Nâng cao chất lượng phê bình sân khấu -Bài 3

Ý kiến người trong cuộc


Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên: Người phê bình phải là người có kiến thức sâu về lĩnh vực đó


Sân khấu đang thiếu người ra roi quyết định tốc độ phát triển, mà lý luận phê bình sân khấu phải là cái roi quyết định lớn nhất. Vì thiếu người ra roi mà nghệ thuật sân khấu những năm gần đây dẫu làm được nhiều việc nhưng không có người góp ý xây dựng, chỉ ra những hạn chế, yếu kém để phát triển.

 

Ra mắt CLB nhà báo sân khấu, tạo sân chơi chuyên môn cho những người làm phê bình sân khấu.


Chính vì vậy, cần có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động phê bình sân khấu, trong đó có mảng quan trọng là phê bình trên báo chí. Bởi nếu không có phê bình trên báo chí dẫu có làm tốt cũng sẽ chỉ như người mặc áo gấm đi đêm, ít được công chúng biết đến, trong khi đó đích cuối cùng sân khấu phải hướng tới là công chúng. Các bài viết phê bình sân khấu trên báo chí hiện nay dẫu phản ánh được sinh động, đa dạng hoạt động sân khấu nhưng nhiều khi chỉ chung một công thức: tường thuật vở diễn, giới thiệu tác giả, nhân vật mà ít có đánh giá, nhận định chuyên sâu. Vì vậy, việc tập hợp các nhà báo chuyên viết về lĩnh vực sân khấu, có những trao đổi nghề nghiệp, tiếp nhận thông tin mới về các sự kiện sân khấu để chuyển tải đến công chúng sẽ góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật sân khấu.


Nguyên nhân dẫn tới việc phê bình tách ra khỏi hoạt động sáng tạo của sân khấu đó là do năng lực, nhận thức và kiến thức chuyên môn của các nhà báo trẻ hiện nay quá yếu. Mỗi nhà báo khi nhận theo dõi lĩnh vực nào thì phải trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng bài phê bình kém chất lượng chính là khâu đào tạo. Lẽ ra các tòa soạn khi giao cho phóng viên theo dõi lĩnh vực nào thì cần phải cho họ đi tập huấn, đào tạo lại các kiến thức của lĩnh vực đó. Đã cầm bút viết phê bình nghệ thuật thì nhà phê bình cũng phải được học các kiến thức của chuyên ngành nghệ thuật đó. Bài viết là quan điểm cá nhân của phóng viên nhưng khi tờ báo đã đăng thì đó là quan điểm của tờ báo. Để khắc phục sự yếu kém này không có cách nào khác là phải có sự bồi dưỡng, không biết thì phải học mới có thể phê bình. Mặt khác, tôi cho rằng cũng do quan điểm của một số tờ báo họ không cần bài phê bình mà chỉ cần đăng tải những thông tin mang tính phản ánh, giới thiệu đơn thuần. Theo tôi quan điểm này hoàn toàn sai. Một bài phê bình hay, hấp dẫn và có sức thuyết phục sẽ mang tính định hướng đối với dư luận xã hội và khiến dư luận phải quan tâm nhiều hơn tới hoạt động nghệ thuật sân khấu. Nhà báo phải biết phân tích được tác phẩm hay như thế nào và dở vì sao? Theo tôi ngoài việc đào tạo lại, nhà báo muốn trở thành nhà phê bình cũng phải tự học hỏi và tích lũy kiến thức qua thời gian làm nghề.



Nhà báo, nhà phê bình lý luận Cao Ngọc - Phó trưởng phòng sân khấu Đài Tiếng nói Việt Nam: Phụ thuộc vào chính sự nỗ lực của từng người


Bản thân tôi cũng đã chứng kiến một số nhà hát mời các nhà phê bình sân khấu đi xem nhưng có lẽ vì các nhà phê bình sân khấu hiện nay đều đã có tuổi nên họ cũng ngại đi xem. Bởi trong bối cảnh hiện nay rất hiếm có những vở diễn hay, đi xem một vở diễn vô thưởng vô phạt, không đáng khen, cũng không đáng chê thì cũng thật mất công. Chưa kể là để có một bài viết phê bình sân khấu, người viết phải đầu tư đi lại đêm hôm. Viết xong lại chưa chắc đã được dùng, đơn giản vì các tờ báo in hiện nay rất hiếm cho đăng những bài phê bình tác phẩm sân khấu. Chúng tôi là những người làm báo phát thanh nên có nhiều điều kiện đào sâu hơn về phê bình sân khấu bằng cách tổ chức các chuyên đề, tọa đàm với các nhà làm nghệ thuật để đánh giá các khuynh hướng, các hiện tượng sân khấu nổi trội hiện nay. Có thể chỉ một vở diễn thôi nhưng chúng tôi cũng có thể đi sâu khai thác để làm rõ hơn cái hay, cái dở của nó.


Hiện nay việc đào tạo nhà phê bình sân khấu đang bị bế tắc. 2 năm trở lại đây, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội có chỉ tiêu tuyển lý luận phê bình sân khấu nhưng không có hồ sơ dự tuyển. Sân khấu đang đánh mất đi khả năng giao tiếp với các bạn trẻ khiến họ không hiểu và không thích chuyên ngành đào tạo phê bình sân khấu.


Muốn trở thành một nhà phê bình sân khấu hay phê bình loại hình nghệ thuật nào thì phụ thuộc vào khả năng phấn đấu của từng người. Họ phải tự đầu tư cho mình kiến thức sân khấu bằng cách đọc các sách nghiên cứu của từng loại hình sân khấu. Không phải đọc lướt mà phải đọc để hiểu và phải tự học hỏi những nhà nghiên cứu, những nghệ sĩ có kinh nghiệm. Nắm vững từng đặc trưng của từng loại hình sân khấu sẽ giúp cho họ có khả năng thẩm định được một cách chuẩn mực tác phẩm sân khấu.

 

Ông Trần Minh Ngọc - Tổng biên tập Báo Sân khấu TP.HCM: Nhuận bút cho một bài phê bình quá hẻo!


Phê bình sân khấu rõ ràng đang thiếu đi cái chuẩn mực, các nhà lý luận phê bình sân khấu thì ngày càng gác bút với hai lý do: Thứ nhất vì sân khấu có quá nhiều tác phẩm làng nhàng không đáng để phê bình. Thứ hai là nhuận bút cho các bài phê bình sân khấu quá rẻ mạt, chẳng tội gì mà gây thù chuốc oán mà chê bai để rồi bị giới sân khấu "cạch mặt". Báo Sân khấu TP.HCM trả cao nhất cho 1 bài phê bình cũng chỉ tối đa là 300.000 đồng, trung bình là 150.000 đồng. Chúng tôi luôn gặp khó khăn khi đặt bài phê bình sân khấu cho tờ báo của mình. Đó là lý do Báo Sân khấu TP.HCM luôn thiếu những bài phê bình hay từ những nhà phê bình sân khấu sắc sảo.



Hoài Hương (thực hiện)


Bài cuối: “Sẵn sàng đặc cách chế độ nhuận bút”

Nâng cao chất lượng phê bình sân khấu -Bài 3
Nâng cao chất lượng phê bình sân khấu -Bài 3

Sân khấu đang thiếu người ra roi quyết định tốc độ phát triển, mà lý luận phê bình sân khấu phải là cái roi quyết định lớn nhất. Vì thiếu người ra roi mà nghệ thuật sân khấu những năm gần đây dẫu làm được nhiều việc nhưng không có người góp ý xây dựng, chỉ ra những hạn chế, yếu kém để phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN