", "con hơn cha là nhà có phúc", "thương người như thể thương thân"... Bên cạnh đó, còn có lớp học trình độ 5, dành cho những người đã học hết rồi có thể quay lại để nói chuyện, đàm thoại bằng tiếng Việt.

Bình quân mỗi khoá học kéo dài 3 tháng, thường học vào thứ Tư và vào cuối tuần. Nhờ thuê được phòng rẻ, nên học phí học tiếng Việt không cao. Cứ mỗi lớp khoảng 4 học viên là đủ tiền trả thầy cô giáo, ngoài ra còn dành để tổ chức các chương trình đón như Tết Trung Thu, Tết cổ truyền để các học viên cảm nhận được sâu sắc hơn những nét văn hóa cốt lõi của người Việt để dần có dịp tìm hiểu trở lại.

PV: Phương pháp dạy và cách soạn giáo trình đóng vai trò thế nào trong việc khơi dậy niềm say mê học tiếng Việt học của học viên?

TS Hoàng Văn Khẩn:
Ngôn ngữ phát triển đầu tiên là âm thanh. Một đứa bé Việt mới chào đời đã được học cái chất hiền hòa qua lời ru của người mẹ, thậm chí ngay từ trong bụng mẹ nên được gọi là tiếng mẹ đẻ (chứ không phải cha đẻ). Muốn học được âm thanh của ngôn ngữ thì việc đầu tiên phải có phương pháp dạy, từ đó mới có thể khích lệ việc phổ biến tiếng Việt ra bên ngoài. Các thầy cô giáo cần phải có phương pháp sư phạm để truyền được cảm hứng mới mang lại kết quả cao nhất.

Việc lựa chọn bài hát đồng dao, dân ca, bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Hoàng Việt đưa vào giáo trình dạy cũng cần phải chú trọng đến yếu tố âm thanh của ngôn ngữ. Bài Nhạc rừng là một ví dụ. Âm thanh và hình ảnh được thể hiện rõ qua ngôn ngữ: Cúc cu! Cúc cu! Chim rừng ca trong nắng... Lao xao! Rì rào!... Róc rách! Róc rách! nước luồn qua khóm trúc....
Tiếng Việt dùng mẫu tự La-tinh nên đối với người nước ngoài việc học tiếng Việt sẽ dễ hơn so với học một số ngôn ngữ ở các nước châu Á khác như tiếng Trung, tiếng Hàn... Tuy nhiên, hệ thống thanh âm trong tiếng Việt cũng khá khó, các giáo viên cũng đừng quá đi sâu vào vấn đề này vì có thể gây ra sự nản chí của người học viên. Cố gắng quay vòng sử dụng những từ thông dụng để người học có thể sử dụng tiếng Việt để chuyện trò bình thường trong đời sống thường ngày, còn những từ ngữ chuyên môn, văn chương hoặc có tính hàn lâm (tiếng Việt cao cấp) thì chỉ dạy cho một số đối tượng nhất định có nhu cầu.

Một xu hướng trong ngôn ngữ hiện đại là "đơn âm hóa". Ví dụ trong tiếng Anh: How are you? (Bạn có khỏe không?), còn trong tiếng Việt: Tôi đi học? Đây là xu hướng chung nên cần phải chú ý khi Việt hóa một số từ ngữ nước ngoài. Nên cố gắng tối đa là ba âm, thậm chí càng sử dụng được đơn âm là tốt nhất. Việt Nam cần có một cơ quan chịu trách nhiệm và có thẩm quyền hành chính để quyết định chuẩn hóa một số từ ngữ tiếng Việt dựa trên khoa học để thống nhất sử dụng ở trong nước. Nên nhớ có sự khác biệt giữa Việt hóa và dịch hóa ngôn ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài, cần chú ý đến phương ngữ của các dân tộc để bổ sung vào vốn từ tiếng Việt thêm phong phú và đảm bảo tính hài hòa trong vấn đề ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số. Qua sự giao thoa, hợp tác và mối quan hệ giữa Việt kiều và người nhà ở trong nước, hệ thống từ ngữ chuẩn ở trong nước sẽ tự động chuyển ra nước ngoài để tạo sự đồng bộ trong việc dạy tiếng Việt cả ở trong nước và nước ngoài.

PV: Tiến sĩ đánh giá ra sao về việc tiếp tục gìn giữ và trao truyền tiếng Việt và niềm tự hào về ngôn ngữ tại Thụy Sĩ?

TS Hoàng Văn Khẩn:
Thụy Sĩ là một quốc gia đa ngôn ngữ, tiếng Việt cũng như chữ quốc ngữ có một lợi thế trong mối tương quan phát triển lập trình điện toán. Hoạt động mã hóa văn tự là yêu cầu của thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Với tâm huyết phát triển tiếng mẹ đẻ và văn hoá nước nhà, chắc chắn sẽ tìm ra nhiều cách thức cụ thể. Việc đúc rút những bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, biện pháp mới luôn là điều cần thiết đối với những người gắn bó với lĩnh vực văn hóa và giáo dục.

Tự hào về một ngôn ngữ một điểm quyết định. Chữ Quốc Ngữ được chế tác từ thế kỷ XVI và chỉ khoảng 100 năm sau đã nhanh chóng phát triển, giành được vị trí văn tự chính thức trên lãnh thổ Việt Nam nhờ sự thuận tiện và phù hợp với cộng đồng người Việt. Sau ngày ra đời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (2/9/1945), chữ Quốc Ngữ được dùng như văn tự chính thống của Việt Nam cả trong hoạt động của nhà nước lẫn trong mọi sinh hoạt thường ngày. Ngày nay, số đông người Việt và hầu hết người nước ngoài biết đến Việt Nam thường biết thứ chữ Quốc Ngữ này dưới tên gọi chữ Việt, chữ của tiếng Việt.

Người Việt có thể tự hào về tính xã hội tự nhiên và có văn hóa. Người Việt qua các thế hệ được hấp thụ đầy đủ sự giáo dục hướng thiện của cha ông. Ca dao tục ngữ Việt Nam không dạy con người phân biệt, giành giật, hận thù, chém giết lẫn nhau. Nó dạy con người "ở hiền gặp lành", "thương người như thể thương thân". Trong gia đình, mọi người có trách nhiệm với nhau, con cái phục dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Trong khi đó, xã hội phương Tây thừa vật chất nhưng thiếu đi tinh thần. Việc con cái nắm được ngôn ngữ tiếng Việt cũng là hiểu được truyền thống Việt Nam.

Do văn hóa hai nước khác nhau nên cũng cần phải chú trọng đến việc viết bài, mỗi năm chỉnh sửa sao cho phù hợp với đối tượng, thói quen, cấu trúc ở nước sở tại. Tài liệu phải được soạn thảo theo đúng tiêu chuẩn của học sinh Thụy Sĩ chứ không phải học sinh Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng phải cố gắng tạo môi trường văn hóa và những cơ hội để các em tham gia vào các sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng để góp phần bảo tồn tiếng nói và văn hoá dân tộc.

Bên cạnh những thành quả tốt đẹp trong quá trình hội nhập đem lại, cũng phải đối diện với những mất mát không thể tránh. Song đánh mất tiếng mẹ đẻ gần như đồng nghĩa với đánh mất cội nguồn, một lịch sử bốn ngàn năm văn hiến huy hoàng của dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở CH Séc
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở CH Séc

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương do Hội Đồng hương Phú Thọ tại CH Séc tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam, Hội Người Việt Nam cùng với sự phối hợp từ phía các đoàn thể của cộng đồng và 16 hội đồng hương đã diễn ra tại Trung tâm Thương mại Sapa ở Praha tối 17/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN