Nâng cao chất lượng phê bình sân khấu - Bài 1: Thiếu và yếu

Nghệ thuật sân khấu đang ngày càng xuống cấp, khán giả đã quay lưng, ngoảnh mặt với sân khấu. Trong bối cảnh như vậy, muốn vực dậy một đời sống sân khấu và tăng cường mối quan hệ giữa người xem và sân khấu, rất cần sự nhập cuộc mạnh mẽ của hoạt động phê bình sân khấu, để chỉ ra những điểm yếu và thiếu của sân khấu hiện nay..

 

Bài 1: Thiếu và yếu

 

Trong thập niên đầu thế kỷ 21 và đặc biệt thời gian gần đây, công tác phê bình sân khấu ngày càng trở nên trầm lắng, đơn thuần chỉ là những bài viết khen chê chung chung dựa theo nội dung giới thiệu của vở diễn, dựa theo những ý kiến phát biểu của chính những người làm ra sản phẩm, mà thiếu những chính kiến riêng.

 

Khen, chê dễ dãi


Tạo nên diện mạo viết phê bình sân khấu trên báo chí hiện nay có hai lực lượng: Giới phê bình lý luận sân khấu và các phóng viên theo dõi sân khấu. Trong đó, báo chí chủ yếu sử dụng những bài viết giới thiệu vở diễn, trao đổi trò chuyện với nghệ sĩ, thiếu những bài viết có chiều sâu, khiến giới chuyên môn tâm phục, góp phần thúc đẩy sân khấu phát triển. Thực tế, phần lớn phóng viên sân khấu là những phóng viên mới ra trường về công tác ở các tòa soạn và được phân công theo dõi mảng VHNT trong đó có phê bình sân khấu. Vì có một số tòa soạn cho rằng đây là mảng đề tài “vui vẻ”, dễ viết... Nếu yêu nghề và mong muốn nắm bắt chuyên sâu lĩnh vực mà mình theo dõi thì một số phóng viên lập tức tìm đủ cách để thâm nhập thực tế, lăn lộn tìm hiểu mọi ngóc ngách của lĩnh vực mà mình được phân công theo dõi và họ trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, cũng có không ít số phóng viên có cách viết salon ngay từ việc tiếp cận đối tượng phản ánh cho tới việc thể hiện.

Đã từng có thời nhà báo là nhịp cầu giữa sân khấu và khán giả bằng những bài viết của mình.


Sự bập vào viết mà không có sự tìm tòi, am hiểu, đào sâu nghiên cứu kỹ lĩnh vực đã xảy ra biết bao nhiêu câu chuyện nực cười. Có rất nhiều phóng viên theo dõi sân khấu khi được hỏi thế nào là nghệ thuật biên kịch, sân khấu tự sự, nghệ thuật diễn xuất của diễn viên... đã không đưa ra được những khái niệm cụ thể cơ bản. Rất nhiều những kiến thức cơ bản về sân khấu mà phóng viên theo dõi cũng rất ngô nghê, ví dụ một nhà báo trẻ hỏi nhà thủy đình biểu diễn múa rối được gọi là gì? Cũng khó có thể tưởng tượng khi xem một vở chèo mà nhà báo không biết được đặc điểm cốt lõi của chèo với các yếu tố kịch tính, tự sự, phương pháp biểu hiện tính cách nhân vật, tính chất ước lệ và cách điệu... thì làm sao có thể giới thiệu được cái hay, cái độc đáo của vở một vở chèo.

 

Vậy là họ chọn cách phân tích và kể lại nội dung của vở và khi bàn về cách dàn dựng, thì đưa ra những lời nhận xét chung chung. Vì thiếu sự am hiểu về lĩnh vực văn nghệ mà mình theo dõi đã dẫn tới tình trạng một bộ phận phóng viên hiện nay viết theo kiểu “ăn theo”... Họ chọn cách “truyền đạt” ý kiến dưới hình thức trích dẫn, phỏng vấn và tán thêm gia vị vào. Có thể nói vì thiếu hiểu biết chuyên sâu lĩnh vực được theo dõi, không chịu học hỏi, lăn lộn vào lĩnh vực mà mình theo dõi, nhiều phóng viên chỉ cầm bút viết dựa vào xúc cảm tự nhiên, dẫn tới việc nhận định hay dở về một tác phẩm nghệ thuật thiếu chính xác khiến chính những người trong cuộc được khen chê cảm thấy bất bình.


Phân tích và đánh giá về một tác phẩm, một trào lưu, hoặc về một hiện tượng, một vấn đề nào đó của đời sống văn nghệ hay chỉ đơn thuần là một tác phẩm... để chỉ ra cái hay, cái đẹp cũng như cái phản thẩm mỹ, nhằm góp phần định hướng sự cảm thụ nghệ thuật của con người, là vai trò không thể thiếu của người làm báo viết về phê bình sân khấu. Trong đó có sự góp phần không nhỏ của giới nghiên cứu. Tuy nhiên, ngay với chính bản thân các nhà lý luận phê bình VHNT cũng có tâm lý né tránh.

 

Một nhà LLPB sân khấu đã từng thổ lộ rằng: “Không lẽ bạn mình, chiến hữu của mình có vở mời mình đi xem, mà lại “chơi” bạn bằng một bài chê trên mặt báo hay sao?”. Vậy là người ta đành “ve vuốt" nhau trên công luận, còn chê thì giành ở những buổi trao đổi nội bộ. Chỉ vì một bài báo mà mất quan hệ với cả một tập thể nghệ sĩ thì không phải nhà lý luận phê bình nào cũng dám làm. Bản thân nhà lý luận phê bình còn ngại đụng chạm thử hỏi phóng viên trẻ liệu có gan để cầm bút phê bình khen chê hay không? Sự bàng quan, hoặc thờ ơ và ngại đụng chạm cho ra một loạt những bài báo nói một chiều. Đó là lý do vì sao trên báo chí hiện nay thiếu những bài phê bình sân khấu sắc sảo, thiếu những cuộc luận chiến cho ra trò.


Đầu tư cho phê bình sân khấu


Từ những đòi hỏi bức xúc và mong muốn khắc phục thực trạng khủng hoảng thiếu người viết về lý luận phê bình sân khấu, trong những năm qua Bộ VHTTDL đã lập "Đề án bồi dưỡng tác giả và phê bình sân khấu trẻ". Một trong những đối tượng quan trọng của khóa đào tạo dài 2 năm này chính là đội ngũ phóng viên trẻ đang theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật của các cơ quan báo chí. Tiếc rằng, số nhà báo tham dự lớp học còn quá ít ỏi so với lực lượng nhà báo trẻ hiện nay.


Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vừa cho thành lập “CLB nhà báo sân khấu” được hơn 1 năm, đã tập hợp các cây bút viết về sân khấu trên các phương tiện thông tin đại chúng với mục đích là cầu nối giữa những hoạt động sân khấu của các cơ quan, tổ chức, nhóm hoặc cá nhân nghệ sĩ sân khấu trên cả nước... với công chúng để giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền giáo dục, góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu. CLB cũng đã tổ chức được nhiều hoạt động có kết quả tốt như: Tọa đàm với các đạo diễn sân khấu, tọa đàm giữa các nhà báo với đại diện các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật sân khấu, tọa đàm để tìm ra hướng đi cho kịch hình thể... Nắm lấy lực lượng phóng viên trẻ và bổ sung các kiến thức phê bình VHNT cho họ sẽ giúp cho họ củng cố được tay nghề cũng như ngòi bút phê bình có trọng lượng hơn.


Hoài Hương

 

Bài 2: Không nên né tránh phê bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN