Vô tư giết mổ gia cầm tại chợ trong mùa dịch cúm

Mặc dù, Hà Nội và nhiều thành phố khác đã cấm giết mổ gia cầm tại chợ từ lâu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua bán, giết mổ gia cầm sống tại chợ vẫn diễn ra thường xuyên, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt khi mùa cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát.

Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Ngay giữa chợ Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) có khoảng 5 điểm bán gia cầm sống. Những gian hàng này thường xuyên bốc mùi tanh hôi, rất khó chịu cho người qua lại. Việc giết mổ gia cầm được thực hiện tại chỗ với “công nghệ” xử lý siêu nhanh.

Gia cầm sống được đưa vào một cái xô úp ngược để cắt tiết, sau đó được nhúng vào nồi nước sôi và cho vào lồng quay, chưa tới 5 phút gia cầm đã được xử lý xong. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý gia cầm, những thứ phế thải được gom ngay tại nơi giết mổ, nước thải được người bán vô tư đổ lênh láng ra lề đường, xuống lòng đường.

Gia cầm sống được bày bán, giết mổ 'vô tư' tại chợ Trại Găng (Hà Nội).

Tương tự, tại các chợ Trại Găng (Bạch Mai, Hà Nội), chợ 8-3 (Quỳnh Mai, Hà Nội)… tình trạng mất vệ sinh, giết mổ gia cầm sống cũng diễn ra phổ biến. Phân, lông, máu của gia cầm sau khi giết mổ vương vãi khắp nới, khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng.

Từ lâu TP Hà Nội đã có lệnh cấm buôn bán, giết mổ gia cầm sống tại các chợ cóc, chợ tạm, chợ dân sinh. Nhưng trên thực tế, ở các chợ này đều có những các điểm bày bán gia cầm sống, giết mổ tại chỗ.

Mỗi điểm bán thường có vài chục đến cả trăm con gà, vịt, ngan, chim bồ câu… được nhốt trong lồng, đặt trên lề đường hoặc ngay trong chợ. Hơn nữa, những lồng gà, vịt này được bày ngay cạnh với các gian hàng bán thịt lợn, thịt bò, rau, củ, quả, đồ khô… không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. 

Người tiêu dùng có thể mua gà, vịt... sống dễ dàng tại các chợ trong thành phố.

Mặt khác, do tâm lý tiêu dùng của người tiêu dùng vẫn ưu chuộng sử dụng gia cầm tươi sống hơn là gia cầm đông lạnh nên việc kiểm soát giết mổ ngay tại các chợ vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Do vậy, viêc kiểm soát cúm gia cầm là rất khó khăn

“Mua gà, vịt làm sẵn không biết chất lượng ra sao, được giết mổ khi nào nên chúng tôi không yên tâm. Phải tận mắt thấy gà, vịt còn sống, khỏe mạnh và giết mổ ngay tại chợ thì mới yên tâm”, chị Minh Phương, một người nội chợ tại chợ Thành Công (Hà Nội) cho biết.

Cần những điểm giết mổ tập trung


Theo các chuyên gia nông nghiệp, tập quán của người tiêu dùng Việt là mua gia cầm sống. Do vậy, thay vì giết mổ gia cầm ngay tại chợ thì thành phố nên quy hoạch những điểm giết mổ tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Ông Trần Duy Khanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: “Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác đã cấm giết mổ gia cầm trong thành phố, nhưng thực tế gia cầm vẫn được giết mổ tại đây. Đây là tập quán khó bỏ. Do vậy, không nên cấm hẳn mà phải có khu vực giết mổ tập trung, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhất là hiện nay, cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát cao”.

Gà, vịt sống được bày bán ngay cạnh các loại thực phẩm đã qua chế biến.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: “Thực hiện được việc ngừng giết mổ gia cầm tại các chợ dân sinh là rất tốt. Tuy nhiên, với thói quen của người tiêu dùng Việt là rất khó. Do vậy, để việc giết mổ diễn ra an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh thì phải áp dụng các biện pháp quản lý như: các cơ quan thú y vùng, thú y địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tiêu thụ, buôn bán gia cầm sống tại các chợ, để đảm bảo các gia cầm được mua từ các địa chỉ rõ nguồn gốc và qua kiểm dịch”.

Đối với người tiêu dùng, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nên sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc, có xuất xứ, thay vì mua gia cầm sống ngoài chợ. Có thể sử dụng gia cầm trong các siêu thị lớn, có nguồn gốc xuất xứ, có giấy kiểm dịch để yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ.

Bài và ảnh: H.V
 Người tiêu dùng không nên 'quay lưng' với các sản phẩm gia cầm
Người tiêu dùng không nên 'quay lưng' với các sản phẩm gia cầm

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong mùa dịch cúm gia cầm, người tiêu dùng nên sử dụng gia cầm, trứng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng của các cơ sở uy tín và có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN